PED và TGE trong trại heo: Những điều cần biết
Hình 1: Các ổ dịch PED tại một số quốc gia |
Trong thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh tiêu chảy trên heo trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều so với những năm trước đây. Các chương trình tiêm phòng bệnh, uống vaccine và các biện pháp hỗ trợ, trộn kháng sinh vào trong thức ăn,... được áp dụng hầu hết ở các trại nhưng bệnh vẫn xảy ra liên tục và gây thiệt hại to lớn cho người chăn nuôi heo.
Trong năm 2008 - 2009, hầu hết các trại chăn nuôi heo của Việt Nam đều bị thiệt hại nặng nề do dịch tiêu chảy cấp. Bệnh xảy ra rất nhanh, trên toàn đàn heo và gây chết gần như 100 % heo con theo mẹ dưới 1 tuần tuổi. Dịch tiêu chảy cấp theo nhận định của nhiều chuyên gia có thể là do bệnh Tiêu chảy thành dịch trên heo (Porcine Epidemic Diarrhoea, viết tắt là PED) hoặc do bệnh Viêm dạ dày ruột truyền nhiễm (Transmissible Gastro Enteritis, viết tắt là TGE) gây ra. Tác nhân của 2 bệnh này tuy là 2 loại virus khác nhau nhưng đều cùng thuộc nhóm Coronavirus. Bệnh PED và TGE rất giống nhau về dấu hiệu bệnh, phương pháp phòng trị, kiểm soát và rất khó phân biệt dựa trên lâm sàng. Những năm 2010 – 2012, bệnh vẫn tiếp tục xảy ra ở một số trại; thậm chí tái phát ở những trại đã từng xãy ra dịch trong năm 2009. Nguyên nhân là do người chăn nuôi chưa áp dụng đầy đủ các giải pháp phòng chống 2 bệnh nói trên.
1. Đặc điểm của bệnh tiêu chảy do virus P.E.D và T.G.E trên heo
1.1. Tình hình bệnh trên thế giới
Trong những năm 1980 và 1990, bệnh do virus PED đã phổ biến khắp châu Âu, tại các nước như Bỉ, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, và Thụy Sĩ. Bức tranh về dịch bệnh PED trên thế giới ( hình 1) cho thấy bệnh này đã trở thành dịch địa phương (endemic) ở một số quốc gia nói trên. Bệnh tiêu chảy cấp do PED hiện đang là một nguồn quan tâm hàng đầu ở các nước có nền chăn nuôi heo tập trung phát triển mạnh ở Châu Á, nơi bùng phát thường cấp tính hơn và nghiêm trọng hơn so với căn bệnh đã được quan sát, ghi nhận trước đây ở Châu Âu.
Một điều rõ ràng, khuynh hướng bệnh trở nên nghiêm trọng và phổ biến hơn ở các quốc gia phát triển chăn nuôi heo tập trung (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan, Philippines và Việt Nam). Các trận dịch PEDv Trung Quốc đầu tiên được phân lập năm 1980, sau đó có nhiều hơn đã được báo cáo trong các vùng khác nhau ở nước này và nhiều năm qua PED đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi heo ở Trung Quốc.
1.2. Tác nhân và một số đặc điểm gây bệnh
Hình 2: Cấu trúc của Coronavirus |
Bệnh do Coronavirus gây ra lây lan qua đường tiêu hóa là chủ yếu. Bệnh xảy ra trên mọi lứa tuổi heo. Có 2 type coronavirus gây bệnh tiêu chảy cấp trên heo, là PED type I và PED type II. Triệu chứng lâm sàng cả 2 type PED và virus TGE đều giống nhau nên không phân biệt được, dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán. Đặc điểm của TGE là xảy ra vào mùa lạnh và gây tử vong rất cao. Còn PED type I và PED type II xảy ra quanh năm và gây tử vong thấp hơn. PED type I gây tiêu chảy chủ yếu trên heo choai, heo thịt, hậu bị, nái nhưng không gây tiêu chảy trên heo con theo mẹ. PED type II gây tiêu chảy trên mọi lứa tuổi.
Thời gian ủ bệnh ngắn 12-18 giờ, virus tấn công vào đỉnh vi nhung mao của tế bào trưởng thành, triệu chứng thường gặp là tiêu chảy và ói mửa nhất là với heo con theo mẹ, có thể trở thành dịch địa phương đối với các trang trại tái nhiễm nên rất khó kiểm soát, tỷ lệ bệnh thấp trên heo theo mẹ và heo vừa cai sữa. Khi dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ bệnh rất cao, tỷ lệ chết cũng khá cao (10 – 100%). Bệnh thường xảy ra quanh năm, có xu hướng tăng vào mùa lạnh.
1.3. Sức kháng bệnh
Virus PED và TGE bền ở khoảng pH 5-9 tại 4 độ C và pH 6.5-7.5 tại 37 độ C. Coronavirus giảm tính nhiễm khi ở nhiệt độ 60 độ C trong 30 phút, giảm tính bền ở 50 độ C. PED virus dễ bị bất hoạt bởi những chất sát trùng thông thường bao gồm: Cresol, NaOH 2%, Formol 1%, Sodium cacbonat (4% anhydrous hay 10% crystalline với 0,1% chất tẩy), các chất tẩy ion hay không ion như iodophorn (1%) acid photphoric, chloroform…
Vi rút bị chết ở 50 độ C trong 45 phút, ở 37 độ C dưới 2 giờ. Một vài chủng rất nhạy cảm với nhiệt độ tuy nhiên khi đông lạnh chúng tồn tại rất lâu. Trong các sản phẩm đông lạnh, vi rút tồn tại trong nhiều năm. Vi rút rất nhạy cảm với nhiệt độ và ánh nắng mặt trời. Vi rút tồn tại trong phổi và ruột 104 ngày sau khi nhiễm. Vi rút được phát hiện trong phân 14 ngày sau khi nhiễm. Sau khi nhiễm bệnh, vi rút bài thải ra môi trường trong 15 tuần.Thông thường là 4 tuần.
1.4. Đặc điểm về miễn dịch
Kháng thể trung hòa phát hiện vào ngày thứ 7. Sự hiện diện của IgA đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và tiêu diệt mầm bệnh. Miễn dịch qua trung gian tế bào đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể.
Kháng thể đặc hiệu IgA trong sữa đầu có hiệu quả trong việc giúp bảo vệ heo con chống lại bệnh. Kháng thể hình thành từ 7-8 ngày sau khi nhiễm và kéo dài 4 - 6 tháng trên heo thịt và từ 10 tháng đến 2 năm trên heo nái.
2. Cơ chế gây bệnh và bệnh học lâm sàng
2.1. Cơ chế gây bệnh
Hình 3: Sơ đồ cơ chế gây bệnh tiêu chảy cấp trên heo |
2.2. Bệnh học lâm sàng
2.2.1. Triệu chứng và bệnh tích lâm sàng
Heo con tiêu chảy phân vàng, kèm theo ói, mất nước trầm trọng và tử vong 100% trong tuần đầu. Đặc biệt trong bệnh này mẹ cũng tiêu chảy và mất sữa. Bệnh xảy ra khi thời tiết lạnh. Heo thịt cũng tiêu chảy trong 3-4 ngày rồi hết nhưng không chết nếu không ghép nhiều bệnh khác.
2.2.2. Dấu hiệu nhận biết dịch bệnh
Khác với tiêu chảy do vi khuẩn ( E.coli , Clostridium,...) xảy ra trên một số ít heo trong bầy, 1 số ít bầy trong toàn đàn, thời gian xuất hiện bệnh chậm, có thế điều trị khỏi khi can thiệp bằng kháng sinh... Dịch tiêu chảy cấp xuất hiện rất nhanh (2 - 3 ngày đến 1 - 2 tuần), trên toàn đàn, kể cả heo nái, không khống điều trị được bằng kháng sinh. Heo mọi lứa tuổi đều có thế bị bệnh nhưng nhạy cảm nhất là heo sơ sinh với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết có thế lên đến 100%. Heo con theo mẹ bị bệnh sẽ bỏ bú, ói mữa, tiêu chảy (rất lỏng, hơi vàng, mùi hôi, dạ dày chứa sữa không tiêu hóa) và heo nằm thành đống, mình heo dính phân bê bết. Heo con theo mẹ chết rất nhanh do mất nước, mất chất điện giải, heo bị lạnh... Heo 3 tuần trở đi, heo cai sữa... nếu có biện pháp hỗ trợ sẽ vượt qua bệnh và tỷ lệ chết không đáng kể.
Virus PED type 2
Hình 4: Biểu hiện lâm sàng và bệnh tích do PED type II |
Diễn tiến trong một ổ dịch PED khi trại bị bệnh lần đầu:
Hình 5: Diễn tiến của một ca bệnh tiêu chảy cấp trên heo nái và heo con theo mẹ. |
Hình 6: Hình ảnh các biểu hiện lâm sàng tại các ổ dịch PED ở các tỉnh phía Nam, Việt Nam. |
Hình 7: Các bệnh tích lâm sàng heo con theo mẹ chết do tiêu chảy tại các ổ dịch PED tại các tỉnh phía Nam, Việt Nam. |
2.2.3. Bệnh tích đại thể và vi thể
Bảng 1: Một số liệt kê bệnh tích bệnh tiêu chảy cấp trên heo
(Nguyễn Tất Toàn và ctv, 2012)
Bệnh tiêu chảy cấp trên heo:
Hình 7: Các bệnh tích gây giảm hấp thu nghiêm trọng. |
Hình 8: Các bệnh tích vi thể: PEDV gây bất dưỡng nhung mao ruột. |
PED virus phá hủy hệ thống nhung mao ruột và tĩnh mạch sữa màng treo (lacteal) ruột gây rối loạn hấp thu dinh dưỡng và nước nghiêm trọng. Vì đây là 2 kênh hấp thu và chuyên chở chính chất dinh dưỡng đổ về hệ tuần hoàn, nhất là heo con đang bú sữa mẹ. Lacteal hấp thu và vận chuyển chủ yếu mỡ trung tính (neutral fat) cho cơ thể ở dạng nhũ tương (white, milky emulsion).
3. Phương thức truyền lây
Chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa. Phương tiện vận chuyển có thể truyền lây bệnh cho heo. Đã có bằng chứng cho thấy APP, TGEV/PEDV và Streptococcus suis có thể truyền lây qua xe cộ. Đã có những bằng chứng cho thấy chim có thể truyền virus gây bệnh dịch tả heo, PRRS, cúm và TGEV/PEDV cho heo.
Đường truyền lây chính: Qua phân heo mẹ, một số bài báo từ Trung Quốc cho biết có thể virus cũng lây lan qua sữa heo mẹ.
4. Chẩn đoán
Dựa vào đặc điểm của bệnh. Khi mổ khám thấy dạ dày heo con đầy sữa vón cục, ruột non căng phồng dịch màu vàng có bọt. Hạch màng treo ruột sưng. Kiểm tra qua kính hiển vi thấy các vi nhung mao bị mòn.
Về triệu chứng lâm sàng, không thể phân biệt được là TGE hay PED, tuy nhiên đặc điểm của TGE là chỉ xảy ra vào mùa lạnh và tử số rất cao, ở Việt Nam Coronavirus phát hiện chủ yếu là PED. Bệnh do PED xảy ra quanh năm và chết ít hơn ở heo sau 21 ngày tuổi.
Chẩn đoán phòng thí nghiệm. Vi rút được xác định bằng phương pháp miễn dịch ELISA và PCR.
Bệnh dễ lẫn với các bệnh khác như bệnh cũng do Coronavirus nhưng không phải là bệnh TGE: Bệnh PED I, PED II (dịch tiêu chảy địa phương), bệnh do Treponema hyodysenteriae (gây bệnh hồng lỵ), bệnh tiêu chảy do Rotavirus, bệnh tiêu chảy heo con do Clostridium,…Bệnh PED I, PED II thường xảy ra quanh năm và tỷ lệ tử vong trên heo con từ 10 – 100%. Có thể định bệnh chính xác bằng các chẩn đoán huyết thanh học (phòng thí nghiệm).
Các nhân viên kỹ thuật xử lý ca bệnh trên thực tế cần :
- Xem xét tổng thể trại, điều tra trên tổng đàn (các hạng heo).
- Tình hình trại đang mắc phải (lâm sàng)
- Xem xét kỹ lưỡng các chương trình vaccine
- Mổ khám, tìm và ghi nhận bệnh tích đại thể
- Hướng chẩn đoán: nghi ngờ PED, TGE, Dịch tả, vi trùng phụ nhiễm,...
- Lấy mẫu xét nghiệm: PCR tìm virus PED, TGE, Dịch tả,...
- Phân lập vi khuẩn đường ruột và làm kháng sinh đồ.
5. Phòng bệnh PED và TGE:
- Có thể kiểm soát được thông qua việc tạo miễn dịch trên đàn: auto vaccine, chương trình vaccine
- Quản lý
- An toàn sinh học (biosecurity)
- Phòng/ trị phụ nhiễm
- Kháng thể thụ động: Kháng thể lòng đỏ trứng gà.
5.1. Phòng bệnh bằng vaccine
5.1.1. Vaccine sống nhược độc
Cho uống, chích vaccin (qui trình: Cho uống/ chích trên nái mang thai 2 - 4 tuần trước sinh).
Nghiên cứu vaccine phòng PED
Trục miễn dịch ruột và tuyến vú. Vaccine là có hiệu quả nhưng vẫn có cá thể nái tạo miễn dịch không ổn định qua sữa đầu. Các thử nghiệm vaccine cấp qua đường uống cho hiệu quả cao hơn đường chích, hiệu giá kháng thể cao, giúp thời gian bài thải virus ngắn, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và thời gian tiêu chảy của heo con.
Hiện nay, vaccin cho bệnh này đã có bán tại Việt Nam. Trên thế giới vaccin TGE không có nhiều, đa số là vaccin PED được sản xuất tại Nhật và Hàn Quốc. Nhưng vaccin đối với bệnh này mức bảo hộ không cao (25 – 50%).
Các công ty Hàn Quốc có vaccin sống cho uống hoặc tiêm nhưng hiệu quả thực tế chưa cao (kháng thể heo mẹ truyền qua sữa chỉ bảo hộ cho heo con theo mẹ 25 – 50%).
5.1.2. Phòng bệnh bằng autovaccine
- Cho nái ăn ruột/ phân heo con bệnh (tiêu chảy trong vòng 24-36 giờ)
- Một bộ ruột/ 5-7 heo nái, xay/ bằm và trộn với 200 ml nước muối sinh lý, nước đun sôi để nguội, sữa (trộn kháng sinh phòng phụ nhiễm)
- Số lần ăn tùy thuộc vào sự biểu hiện tiêu chảy của nái được ăn
- Áp dụng cho nái mang thai trước khi sinh 2-4 tuần
Một số bất lợi khi làm autovaccine
- Tạo miễn dịch chủ động trên đàn heo nái mang thai và hậu bị nhưng ở tình trạng bị động.
- Có thể dẫn đến tình trạng bệnh ở trại xảy ra và lây lan nhanh hơn.
- Nếu không quản lý và kiểm soát tốt sẽ phát tán bệnh ở trong trại nhiều hơn.
- Có thể khó kiểm soát nguồn bệnh, gây thiệt hại và chi phí cao.
- Hạn chế công tác nhập đàn heo mới vào trại.
5.2. Phòng bệnh bằng kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY)
Lòng đỏ trứng gà có vai trò:
- Ngưng kết vi sinh vật
- Trung hòa độc tố
- Ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh
- Hoạt hóa sự thực bào mầm bệnh
Cách áp dụng trong thực tế
Nhiều loại sản phẩm bột lòng đỏ trứng gà trên thị trường. Trộn trong cám heo nái 7-10 trước và sau sinh hoặc cho heo con cho uống trước khi bú sữa đầu và kéo dài 3 - 5 ngày, ngày 1-3 lần (tùy theo áp lực bệnh).
5.3. Giải pháp can thiệp khi có dịch tiêu chảy cấp
Vì kháng thể chống PEDV của heo nái trong trại hiện nay không còn cao và đồng đều, PEDV vẫn còn hiện diện trong trại do đó gây tình trạng tiêu chảy trên một số bầy heo con của heo nái có miễn dịch với PED thấp.
Trại nên áp dụng một số biện pháp như sau:
- Biện pháp thú y: Vì đây là bệnh do virus gây ra nên sử dụng kháng sinh chỉ là biện pháp hạn chế thiệt hại do các bệnh phụ nhiễm bởi vi khuẩn, nhất là vi khuẩn đường ruột như E. coli, Clostridium, bệnh ly... Có thể sử dụng kháng sinh (loại kháng sinh mà trại vẫn sử dụng) pha vào nước uống, nước truyền dịch bù nước cho heo con.
- Vệ sinh chuồng trại và cách ly: Tằng cường vệ sinh, sát trùng, hạn chế người vào thăm trại. Biện pháp này chì có ý nghĩa rõ rệt nhằm mục đích phòng bệnh xâm nhập vào trong trại. Một khi dịch tiêu chảy cấp đã xuất hiện thì biện pháp này chỉ có ý nghĩa trong việc làm giảm nguy cơ phụ nhiễm, không có tác dụng chặn đứng dịch bệnh. Chú ý trong thời gian này không nhập thêm heo mới vào trại.
- Gây nhiễm nhân tạo: biện pháp này được thực hiện nhằm mục đích đẩy nhanh thời gian xuất hiện và kết thúc bệnh, cắt dịch sớm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc áp dụng tốt nhất các biện pháp giảm thiểu thiệt hại. Việc gây nhiễm nhân tạo nếu áp dụng đúng cách cũng có thể ngăn được bệnh tiêu chảy trên một số đàn heo con sinh sau. Có thể thực hiện gây nhiễm nhân tạo như sau: lấy ruột heo con đang bị tiêu chảy, nghiền nát và hòa vào nước hoặc trộn vào trong thức ăn, co thế bổ sung kháng sinh, cho 5 - 10 heo khác uống (heo con, heo thịt, heo nái kể cả hậu bị và nái sắp sanh). Đối với nái sắp sanh cần lưu ý 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Nái sắp sanh trong vòng 1 - 2 tuần, khi được gây nhiễm nhân tạo cả mẹ và con sau này sinh ra đều bị dịch tiêu chảy cấp.
Trường hợp 2: nái sanh sau 2 tuần nữa khi được gây nhiễm nhân tạo những nái này có thể bị tiêu chảy cấp nhưng đàn con sinh ra có thể được bảo vệ. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh cũng tùy thuộc vào cơ thể vả quy trình chăn nuôi, kiểm soát lây nhiễm...
Chủ trang trại cần chú ý biện pháp gây nhiễm nhân tạo trong dịch tiêu chảy cấp là biện pháp vô cùng cần thiêt và quan trọng vì chỉ khi nào áp dụng và áp dụng đúng biện pháp nói trên chúng ta mới hạn chế được thiệt hại và ngăn ngừa nguy cờ tái phát dịch trong trại. Heo sau khi được gây nhiễm nhân tạo, nhất là heo nái sẽ có kháng thể chống lại dịch tiêu chảy cấp. Kháng thế này sẽ truyền cho heo con của lứa sau thông qua sữa, nhờ vậy heo con ở lứa sau không bị bệnh tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, tùy theo quy trình cắt dịch và gây nhiễm nhân tạo, an toàn phòng chống dịch được áp dụng tại trại và tùy theo cá thể, hiệu quả có thế khác nhau giữa các trại và các cá thể heo nái; nhưng nhìn chung sẽ bảo vệ được đàn heo con của lứa sau chống lại bệnh tiêu chảy cấp.
- Chăm sóc, nuôi dưỡng: Giảm cho ăn trong 4 - 5 ngày, sau đó cho ăn lại với khẩu phần cũ, tăng khẩu phần từ từ... mục đích của biện pháp này nhằm giảm nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn đường ruột và hỗ trợ sự phục hồi của niêm mạc ruột đã bị hư hại do virus tấn công. Chú ý trong thời gian này cần đảm bảo lượng nước uống đầy đủ, đảm bảo chất lượng cho tất cả các nhóm heo. Đối với heo con bị bệnh; để làm giảm tỷ lệ tử vong nên áp dụng các biện pháp sau: bù nước tích cực bằng cách cho uống trực tiếp, truyền xoang bụng... dung dịch gồm muối 9 g/lít, đường glucose 40 g/lít, có thế bô sung thêm kẽm sulfat 0,02 % và tanin cầm tiêu chảy. Tăng nhiệt độ chuồng nuôi thêm 2 - 3 độ để tăng cường ủ ấm cho heo con.
Chú ý sau khi dịch đã qua (sau 21 ngày): Cần áp dụng các biện pháp an toàn sinh học như vệ sinh tiêu độc cẩn thận chuồng trại, người thăm viếng, phương tiện vận chuyển... Chỉ nhập heo mới về trại sau 4 tháng xảy ra dịch và chú ý biện pháp cách ly. Nếu không tuân thủ biện pháp gây nhiễm nhân tạo và biện pháp cách ly, nhập heo mới đúng thời gian, dịch tiêu chảy cấp sẽ rất dễ tái xuất hiện ở các trại đã từng bị dịch bệnh. Heo nái sau khi bệnh sẽ có miễn dịch chống lại bệnh và có thể truyền cho heo con kháng thể chống lại bệnh, vì thế không nên loại thải những nái này nếu năng suất sinh sản vẫn đạt theo yêu cầu.
- Dùng kháng thể lòng đỏ trứng (kể các bệnh do các nguyên nhân khác)
- Xem xét việc sử dụng vaccine đàn nái (cho uống)
Một số kinh nghiệm hỗ trợ thú y trong ổ dịch tiêu chảy cấp (P.E.D): Cấp nước, bù điện giải, trợ sức
- Trợ sức nái: 500ml Glucose 5% + 15ml Amivicom + 10ml Catobus + 20 ml Electroject.
- Chích xoang bụng heo con: 15 - 20ml = 1ml Amivicom + 2ml Electroject (2 lần/ ngày) + 12 - 17ml glucose 5%.
- Chích heo con: 1 bên cổ Enro 5% (0,5–1ml) + Dexa 1% (0,5–1ml); 1 bên: ngày đầu 0,5 - 1ml Atropin (3 ngày sau 0,5 - 1ml Catobus) + 1ml Vit 3B (B1, B6, B12).
- Cho uống: Đường Lactose + Vitamin + Điện giải + Clostat (hoặc Clostop) và Glocton (24 kháng thể), liên tục ít nhất 1 tuần => giúp heo con hồi phục nhung mao ruột.
Chú ý: Vệ sinh, ủ ấm (bột lăn ủ ấm cho heo con), cấp nước đầy đủ cho heo con. Giữ chuồng đẻ ấm bằng đèn úm hồng ngoại. Rải bột úm (như Mistral) trong chuồng đẻ và cả khu nái đẻ, các công nhân cũng như kỹ thuật khi đi từ ngăn chuồng này qua ngăn chuồng khác đều phải bước qua bột úm hoặc hố sát trùng nhúng chân, ủng. Điều này giúp chuồng khô ấm và hạn chế lây lan mầm bệnh.
Đối với đa số dịch phải tăng cường sát trùng để tránh lây lan. Riêng đối với dịch TGE thì phải làm ngược lại. Nghĩa là phải nhanh chóng gây nhiễm cho toàn thể nái trong trại để chúng tạo kháng thể bảo hộ heo con sau khi sanh.
Phòng bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng
Trộn kháng sinh trong thức ăn BMD 10% hay Enradin cho heo nái trước sinh 10 ngày và sau khi sinh 10 ngày để làm giảm bài thải Clostridium.
Dùng kháng sinh còn nhạy cảm trong kết quả kháng sinh đồ để điều trị trên heo con tiêu chảy có phụ nhiễm Clostridium, Balantidium coli, Cầu trùng, ...
Nên định kỳ xét nghiệm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh còn nhạy cảm và luân phiên sử dụng kháng sinh để điều trị.
Vệ sinh chuồng trại
- Thực hiện vệ sinh chuồng trại và quản lý nghiêm ngặt, nhất là chuồng nái đẻ.
- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học.
- Khè lửa ga để tiêu diệt các mầm bệnh trong trại tốt hơn.
- Định kỳ sát trùng chuồng trại 1 – 2 lần/ tuần (toàn trại).
Receive articles via Email!