Tia hy Vọng Cho Việt Nam Khi Trung Quốc ‘Tuyên Chiến’ Với Thịt Heo Mỹ?
Với kế hoạch áp thuế 25% đối với thịt heo nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc dường như đã quyết tâm chiến đấu đến cùng với Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Đối mặt với nguy cơ mất đi một trong những nguồn cung thịt heo lớn nhất, liệu Trung Quốc có tăng nhập từ Việt Nam, giúp thị trường heo hơi trong nước thoát khỏi khủng hoảng giá?
Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu thịt heo lớn thứ 5 của Mỹ, và Mỹ cũng xuất khẩu tới 1/4 sản lượng thịt heo sang Trung Quốc. Như vậy, hai nước đều được xem là đối tác thương mại lớn trên thị trường thịt heo.
Tuy nhiên, động thái mới đây của Trung Quốc và Mỹ liên quan tới việc áp thuế hàng hóa khiến thị trường đồn đoán rằng, Trung Quốc có thể mất đi một nguồn cung thịt heo lớn. Khi đó, rất có thể Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhập khẩu thịt heo chính ngạch từ Việt Nam, đưa Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng giá heo hơi hiện nay.
Dù cũng là một tia hy vọng cho người chăn nuôi trong nước nhưng đây vẫn là điều sẽ khó xảy ra, ít nhất là cho tới năm 2019. Tại sao?
Tia hy vọng nào cho Việt Nam khi Trung Quốc ‘tuyên chiến’ với thịt heo Mỹ? (Ảnh minh họa) |
Tình hình chăn nuôi heo hơi tại Trung Quốc
Thị trường heo hơi Trung Quốc hiện nay đang rơi vào đúng tình trạng khủng hoảng giống Việt Nam trong giai đoan 2016 – 2017, với nguồn cung heo dư thừa quá lớn trong khi nhu cầu tiêu thụ lại yếu ớt. Mặc dù chính sách bảo vệ môi trường của chính phủ Trung Quốc đã khiến nhiều trang trại chăn nuôi phải đóng cửa nhưng chủ yếu là của các nông hộ; thay vào đó, các doanh nghiệp lớn lại đua nhau xây dựng siêu trang trại.
Sang đến năm 2019, nguồn cung heo tại Trung Quốc dự báo vẫn tăng bởi những siêu trang trại này sẽ cho ra lứa heo đầu tiên.
Với nguồn cung lớn như vậy, Trung Quốc rất có thể tự cung tự cấp thịt heo cho thị trường trong nước. Thậm chí, Trung Quốc có thể xuất khẩu heo hơi ra thị trường thế giới, như Việt Nam.
“Nếu Việt Nam không cải tiến chăn nuôi để tạo năng suất tốt thì có thể Trung Quốc sẽ xuất ngược trở lại Việt Nam trong thời gian tới vì họ hiện đã xây dựng các siêu trang trại, nuôi tới hàng trăm nghìn con. Vì vậy có khả năng sản xuất trong nước sẽ đủ cung cấp nội địa và xuất ngược lại sang Việt Nam. Tới khi đó giá heo tại Việt Nam có thể trở nên tồi tệ hơn nữa", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết.
Tình hình chăn nuôi heo hơi trong nước
Trong khi đó, xét về tình hình trong nước, thị trường heo hơi hiện đang chịu áp lực bởi vấn đề an toàn thực phẩm, mà gần đây nhất là vụ bơm nước vào tiêm thuốc an thần vào heo tại Đồng Nai. Nhiều người lo sợ rằng, nhu cầu tiêu thụ trong nước vốn đã yếu nay lại càng yếu hơn sau sự việc này, giống như thời điểm phát hiện lò mổ Xuyên Á tiêm thuốc an thần vào heo.
Xét về nguồn cung trong nước, đợt khủng hoảng giá năm 2016 – 2017 đã khiến chăn nuôi nông hộ thực sự lao đao. Rất nhiều hộ nông dân không tăng quy mô đàn cũng không tái đàn; thậm chí, nhiều hộ phải treo chuồng, từ bỏ nghề chăn nuôi heo.
Theo đó, nguồn cung heo trong nước liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2017 trong vài tháng gần đây, dù hiện vẫn lớn hơn so với nhu cầu. Trong tháng 2, tổng số heo trên cả nước giảm khoảng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp.
Một số doanh nghiệp như Hòa Phát, Dabaco, Hùng Vương,... đã bắt đầu xây dựng các dự án chăn nuôi heo quy mô lớn theo hướng công nghệ cao và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, và dự kiến cho ra lứa heo đầu tiên ngay trong năm 2018. Vì vậy, thị trường heo hơi trong nước cũng khó có thể rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, nếu tình trạng chăn nuôi nông hộ lụi dần và chỉ dựa vào nguồn cung từ các doanh nghiệp thì thị trường heo hơi về dài hạn cũng khó đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Bởi, nuôi nông hộ ở nước ta xưa nay vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo, nhiều doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI cũng chỉ mới bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực này gần đây.
Trong khi đó, theo cập nhật mới nhất từ Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, tiến trình đàm phán xuất khẩu thịt heo chính ngạch qua Trung Quốc vẫn chưa có kết quả.
Cho tới khi tìm được cách xuất khẩu chính ngạch thịt heo ra thị trường thế giới, để thị trường heo hơi trong nước phục hồi, ngành chăn nuôi cần phải chú ý hơn nữa tới quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm, tới liên kết sản xuất để đảm bảo đầu ra, tới quy hoạch chăn nuôi để đảm bảo không phá vỡ cung – cầu.
Thanh Tùng
Theo Kinh tế & Tiêu dùng
Receive articles via Email!