Borrelia burgdoferi: Bệnh Lyme Ở Chó | Vetshop.VN


Borrelia burgdoferi: Bệnh Lyme Ở Chó

Đăng bởi: | ngày: 21.5.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

I. Giới Thiệu

Hình 1: Ảnh Borrelia burgdoferi dưới kính hiển vi
Ảnh Borrelia burgdoferi dưới kính hiển vi nền đen.
Bệnh do Borrelia là bệnh truyền lây qua trung gian, ảnh hưởng đến các ký chủ là thú có vú và chim. Borrelia gồm ít nhất 31 loài, chia thành hai nhóm: nhóm Borrelia gây bệnh Lyme và nhóm gây sốt hồi quy. Cả hai nhóm đều chứa các loài có khả năng gây bệnh ngoài các loài Borrelia khác chỉ phân lập được từ ve hay từ các động vật không triệu chứng khác. Bệnh Lyme là bệnh truyền lây qua trung gian phổ biến nhất ở người. Bệnh đã có báo cáo ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các trường hợp bệnh chưa xác định rõ cũng có báo cáo ở Úc, Nam Mỹ và Châu Phi. Do khó khăn trong chẩn đoán xác nhận và tính đa dạng của các loài borrelia phân lập được từ ve, những tranh luận vẫn tồn tại liên quan đến xác định lưu hành và phân bố địa lý của bệnh. Sốt hồi quy do Borrelia có ở cả người lẫn thú vật thuần dưỡng.

II. Sinh Bệnh Học

1. Bệnh Lyme

Borrelia là vi khuẩn dạng sợi mảnh và dài (0.2 μm × 30 μm). Thực tế không thể thấy bằng kính hiển vi quan học bình thường mà bằng kính hiển vi nền đen. Borrelia burgdorferi sensu lato gồm ít nhất 13 loài cùng gen di truyền, trong đó các loài cùng gen di truyền liên quan đến gây bệnh. Ở người, vi khuẩn liên quan đến các bệnh tích nổi mẩn tròn trên da, viêm đa khớp, viêm màng não và viêm cơ tim.

2. Bệnh sốt hồi quy

Có nhiều loài Borrelia (ít nhất 15 loài) hợp thành nhóm vi khuẩn gây sốt hồi quy qua các trung gian truyền lây cho các động vật thuần dưỡng và người. Ngoại trừ Borrelia recurrentis, gây sốt tái phát qua trung gian chấy rận, tất cả các loài còn lại đều truyền lây qua ve.
Hình 1: Các loài Borrelia quan trọng trong nhân y và thú y
Hình 1: Một vài loài Borrelia quan trọng trong nhân y và thú y 
Bệnh nhiễm ở chó và mèo đã được mô tả gần đây nhưng chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm xoắn khuẩn huyết kèm theo bệnh lâm sàng đã thấy ở chó thuộc vùng Texas và Florida. Các xoắn khuẩn gây bệnh này thường được nhận diện là Borrelia turicatae. Borrelia persica là một xoắn khuẩn gây sốt hồi quy truyền lây qua ve, thấy ở các quốc gia miền nam của Liên Xô trước đây, ở Iran, Iraq, Syria, Jordan, Turkey, Israel, Egypt, và Cyprus, truyền lây nhờ Ornithodoros tholozani. Xoắn khuẩn này được biết nhiễm đến người, chó và mèo.

 Hình 2: Hình ảnh của Ixodes scapularis ký sinh trên chó
Hình 2: Hình ảnh của Ixodes scapularis ký sinh trên chó

III. Dịch Tễ Học

1. Bệnh Lyme

Không giống Leptospira, Borreliae cần có ký chủ (thú có vú, chim và thằn lằn) và có các trung gian truyền lây là loài chân đốt hút máu. Bệnh nhiễm B. burgdorferi sensu lato là bệnh phát tán theo vùng địa lý. Thông thường bệnh Lyme do Borrelia xảy ra ở khắp Bắc Bán cầu, ở các vùng có nhiệt độ lạnh. Ở các bang vùng bờ biển, chó nhiễm ve và lưu hành trong huyết thanh cao nhất ở các vùng ven biển,có thể do tính thích ẩm của loài ve.

Hình 3: Chu kỳ sống của Ixodes scapularis ở bắc Mỹ(“I. dammini” ) kéo dài 2 năm.
Hình 3: Chu kỳ sống của Ixodes scapularis ở bắc Mỹ(“I. dammini” ) kéo dài 2 năm.

2. Bệnh sốt hồi quy

Sốt hồi quy là bệnh điển hình truyền lây từ thú sang người, trong đó mầm bệnh được duy trì tự nhiên giữa các ký chủ tàng trữ có mẫn cảm và ve mềm có khả năng duy trì mầm bệnh. Borrelia gây sốt hồi quy thường giới hạn ở các vùng địa lý cùng với các ký chủ trung gian tương ứng tại khu vực nhỏ hơn nhiều so với Borrelia gây bệnh Lyme (bảng 43.1).

IV. Khả Năng Gây Bệnh

1. Bệnh Lyme

Quá trình truyền bệnh cần thời gian ve bám hút máu từ 1 đến 2 ngày, vi sinh vật nhân lên và xuyên qua biểu bì ruột đến mạch bạch huyết, phân tán đến các tuyến nước bọt của ve và nhiễm vào ký chủ thú vật qua nước bọt của ve.

2. Bệnh sốt hồi quy

Không giống như các loài ve Ixodes khác, ve Ornithodoros tàng trữ các xoắn khuẩn trong thời gian dài, do chu kỳ sống của chúng kéo dài đến hàng năm mới hoàn tất. Các ký chủ là thú có vú thường chỉ bị nhiễm xoắn khuẩn huyết một cách gián đoạn trong 14 đến 30 ngày.

V. Dấu Hiệu Lâm Sàng Của Bệnh 

1. Bệnh Lyme

Ở người bao gồm viêm da, viêm khớp, viêm màng não tủy và viêm cơ tim. Một số thể hiện này cũng quan sát thấy ở chó và mèo. Bệnh trùng nhiễm cũng thường gặp, nhất là trong các bệnh lây truyền qua ve mà có nhiều mầm bệnh có thể truyền cùng lúc từ ve sang. Bệnh lâm sàng trong thú vật bị nhiễm có thể khu trú hay nặng nề hơn do các mầm bệnh nhiễm khác như Anaplasma phagocytophilum.

Hình 4: Què một chân kéo dài vài ngày và sau đó có thể chuyển sang chân khác bị què hoặc khỏi hẳn.
Hình 4: Què một chân kéo dài vài ngày và sau đó có thể chuyển sang chân khác bị què hoặc khỏi hẳn.
Ở chó: Các thể hiện bệnh lâm sàng trên chó gây bệnh thực nghiệm đã xuất hiện từ 2 đến 6 tháng.
  • Các dấu hiệu toàn thân: Sốt (39,5°C - 40,5°C), què đổi chân, sưng mạch máu, triển dưỡng hạch lâm ba, biếng ăn và ớn lạnh toàn thân.
  • Viêm khớp: Què một chân kéo dài vài ngày và sau đó có thể chuyển sang chân khác bị què hoặc khỏi hẳn.
  • Bệnh ở thận: Giống chó Labrador và giống chó săn màu vàng đã phát hiện bị nhiễm. Thời gian bệnh trong vòng 24 giờ đến 8 tuần với các biểu hiện như đột ngột bỏ ăn, ói mửa và hôn mê. Các phân tích bất thường về niệu cho thấy có protein niệu, niệu huyết, huyết sắc tố trong nước tiểu, glucose trong nước tiểu, sắc tố mật trong nước tiểu và cặn lắng trong nước tiểu.
  • Viêm màng não: Chó gây bệnh thực nghiệm có viêm màng não nhẹ dạng điểm, viêm não và viêm ngoại mạc thần kinh. Tuy nhiên, không quan sát thấy các triệu chứng thần kinh.
  • Các thể hiện khác. Một bệnh tích đỏ, nhỏ xuất hiện ở da của chó, nơi ve hút chích nhưng sẽ mất đi trong tuần đầu tiên.
Hình 5: bệnh tích đỏ, nhỏ xuất hiện ở da của chó
Hình 5: bệnh tích đỏ, nhỏ xuất hiện ở da của chó
Các triệu chứng khác đã được báo cáo trong một số chó bệnh ngẫu nhiên, bao gồm viêm khớp, chảy nước mũi và viêm cơ tim gây khó thở .

Ở mèo: Mèo có đề kháng mạnh hơn chó trong bệnh Lyme.

2. Bệnh sốt hồi quy

Các dấu hiệu lâm sàng ở chó như tăng nhiệt độ trực tràng, què đổi chân, lách sưng tụ máu, thể hiện nhiễm xoắn khuẩn huyết và viêm mống mắt ngoài. Tất cả đều tương tự như các dấu hiệu dịch tễ của sốt hồi quy truyền lây từ ve.

VI. Chẩn Đoán

Không có xét nghiệm đặc trưng cho bệnh Lyme. Tuy nhiên, chó có dấu hiệu lâm sàng trong các vùng dịch tễ có nhiều ve thường được quan tâm nhiều hơn.

Các xét nghiệm tham khảo:Thẩm thấu miễn dịch, kháng thể đối với các protein đặc hiệu ở bề mặt – VlsE và C6, các kháng thể ở dịch não tủy, phát hiện vi sinh vật bằng soi kinh hiển vi, nuôi cấy ở ngoại môi trường, phân lập Borrelia,…

VII. Phát Hiện Khả Năng Gây Bệnh

Thú bị nhiễm nặng, các khớp xương sưng lên và phù xoang khớp, phì đại hạch lâm ba ngoại biên, nhất là các hạch lâm ba liên quan đến các chân bị ảnh hưởng. Trong các trường hợp bệnh mãn tính, chó có chuyển hóa huyết thanh sẽ phát triển viêm không sinh mủ, dịch viêm chủ yếu là tế bào lâm ba gốc.

VIII. Điều Trị Bệnh

1. Bệnh Lyme do Borrelia (Lyme Borreliosis)

Do khó khăn trong chẩn đoán bệnh chính xác, các chất kháng sinh thường được cấp theo kinh nghiệm. Các lao5i thuốc được sử dụng trong điều trị như Doxycycline, Amoxicllin, Azithromycin, Penicillin G, Ceftriaxone, Cefotaxime, Chloramphenicol nhưng Doxycycline thường được chọn vì nó là một dạng tetracycline hòa tan trong chất lipid và tương đối rẻ tiền.

2. Bệnh sốt hồi quy

Điều trị đối với bệnh sốt tái phát do xoắn khuẩn này cũng tương tự như đối với bệnh Lyme.

IX. Phòng Ngừa

Ở người, một liều doxycycline cấp lúc bị ve hút chích có hiệu quả 87% trong phòng ngừa bệnh Lyme. Áp dụng thực hành này ở chó là có thể; tuy nhiên, trị liệu phòng ngừa là không thực tế do mức độ phơi nhiễm cao ở chó và mèo.

1. Tiêm phòng vaccin:

Tùy theo dịch tễ vùng, có thể chọn vắc xin để tiêm phòng. Hiện nay, trên thị trường mỹ, Canada và các nước Châu Âu có các dạng vắc xin tế bào đơn giá (LymeVax - Pfizer, Duramune Lyme - Boehringer-Ingelheim), vắc xin tái tổ hợp (Recombitek Lyme - Merial),..

2. Kiểm soát trung gian truyền lây ở chó và mèo

Các phương pháp bảo vệ con người đã nhận được chú ý nhiều nhất đối với kiểm soát ve ở thú nuôi. Các sản phẩm được áp dụng riêng bao gồm vòng đeo cổ, bột thoa ngoài, xà bông, thuốc hay xà bông ngâm, thuốc xịt, thuốc thoa và các sản phẩm cho uống.

3. Kiểm soát trung gian truyền lây trong môi trường

Hiệu quả của chất diệt loài chân đốt (fipronil) qua áp dụng trên loài gặm nhấm hay hươu đã được đánh giá qua nhiều nghiên cứu. Việc giảm quần thể hươu sẽ giúp giảm số lượng ve Ixodes, nhưng các ký chủ thú có vú khác vẫn còn có thể tạo được nhân sao cho các trung gian truyền lây này. Việc giảm đàn liên tục sẽ cần thiét để loại trừ khả năng hươu nuôi đào thoát ra ngoài môi trường.


Nếu có copy bài, xin để lại một link sống về trang này. Xin cám ơn
Nguồn: Vetshop VN
Theo: Infectious Diseases of The Dog and Cat - 4th Edition (Võ Thanh Phương dịch)
Để biết thêm thông tin truy cập http://www.greeneinfectiousdiseases.com




Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y