Trung Quốc: Biến Đổi Gen, Tạo Ra Lợn Tí Hon Làm Thú Cưng
Chỉ nặng tối đa 15 kg, những chú lợn tí hon có được nhờ công nghệ biến đổi gen sẽ trở thành loài thú cưng mới ở Trung Quốc.
Chú lợn tí hon thu hút rất nhiều chú ý của báo giới |
Loài lợn, vốn thường được nuôi để làm gia súc cung cấp thịt cho con người, mới đây cũng đã có thể trở thành thú cưng trong nhà nhờ những tiến bộ đến từ công nghệ gen.
Đây là thành tựu mới nhất đến từ cơ quan công nghệ gen BGI, có trụ sở đặt tại Thâm Quyến. Mới đây tại hội nghị công nghệ sinh học quốc tế Thâm Quyến, BGI cho biết họ sẽ sớm bán những chú lợn bé con làm thú cưng cho khách hàng trong thời gian tới. Những chú lợn này được tạo ra bằng cách biến đổi gen của loài lợn Bama, và khi trưởng thành chúng cũng chỉ nặng tối đa khoảng 15kg.
Tại hội nghị, BGI cho biết mức giá cho mỗi chú lợn là khoảng 1.600 USD, và sẽ thay đổi sau khi cơ quan này hoàn tất việc đánh giá thị trường. Trong tương lai, khách hàng của BGI có thể tùy ý lựa chọn màu sắc, cũng như “họa tiết” trên người những thú cưng của mình, hoàn toàn nhờ vào công nghệ gen.
Khi biến đổi gen trở thành một bước tiến lớn trong công nghệ sinh học, thì việc chúng sớm được ứng dụng trong thị trường thú nuôi cũng là điều không quá bất ngờ. Đương nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học không mấy đồng tình với chuyện này. “Liệu chúng ta có nên thay đổi cuộc sống, cũng như sức khỏe của những loài sinh vật khác trên trái đất một cách tự do như vậy hay không?” – Giáo sư Jens Boch, đến từ trường Đại học Martin Luther, Đức, chia sẻ.
Việc điều chỉnh lại các ứng dụng của công nghệ biến đổi gen sao cho hợp lý hiện vẫn là câu hỏi khiến các nhà sinh vật học hàng đầu thế giới “điên đầu”. Theo như BGI, lợi nhuận của họ đến từ việc bán những chú lợn biến đổi gen sẽ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu các ứng dụng của công nghệ gen trong y tế. ”Dự định của chúng tôi hiện tại là nhận các đơn đặt hàng của khách và xem thị trường này lớn đến đâu” - Yong Li, giám đốc kỹ thuật của BGI cho biết.
Khi so với những loài động vật thường được dùng trong thí nghiệm như chuột hay thỏ, thì lợn có ưu thế gần với con người về mặt sinh lý, cũng như cấu trúc gen, khiến chúng trở nên lý tưởng cho các thí nghiệm về bệnh dịch trên cơ thể người. Tuy nhiên, điểm trừ lớn nhất của loài lợn chính là kích thước “quá khổ” của mình, khiến việc nuôi chúng trong phòng thí nghiệm tỏ ra rất tốn kém. Đó là còn chưa kể đến liều lượng thuốc phù hợp cho cơ thể lợn cũng lơn hơn bình thường rất nhiều.
Do đó, mục đích ban đầu mà những chú lợn tí hon được tạo ra là để loại bỏ những điểm bất lợi kể trên trong quá trình thí nghiệm. Bước đầu tiên mà BGI thực hiện là nhân bản những chú lợn từ tế bào trong bào thai của giống lợn Bama (loài lợn này chỉ nặng tối đa khoảng 35-50 kg). Trước khi quá trình nhân bản được thực hiện, các nhà khoa học sẽ thực hiện vô hiệu hóa thụ quan hormone tăng trưởng (GHR) trong tế bào của bào thai. Nhờ vậy mà các tế bào trong quá trình trưởng thành sẽ không nhận được tín hiệu phát triển, và tạo ra những chú lợn “không biết lớn".
Loài lợn này cũng chỉ nặng bằng mấy chú chó lớn mà thôi |
Bước tiếp theo mà các nhà khoa học thực hiện là cho những chú lợn đực nhân bản ở trên giao phối với lợn cái bình thường, và thế là sản phẩm cuối cùng được tạo ra. Tất nhiên, sẽ chỉ có một nửa trong số những chú lợn con được sinh ra là lợn mini, nhưng quá trình này tỏ ra hiệu quả hơn rất nhiều so với việc nhân bản đi nhân bản lại nhiều lần. Hơn nữa, những vấn đề về sức khỏe của lợn thường gặp phải trong quá trình nhân bản cũng sẽ được hạn chế. Theo như BGI, toàn bộ 20 chú lợn biến đổi gen được sinh ra không gặp phải bất cứ triệu chứng sức khỏe xấu nào.
Theo lời giám đốc Li, những chú lợn tí hon này đã giúp ích rất nhiều trong các thí nghiệm liên quan tới tế bào gốc cũng như vi sinh vật đường ruột. Sắp tới chúng sẽ được sử dụng trong nghiên cứu hội chứng Laron, một dạng lùn bẩm sinh do đột biến gen GHR của con người.
Quyết định bán những chú lợn tí hon làm thú nuôi khiến cho ông Lars Bolund, đến từ trường Đại học Aarhus, Đan Mạch cảm thấy bất ngờ. Nhưng ông cũng thừa nhận rằng chính điều này biến BGI trở thành điểm sáng trong hội nghị Thâm Quyến vừa qua. “Mọi người cứ như bị thu hút vào những chú lợn tí hon vậy. Ai ai cũng muốn bế chúng trên tay”.
Thành công này của BGI có lẽ đến từ việc họ đáp ứng được nhu cầu vốn có của khách hàng. Chẳng hạn như, ở Mỹ, rất nhiều người đã thất vọng vô cùng khi những chú lợn được quảng cáo là bé tí hon “phát tướng” từ 5 kg lên 50 kg chỉ sau một thời gian nuôi dưỡng. “Những chú lợn biến đổi gen chắc chắn sẽ không lớn hơn được” – đại diện của BGI cho biết.
Tuy nhiên, việc biến đổi gen sẽ không giải quyết những vấn đề khác thường gặp khi nuôi lợn làm thú cưng. Ví dụ, trong điều kiện không gian khép kín, những chú lợn con sẽ có xu hướng thích phá hoại đồ vật trong nhà hơn. Đó là còn chưa kể đến những vấn đề về sức khỏe đặc biệt mà loài lợn mini này có thể gặp phải giống như mọi loài vật được phối giống chọn lọc khác. “Nếu như những chú lợn này cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt thì sẽ ra sao?” – Cô Crystal Kim-Han, chủ một “trạm cứu hộ” cho những chú lợn bị bỏ rơi ở Las Vegas, chia sẻ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, mục tiêu tiếp theo mà công nghệ biến đổi gen hướng đến sẽ là chó, mèo, những loài thú cưng thân thuộc hơn với con người. Theo lời Jeantine Lunshof, đến từ trường Y dược Harvard tại Boston, Massachusetts, ý tưởng này là điều không hay khi “ép buộc các loài động vật phải biến đổi để thỏa mãn những giá trị thẩm mỹ ngu ngốc của con người”.
Daniel Voytas, giáo sư công nghệ gen tại Đại học Minnesota, hy vọng rằng những ý kiến trái chiều về vấn đề biến đổi gen vật nuôi sẽ không làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển những thành tựu công nghệ mới để chữa bệnh cho con người. “Tôi chỉ mong chúng ta có một hệ thống quy đinh khung – những quy tắc, chuẩn mực về an toàn cũng như đạo đức của công nghệ gen – qua đó giúp phát triển thêm những tiềm năng sẵn có. Tôi đang lo rằng các chú lợn mini này sẽ khiến chúng ta mất tập trung vào mục tiêu trước mắt” – ông chia sẻ.
Receive articles via Email!