Bài Học Còn Lại, Sau Khi Thương Lái Trung Quốc Ngưng Mua Mua Heo | Vetshop VN


Bài Học Còn Lại, Sau Khi Thương Lái Trung Quốc Ngưng Mua Mua Heo

Post by: | date: 24.5.16 Bình luận cho bài viết! | Print
Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) xác nhận, các thương lái Trung Quốc đã đột ngột dừng toàn bộ việc mua lợn của Việt Nam từ chiều 12/5 cho đến nay.

Như báo ĐS&PL cảnh báo trong bài viết “Khó lường kịch bản thương lái Trung Quốc mua heo “siêu mỡ” khiến nông dân rơi vào cạm bẫy” (đăng trên báo ĐS&PL CN số 19, ra ngày 7 - 13/5), việc thương lái dừng mua heo khiến người dân trong tình trạng lao đao.

Kịch bản cũ, nạn nhân mới

Để tìm hiểu thêm về thực trạng này, PV báo ĐS&PL đã có mặt tại tỉnh Đồng Nai – khu vực nuôi heo lớn nhất cả nước. Tại đây, theo ghi nhận, người nuôi heo đang rơi vào tình trạng lao đao, khốn đốn chỉ vì thương lái Trung Quốc bất ngờ từ chối mua.

 Nhiều thương lái méo mặt khi số lượng lớn heo thu gom không thể xuất đi.
Nhiều thương lái méo mặt khi số lượng lớn heo thu gom không thể xuất đi.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Lan (ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai; hộ nuôi hơn 1.000 con heo “siêu mỡ”) cho hay: “Khác với thời điểm đầu tháng 5/2016, những ngày gần đây, không một bóng dáng thương lái nào đến đây hỏi thu mua heo. Trước đó, thương lái Trung Quốc ồ ạt sang Việt Nam thu gom heo số lượng lớn. Mỗi ngày có hàng trăm xe chở heo của Việt Nam được xuất khẩu qua nước bạn. Thế nhưng, số lượng khủng này vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng tại Trung Quốc. Do đó, nhiều thương lái Trung Quốc còn vơ vét cả những đàn heo sữa mới tập ăn dặm”.

Theo bà Lan, việc các thương lái thi nhau gom heo với số lượng lớn đã khiến cho giá heo tại Việt Nam tăng đột biến. Có thời điểm, giá heo tăng đến 74.000 đồng/kg heo. Tại tỉnh Đồng Nai, giá heo bán hơi ngay ở trang trại tăng 54-55.000 đồng/kg, cao hơn 4 - 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 4/2016. Những tưởng đây là cơ hội làm ăn hiếm có, nhiều người đã đồng loạt mở rộng quy mô trang trại, tăng số lượng đàn heo, thậm chí không ngần ngại đi vay ngân hàng để lấy vốn chăn nuôi heo với số lượng lớn.

Giải thích thêm về thực tế này, ông Bùi Văn Hải (một người dân nuôi heo quy mô trang trại tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) phản ánh: “Không chỉ vậy, việc thương lái Trung Quốc thưởng thêm tiền cho người chăn nuôi, nếu trọng lượng heo tăng cao khiến cho không chỉ người dân tại khu vực tỉnh Đồng Nai mà các tỉnh khác như: Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh… số lượng đàn heo cũng tăng lên chóng mặt. Tuy nhiên, người chăn nuôi không hề biết được đây chính là cái “bẫy” của những thương lái thu gom heo”.

Trong lúc đàn heo ngày càng tăng lên một cách đột biến thì những người thu gom bất ngờ từ chối mua hàng. Thực tế này khiến cho người dân khắp nơi, trong đó có tỉnh Đồng Nai dở khóc, dở cười vì không biết đàn heo của mình sẽ đi đâu về đâu. “Mấy ngày nay, tôi bỏ công ăn, việc làm và chỉ ở nhà chầu chực người đến mua heo. Tuy nhiên, không một ai đến hỏi mua, trong khi số vốn đầu tư chăn nuôi của chúng tôi đang ngày càng cạn kiệt”, ông Hải buồn bã.

Bài học đau đớn

Theo ghi nhận của PV, ngay khi thương lái Trung Quốc đột ngột từ chối mua heo, giá thịt heo tại Việt Nam đã giảm xuống chóng mặt. Ông Vy Hữu Mạnh (ngụ huyện Thống Nhất) cho biết, giá heo chuồng chỉ còn 50.000-51.000 đồng/kg. Điều này đồng nghĩa với việc giá heo giảm 3.000-4.000 đồng/kg chỉ trong vòng hơn một tuần. Người dân càng lo sợ hơn, khi hàng ngàn con heo đã đến ngày xuất chuồng với trọng lượng trên 120kg nhưng vẫn không có ai đến hỏi mua. Tình hình này không chỉ khiến cho heo bị giảm trọng lượng mà còn có nguy cơ chết khi đàn heo ngày càng đông đúc.

Nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí ngồi mếu máo khi nghĩ đến khoản tiền đầu tư vào đàn heo bỗng nhiên biến mất cùng với lời từ chối của thương lái Trung Quốc. Không ít người phải ôm khoản nợ không nhỏ chỉ vì dồn sức đầu tư, mở rộng trang trại nuôi heo. Nhiều người bán đổ, bán tháo đàn heo của mình nhưng vẫn không thu hút được người mua. “Một thực tế đau lòng, thị trường trong nước lại không màng đến loại thịt heo “siêu mỡ” nên heo có chết nằm đó cũng không ai ăn”, bà Lê Thị Tú (ngụ tỉnh Bến Tre) ngậm ngùi.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin, Đồng Nai cung cấp hơn 50% sản lượng heo Việt Nam cho Trung Quốc. Điều đáng nói, heo của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên họ có thể giảm, ngừng mua bất kỳ lúc nào. Hộ dân tăng đàn heo mà không lường được rủi ro. Do đó, khi thị trường đột ngột dừng mua heo sẽ khiến cho người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong tìm đầu ra.

Điều đáng nói, phần lớn hoạt động xuất khẩu heo sang Trung Quốc đều theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng gì với phía người mua. Do vậy, không chỉ người chăn nuôi mà chính các thương lái cũng khốn đốn khi đàn heo đã thu mua không thể xuất sang Trung Quốc. Một thương lái chuyên thu mua heo tại Đồng Nai cho hay: “Tôi đã bỏ ra hàng trăm triệu động để mua heo xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ heo đã thu gom, nhưng không có cách nào xuất đi được. Đàn lợn bị đói, khát, giẫm đạp lên nhau đang chết dần, chết mòn. Việc thua lỗ này, chúng tôi sẽ phải chống đỡ thế nào khi giá thịt heo trong nước tiếp tục giảm trong những ngày tới”.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy (một người chuyên mua heo tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) nói trong ngao ngán: “Từ cuối tháng 3/2016 đến nay, thương lái Trung Quốc tăng thu mua chóng mặt nên giá heo tại tỉnh Đồng Nai chỉ tăng mà chưa một lần giảm. Do đó, mỗi ngày tôi thu mua từ 200-300 con heo để xuất sang Trung Quốc. Thế nhưng, khoảng 3-4 ngày nay, tôi phải giữ lại mấy trăm con heo vì phía Trung Quốc đột ngột từ chối nhập hàng”.

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng cục Chăn nuôi (bộ NN&PTNT) cho hay, khi giá heo tăng, người chăn nuôi trong nước ồ ạt mở rộng đàn heo với hy vọng bán được giá cao khi Trung Quốc thu gom. Tuy nhiên, việc hy vọng của người chăn nuôi không có cơ sở bởi thị trường Trung Quốc rất bất thường. Cục Chăn nuôi đã khuyến cáo nhiều lần nhưng việc người dân đua nhau nuôi heo vẫn diễn ra khi thấy thương lái Trung Quốc tăng giá thu mua. Do vậy, việc ôm hàng và chịu lỗ khi thị trường Trung Quốc đột ngột dừng mua heo vẫn thường xuyên xảy ra nhiều năm nay.

Theo ông Trọng, khoảng 3-5 tháng tới, nếu Trung Quốc không nhập nữa thì số heo đang nuôi hiện nay sẽ xuất chuồng, giá sẽ giảm mạnh hơn. Việc người chăn nuôi thua lỗ nặng là điều khó tránh khỏi.

Hàng ngàn con heo sẽ đi đâu, về đâu?

Vài ngày nay, tại cửa khẩu Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) không có bất kỳ xe chở heo nào được thông quan. Trong khi, trước đó mỗi ngày tại cửa khẩu này có hàng trăm con heo được xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tại Quảng Ninh, số lượng xe chở lợn xuất trộm sang Trung Quốc cũng giảm tới 70-80%. Cho đến chiều 13/5, tại Móng Cái – nơi có điểm xuất khẩu heo sang Trung Quốc thì có khoảng 10 chiếc xe chở heo ước tính 1.500 con, trọng lượng 150 tấn vẫn nằm chờ và không có cách nào xuất đi.



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y