Bệnh Do Streptococcus Trên Heo | Vetshop.VN


Bệnh Do Streptococcus Trên Heo

Đăng bởi: | ngày: 7.1.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

1. Mở đầu

Viêm khớp do Streptococcus  rất phổ biến trong trại heo.
Viêm khớp do Streptococcus 
rất phổ biến trong trại heo.
Bệnh do Streptococcus là bệnh truyền nhiễm, lây lan do một số loài vi khuẩn thuộc giống Streptococcus, gây bệnh cho nhiều loài động vật, với các tổn thương định vị ở khớp, nhiễm trùng huyết, xuất huyết màng não…

Streptococcus suis là liên cầu khuẩn gây bệnh ở heo, gọi tắt là liên cầu heo, khi người bị nhiễm liên cầu heo gây bệnh gọi là bệnh liên cầu heo. Streptococcus suis thuộc nhóm liên cầu không tan trong máu, được tìm thấy khắp nơi trong tự nhiên, chúng không gây bệnh hoặc chỉ gây các bệnh viêm nhiễm không thành dịch khi không có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chúng.

Ở động vật Streptococcus suis có mặt chủ yếu ở heo đã thuần chủng nhưng đôi khi cũng tìm thấy ở các loài heo rừng, ngựa, chó, mèo, chim. Khi điều kiện chuồng trại kém, mật độ nuôi cao, điều kiện vệ sinh sát trùng không được đảm bảo là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo là một bệnh nhiễm trùng cấp tính ở heo với biểu hiện lâm sàng đa dạng bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ, viêm nội tâm mạc, viêm khớp…Đáng lưu ý là bệnh có thể truyền từ heo bệnh sang người và ngược lại.

2. Nội dung

2.1. Lịch sử bệnh

Vào thập niên 1950, tại Anh và Hà lan, các nhà nghiên cứu thuộc ngành thú y phát hiện được một tác nhân thuộc nhóm vi khuẩn Streptococcus gây viêm màng não và viêm khớp ở heo.

Cho đến năm 1968, những trường hợp nhiễm Strep.suis ở người được mô tả lần đầu tại Đan mạch. Sau đó, bệnh được ghi nhận ở người như là một bệnh lây truyền từ động vật sang người tại nhiều nơi trên thế giới.

Tính đến năm 2007, trên toàn thế giới ghi nhận được khoảng 400 trường hợp người nhiễm Streptococcus suis. Hầu hết là ở châu Âu và Châu Á.

Ngày nay, nhiễm Streptococcus suis ở heo được ghi nhận tại Mỹ, Canada, các nước Tây Âu, Nhật, Trung quốc, Hồng kông, Việt Nam ...

2.2. Căn bệnh

Họ: Streptococcaceae
Giống: Streptococcus

2.2.1 Hình dạng

Streptococcus là liên cầu khuẩn Gram dương kỵ khí không bắt buộc, có hình cầu hoặc bầu dục, đứng riêng lẽ hay xếp thành đôi, chuỗi ngắn.

Hình 1 Streptococcus suis trong bệnh phẩm Amygdales
Hình 1: Streptococcus suis trong bệnh phẩm Amygdales.

2.2.2 Đặc điểm nuôi cấy

Vi khuẩn vi hiếu khí, cần 5 – 10% CO2, mọc dễ dàng trên các môi trường nuôi cấy giàu dinh dưỡng như môi trường thạch máu, thạch chocolate, mọc tốt nhất trên môi trường Columbia, nhiệt độ thích hợp 37 độ C (có thể phát triển ở khoảng nhiệt độ rộng từ 10 – 45 độ C, pH thích hợp từ 7 – 7,2.

Trong môi trường lỏng, vi khuẩn mọc không làm đục môi trường mà tạo những hạt nhỏ lắng xuống đáy ống nghiệm hoặc chỉ gây đục nhẹ.

Trong phòng xét nghiệm, 4 loại xét nghiệm sinh hoá: Voges-Proskauer, Salicin, Trehalose và 6,5% NaCl được sử dụng để phân biệt các type huyết thanh. Tuy nhiên, để định danh và xác định type huyết thanh chính xác, người ta phải sử dụng phối hợp nhiều phản ứng sinh hoá : Phản ứng vách, kết tủa mao mạch hay đồng ngưng kết.

2.2.3 Tính chất hóa học

Liên cầu khuẩn heo cũng như các liên cầu khuẩn khác không có catalase, các tính chất lên men đường cùng những tính chất khác để phân biệt các nhóm liên cầu khuẩn như sau:

Bảng 1: Phân biệt các chủng Streptococcus dựa trên phản ứng sinh hóa.
Bảng 1: Phân biệt các chủng Streptococcus dựa trên phản ứng sinh hóa.

Ghi chú: Opt: optochin; BS: bile solubility (tan trong mật); BE: bile-esculin reaction (esculin mật); Na: phát triển trong môi trường có 6.5% NaCl; Pyr: pyrrolidonylarylamidase; Esc: hyrolysis of esculin (Thủy phân Esculin); Vp: Voges-Proskauer reaction; Man, Mel, Sbl, Tre: lên men mannitol, melibiose, sorbitol và trehalose. (+): positive, (-): negative, (v): variable

2.2.4 Cấu trúc kháng nguyên

Cấu trúc kháng nguyên điển hình của Streptococcus. Ảnh minh họa.
Cấu trúc kháng nguyên điển hình của Streptococcus. Ảnh minh họa.
S.suis có kháng nguyên vỏ, có cấu trúc polysaccharides đặc hiệu, kháng nguyên này đóng vai trò quan trọng trong khả năng gây bệnh của vi khuẩn, dựa vào kháng nguyên này người ta chia S.suis thành 35 type huyết thanh khác nhau. Các type huyết thanh này được đánh số thứ tự từ 1 đến 34 và type ½ . Trong số đó, type 1 và type 2 được ghi nhận là type huyết thanh thường gây bệnh cho heo và người.

Yếu tố độc lực của vi khuẩn liên hệ đến khả năng sinh độc tố, khả năng bám dính của vi khuẩn. Bằng kỹ thuật ELISA người ta có thể xác định yếu tố độc lực của vi khuẩn, đó là yếu tố MRP (Muramidase-Related Protein) và EF (Extracellular protein Factor). Những vi khuẩn có các yếu tố này mới có khả năng gây bệnh.

Độc lực của Streptococcus suis type 2 phụ thuộc vào protein phóng thích muramidase (MRP) với trọng lượng phân tử 136 kDa và một protein ngoại bào (EF) – 110 kDa : đây là thành phần cần thiết để độc lực của vi trùng được thể hiện đầy đủ. Người ta đã chứng minh được chủng EF (+) gây ra bệnh cảnh viêm màng não mủ , viêm đa thanh dịch, viêm đa khớp điển hình ở heo trong khi đó chủng EF(-) chỉ gây thể bệnh nhẹ.

Chủng vi khuẩn không chứa protein : MPR (-) và EF(-) thì không gây bệnh. Ở những chủng không có độc tính, người ta không tìm thấy protein có trọng lượng phân tử 136 kDa và 110 kDa. Chính vì vậy, protein này được xem như là dấu ấn của độc lực. Kết quả phân tích trình tự của protein 136 kDa cho thấy trình tự sắp xếp tương tự protein M trong nhóm A, góp phần vào sự qui định độc tính bằng cách gắn kết với fibronectin. Ở chủng Streptococcus suis type 2 có độc tính thường kèm theo haemolysin (suilysin) và adhesin, tuy nhiên vai trò trong sinh bệnh học vẫn chưa được xác định rõ. Người ta chỉ xác định được vai trò của suilysin trong cơ chế sinh bệnh qua tác dụng làm ly giải tế bào.

2.2.5 Sức đề kháng

Vi khuẩn S.suis có sức đề kháng kém, dễ bị phá hủy bởi các tác nhân vật lý, hóa học
  • Nhiệt độ: 50oC/2 giờ, 60oC/10 phút
  • Nước xà phòng 1/500 và các chất sát trùng thông thường (Chloramin, javel, sữa vôi…) diệt vi khuẩn trong 1 phút
  • Nhiệt độ thấp, trong xác chết vi khuẩn tồn tại lâu
  • 0oC tồn tại 104 ngày trong phân, 54 ngày trong bụi
  • Trong xác chết ở 40oC tồn tại 6 tuần
  • Phân và các chất hữu cơ trong chuồng bảo vệ vi khuẩn không bị tác động bởi thuốc sát trùng
Điều kiện thuận lợi để S.suis phát triển: chuồng trại kém vệ sinh, mật độ cao, điều kiện chăm sóc kém, stress…là điều kiện để S.suis phát triển và gây bệnh.

2.3. Truyền nhiễm học

2.3.1 Động vật cảm thụ

Streptococcus suis luôn có mặt trong môi trường và ký sinh bình thường trên heo, không gây bệnh hoặc chỉ gây viêm nhiễm không thành dịch. S.suis có mặt chủ yếu trên heo thuần chủng nhưng đôi khi cũng được tìm thấy trên lợn rừng, ngựa, chó, mèo và chim.

Nơi cư trú của S.suis là ở đường hô hấp trên đặc biệt là ở mũi, hạch amidan; đường tiêu hóa và sinh dục. Hiện S.suis có 2 type gây bệnh cho heo
  • S.suis type 1: gây bệnh chủ yếu cho heo con theo mẹ
  • S.suis type 2: gây bệnh cho heo ở nhiều lứa tuổi khác nhau và truyền lây cho người
60 – 100% heo khỏe mạnh có chứa vi khuẩn S.suis trong xoang mũi.

2.3.2 Đường xâm nhập – truyền lây

Đường xâm nhập
  • Chủ yếu qua hô hấp, tiêu hóa
  • Ngoài ra có thể qua vết thương, vết trầy xước
Đường truyền lây
  • Trực tiếp: tiếp xúc giữa heo khỏe và heo bệnh, nái sang con
  • Gián tiếp: qua thức ăn, nước uống, chất thải chăn nuôi, kim tiêm nhiễm, quần áo người chăn nuôi…
  • Ruồi nhà mang vi khuẩn ít nhất 5 ngày
Hình 2: Vi khuẩn S.suis xâm nhập qua rốn, vết thương do không cắt răng gây viêm.
Hình 2: Vi khuẩn S.suis xâm nhập qua rốn, vết thương do không cắt răng gây viêm.
Đáng lưu ý: vi khuẩn có thể lây truyền từ heo bệnh sang người và ngược lại. Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người qua vết thương, xây sát trên da, niêm mạc mũi, miệng. Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với heo và các sản phẩm tươi sống từ heo như người chăn nuôi heo, công nhân lò mổ, người bán thịt, người chế biến thịt tươi, người ăn tiết canh…là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Hiện nay chưa có bằng chứng nào về việc lây trực tiếp bệnh liên cầu khuẩn từ người sang người.

2.3.3 Sinh bệnh học

Phần lớn các nghiên cứu về quá trình sinh bệnh chỉ tập trung vào Streptococcus suis type 2. S.suis khu trú ở hạch amidan và xoang mũi heo khỏe. Khi có điều kiện thuận lợi chúng sinh sản tại đây, rồi lan ra khắp cơ thể theo đường tĩnh mạch hoặc mạch bạch huyết gây nhiễm trùng huyết. Vi khuẩn bị thực bào do các đại thực bào đơn nhân. Hiện tượng này xảy ra không hoàn toàn, vi khuẩn không bị diệt. S.suis đến hệ não gây viêm màng não, khớp và các khoang thanh mạc.

2.4. Triệu chứng và bệnh tích

2.4.1 Trên heo

Heo sau khi sinh (thông thường tuần lễ đầu)
  • Xáo trộn vận động
  • Liệt nhẹ
  • Khớp: nóng và đau
  • Viêm khớp có mủ
Heo cai sữa, heo thịt
  • Sốt cao, bỏ ăn
  • Dấu hiệu thần kinh: run rẩy, đầu nghiêng, cử động bơi chèo, trợn mắt
  • Viêm màng não
  • Có hoặc không có viêm khớp
  • Phổi, gan, thận sung huyết,
  • Viêm sùi van tim, viêm màng ngoài tim
Heo nái
  • Có thể sẩy thai
  • Viêm tử cung có mủ
  • Viêm thận, viêm bàng quang
  • Nước tiểu đục, có thể có mủ, máu
Hình 3: Viêm màng não trên heo nhiễm S. suis.
Hình 3: Viêm màng não trên heo nhiễm S. suis.

2.4.2 Trên người

1960, những ca bệnh đầu tiên trên người do S.suis type được phát hiện ở Đan Mạch, sau đó được phát hiện ở nhiều quốc gia Anh, Pháp, Trung Quốc, Việt Nam… Người nhiễm S.suis có thể gây bệnh rất nặng và nguy hiểm, thường gặp nhất là nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm màng trong tim.
  • Thể cấp tính: sốt cao, nhiễm trùng huyết, xuất huyết hoại tử dưới da, shock, suy hô hấp, tuần hoàn, suy đa phủ tạng, tử vong nhanh nếu không kịp điều trị.
  • Thể viêm màng não: sốt cao, đau đầu, nôn, có thể hôn mê, không thấy xuất huyết ngoài. Kiểm tra dịch ở tủy thấy nước đục. Bệnh nhân có thể đi vào hôn mê, nếu phát hiện sớm có thể điều trị kịp thời nhưng nếu để muộn có thể dẫn đến phù não, tử vong hoặc để lại các di chứng thần kinh nặng nề.

2.5. Chẩn đoán

Trên heo: chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, đặc điểm dịch tể học
Viêm khớp
Viêm khớp 
Trên người: chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng, đặc điểm dịch tể học và cận lâm sàng để có hướng xử lý kịp thời.

2.5.1 Chẩn đoán phân biệt

  • Viêm khớp: Haemophilus parasuis, Mycoplasma synoviae…
  •  Thần kinh: Giả dại, Thủy thũng, viêm não Nhật bản…
  • Sùi van tim: do E.coli, Erysipelothrix rhuthiopathiae

2.5.2 Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm: dịch não tủy, dịch khớp, máu…
  • Nhuộm Gram vi khuẩn, quan sát dưới kính hiển vi phát hiện liên cầu khuẩn Gram dương xếp thành chuỗi hoặc từng đôi.
  • Nuôi cấy vi khuẩn vào các môi trường thích hợp, ủ 370C/24 giờ, chọn khuẩn lạc đặc trưng, nhuộm Gram và thử phản ứng sinh hóa để xác định.
  • Phản ứng ELISA hoặc PCR có thể được sử dụng để khảo sát độc lực của vi khuẩn là MRP và EF trong huyết thanh hoặc trong mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, các kỹ thuật này mới được sử dụng chủ yếu cho type 1, type ½ và type 2.

2.6. Điều trị và phòng bệnh

2.6.1 Điều trị

  • S.suis type 2 nhạy cảm với kháng sinh nhóm β-lactam (penicillin, amoxicillin, ampicinlin,…, enrofloxacin), trimethoprim-sulfamethxazole…
  • Đề kháng với tetracycline, erythromycin, nhóm aminoglycoside (streptomycin, neomycin, kanamycin…)
  • Đồng thời hỗ trợ các biện pháp hồi sức (chất điện giải, vitamin…)
  • Lưu ý vấn đề đề kháng kháng sinh trong trại

2.6.2 Phòng bệnh

Trên heo
  • Mua heo phải biết rõ nguồn gốc, có giấy kiểm dịch…
  • Áp dụng biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, sát trùng định kỳ, tăng cường sức đề kháng cho heo, chăm sóc, quản lý tốt…
  • Phòng bệnh bằng kháng sinh penicillin, amoxicillin, ampicinlin,…,
  • Vaccine được khuyến cáo tiêm trên heo nái, heo hậu bị
  • Khi có dịch phải xử lý như 1 ổ dịch truyền nhiễm
Trên người
  • Không mua, bán, giết mổ heo bệnh
  • Khi giết mổ heo phải có bảo hộ lao động. Khi có vết thương trên chân tay hay có bệnh ngoài da thì không được giết mổ heo. Sau khi giết mổ phải rửa tay, chân bằng nước xà phòng
  • Không ăn thịt heo sống, nội tạng và thịt tái, tiết canh
  • Nên mua thịt heo đã được cơ quan Thú Y kiểm soát và đóng dấu trên thân thịt

3. Kết luận

Bệnh do Streptococcus là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh. Tuy vậy, đây là bệnh do vi khuẩn nên có thể điều trị.

Streptococcus suis luôn có mặt trong môi trường và ký sinh bình thường trên heo. Khi điều kiện chăn nuôi kém, mật độ nuôi cao, thiếu độ thông thoáng, vệ sinh sát trùng không thường xuyên, …là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và gây bệnh cho đàn heo. Công tác phòng bệnh trên heo cần loại bỏ các điều kiện bất lợi cho heo, tăng cường sức đề kháng, áp dụng chặt chẽ an toàn sinh học.

Bệnh do Streptococcus tuy không gây thiệt hại như những bệnh truyền nhiễm khác, tỷ lệ chết không cao nhưng gây nên các tổn thương cục bộ, heo giảm sức đề kháng tạo điều kiện cho các vi sinh vật cơ hội tấn công và gây bệnh nghiêm trọng.

Mặt khác, vi khuẩn có thể truyền lây từ heo bệnh sang người và ngược lại. Những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với heo và các sản phẩm tươi sống từ heo như người chăn nuôi, công nhân lò mổ, người bán thịt, người chế biến thịt tươi, người ăn tiết canh…là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Kiểm soát giết mổ, trang bị dụng bảo hộ lao động …để hạn chế lan lây mầm bệnh.

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thanh Phong, 1996. Bệnh truyền nhiễm do vi trùng. Tủ sách trường Đại học Nông Lâm, Tp. HCM.
2. Marcelo Gottschalk, 2004. Porcine Streptococcus suis strains as potential sources of infections in humans: an underdiagnosed problem in North America? J Swine Health Prod. 2004;12(4):197-199
3. Villani DJ. A retrospective evaluation of actions taken to control Streptococcus suis infection. J Swine Health Prod. 2003;11(1):27–30.
Tài liệu internet:
3. Nguyễn Duy Phong. Bệnh nhiễm liên cầu khuẩn heo (Streptococcus suis). Bộ môn Nhiễm - Đại học Y Dược Tp.HCM



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y