Bệnh Độc Thịt (Botulism)
Bệnh độc thịt có thể coi là một loại bệnh do ngộ độc thức ăn có khả năng gây chết người và nhiều loài thú, nguyên nhân do ăn phải độc tố của Clostridium botulinum.
Smith (1977) coi Cl. botulinum không phải là một loài vi khuẩn mà là một nhóm, có khả năng sinh nhiều loại độc tố, được xếp thành các serotyp: A, B, C, C, D, E, F, G bởi nhiều chủng sinh độc tố khác nhau.
Tương tự các loài Clostridium khác, Cl. botulinum là loại có khả năng sinh bào tử (nha bào, spore). Vi khuẩn có thể gặp trong đất hay trong đường tiêu hóa của loài ăn cỏ (herbivore). Hình như tùy mỗi loại đất mà có các serotyp sẽ thích hợp hơn. Smith (1977) báo cáo là ở Mỹ, các vi khuẩn typ A lưu hành ở những vùng đất kiềm vùng tây nam, typ B và E trong vùng đất lầy lội, typ C ở vùng đất chua ở bờ biển vùng Vịnh và typ D ở vùng đất kiềm phía tây.
Độc tố của Cl. botulinum là neurotoxin đề kháng yếu với nhiệt (100 độ C /10 phút), làm tê liệt các dây thần kinh vận động mà không có các biến đổi bệnh lý mô thần kinh. Mặc dù cách tác động của độc tố vẫn còn đang tranh cãi, nhưng có lẽ vị trí tác động của độc tố là ở các sinapse của dây thần kinh phó giao cảm hoặc các nhân vận động, nhờ vai trò ức chế sự tiết chất acetylcholine, là chất trung gian dẫn truyền luồng thần kinh.
Có 2 dạng bệnh trên trâu bò. Dạng thứ nhất xảy ra sau khi thú ăn hoặc tiếp xúc với xác thú hoặc xương thú chết có độc tố. Dạng thứ hai xảy ra sau khi ăn các đồ hợp bị nhiễm độc tố.
- Dạng thứ nhất xảy ra ở những vùng đất nghèo phosphore, ít đồng cỏ và bị hạn hán. Thú bị chết và vi khuẩn có sẵn trong đường tiêu hóa sẽ xâm nhập vào các mô cơ, sinh sản và sinh một lượng lớn độc tố. Muller (1961) cho biết mức độc tố có thể đến 105-106 liều gây chết chuột bạch/gam mô. Thú ăn phải độc tố và cả vi khuẩn (bào tử) trong các xác chết trên sẽ trở thành nguồn lây nhiễm cho các thú khác. Ở châu Âu, có tình trạng bệnh xảy ra khi rắc các chất độn chuồng (từ chuồng nuôi gà) lên đồng cỏ cho bò ăn, khảo sát cho thấy có phát hiện các xác gà bệnh trong đó, là nguồn độc tố gây bệnh (Appleyard và Mollison, 1985; Clegg và ctv, 1985).
- Dạng thứ hai của bệnh độc thịt, do ngộ độc rơm, cỏ khô, xảy ra tại các nước có tập quán bảo quản rơm, cỏ khô để cho trâu bò ăn. Nguồn gốc của độc tố thường được xác định là xác các thú nhỏ (chuột nhắt, chuột cống, thỏ, chim) bị chết ngẫu nhiên và lẫn vào cỏ khô hoặc chứa vào các silo cùng với cỏ và ngũ cốc. Prevot và Sillioc (1955) báo cáo hơn 1/2 các trường hợp bệnh trên trâu bò có liên quan với xác mèo có trong thức ăn. Fjolstad và Kluna (1969) cũng báo cáo phát hiện trong xác mèo chết có đến 500 000 liều gây chết chuột / gam xác. Gần đây người ta đã phát hiện các chủng có khả năng phân giải protein của Cl. botulinum sinh độc tố trong các silo dưới một số điều kiện không có xác thú (Nortemans và ctv, 1979 a, b). Có lẽ pH thấp ngăn cản sự tạo thành toxin trong rơm ủ chua. Việc bổ sung phân gà và các phế phẩm của gia cầm cho trâu bò ăn cũng dẫn đến các ổ dịch (Egyed và ctv, 1978). Các hạt cốc ủ rượu bị nhiễm Cl. botulinum cũng góp phần gây bệnh (Breuknik và ctv, 1978).
Bệnh độc thịt trên các loài thú có liên quan đến serotyp của vi khuẩn. Các loài nhai lại rất mẫn cảm với typ C và D.
2. Triệu chứng:
Triệu chứng lâm sàng thường xuất hiện trong vòng 2-14 ngày sau khi ăn phải độc tố mặc dù trong trường hợp bệnh quá cấp thì thời kỳ ủ bệnh chỉ có vài giờ. Thú bệnh nhưng không có sốt.
Bệnh thể quá cấp: bệnh xuất hiện đột ngột, có đặc điểm tê liệt nhanh chóng và chết trong vòng 12-18 giờ. Các trường hợp bệnh cấp tính thì bệnh diễn biến tuần tự, thú chết bệnh cho thấy tê liệt dần dần ở vùng đầu, cổ và tứ chi dẫn đến nằm mẹp một chỗ với đầu và cổ duỗi thẳng hoặc quẹo qua một bên hông.
Tuy nhiên trong đa số trường hợp, bệnh thường ở dạng bán cấp tính. Các triệu chứng đầu tiên là sự bứt rứt, không phối hợp nhất là ở chi sau với biểu hiện rõ ràng của sự khó nhai và nuốt. Các triệu chứng tăng dần đến mất điều hòa (ataxia), khó hay không thể đứng lên được, nằm bẹp và tê liệt của lưỡi nên thè ra khỏi miệng. Thú có thể sống sót đến 7 ngày sau khi đến giai đoạn nằm một chỗ nhưng đến giai đoạn cuối của bệnh thì hô hấp trở nên khó nhọc và các cơ vùng ngực bị liệt.
Một số thú có thể hồi phục sau khi biểu hiện các triệu chứng bệnh nhẹ trong vòng 3-4 tuần lễ (Clegg & Evans, 1974; Davies và ctv, 1974). Clegg và Evans báo cáo các thú sống sót sẽ có tiếng thở như ngáy, có thể còn kéo dài đến 3 tháng sau khi khỏi bệnh.
3. Bệnh tích:
Như đã nói ở trên, độc tố của Cl. botulinum không gây các bệnh tích đặc hiệu ở hệ thần kinh trung ương, cũng không gây biến đổi quày thịt. Các biến đổi đó không chuyên biệt và bao gồm xuất huyết ở nội tâm mạc và ngoại tâm mạc, sung huyết ở các nội tạng và niêm mạc ruột. Tuy vậy, chỉ có thể phát hiện độc tố trong chất chứa ruột hoặc gan bằng cách tiêm cho chuột bạch trong khi sự hiện diện của vi khuẩn trong ruột ít có giá trị chẩn đoán, phân lập căn bệnh ở gan là có ý nghĩa.
4. Chẩn đoán:
Một số tác giả đã sử dụng các chỉ số sinh hóa của máu và nước tiểu trên thú bệnh để giúp chẩn đoán bệnh, nhưng ở trâu bò không có ích lợi trên thú còn sống. Tuy vậy, một số trường hợp cũng giúp xác định có độc tố trong huyết thanh thú bệnh bằng cách tiêm cho chuột bạch (Clegg và ctv, 1985), nhưng các trường hợp đó đều là bệnh thể quá cấp hoặc cấp tính (thú đã chết).
Cần nhấn mạnh là không phải lúc nào cũng có thể xác định mọi trường hợp nghi botulism bằng cách phát hiện độc tố trong huyết thanh thú bệnh hoặc trong chất chứa đường tiêu hóa hay gan thú chết bệnh. Vì Cl. botulinum ít khi có ở gan trâu bò khỏe mạnh, phân lập vi khuẩn từ gan được coi là có giá trị chẩn đoán.
Đã có nhiều cố gắng để phát hiện độc tố trong thức ăn nghi nhiễm, nhưng các biện pháp đều có hạn chế. Thức ăn nghi có độc tố có thể dùng cho thú thí nghiệm (cùng loại) ăn hoặc chất chiết từ thức ăn dùng tiêm cho thú thí nghiệm. Tuy nhiên, độc tố trong thức ăn thường không phân bố đều mà thường thành từng chỗ nên mẫu thức ăn kiểm nghiệm phải được chuẩn bị kỹ (thí dụ như phải gần chỗ xác thú chết hoặc vùng bị nhiễm). Cũng có trường hợp toàn bộ thức ăn có nhiễm độc tố đã được ăn hết trước khi xuất hiện triệu chứng bệnh.
Bại liệt sau khi sinh hoặc giảm Ca huyết có thể phân biệt với bệnh bằng cách kiểm tra các mẫu máu và điều trị có kết quả tốt bằng Calcium. Trong một số trường hợp bệnh Listeriosis có xảy ra tê liệt lưỡi, nhưng nó có kèm sốt và các triệu chứng lâm sàng khác như bại liệt chỉ một nửa mặt và bệnh mù màu. Bệnh bò điên (Bovine spongiform encephalopathy) trong giai đoạn sau của bệnh có thể bị nhầm nhưng nó không có bại liệt và thú vẫn tiếp tục ăn.
5. Điều trị và phòng bệnh:
Không có nhiều kết quả khi tiêm kháng độc tố, ngay cả giai đoạn đầu của bệnh. Tuy vậy Breuknik và cvt (1978) cho biết việc chữa triệu chứng như mất nước và acidosis có thể giúp hồi phục phần nào.
Tiêm phòng bằng giải độc tố (toxoid) chỉ cần thiết trong những vùng lưu hành bệnh và tiêm mỗi 2 năm 1 lần. Ơ nơi bệnh xảy ra do dùng chất độn chuồng nuôi gia cầm trên đồng cỏ nuôi bò, nên cố gắng nhặt hết mọi quày thịt gia cầm trong đó. Các phế phẩm từ gia cầm, tốt nhất là xử lý nhiệt trước khi trộn vào thức ăn hỗn hợp cho ăn trực tiếp.
Xem thêm: Bệnh Ngộ Độc Thịt (Vi khuẩn Clostridium botulinum)
Xem thêm: Bệnh Ngộ Độc Thịt (Vi khuẩn Clostridium botulinum)
Receive articles via Email!