Bức Xúc Vì Heo Vào Sài Gòn Phải “Đeo Vòng”
“Trong khi sản phẩm gà nhập khẩu về Việt Nam với giá rẻ tới mức nghi ngờ, thì thịt heo muốn tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh (HCM) phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định "đeo vòng" để truy xuất nguồn gốc. Đây là sự bất công vì không hài hòa được lợi ích của người chăn nuôi trong nước”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết như thế, bên lề buổi họp mặt thường niên của Diễn đàn nông dân hợp tác sản xuất kinh doanh ngày 14.3 tại TP.HCM.
Người nuôi heo ở Đồng Nai đang gặp khó vì đề án truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Nguyên Vỹ |
Nguồn cơn của bức xúc này xuất phát từ phản ứng gay gắt của nông dân, lẫn tiểu thương Đồng Nai xung quanh Đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt heo được áp dụng từ ngày 1.3. Theo đó, heo từ Đồng Nai muốn vào được thị trường TP.HCM phải thực hiện việc “đeo vòng” xác nhận để có thể truy xuất được nguồn gốc.
Theo ông Công, hiện nguồn cung thực phẩm trong nước dư thừa cả heo lẫn gà. Một trong những nguyên nhân khiến giá gà rớt thê thảm là do sản phẩm nhập khẩu về Việt Nam rẻ bèo. Trong nước, thịt heo lại bị kiểm soát gắt gao vấn đề truy xuất, đây là sự bất công.
“Đã kiểm soát chặt trong nước, thì cũng phải tiến hành tương tự với sản phẩm nhập khẩu mới hài hòa được lợi ích của người chăn nuôi”, ông Công nói.
Trở lại chuyện truy xuất nguồn gốc heo, ông Công nhận định cái mà người tiêu dùng cần là sản phẩm được chăn nuôi an toàn, giết mổ an toàn và bày bán ở địa điểm an toàn. Bản thân ông cũng ủng hộ Đề án vì đó là chủ trương lớn nhằm đảo bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
Nhưng theo ông, không phải người nào đi chợ cũng có nhu cầu cầm theo điện thoại smartphone để soi miếng thịt, mà đó là trách nhiệm chính của cơ quan chức năng. Trong khi đó, chính người chăn nuôi đã phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn.
Hiện nông dân đang phải chịu lỗ khi giá heo hơi chỉ ở mức ở 32.000 đồng/kg hơi, trong khi giá thành sản xuất phải từ 35.000 – 38.000 đồng/kg. Việc “đeo vòng” truy xuất khiến người nuôi chịu thêm khoản chi phí đầu vào với giá 6.000 đồng/vòng/1 con heo.
Tại sao chi phí đó không phải là người tiêu dùng chi trả hoặc cơ quan chức năng trợ giá?. Từ câu hỏi đó, ông Công nhấn mạnh, kể từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ, gặp sự cố ở khâu nào thì xử lý khâu đó. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra đột xuất.
Cụ thể, sản phẩm không an toàn bày bán ở quầy hàng nào thì trước tiên quầy hàng đó phải chịu trách nhiệm, quầy hàng phải có trách nhiệm với thương lái, thương lái có trách nhiệm với trại nuôi.
Được biết, tại Đồng Nai, nhiều trại nuôi đều có mã số trang trại riêng. Khi xuất hàng, Chi cục Thú y đã kiểm tra đàn, đóng thùng niêm phong nguyên xe, có GPS (định vị) nhưng TP.HCM lại quy định phải đeo vòng cho từng con heo.
“Chính chỗ này gây vướng. Hiệp hội đã đề xuất với chính quyền tỉnh Đồng Nai nhất trí gỡ khó từng bước, làm sao vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm vừa hài hòa lợi ích nông dân”, ông Công chia sẻ.
Theo Sở Công thương tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh hiện có khoảng 1,8 triệu con. Mỗi ngày, có gần 5.000 con heo được kiểm dịch cung cấp cho thị trường TP.HCM.
Trả lời báo chí, ông Dương Minh Dũng- Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết: “Đề án truy xuất được Đồng Nai và TP.HCM phối hợp thực hiện từ cuối năm 2016 nhưng chỉ một số trang trại lớn nuôi gia công cho các công ty mới quan tâm đăng ký tham gia”.
Theo Dân Việt
Receive articles via Email!