Bệnh Thiếu Máu Truyền Nhiễm Gà ( Chicken Anaemia)
1. Giới thiệu bệnh:
Ảnh minh họa. |
CAV là virus 25nm, không có vỏ bọc, thuộc giống Gyrovirus, họ Circoviridae. CAV chỉ gây bệnh cho gà, mặc dầu kháng thể được phát hiện cả trên chim cút (Nhật Bản). Virus đề kháng với axit (pH 2 - 3), ête, chlorofurm, nhiệt (700C trong 1 giờ, 800C trong 5 phút) và nhiều chất khử trùng (thậm chí trong 2 giờ ở 370C). Những biểu hiện nhiễm CAV thấy rõ ở gà con đang sinh trưởng. Lần đầu tiên, CAV được phát hiện vào năm 1979, từ đó đến nay, qua kiểm tra huyết thanh học và phân lập virus, nhận thấy CAV tồn tại ở nhiều nước, nhất là những nơi có nuôi gà thương phẩm.
CAV đã làm cho nhiều nước trên thế giới bị tổn thất nặng nề về kinh tế trong công nghiệp nuôi gà bởi triệu chứng lâm sàng trực tiếp, thậm chí còn tiềm ẩn sự phá hoại nghiêm trọng hơn do bệnh còn có ở dạng cận lâm sàng. Tỷ lệ chết điển hình là 5-10%. Nhiều trường hợp chết đến 60% nếu trong cơ sở có tiềm ẩn những bệnh khác (Aspergillosis, Gumboro...).
Hằng năm, chỉ riêng bệnh này, ngành gia cầm nước Mỹ bị thiệt hại trên 50 triệu USD. Cũng với bệnh này, kinh nghiệm của Ai-len cho thấy những "tổn thất ngầm" về năng suất của gà broiler có biểu hiện cận lâm sàng đã gây thiệt hại to lớn về kinh tế.
2. Dịch tễ bệnh thiếu máu truyền nhiễm.
Thường có 2 cách lây truyền bệnh: lây truyền dọc và lây truyền ngang.
Lây truyền dọc: Phương thức lây truyền cổ điển là lây từ gà mẹ qua trứng và làm cho gà con phát bệnh lúc 10 - 14 ngày tuổi. Gà con ốm biếng ăn, còi cọc, xanh tái, suy sụp sức khỏe, trên da có biểu hiện bệnh nghiêm trọng, nhiễm nấm và thoái hóa miễn dịch tổng thể, tỷ lệ PCV thường dưới 27%. Làm tiêu bản máu, nhận thấy có hiện tượng thiếu máu, giảm bạch cầu. Máu có thề loãng và chậm đông. Gà con nhiễm bệnh kéo dài 3 - 6 tuần. Tỷ lệ chết có thể đến 60% hoặc cao hơn nếu kết hợp với những bệnh thứ phát. Bệnh do CAV làm tăng chi phí điều trị do nhiễm bệnh thứ phát và giảm khả năng sinh trưởng. Để đề phòng sự lây truyền dọc, nhiều nước phòng ngừa sự lây truyền từ đàn mái đẻ bằng cách tiêm phòng để tạo miễn dịch trước khi gà đẻ. Như vậy sẽ hạn chế hoặc giảm thấp hiện tượng lây truyền dọc. Tuy nhiên, phải theo dõi và có chương trình tiêm chủng tại chỗ để đảm bảo phòng bệnh rộng rãi cho các đàn gà giống.
Lây truyền ngang: Mọi lứa tuổi của broiler đều mẫn cảm với sự lây nhiễm, nhưng sau 2 – 3 tuần tuổi đầu, bệnh có thể giảm. Như vậy, có nghĩa là từ những tuần đầu, nếu gà con nhận được kháng thể qua gà mẹ (nhờ đã tiêm phòng từ trước), chúng sẽ được bảo hộ. Tuy nhiên, nếu kháng thể truyền từ mẹ sang không đồng dạng, hoặc chịu ảnh hưởng của những tác nhân gây ức chế miễn dịch, có thể phá hủy nghiêm trọng sự phòng vệ này. Ngoài ra, nếu có hiện tượng đồng nhiễm bệnh giữa CAV với các virus khác như virus bệnh Marek, virus bệnh Gumboro và reoviruses, gà con càng mẫn cảm hơn với lây nhiễm ngang đối với CAV trong thời gian dài.
3. Triệu chứng lâm sàng.
Gà từ 10 ngày tuổi trở lên mới phát bệnh các biểu hiện khá điển hình như sau:
Rỉ máu từ lổ chân lông. |
- Gà xanh xao, lờ đờ, ăn kém …
- Gà nuôi thịt khoảng gần 1 tháng tuổi tốc độ lớn chậm hẳn, xuất hiện nhiều gà còi cọc.
- Từ chân lông ống đuôi và cánh rỉ ra máu tươi, có nhiều trường hợp chảy thành dòng gây sự hấp dẫn cho những gà khác mổ cắn.
- Việc rỉ máu từ lổ chân lông là điều kiện lý tưởng cho các nhiễm trùng thứ phát gây viêm thối hoại tử da, tăng tỷ lệ loại thải và giảm mạnh phẩm chất thịt.
- Gà chết 10 – 15 ngày sau khi phát bệnh. Ở nước ta Lê Văn Năm đã quan sát thấy bệnh đã xuất hiện ở một số tỉnh phía Bắc từ những năm 1996 và có một số đàn tỷ lệ chết dao động 8 – 15% nhưng cũng có đàn chết đến 40%.
- Thiếu máu truyền nhiễm gây suy giảm sức đề kháng và khả năng đáp ứng miễn dịch của gà có thể là nguyên nhân trực tiếp để gà dễ mắc nhiều bệnh thứ phát. Do đó tỷ lệ ốm và chết thường rất cao dưới hình thức của nhiều bệnh ghép. …
4. Mổ khám bệnh tích.
Nếu khám bệnh mới phát ta thấy:
- Xuất huyết lỗ chân lông ống.
- Trên da có nhiều nốt viêm hoại tử da.
- Xuất huyết cơ là bệnh tích đặc trưng của thiếu máu truyền nhiễm.
- Tuyến ức và túi Bursa Fabricius bị teo, kém phát triển.
- Các tủy xương nhợt nhạt biến sắc.
- Các bệnh tích khác nhau của các bệnh thứ phát.
5. Chẩn đoán bệnh.
Bệnh dễ dàng được nhận biết qua các chỉ số về dịch tễ, lâm sàng và bệnh tích.
Nếu khó khăn thì gởi mẫu về trung tâm chẩn đoán và dùng các phương pháp: PCR, ELISA, trung hòa virut hoặc phân lập virut.
6. Chẩn đoán phân biệt.
Bệnh thiếu máu truyền nhiễm giống với bệnh Gumboro ở chỗ cả hai bệnh đều có hiện tượng xuất huyết cơ. Song bệnh thiếu máu truyền nhiễm không có biến đổi điển hình ở túi Fabricius giai đoạn đầu mới phát bệnh ở đường ruột và đặt biệt là ở dạ dày tuyến.
7. Điều trị.
Không có thuốc đặc trị.
8. Phòng bệnh thiếu máu truyền nhiễm.
- Không lấy trứng ở những đàn gà có biểu hiện bệnh thiếu máu truyền nhiễm để làm giống, làm vacxin.
- Gà phải được tiêm phòng vacxin sống nhược chủng CAV – CUX.I.
- TAD Thymo vac của Đức: cho uống lúc gà 1 – 3 ngày tuổi đối với gà nuôi thịt và cho uống nhắc lại lúc 16 – 20 tuần tuổi trước khi lên đẻ.
- Cần phải tăng cường kiểm soát an toàn sinh học cho đàn gà bằng phương pháp tổng hợp.
- Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng tốt.
- Vệ sinh chuồng trại tốt đảm bảo.
- Tích cực phòng trị các bệnh gây suy giảm miễn dịch: Gumboro, cầu trùng, viêm gan virut…
Tổng hợp: Vetshop VN
Receive articles via Email!