Chất Cấm Ractopamine Được Nhiều Quốc Gia Cho Phép, Tại Sao Việt Nam Cấm?
Ractopamine được hơn 30 quốc gia cho phép sử dụng. Nhưng, tại Việt Nam bị cấm do không kiểm soát được.
Ractopamine là chất thuộc nhóm beta-agonist (bao gồm các chất clenbuterol, salbutamol và ractopamine), nhóm hormon tăng trưởng bị Bộ NN&PTNT cấm sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nước ta từ nhiều năm nay.
Nghịch lý là rất nhiều nước trên thế giới lại cho dùng chất ractopamine, trong đó có Mỹ, Úc và đây là những nước Việt Nam nhập khẩu một lượng lớn thịt gà, bò, heo… trong nhiều năm qua.
Nước cấm, nước cho
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết ractopamine là chất cấm đứng đầu trong danh mục 18 chất cấm trong chăn nuôi ở nước ta, chỉ sau hai chất salbutamol và clenbuterol. Nhưng ở 29 nước như Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Brazil, Thái Lan… lại cho phép sử dụng.
“Họ cho vật nuôi ăn chất này vào giai đoạn vỗ béo nhằm thúc đẩy tăng trưởng, rút ngắn thời gian nuôi 4-6 ngày, tăng độ nạc trên cơ thể vật nuôi…” - ông Bình giải thích.
Cũng theo ông Bình, nhiều nước cho sử dụng vì chất ractopamine bị đào thải rất nhanh qua con đường nước tiểu. Sau khoảng hai ngày lượng đào thải là 73%, sau bốn ngày đào thải 93% và sau 14 ngày thì bằng các phân tích sắc ký cũng không còn phát hiện ra chất này trong vật nuôi.
Cũng vì lý do này nên các nước chấp nhận cho sử dụng ractopamine đều có quy trình cách ly. Cụ thể, trước khi giết mổ 14 ngày, tuyệt đối không còn được phép sử dụng ractopamine.
Tuy vậy cũng có nhiều nước cấm chất này như Trung Quốc, Malaysia... Ngoài ra, mới đây Nga, Đài Loan đã cấm nhập thịt bò Úc, thịt Mỹ vì phát hiện chất ractopamine.
Kiểm soát không dễ
“Việc đưa ractopamine trong thịt nhập khẩu vào danh mục kiểm soát là không dễ bởi trước đây Việt Nam đã từng ký các hiệp định thương mại song phương, trong đó có điều khoản là chấp nhận các tiêu chuẩn hàng hóa của nhau. Điều này cũng làm chính cơ quan chức năng của Việt Nam khó khăn trong xử lý” - ông Bình nêu thực tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho hay hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam bên cạnh kiểm dịch vẫn kiểm tra chất cấm trên đối với thịt nhập khẩu. Song hoạt động này cũng chỉ dừng lại ở việc lấy mẫu ngẫu nhiên và nếu nhập khẩu thịt đông lạnh càng khó vì cơ quan thú y không thể kiểm hết trên thị trường.
“Còn đối với bò Úc, cơ quan thú y cũng chỉ kiểm tra định kỳ hằng tháng, không thể kiểm tra từng lô hàng nhập về” - ông Việt nói.
Từ thực tế trên một số ý kiến cho rằng cơ quan chức năng còn chưa mạnh tay trong kiểm soát chất cấm ractopamine trong thịt nhập khẩu. Điều này tạo ra sự không công bằng với thịt sản xuất trong nước. Bởi các nước thì được phép sử dụng trong khi Việt Nam lại cấm.
Đặc biệt do được sử dụng ractopamine nên người chăn nuôi ở Mỹ, Úc… tiết kiệm được khoảng 10% chi phí thức ăn, trọng lượng lại tăng thêm 10%. Điều này làm giá thành sản xuất thấp và họ bán với giá rẻ thì ngành chăn nuôi Việt Nam cạnh tranh không lại.
Đánh giá tổng thể chất ractopamine
Trước câu hỏi liệu có đáng lo khi Úc cho phép sử dụng chất ractopamine trong chăn nuôi, trong khi Việt Nam lại đang nhập rất nhiều bò từ nước này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng Úc là nước xuất khẩu bò hàng đầu thế giới, được nhiều nước chấp nhận nhập chứ không chỉ riêng Việt Nam. Để làm được điều đó họ xây dựng tốt các vùng nuôi miễn dịch nên đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Ngoài ra, trước khi giết mổ bò Úc được cách ly theo đúng quy định.
Còn theo ông Phạm Đức Bình, hội nhập quốc tế buộc Việt Nam mở cửa nhưng nói thẳng ra muốn kiểm soát chặt cũng khó. Ví dụ thịt nhập từ Mỹ thường dư lượng cho phép rất thấp nên chưa chắc công nghệ máy móc của Việt Nam (không hiện đại - PV) phát hiện được. Vì vậy, theo ông Bình, Việt Nam nên hợp tác chuyển giao công nghệ, học hỏi cách làm của các nước, từ đó đưa ra những tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, dư lượng chất tăng trưởng đối với thịt nhập khẩu.
Trả lời câu hỏi nước ngoài được phép sử dụng, vậy liệu có nên cho sử dụng chất ractopamine trong chăn nuôi tại Việt Nam, ông Phạm Đức Bình cho rằng phải xem nước mình có quản lý, kiểm soát được hay không. Ví dụ như kiểm soát các đơn vị chăn nuôi, cách ly không cho sử dụng trong vòng 14 ngày để chất ractopamine có thể thải ra ngoài.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay Bộ NN&PTNT đang cùng các đơn vị tiến hành nghiên cứu, đánh giá tổng thể về chất cấm ractopamine. Theo đó, nếu thử nghiệm thành công có thể mạnh dạn thay thế những chất cấm khác.
Receive articles via Email!