Những Ca Phẫu Thuật Đặc Biệt Cho Động Vật
Ca phẫu thuật cho cá vàng ở Australia Ảnh: Lort Smith. |
Ứng dụng tiến bộ khoa học và y tế, các chuyên gia đã phẫu thuật não hay xử lý khiếm khuyết về tim cho động vật.
Phẫu thuật não
Năm 2014, một nhóm bác sĩ ở Australia thực hiện ca phẫu thuật đặc biệt với cá vàng để loại bỏ khối u trong não.
Phẫu thuật não cũng được thực hiện đối với các loài thú nuôi trong nhà hay động vật trong vườn thú để xử lý dị tật Chiari (Chiari malformation) và não úng thủy. Năm 2013, tại Đại học Tennessee, các chuyên gia phẫu thuật cho một con sư tử tên Ramses, nặng 150 kg. Ở người, dị tật Chiari gây chóng mặt, đau đầu và nhiều triệu chứng khác.
Phẫu thuật tái cấu trúc
Bác sĩ thú ý có thể thực hiện các ca mổ tái tạo để xử lý khiếm khuyết ở mũi, hàm, miệng... Tại Philippinies, con chó Kabang bị mất nửa mặt vì xe máy đâm vẫn có cơ hội sống bình thường. Phẫu thuật ghép da lấp đầy các vết thương trên mặt, giúp con chó vẫn có thể ăn và ngửi.
Ngày nay, kỹ thuật in 3D còn được sử dụng để tái tạo các bộ phận giả cho động vật nuôi. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một con rùa biển đã được lắp hàm in 3D sau khi bị thương do va chạm với bộ phận chân vịt của tàu.
Phẫu thuật tim hở
Các bác sĩ tại Đại học California, Davis, từng xử lý khiếm khuyết về tim cho bệnh nhân đặc biệt là con mèo Vanilla Bean một tuổi. Nhóm chuyên gia thực hiện ca phẫu thuật tim hở và giúp máu lưu thông, bởi nếu không con mèo sẽ chết vì suy tim xung huyết. Dù mất khá nhiều máu, Vanilla Bean vẫn sống sót và phục hồi khỏe mạnh.
Tháng 11/2014, một chiến dịch gây quỹ đã thu được 30.000 USD, đưa các bác sĩ Nhật Bản đến Đại học Cornell, Mỹ, để phẫu thuật cho một con chó. Sau 7 giờ, họ đã xử lý được lỗi van tim của con chó Esme.
Con mèo Vanilla Bean. Ảnh: UC Davis |
Mổ lấy thai
Mổ lấy thai được thực hiện phổ biến ở chó, mèo và thậm chí cả rùa, nhưng hiếm khi áp dụng với các loài linh trưởng hay động vật có kích thước lớn, trừ khi khẩn cấp.
Đầu năm nay, một nhóm bác sĩ thú ý thuộc các ngành sản, nhi và gây mê đã thực hiện thành công ca mổ lấy thai và chào đón một con đười ươi tại Đại học Minnesota, Mỹ. Năm ngoái, vườn thú San Diego áp dụng phương pháp này với một con khỉ đột.
Anh Hoàng (Theo Live Science)
Receive articles via Email!