Cần Chủ Động Nguồn Thức Ăn Trong Chăn Nuôi Công Nghiệp | Vetshop VN


Cần Chủ Động Nguồn Thức Ăn Trong Chăn Nuôi Công Nghiệp

Post by: | date: 15.9.15 Bình luận cho bài viết! | Print
Thực phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh với hàng ngoại nhập do giá thức ăn chăn nuôi cao.
Thực phẩm sản xuất trong nước khó cạnh tranh
với hàng ngoại nhập do giá thức ăn chăn nuôi cao.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, sức cạnh tranh yếu với sản phẩm ngoại nhập, do chúng ta chưa thể chủ động được thức ăn chăn nuôi (TACN) và giá còn quá cao. Đó là nhận định của các chuyên gia tại diễn đàn chính sách nông nghiệp: “Tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2014, diện tích trồng đậu nành cả nước là 125 nghìn ha, sản lượng đạt 195 nghìn tấn; đối với cây bắp, sản lượng cả nước ước đạt 5,65 triệu tấn. Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng, sản lượng này không đủ làm thực phẩm cho người, nên muốn làm thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu. Lượng đậu nành nhập khẩu của cả năm 2014 là 1,56 triệu tấn, tăng 20,5% so với năm 2013; lượng bắp nhập khẩu thêm 4,61 triệu tấn, tăng 2,11 lần so với năm 2013. Năm 2014, Việt Nam đã chi 3,23 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 5,2% về giá trị so với năm 2013.

Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết, ngành chăn nuôi đang tồn tại bốn nút thắt cần tháo gỡ. Đó là về năng suất, chất lượng giống vật nuôi; TACN; hệ thống tổ chức sản xuất; công tác quản lý. Riêng TACN, vấn đề nằm ở giá thành và giá bán.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn miền nam cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) sản xuất TACN trong nước công bố tỷ lệ lợi nhuận trên giá thành sản xuất 1 kg TACN vào khoảng 1 - 3%. Nhưng nhận định của một số chuyên gia thì tỷ lệ này phải lên đến 10 - 15%. Tuy nhiên, thông tin này hiện chưa được bất kỳ một cơ quan quản lý, viện nghiên cứu nào kiểm chứng, do khó có thể tiếp cận các thông tin chi phí giá thành của DN.

Theo ý kiến một số DN, khi bỏ thuế VAT, giá TACN chỉ giảm được từ 2,5 đến 3,5% do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại… không được miễn giảm VAT. Đồng thời, DN vẫn phải chịu các khoản VAT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước, chi phí máy móc thiết bị… nên giá TACN không thể giảm đến mức 5% được.

Một số ý kiến của chuyên gia khác lại cho rằng, giá TACN của Việt Nam cao hơn Thái-lan do họ có vùng sản xuất nguyên liệu TACN nội tại lớn, nguyên liệu sản xuất được nhập khẩu trực tiếp trừ Ấn Độ nên tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Trong khi nguyên liệu sản xuất TACN nhập khẩu của các DN Việt Nam chủ yếu lại từ Mỹ, Bra-xin… nên giá chi phí vận chuyển cao. Thêm vào đó, một số chi phí khác như khấu hao thiết bị, khuyến mãi, chiết khấu… (chiếm 6-10% giá thành). Vì thế, giá sản phẩm đến người chăn nuôi đội lên, dẫn đến các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Số liệu thống kê của Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp miền nam cho thấy, giá TACN trong những năm qua của Việt Nam luôn tăng đều; từ 9.500 đồng/kg năm 2010 tăng lên 12.000 đồng/kg vào cuối năm 2013 đầu 2014.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Đoàn Xuân Trúc, trong bối cảnh phải cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của hội nhập, ngành chăn nuôi Việt Nam phải đổi mới toàn diện, trong đó có vấn đề về TACN, yếu tố chiếm 60 - 70% giá thành sản phẩm. Nếu không hạ thấp được giá thành TACN thì ngành chăn nuôi khó cạnh tranh với thịt ngoại nhập. Vì vậy, bên cạnh tăng cường kiểm soát chất lượng TACN, vẫn phải quản lý giá. Ở nước ta, do thời gian khấu hao thiết bị ngắn (năm năm), chi phí khuyến mãi, chiết khấu... nên giá sản phẩm khi đến tay người chăn nuôi đã lên cao. Cách tốt nhất là các DN, trang trại lớn nên tự sản xuất TACN để giảm giá thành. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế tín dụng phù hợp ngành chăn nuôi.

Ông Lê Bá Lịch cũng đưa ra một số giải pháp để tăng tính cạnh tranh cho ngành chăn nuôi. Theo đó, cần tạo mô hình sản xuất chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm khép kín. Tìm cơ chế hợp tác sản xuất, phân chia lợi nhuận giữa các khâu trong sản xuất hợp lý. Đối với khu chăn nuôi tập trung, Nhà nước nên hỗ trợ đường điện, nước cấp, nước thoát đến tận công trình. Đối với khu xây dựng chuồng trại chăn nuôi được cấp ngay "sổ đỏ"; cho tư nhân vay vốn dài hạn, trung hạn để xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi với lãi suất nhẹ và cho ân hạn ba đến bốn năm…




Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y