Tâm Sự Từ Nghề Bác Sỹ Thú Y | Vetshop.VN


Tâm Sự Từ Nghề Bác Sỹ Thú Y

Đăng bởi: | ngày: 13.4.16 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Đã vắng bóng những người đạp xe rao “thiến chó, hoạn mèo”, đi đến đâu chó sủa đến đấy. Triệt sản chó mèo giờ đã thành một nghề chuyên nghiệp và văn minh có thể đem về thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Ký ức “ám ảnh” về thiến chó hoạn mèo

Trong kí ức của những người sống ở thời những năm 90, nghề thiến chó hoạn mèo của những người thợ trong làng không phải là thứ gì đó lạ lùng và ghê rợn. Ở thời đấy, hễ nhà ai nuôi chó, mèo đến tuổi sinh sản đều gọi thợ đến thiến trực tiếp. Hình ảnh những con chó, mèo được chủ nhân dụ cho ăn bát cơm với đầy thức ăn nhằm mục đích bắt được nó để trói chân, bịt mồm cho thợ thiến dễ dàng vẫn còn hiện về trong trí nhớ của rất nhiều người.

Bác sĩ Võ Văn Hải đang siêu âm cho chú chó
Bác sĩ Võ Văn Hải đang siêu âm cho chú chó
Một chiếc tròng được những ông thợ nhanh chóng gông vào cổ con chó, mèo, người nhà thì mỗi người 1 chân 1 tay ra sức ấn, giữ lấy đầu chúng. Khi con chó, mèo nằm im bất lực trong vòng tay của con người, thợ thiến bắt đầu lấy ra bộ đồ nghề chuyên dụng.

Không thuốc tê, không vật khử trùng, chỉ có một con dao thiến, vát hình tam giác, đầu nhọn hoắt được mài một mặt sáng choang, lau qua vào ống quần và ngậm lên mồm giữ. Bàn tay người thợ thoăn thoắt xác định đúng vị trí cần thiến, nặn nó lồi lên và nhanh chóng đưa 1 đường dao. Con chó, mèo đau đớn nằm thở thoi thóp không kêu nổi mà chỉ rên hậm hừ. Thiến xong, người thợ khâu vết rạch lại như khâu vỏ bao bì, rồi lấy ít vôi trắng bôi lên coi như sát trùng. Cả quy trình kéo dài chưa đầy 5 phút.

Một thợ thiến chó, mèo có 5 năm kinh nghiệm ở Hoài Đức, Hà Nội kể: “ Gần chục năm trước đi rao thiến chó là nhiều gia đình gọi vào lắm. Lúc đầu mới vào nghề thiến cũng thấy ghê tay nhưng làm nhiều thành quen, không thấy sợ nữa. Con chó, mèo khi thiến xong đau thường bỏ ăn mấy ngày, cũng thỉnh thoảng có con bị nhiễm trùng rồi chết. Nhưng giờ đi rao không ai thuê thiến nữa, tôi cũng chuyển sang làm nghề khác”.

Xã hội ngày càng tiên tiến, nghề thiến chó mèo kể trên mai một và dần biến mất. Nghĩ lại những khâu đoạn thiến chó, mèo ai nấy cũng thấy rùng mình, sợ hãi. Cũng là phương thức để chó mèo không sinh sản được, nghề thiến giờ được làm cẩn thận và an toàn hơn. Những chú chó, mèo khi thiến (triệt sản) không còn sợ hãi và đau đớn như trước kia.

“Triệt sản như trước đây vừa độc ác vừa như giết chó, mèo ”

“Triệt sản cho chó mèo như trước đây là nguy hiểm, có thể dẫn đến chó mèo bị nhiễm trùng và chết, chưa kể đến vấn đề về stress khiến chúng bị cực đoan về tâm lý như sợ sệt hoặc trở nên hung hãn nguy hiểm”, B.s thú y Vũ Văn Hải, chủ phòng khám Thú y Hà Nội chia sẻ.

Hầu như ngày nào cũng có người đưa chó hoặc mèo đi triệt sản. “Có nhiều chủ nhân mang chó mèo đến yêu cầu tiến hành triệt sản luôn nhưng chúng tôi nhất quyết không làm. Bởi làm như vậy trước hết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của động vật, tiếp đó là chó, mèo khi mang đến đã được cho ăn thì cũng không thể gây mê phẫu thuật được”, B.s Hải trao đổi với PV.

Việc thiến chó hoạn mèo như trước đây thực chất là việc không cho chó mèo sinh sản mà tên gọi theo y khoa là đình sản. Hiện nay, việc đình sản không diễn ra “tùy tiện” như thợ nghiệp dư vẫn làm ven đường. Ở các cơ sở thú y quá trình đình sản cho chó, mèo được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt giống như con người.

Trước khi đình sản, mỗi chú chó, mèo sẽ được tư vấn, khám sức khỏe tổng quan để đảm bảo an toàn cho ca phẫu thuật diễn ra thành công, cũng như không làm tổn thương đến tâm lý của chúng.

“Chó, mèo là loài động vật rất nhạy cảm, vì vậy khi tiến hành phẫu thuật thì bác sỹ thú y không được làm cho chúng bị căng thẳng, stress. Mọi thủ thuật chỉ thực hiện khi chú chó, mèo đã được gây mê, không còn cảm giác đau đớn”. Bác sĩ Hải cho hay.

Thu nhập 15-20 triệu/tháng

Theo lời kể của Bs. Hải đa số những người mang chó, mèo đến đều là những người rất yêu thương và cưng chiều động vật. Họ đều có tâm lý không muốn làm đau “thú cưng” của mình, chính vì trước khi chó, mèo lên bàn phẫu thuật phải mất khá nhiều thời gian để tư vấn.

Không phải tất cả các con chó, mèo mang đến đều được tiến hành triệt sản luôn bởi còn phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của chúng, có đủ tháng tuổi không, đã tiêm vacxin phòng bệnh chưa….

Bình quân mỗi ngày ở cơ sở thú y của Bác sĩ Hải một ngày triệt sản cho 1-2 chú chó, mèo có ngày lên tới 4 chú. Trung bình mỗi lần triệt sản cho một cún chi phí thấp nhất là 150 nghìn đồng, thậm chí là cả triệu đồng (tùy cân nặng của động vật). Nhờ vậy mà thu nhập hàng tháng của phòng khám từ dịch vụ này lên tới 15-20 triệu đồng.

Vừa khóc vừa phẫu thuật cho chó, mèo

Là người trực tiếp tư vấn, triệt sản cho thú cưng bác sĩ Hải tâm sự rằng việc này không phải ai cũng có thể làm được bởi ngoài niềm đam mê, yêu động vật còn cần sự khéo léo và tay nghề cao.

Cũng như phẫu thuật chữa bệnh cho người đòi hỏi bác sĩ phải khéo léo và có kinh nghiệm lâu năm thì bệnh nhân mới yên tâm và nhanh khỏi bệnh. Triệt sản cho chó, mèo còn khó hơn. Bởi vì, bác sĩ không chỉ có tay nghề mà còn còn phải biết nịnh nọt, vuốt ve làm sao cho chúng chịu đứng im khi tiêm thuốc mê, giảm căng thẳng cho động vật ở mức thấp nhất”.

Theo bác sĩ Hải, muốn làm nghề chữa bệnh cho thú cưng thì trước tiên phải có tình yêu thương động vật

Điều khó nhất khi làm nghề này là bước đầu tiếp xúc với chó, mèo phải làm quen rồi thân thiện với chúng trước khi khám sức khỏe hay triệt sản nếu không sẽ rất dễ bị loài động vật này tấn công.

Áp lực của những bác sĩ làm nghề này rất lớn. Hầu hết các bác sĩ làm nghề này đều phải tiêm phòng dại thường xuyên bởi không thể tránh được những vết cào cấu và vết thương hở do động vật trong quá trình làm việc.

Theo lời BS. Hải nghề chăm sóc cho chó, mèo này cũng không ít chuyện dở khóc, dở cười. Điển hình như ở cơ sở bác sĩ đang làm mọi người đều không ăn thịt chó, mèo, cũng có người trước khi làm nghề đã ăn nhưng từ khi làm việc đã từ bỏ thói quen đó. Đặc biệt, khi đi ra đường chỉ nhìn thấy thú cưng là muốn chạy lại vuốt ve và trò chuyện. Có những con chó, mèo nhạy cảm khi triệt sản xong, lần sau đến phòng khám chúng sẽ có tâm lý sợ hãi và kêu gào khi nhìn thấy bác sĩ tới gần.

Những trường hợp khách hàng mang thú cưng mang đến phòng khám bị mắc bệnh, chủ nhân vì thương chúng quá mà ngồi khóc mãi, an ủi thế nào cũng không chịu về Rồi cũng không ít lần, đang phẫu thuật bác sĩ cũng khóc chỉ sợ thú cưng bị đau. Các bác sĩ ở đây trêu rằng, chúng tôi “ say nắng” động vật hết rồi.

Với những con chó dữ hay chó bị stress tâm lý không cho chủ nhân hay bất kì ai tiến lại gần là thử thách lớn nhất đối với bác sĩ, chúng có thể tấn công người lạ bất cứ khi nào. Lúc này những phương pháp như chấn an tâm lý, trò chuyện với chú chó tạo cảm giác thiện cảm sẽ được áp dụng triệt để. Tuy nhiên, nếu chú chó vẫn hung dữ không nghe lời thì trong một số trường hợp bị bệnh nặng các bác sĩ sẽ cưỡng chế và tiêm thuốc mê.

Phạm Huyền/Báo Gia đình & Xã hội



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y