Ngăn Chặn Bệnh Lây Truyền Từ Động Vật Sang Người
Các mầm bệnh trên người có nguồn gốc từ động vật. |
Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới của châu Á, nơi được coi là một trong năm “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm mới nổi trên người và động vật, trong đó có nhiều bệnh có thể gây đại dịch.
Một trong những nguyên nhân chính là do nạn buôn bán, vận chuyển, chăn nuôi động vật bao gồm cả động vật hoang dã. Do vậy, để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các bệnh lây truyền từ động vật cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành có liên quan, nhất là trong việc thực thi nghiêm chỉnh Luật Thú y (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016).
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời gian qua đã ghi nhận được hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người, với khoảng 60% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật và có tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể có nguồn gốc từ động vật. Nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người xảy ra khi có sự tiếp xúc của con người (trực tiếp, gián tiếp) với động vật; sản phẩm động vật, hoặc môi trường sống của chúng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng cho biết: Những thể lây truyền bao gồm qua tiếp xúc với động vật (như bệnh dại qua vết cắn), qua môi trường bị nhiễm (như bệnh nhiệt thán); qua thực phẩm (liên cầu lợn) hay gián tiếp qua véc-tơ truyền bệnh như muỗi hay bọ chét (sốt rét, sốt xuất huyết)... Cả vật nuôi và động vật hoang dã (ĐVHD) đều có thể là ổ chứa tác nhân gây bệnh. Điển hình các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới nổi trong vài thập niên gần đây là bệnh cúm gia cầm A( H5N1 ); bệnh do vi-rút E-bô-la; dại; viêm não Nhật Bản ; MERS-CoV... Trong các bệnh như cúm gia cầm A(H5N1), E-bô-la, SARS đều có liên quan trực tiếp, hay có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Đáng lo ngại, các bệnh lây truyền từ động vật sang người đang có xu hướng gia tăng, mà nguyên nhân chính là do con người đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những căn bệnh nêu trên và đang trở thành nỗi lo của tất cả các nước trên thế giới...
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập Đối tác phòng, chống cúm gia cầm và cúm ở người (gọi tắt là PAHI ). Đối tác phòng, chống cúm gia cầm và cúm ở người đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác chặt chẽ giữa các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan khác trong công tác phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn thành công nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; khống chế hiệu quả dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm cũng như ở người. Năm 2015, Việt Nam đã không ghi nhận trường hợp mắc cúm gia cầm ở người.
Xem thêm trên Vetshop.VN
Xem thêm trên Vetshop.VN
Tuy nhiên, trong những năm đầu thế kỷ 21, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguồn gốc từ động vật xuất hiện, nhất là dịch bệnh cúm gia cầm và cúm ở người. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước được WHO cảnh báo đang là một trong những quốc gia được coi là "điểm nóng" về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật. Vì ở nước ta hiện nay, việc gây nuôi ĐVHD để cung cấp thực phẩm, hoặc nuôi làm cảnh khá phát triển; tình trạng buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, nhất là buôn bán quốc tế được xác định là một trong những tác nhân gây lây lan dịch bệnh từ ĐVHD sang động vật nuôi và con người, do có sự thay đổi nhanh chóng và đa dạng của vật chủ. Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân, mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu.
Do vậy, để ngăn chặn dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, trước hết cần có sự phối hợp, hỗ trợ, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhằm ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lan rộng trên toàn cầu.
Đối với Việt Nam, ngăn chặn dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đòi hỏi có sự phối hợp đa ngành, chặt chẽ giữa hệ thống giám sát và ứng phó bệnh giữa ngành y tế, ngành nông nghiệp - thú y, nhất là việc nghiêm chỉnh thực hiện Luật Thú y (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây). Tăng cường giám sát dịch bệnh trên động vật trong quá trình nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất giám sát các bệnh truyền nhiễm có thể lây giữa ĐVHD và động vật nuôi tại các cơ sở nuôi ĐVHD, vườn thú, vườn chim, khu bảo tồn đa dạng sinh học và khu bảo tồn thiên nhiên. (xem thêm: Bệnh lây truyền từ động vật sang người)
Các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp… cần tăng cường phối hợp giải quyết hiệu quả và đồng bộ ba vấn đề chính của nạn buôn bán trái phép ĐVHD gồm săn bắn, buôn bán và giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và bảo vệ các loài ĐVHD, để từng bước xóa bỏ các lỗ hổng, sự chồng chéo và bất cập trong việc phân công trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này.
Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD, nhất là những biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể có nguồn gốc từ động vật, tới người dân trên cả nước… Người dân cần thực hiện tốt việc kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật (chăn nuôi khoa học, quan tâm vệ sinh môi trường, chuồng trại…), nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi; thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ; sử dụng các phương tiện phòng hộ khi lao động, tiếp xúc với các động vật trong các trang trại hoặc trong thiên nhiên.
Receive articles via Email!