Vaccin Và Việc Chủng Ngừa Trên Heo - P1 | Vetshop.VN


Vaccin Và Việc Chủng Ngừa Trên Heo - P1

Đăng bởi: | ngày: 17.12.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Vaccin Và Việc Chủng Ngừa Trên Heo
Tiêm vaccin cho heo.
Tiêm chủng hay chủng ngừa là việc làm nhằm cho phép vật nuôi có cơ hội tiếp xúc với các thành phần kháng nguyên (protein, polysaccharide, độc tố...) của các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng).
Biên soạn: CTN-Heo

1. Phân loại vacxin

Tiêm chủng hay chủng ngừa là việc làm nhằm cho phép vật nuôi có cơ hội tiếp xúc với các thành phần kháng nguyên (protein, polysaccharide, độc tố...) của các tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, hoặc ký sinh trùng). Một số loại vacxin có chứa các sinh vật sống đã được làm yếu để chúng không thể gây bệnh nhưng vẫn tạo ra một đáp ứng miễn dịch, gọi là vacxin sống nhược độc. Nhưng rất nhiều vacxin khác thì chứa các sinh vật đã bị giết, gọi là vaccin bất hoạt hay vaccin chết.

Hệ thống miễn dịch đáp ứng với vacxin bằng cách sản xuất các kháng thể đặc hiệu và các tế bào lympho đặc hiệu cho loại kháng nguyên có trong vacxin. Kháng thể đặc hiệu có khả năng bám vào các kháng nguyên của tác nhân gây bệnh để thúc đẩy phản ứng tiêu diệt chúng hoặc làm cho chúng mất khả năng xâm lược vào tế bào. Kháng thể đặc hiệu cho độc tố thì sẽ trung hòa các độc tố này trước khi chúng gây bệnh. Các lympho bào đặc hiệu thì có nhiệm vụ tìm giết các tế bào nhiễm virus hoặc vi khuẩn ký sinh nội bào. Lympho T đặc hiệu cũng có chức năng hỗ trợ lympho B trong việc sản xuất kháng thể đặc hiệu.

Theo cách phân loại vacxin truyền thống thì vacxin được chia làm hai loại: vacxin sống nhược độc và vacxin chết (bất hoạt):
  • Vaccin sống nhược độc (như vacxin PRRS , bệnh aujeszky (giả dại), dịch tả heo cổ điển AFS ) có ưu điểm là vi sinh vật trong vacxin nhân lên được ở trong cơ thể heo, nên sẽ tạo ra một khối lượng kháng nguyên lớn hơn (so với lượng kháng nguyên có trong liều vacxin ban đầu). Điều này giúp tạo nên đáp ứng miễn dịch lâu dài và mạnh mẽ hơn. Nhưng vacxin sống nhược độc cũng có những bất lợi nhất định. Vacxin loại này có thể trở nên vô tác dụng nếu điều kiện bảo quản không tốt, vì thường chúng phải được giữ lạnh, ít nhất là 4oC. Vì vậy, trong quá trình chuyển hàng, phân phối hay bảo quản tại nơi bán, nếu không cẩn thận thì vacxin sẽ bị hư. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, vacxin bị tiếp xúc với các chất khử trùng hoặc sát trùng thì nó cũng mất tác dụng. Một điểm quan trọng khác là vacxin nhược độc có nguy cơ biến chủng thành tác nhân gây bệnh có độc lực trở lại.
  • Vaccin bất hoạt ( vaccin chết ) có thể chứa toàn bộ các bộ phận kháng nguyên của các vi sinh vật hoặc chỉ chứa riêng một vài đơn vị kháng nguyên đã được tổng hợp bằng các kỹ thuật công nghệ sinh học, gọi là vacxin tiểu phần. Vacxin bất hoạt cũng có thể chứa độc tố đã được sửa đổi để chúng vẫn kích thích một phản ứng miễn dịch nhưng không còn độc hại đối với con vật. Độc tố đã được sửa đổi theo cách này được gọi là Biến độc tố. Vacxin biến độc tố kinh điển nhất có lẽ là vacxin chứa biến độc tố uốn ván được sử dụng phổ biến ở ngựa nhưng hiếm khi được dùng ở lợn. Trên heo, một số vacxin E. coli chống lại tiêu chảy lợn con và vacxin clostridial chống lại bệnh lỵ trên heo con là những vacxin có chứa biến độc tố.
Các nhà nghiên cứu ở đại học Guelph, Canada đang cố gắng để phát triển vacxin trong thực vật mà heo ăn được. Sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử, họ đang chuyển cấy các gen của vi sinh vật gây bệnh vào cây trồng để các cây trồng này sản xuất ra loại protein kháng nguyên mong muốn. Khi cho thú ăn, các protein này được hấp thu vào cơ thể thú và gây đáp ứng miễn dịch chống lại các bệnh cụ thể do loại vi sinh vật có gen kháng nguyên đã được chuyển cấy vào cây thức ăn.

2. Vacxin tự sinh

Vacxin tự sinh là vacxin được sản xuất bằng chính các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được phân lập từ chính đàn thú sẽ được chủng ngừa. Các sinh vật gây bệnh được phân lập, nuôi cấy, bị giết chết, và làm thành một dạng vacxin chết an toàn. Chúng thường được cấp phép để sử dụng trên chính trang trại có bệnh đó. Bạn nên tham khảo với bác sĩ thú y của bạn. Phương pháp này có thể có ích khi dịch bệnh nghiêm trọng xảy ra mà các vacxin tiêu chuẩn thương mại không có sẵn. Vacxin loại này hiện nay hầu hết là đang áp dụng cho các bệnh do vi khuẩn, bao gồm:
  • Actinobacillus pleuropneumoniae
  • Clostridium spp.
  • E. coli spp.
  • Erysipelothrix rhusiopathiae
  • Haemophilus parasuis
  • Mycoplasma spp.
  • Pasteurella
  • Salmonella
  • Staphylococcus spp.
  • Streptococcus spp.
Vacxin tự sinh cho virus cũng đang được quan tâm và ngày càng trở nên thịnh hành về mặt thương mại trong thực tế chăn nuôi. Ví dụ như vacxin tự sinh cho virus gây bệnh tai xanh (PRRS) và bệnh cúm heo tại Mỹ.

Tài liệu tham khảo
Muirhead M. R., Alexander T. J. L. and Carr J., 2013. Managing Pig Health and the Treatment of Disease. ISBN 9780955501159.
Queensland government, 2010. Vaccination of pigs. Disease prevention and health monitoring.
Swine vaccinations. Morris Veterinary Center PSC, 2013.




Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y