Bệnh Leptospira Trên Chó Mèo | Vetshop.VN


Bệnh Leptospira Trên Chó Mèo

Đăng bởi: | ngày: 3.5.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Hình 1: Hình mô phỏng leptospira
Hình 1: Hình mô phỏng leptospira

1. Nguyên nhân gây bệnh

Căn bệnh do nhiễm xoắn khuẩn leptospiral thuộc loài Leptospira interrogans sensu Lato. Leptospires có hình sợi, mỏng, linh hoạt (đường kính 0,1-0,2 μm và dài 6-12 μm) xoắn khuẩn tạo thành hình xoắn ốc với đầu hình móc (hình bên).

2. Dịch tễ học

2.1 Loài vật mắc bệnh

Tất cả loài động vật có vú (máu nóng) đều có thể mắc bệnh. Chuột được coi là nguồn bệnh.
  • Ở chó: Chó khu vực nông thôn thông qua các hoạt động tiếp xúc hoặc uống nước ở bể, hồ, suối. Ở Hoa Kỳ, chó đực không thiến chăn gia súc, chó săn, chó làm việc và chó phối giống đã được chứng minh có nguy cơ cao. Số lượng báo cáo chó khu vực thành thị hoặc chó làm nhiệm vụ trinh sát đã tăng lên, có lẽ do tiếp xúc với loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh hoặc nước tiểu của chúng.
  • Ở mèo: tỷ lệ Leptospira trên lâm sàng rất thấp (tỷ lệ phơi nhiễm 10% hoặc ít hơn)

2.2 Phương thức truyền bệnh

  • Trực tiếp: xảy ra qua sự tiếp xúc với nước tiểu bị nhiễm, qua đường sinh dục, nhau thai, vết cắn, hoặc ăn phải các mô bị nhiễm bệnh.
  • Gián tiếp ( phổ biến): qua sự tiếp xúc của động vật nhạy cảm với nguồn nước, đất, và thực phẩm bị ô nhiễm
Tỷ lệ bệnh gia tăng trong thời kỳ lượng mưa cao hoặc ngập lụt trong vùng.

2.3 Sức đề kháng

Leptospira tồn tại tối ưu trong đất ở pH trung tính hoặc hơi kiềm. Nhiệt độ môi trường xung quanh từ 0° C đến 25° C có lợi cho sự tồn tại của leptospires. Trong môi trường đông lạnh, mất nước hoặc tiếp xúc với tia cực tím làm giảm sự sống của leptospires.

3. Sinh bệnh học


Hình 2. Cơ chế sinh bệnh của xoắn khuẩn Leptospira
Hình 2. Cơ chế sinh bệnh của xoắn khuẩn Leptospira
Leptospires xâm nhập qua màng nhầy còn nguyên vẹn trong miệng, mũi, mắt hoặc qua cọ xát, trầy xước hoặc da ngấm nước. Sau khi xâm nhập vào cơ thể động vật có vú, nó thay đổi quá trình sao chép nhằm nâng cao khả năng gây bệnh của xoắn khuẩn. Xoắn khuẩn nhân lên nhanh chóng sau khi vào hệ thống mạch máu (hình 2). Trong một số nghiên cứu, thời gian ủ bệnh cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu lâm sàng là 7 ngày, nhưng điều này có thể thay đổi theo liều lây nhiễm, điều kiện tiếp xúc tự nhiên, chủng lây nhiễm và miễn dịch của cơ thể vật chủ.

4. Triệu chứng lâm sàng bệnh

Chó: chó nhỏ, giống lớn, chó hoang thường bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
  • Cấp tính: sốt 39,5° C đến 40° C (103° F đến 104° F), run, đau cơ, nôn mửa, nằm nghiêng, mất nước, vỡ mạch máu ngoại vi, thở nhanh, mạch nhanh bất thường, thiếu máu mao mạch, nôn ra máu, phân có máu, phân đen , chảy máu cam, xuất huyết lan rộng, vàng da, lồng ruột, thiểu niệu hoặc vô niệu.
  • Bán cấp tính: sốt, chán ăn, nôn mửa, mất nước, chứng khát nước và đa niệu, miễn cưỡng di chuyển, tăng cảm cận xương sống do viêm cơ, sung huyết màng nhầy, xuất huyết điểm hoặc tụ huyết, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, viêm mũi, viêm amidan, thiểu niệu hoặc vô niệu, ho hoặc khó thở, vàng da.
Hình 3: Hoàng đản niêm mạc ở chó nhỏ nhiễm leptospira cấp tính
Hình 3: Hoàng đản niêm mạc ở chó nhỏ nhiễm leptospira cấp tính
Mèo: Triệu chứng lâm sàng thường nhẹ hoặc không biểu hiện trên mèo khi nhiễm leptospirosis mặc dù có sự hiện diện của leptospira máu, leptospira niệu và biểu hiện mô học của viêm gan và thận.

5. Bệnh lý do Leptospira 

Niêm mạc có thể sung huyết và hoàng đản cùng với xuất huyết phân tán. Thận nhợt nhạt, màu vàng-xám và phình lên trên bề mặt cắt. Bao thận có thể dính vào bề mặt của thận và phổ biến là xuất huyết dưới bao. Đốm xuất huyết và tụ huyết thường thấy trên màng phổi. Gan sưng to và dễ vỡ, với những mảng dính thùy rõ rệt và biến đổi màu vàng nâu. Đốm xuất huyết và tụ huyết được tìm thấy trên khắp màng não. Dạ dày loét và xuất huyết, urê huyết. Về mặt mô học, các tổn thương thận khó thấy, bao gồm các ống thận hoại tử và phù kẽ ở mức độ nhẹ, rất ít hoặc không có viêm kẽ. Tổn thương thứ cấp của nhiễm độc niệu, như sự khoáng hóa phổi, khoáng hóa niêm mạc dạ dày, và hoại tử fibrin mạch máu là phổ biến.

Hình 4: (hình trái) X-ray vùng ngực con chó với leptospirosis cấp tính cho thấy thâm nhiễm phổi kẽ. (hình phải) đốm xuất huyết và sung huyết trên bề mặt màng thanh dịch của phổi từ con chó bị nhiễm tử vong.
Hình 4: (hình trái) X-ray vùng ngực con chó với leptospirosis cấp tính cho thấy thâm nhiễm phổi kẽ. (hình phải) đốm xuất huyết và sung huyết trên bề mặt màng thanh dịch của phổi từ con chó bị nhiễm tử vong.
Hình 5. (hình trái) Thận teo và xơ hóa từ chó 8 tháng tuổi đã có vàng da cấp tính và suy thận. (hình phải) Thận sưng phồng từ chó nhiễm leptospira cấp tính đã chết
Hình 5. (hình trái) Thận teo và xơ hóa từ chó 8 tháng tuổi đã có vàng da cấp tính và suy thận. (hình phải) Thận sưng phồng từ chó nhiễm leptospira cấp tính đã chết
Hình 5: Gan hoại tử sưng lên từ một con chó với leptospirosis cấp tính.
Hình 6: Gan hoại tử sưng lên từ một con chó với leptospirosis cấp tính.
Hình 7: (hình phải) Xuất huyết phổi cấp tính ở chó nhiễm leptospira cấp tính. Phế nang có chứa một số lượng lớn hồng cầu thoát mạch Lưu ý vùng rìa của bạch cầu trung tính trong mạch máu (mũi tên)(nhuộm H&E, × 400).  (hình phải)Tổn thương thận khi nhiễm Leptospira bán cấp tính, tiểu quản thận trong vùng vỏ được chia cắt bởi nhiều tương bào, một số ít đại thực bào và phân tán các bạch cầu trung tính (nhuộm E&H, × 400 ).
Hình 7: (hình phải) Xuất huyết phổi cấp tính ở chó nhiễm leptospira cấp tính. Phế nang có chứa một số lượng lớn hồng cầu thoát mạch Lưu ý vùng rìa của bạch cầu trung tính trong mạch máu (mũi tên)(nhuộm H&E, × 400).  (hình phải)Tổn thương thận khi nhiễm Leptospira bán cấp tính, tiểu quản thận trong vùng vỏ được chia cắt bởi nhiều tương bào, một số ít đại thực bào và phân tán các bạch cầu trung tính (nhuộm E&H, × 400 ).

6. Chẩn đoán bệnh

6.1 Kết quả thí nghiệm lâm sàng

  • Huyết học: tăng bạch cầu, giảm tiểu cầu, kéo dài thời gian đông máu.
  • Hóa sinh: hạ natri, chlor, hạ hoặc tăng kali máu, tăng phosphat, tăng đường huyết; ↑ ALT, ↑ AST, ↑ LDH, ↑ ALP, ↑bilirubin huyết thanh; ↑ acid mật trong huyết thanh; ↑ amylase, lipase huyết thanh, chứng nito huyết, ↑creatinin huyết thanh, ↑ creatine kinase huyết thanh, ↑ C-reactive protein huyết thanh, ↑ tropinin cardiac I; ↑cholesterol, ↑globulin, ↓ albumin huyết thanh; thay đổi khoáng chất và rối loạn điện giải.
  • Xét nghiệm nước tiểu: trọng lượng riêng ≤ 1,029, glucose niệu, protein niệu ở ống hoặc cầu thận, bilirubin niệu, ↑ tế bào hạt, mủ trong nước tiểu, máu trong nước tiểu, tăng tỷ lệ protein/creatinine nước tiểu.

6.2 Kiểm tra huyết thanh học

  • Vi ngưng kết MAT: MAT là thử nghiệm nhóm huyết thanh đặc hiệu. Biểu hiện của sự gia tăng hoặc giảm gấp bốn lần của hiệu giá MAT cần thiết cho xác định huyết thanh của một bệnh cấp tính. Kết quả âm tính giả có thể xảy ra, không phân biệt được hiệu giá sau tiêm vaccin và hiệu giá sau nhiễm trùng tự nhiên.
  • ELISA: Bằng việc sử dụng kết hợp đo lường IgG và IgM, ELISA là phù hợp để phân biệt giữa nhiễm trùng tự nhiên và đáp ứng miễn dịch do vắc-xin gây ra hơn là xét nghiệm MAT. Ngoài giai đoạn nhiễm trùng rất sớm, kết quả ELISA cho thấy tính đặc hiệu serovar thấp hơn phương pháp MAT. Vì vậy việc sử dụng đơn lẻ phương pháp ELISA đã không được khuyến khích.

6.3 Nuôi cấy vi khuẩn

Mẫu máu là tối ưu trong 10 ngày đầu của bệnh, sau đó là mẫu nước tiểu. Lấy 0,25-0,5 ml máu, nước tiểu, hoặc dịch não tủy cấy trực tiếp vào 7-10 ml môi trường. Môi trường để phân lập các leptospires là môi trường lỏng, bán rắn, hoặc rắn trong tự nhiên. Môi trường EMJH chứa polysorbate 80 và huyết thanh thai bê hoặc albumin huyết thanh bò.

6.4 Định danh vi sinh vật

Phương pháp PCR có hiệu quả để phát hiện leptospires trong nước tiểu chó, máu và tinh dịch. Kết quả PCR có thể cho kết quả dương tính giả hoặc âm tính giả. Vì vậy, kết quả phải luôn được giải thích dựa vào các dấu hiệu lâm sàng.

7. Điều trị bệnh

Cân bằng truyền dịch để bù lại lượng dịch đã mất do nôn mửa và tiêu chảy. Ở động vật bị nôn phải ngưng cấp dưỡng bằng đường miệng. Chứng thiểu niệu (dưới 2 ml/kg/giờ) và vô niệu được điều trị ban đầu cùng với việc bù nước. Chức năng thận vẫn bị suy giảm nên tiêm tĩnh mạch hơn 30-60 phút thuốc lợi tiểu thẩm thấu như glucose 10 -20% (5 ml/kg), mannitol 20% (0,5 g/kg). Nếu điều trị bằng thuốc lợi tiểu không hiệu quả, có thể truyền tĩnh mạch dopamine (2,5-5 μg/kg/phút).

Gợi ý liều điều trị glucocorticoid và kháng sinh được trình bày trong bảng sau:
Bảng thuốc dùng điều trị bệnh leptospira trên chó và mèo
B: Cả chó và mèo, D: Chỉ dùng trên chó
(a) Tham khảo các Thuốc Biệt Dược trong Phụ lục để biết thêm thông tin về các loại thuốc này. (b) Liều lượng áp dụng ở khoảng thời gian xác định. (c) có thể được sử dụng như liệu pháp chính hoặc để loại bỏ mang trùng. (d) sử dụng để loại bỏ mang trùng ở thận một khi chứng nitơ huyết đã được giải quyết. (e) hiệu quả của macrolide chưa được nghiên cứu tốt, mặc dù chúng có thích hợp invitro. Giải pháp thay thế khác là erythromycin hoặc clarithromycin. (f) Chỉ để điều trị khẩn cấp bệnh phổi nặng.

8. Phòng ngừa

Kiểm soát loài gặm nhấm, tạo môi trường bất lợi cho sự tồn tại của vi khuẩn và cách ly động vật nhiễm bệnh là công tác quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Tiêm chủng đầy đủ lúc đầu với nhiều sản phẩm sẵn có trên thị trường. Tiêm 2-3 mũi, cách nhau 2-4 tuần, bắt đầu khi chó con được ít nhất 9 tuần tuổi để tăng khả năng sản xuất miễn dịch phòng ngừa lây nhiễm kéo dài ít nhất 6 đến 8 tháng. Đặc biệt lưu ý là bệnh này có thể lây nhiễm trên người.

Nếu có copy bài, xin để lại một link sống về trang này. Xin cám ơn
Nguồn: Vetshop VN
Theo: Infectious Diseases of The Dog and Cat - 4th Edition (Lê Thị Yến Phương dịch)
Để biết thêm thông tin truy cập http://www.greeneinfectiousdiseases.com



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y