Chỉ Đạo Và Quy Luật Kinh Tế Thị Trường
Hôm nay vừa đúng 100 ngày kể từ khi Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về làm việc với UBND huyện Củ Chi, trong đó có đề cập đến những khó khăn của người dân khi nuôi bò, bán sữa.
Dù chỉ đạo của Bí thư Thăng là quyết liệt, nhưng đời sống của hàng trăm hộ dân nuôi bò, bán sữa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở… chỉ đạo.
Tất nhiên là như thế rồi. Bởi thời kinh tế thị trường (KTTT), điều hành sản xuất phải bằng quy luật của thị trường, chứ không thể bằng “tư duy mệnh lệnh”, “tư duy bao tiêu” của thời bao cấp.
Hộ chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi. Ảnh minh họa |
Điều đáng mừng là sau “chỉ đạo”, Vinamilk đã có những bước đi tiến hành đào tạo, tập huấn các yêu cầu về kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc để tiến hành ký hợp đồng thu mua sữa.
Vinamilk cũng khuyến cáo, các hộ chăn nuôi bò sữa cũng phải quyết liệt việc sàng lọc, lựa chọn đàn bò, loại thải ngay những con bò năng suất thấp, tăng quy mô chăn nuôi, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tổ chức thành các tổ, nhóm chăn nuôi bò sữa hoặc hợp tác xã để hướng tới phát triển bền vững, sẵn sàng ứng phó với khả năng giảm giá mua bán sữa để cạnh tranh với sữa các nước khác khi hội nhập trong tương lai gần.
Đây là hành động tích cực của doanh nghiệp, thể hiện tính “định hướng” trong nền KTTT của chúng ta.
Câu chuyện mua, bán sữa cho Vinamilk ở Củ Chi cho chúng ta bài học. Chúng ta đang phải học và tiếp tục học để làm KTTT nhất là KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Vô cùng khó.
So với Việt Nam, sự phát triển của các nước phương Tây có ba điểm khác biệt rất quan trọng: Thứ nhất là, họ khai thác tối đa tài nguyên thiên nhiên của các nước khác; thứ hai là, họ sử dụng một cách rất hiệu quả các nhân tài (tài nguyên con người) của các nước khác do chính sách nhập cư mang lại; và thứ ba là họ bắt đầu đi vào toàn cầu hóa và hội nhập trên cơ sở đã có văn hóa - con người công nghiệp và đô thị hoàn chỉnh.
Việt Nam thì ngược lại ở cả ba điểm. Nút thắt quan trọng nằm ở văn hóa. Chúng ta làm KTTT trên nền tảng tư duy bao cấp, ỷ lại Nhà nước và gặp điểm nghẽn lớn nhất là văn hóa tiểu nông.
Có lẽ trong các khái niệm kinh tế trên thế giới, không có khái niệm kinh tế nào phức tạp bằng khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN mà các học giả Việt Nam miệt mài nghiên cứu ròng rã trong suốt 30 năm qua.
Từ chỗ can thiệp trực tiếp bằng mệnh lệnh hành chính chuyển sang quản lý bằng pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết vĩ mô khác trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường phải là bước chuyển thực chất. Do vậy, câu chuyện mua bán sữa ở Củ Chi cho chúng ta thêm một chứng cứ để nghiên cứu và tiếp cận vấn đề.
Ngô Đức Hành (Theo Pháp Luật Plus)
Receive articles via Email!