7 Dạng Vô Sinh Ở Heo Đực Giống
Heo đực giống. Ảnh minh họa |
Vô sinh của heo đực xảy ra ở hai dạng: Rối loạn các phản xạ sinh dục đặc trưng với việc giảm từng phần hoặc toàn bộ khả năng giao phối và giảm khả năng thụ thai do các biến đổi bệnh lý của tinh trùng.
Những biến đổi trên gọi là liệt dương (impotentia), có nghĩa là đực không có khả năng phối giống. Người ta chia vô sinh ở heo đực ra làm 7 dạng chính theo các nguyên nhân: bẩm sinh, già, bệnh lý, nuôi dưỡng không tốt, sử dụng quá mức, khí hậu (stress) và nhân tạo.
1. Vô sinh bẩm sinh
Dạng này do các khuyết tật trong phát triển của tinh hoàn: kém phát triển (thiểu sản) tinh hoàn (infantilimus) và ẩn tinh hoàn (cryptorchismus) thiếu 1 hoặc 2 tinh hoàn. Trong trường hợp thiểu sản, tinh trùng không hình thành, tinh dịch không có tinh trùng – vô tinh trùng (azoospermia). ẩn tinh có thể ở thể bụng khi tinh hoàn ở trong khoang bụng, thể bẹn khi tinh hoàn ở trong vùng bẹn. Nếu bị ẩn một tinh hoàn thì lượng tinh trùng giảm xuống nhưng heo đực vẫn phối giống được. Khi bị ẩn cả hai tinh hoàn thì chắc chắn sẽ dẫn đến vô sinh bởi tinh trùng không được hình thành do nhiệt độ ở trong khoang bụng cao hơn nhiệt độ ở bao tinh hoàn 3 – 40C. Vì thế, chúng ta có thể dùng đực bị ẩn hai tinh hoàn làm đực thí tình mà không cần phẫu thuật thay đổi vị trí của dương vật.
2. Vô sinh do già
Heo đực giống có thể khai thác từ lúc 10 – 11 tháng tuổi (các giống ngoại thuần) và kết thúc 7 – 8 năm tuổi. Sau thời gian này, khả năng phối giống của chúng bị giảm do hoạt động hormon của tinh hoàn giảm, gây rối loạn quá trình tạo tinh trùng và giảm các phản xạ sinh dục. Để đánh giá vô sinh có phải do già hay không cần kiểm tra kỹ lâm sàng và đánh giá chất lượng tinh nhiều lần. Các lần đánh giá đều cho kết quả giống nhau: tinh dịch loãng, ít tinh, nhiều tinh trùng dị hình,v.v…khả năng thụ thai kém,…
3. Vô sinh do bệnh lý
Vô sinh do bệnh này xảy ra do các quá trình viêm ở trong các cơ quan sinh dục, do các cơn đau, do các bệnh khác của con vật gây nên. Thông thường các trường hợp sau: viêm da bao tinh hoàn, viêm tinh hoàn, phó tinh hoàn (appendix) và các lớp bao của tinh hoàn do các bệnh truyền nhiễm, chấn thương, rối loạn chế độ nhiệt. Tất cả những nguyên nhân đó dẫn đến ít tinh, tinh trùng bất động, tinh trùng kỳ hình hoặc không có tinh trùng.
Xem thêm trên Vetshop.VN
Xem thêm trên Vetshop.VN
Chấn thương niêm mạc dương vật và bao quy đầu có thể xảy ra do bỏng, vết xây xát sưng tấy, do lấy tinh sai kỹ thuật, do các bệnh truyền nhiễm như viêm âm đạo, sảy thai truyền nhiễm,…dẫn đến viêm dính bao quy đầu, niêm mạc bao quy đầu và dương vật bị viêm làm mất tính đàn hồi hoặc dính vào nhau ở nhiều điểm gây cản trở các dòng máu đến các thể hang dương vật và dương vật không thể cương cứng lên được. Ngoài ra còn nhiều trường hợp do bị đau nên đực giống không thể xuất tinh được (aspermatismus).
Các loại khối u trên dương vật, hẹp bao quy đầu cũng gây cản trở việc thò đầu dương vật ra cũng như việc xuất tinh của đực giống. Khi bị bệnh khớp và yếu chân, các phản xạ sinh dục yếu dần hoặc bị mất hẳn.
Khi heo bị các bệnh kể trên thì phải được điều trị kịp thời, triệt để. Để phòng bệnh bao quy đầu cần rửa sạch hàng ngày bằng nước ấm và lau khô.
Để phòng bệnh thấp khớp chân của đực giống cần có nền chuồng khô, thông thoáng tốt (nền chuồng bằng gỗ hợc xi măng nhưng không được đánh láng bóng, nền phải cao hơn mặt đất xung quanh >40cm để tránh ẩm). Hàng ngày cho heo đực giống đi dạo đều đặn, thường xuyên cọ rửa 4 chân bằng xà phòng. Kịp thời phát hiện các vết thương, nhất là các vết thương ở lòng bàn chân để có biện pháp điều trị hợp lý.
4. Vô sinh do nuôi dưỡng
Vô sinh do chăm sóc nuôi dưỡng không đảm bảo, thức ăn nghèo dinh dưỡng, thiếu vitamin và các chất khoáng vi lượng,… làm cho phản xạ giao phối của heo đực yếu, chất lượng tinh dịch giảm.
Ngược lại, nếu cho ăn tốt mà thiếu vận động thì đực sẽ bị béo quá dẫn đến hiện tượng thoái hoá mỡ tinh hoàn, yếu cơ, giảm hoạt động sinh dục và chất lương tinh. Hoặc nếu cho ăn no quá thì heo đực lười làm việc, nghĩa là nên cho heo đực đi phối sớm hơn 2 giờ sau khi đã được ăn uống no.
5. Vô sinh do sử dụng quá sức
Trong trường hợp này, các phản xạ phối giống yếu dần, giảm khối lượng và chất lượng tinh trùng. Heo đực tỏ ra thiếu ham mê nhảy đực.
Để phòng bệnh vô sinh do nguyên nhân này cần thực hiện chế độ sử dụng đực giống hợp lý theo độ tuổi, giống, độ béo, khả năng của mỗi đực giống và chất lượng tinh trùng của mỗi cá thể: đực hậu bị 8 tháng tuổi (giống ngoại) cho nhảy 1 – 2 lần trong vòng 10 ngày, đực trưởng thành cho nhảy 3 ngày 1 lần. Nếu chất lượng tinh trùng và phản xạ nhảy tốt thì cho phối 2 ngày 1 lần.
6. Vô sinh do khí hậu
Việc giảm các phản xạ sinh dục và rối loạn quá trình tạo tinh trùng cũng thương xuyên xảy ra do khí hậu thay đổi đột ngột và stress: nóng quá, thừa ánh sáng, lạnh buốt, chuồng chật chội mà thiếu vận động, độ ẩm cao, nhiều khí độc NH3, H2S,…
Để phòng bệnh do nguyên nhân này cần loại bỏ các yếu tố bất lợi (stress). Heo đực giống cần được nuôi riêng trong chuồng có diện tích 2m ´ 3m = 6m2/con.
7. Vô sinh nhân tạo
Vô sinh nhân tạo xảy ra do sử dụng đực không đúng quy trình. Ví dụ dùng đực thấp hơn nái hoặc giá nhảy dẫn đến việc heo đực không đưa được dương vật ra khỏi bao quy đầu, làm cho phản xạ phối yếu dần và việc xuất tinh sẽ không trọn vẹn. Ngược lại, nếu đực cao quá (dùng đực ngoại cho nhảy nái địa phương) cũng thường xảy ra hiện tượng tương ứng. Để khắc phục yếu tố bất lợi này, nếu không chọn được cặp giao phối hợp lý thì cần phải làm giá hoặc để con đực hoặc để con cái đứng cao tương ứng với đối tượng phối. Trong trường hợp cặp phối cao lệch nhau hoặc đực non hăng quá chưa kịp cho dương vật vào âm đạo đã xuất tinh thì phải dùng tay giúp con đực đưa dương vật vào đúng vị trí. Ngược lại khi con đực không thể xuất tinh được do vị trí đứng không hợp lý (đực thấp hơn cái hoặc khi lấy tinh bóp mạnh vào dương vật hoặc đè cả vào đường niệu - sinh dục), ta phải kịp thời giúp đực giống xuất tinh đúng chỗ hoặc phải huỷ bỏ việc phối giống. Trong thực tế sản xuất, đực giống sau một thời gian nhảy trực tiếp, heo to quá thì chuyển qua phục vụ cho việc thụ tinh nhân tạo.
Trong công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) do không kiểm tra hoạt tính của tinh trùng trước khi pha tinh thường dẫn đến vô sinh. Theo quy định tinh pha để TTNT phải có hoạt tính từ 0,8 trở lên và với nồng độ không ít hơn 100 triệu tinh trùng trong 1ml tinh dịch đã pha. Một liều tinh phải chứa3 – 5 tỷ tinh trùng sống và có thể pha loãng thành 1ml/kg thể trọng heo nái, nhưng không quá 150ml. Nếu một lần đực xuất tinh dưới 125ml và trong 1ml chứa dưới 100 triệu tinh trùng thì tinh này không dùng để thụ tinh nhân tạo được. Vì thế, trước khi muốn pha thành mấy liều tinh phải kiểm tra hoạt tính và nồng độ tinh trùng sau đó mới quyết đinh số liều tinh có thể pha được. Đó là một yêu cầu bắt buộc khi pha tinh và là bí quyết nâng cao tỷ lệ thụ thai trong công tác truyền giống nhân tạo.
Nguồn: PGS. Lê Văn Năm
Receive articles via Email!