10 Cách Chăm Sóc Mắt Cho Chó Cưng
Kiểm tra mắt trên chó. Ảnh minh họa. |
Trên thực tế, bạn nên thường xuyên kiểm tra mắt chúng tại nhà để sớm phát hiện ra những hiện tượng như chảy nước mắt, mắt vẩn đục hay viêm nhiễm ở chó. Đây có thể là những biểu hiện đặc trưng cho các vấn đề sức khỏe, bệnh lý ở thú nuôi. Những cách sau đây sẽ giúp bạn bảo vệ thị lực cho chó cưng:
1. Nhìn bằng mắt thường
Đưa chú chó cưng của bạn đến một nơi nhiều sáng và nhìn thẳng vào mắt nó. Bình thường mắt sẽ trong và sáng, vùng bao quanh nhãn cầu có màu trắng. Kích cỡ hai con ngươi đều, không có hiện tượng chảy nước mắt, ra rỉ mắt hoặc có mủ ở hai bên khóe mắt.
2. Nhìn gần hơn
Dùng ngón tay cái của bạn, vạch nhẹ mi mắt dưới của chó và quan sát kĩ lớp niêm mạc. Nó nên là màu hồng, thay vì màu trắng hay đỏ.
3. Những điểm cần lưu ý
Những dấu hiệu sau có thể cho thấy một hoặc cả hai bên mắt chú chó của bạn có vấn đề:
- Có rỉ hoặc mủ ở khóe mắt
- Chảy nước mắt
- Niêm mạc màu trắng hoặc đỏ
- Lông chuyển màu (thường là đỏ) ở phần khóe mắt và sống mũi – như vệt nước mắt
- Một hoặc cả hai mắt đều đóng lại
- Mắt vẩn đục hoặc chuyển màu mắt
- Xuất hiện mí mắt thứ ba
- Kích cỡ hai bên con ngươi không đều
4. Lau sạch mắt
Dùng một miếng bông ẩm cuộn tròn lau nhẹ hai bên mắt sẽ giúp bạn làm sạch những viết bẩn trong mắt chú chó. Lau từ hai bên khóe mắt ra bên ngoài và tránh không đụng vào nhãn cầu để tránh làm tổn thương đến giác mạc của nó. Nếu chó cưng của bạn thường xuyên có hiện tượng chảy nước mắt hay tiết rỉ mắt, bạn nên đưa nó đến gặp bác sĩ thú y. Chú chó của bạn có thể đã bị nhiễm trùng mắt.
5. Kiểm soát vùng xung quanh mắt
Những giống chó lông dài dễ có nguy cơ bị tổn thương mắt nếu như không được tỉa lông gọn gàng. Dùng kéo có đầu nhọn và tỉa phần lông xung quanh vùng mắt của chú chó một cách cẩn thận sẽ giúp nó luôn luôn nhìn rõ mọi vật mà không lo bị lông chạm vào và gây tổn thương mắt.
6. Các loại hóa chất dùng ngoài da
Xà phòng hay những loại thuốc dùng ngoài da có thể gây kích ứng đến vùng mắt của chú chó. Hãy cẩn thận khi tắm cho chúng hoặc bôi thuốc mỡ hay các loại thuốc diệt bọ chét.
7. Khi đưa chó ra ngoài
Nhiều người chủ có sở thích đưa chó cưng của mình ra ngoài đường, đi dạo hoặc đón nắng. Nhưng một khi bụi bẩn hay côn trùng bay vào mắt chú chó, sẽ gây ra vết thương kéo dài. Tốt hơn hết bạn nên đóng cửa kính ô tô khi đưa chó đi cùng và không để nó thò đầu ra ngoài cửa sổ xe. Gió cũng có thể làm khô mắt chó, gây kích ứng hoặc viêm nhiễm.
8. Đặc trưng loài chó
Tìm hiểu xem giống chó bạn đang nuôi có tiền sử các bệnh về mắt không, như bệnh xanh mắt hay teo giảm võng mạc. Kể cả khi chú chó của bạn được bác sĩ thú y kiểm tra mắt thường niên, bạn cũng nên tìm hiểu về các bệnh lý do di truyền của loài chó bạn nuôi để có thể kịp thời áp dụng các biện pháp phòng tránh.
9. Những hành động dễ nhận thấy
Quan sát ngôn ngữ cơ thể của chú chó – việc chúng thường xuyên cào hay chà sát vùng mắt cũng là biểu hiện của một số vấn đề về mắt.
10. Hiểu biết về các chứng rối loạn mắt ở chó
Dưới đây là một số chứng rối loạn mắt thường gặp ở loài chó:
- Đau mắt đỏ: Một hoặc cả hai bên mắt sưng đỏ, có mủ.
- Khô mắt: Bệnh được gây ra do thiếu nước mắt, có thể gây viêm nhiễm giác mạc, mờ mắt và có mủ.
- Bọng mắt: tuyến lệ sưng lên gây ra u thịt, bọng mắt sưng phồng ở chó.
- Bệnh Epiphora: Tắc nghẽn tuyến lệ dẫn đến việc trào nước mắt khỏi màng mắt một cách thường xuyên, gây ra sự chuyển màu lông mặt ở vùng khóe mắt và dọc sống mũi con chó.
- Bệnh xanh mắt: Giác mạc trở nên đục, con ngươi nở rộng do áp nhãn gia tăng
- Bệnh Ectropion: Mi mắt trên lồi ra ngoài dẫn đến hiện tượng sụp mi dưới
- Bệnh Entropion: Lông quặm ở mi mắt gây viêm mủ và chảy nước mắt.
- Đục thủy tinh thể: Mắt có đục gây suy giảm thị lực và thậm chí mù lòa.
- Teo giảm võng mạc: Bệnh do thoái hóa các mô võng mạc – thông thường dấu hiệu triệu chứng bệnh đầu tiên là quáng gà.
Nguồn: farmvina
Receive articles via Email!