Bệnh Do Vi Khuẩn Kháng Kháng Sinh Đã Giết Hại Nhiều Người Hơn Bệnh AID
Cuộc chiến giữa vi khuẩn và kháng sinh chưa tới hồi kết. |
ESBL là gì?
Beta-Lactamase phổ rộng là một enzyme sản xuất bởi một vài loại vi khuẩn, enzyme này đã giúp vi khuẩn kháng lại nhiều loại kháng sinh đã dùng để tiêu diệt chúng.
ESBL được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1980. Vào thời gian đó, enzyme này thấy hầu hết ở các loài vi khuẩn Klebsiella. Sau đó người ta không thấy có nhiều người bị bệnh do các loài vi khuẩn đột biến gien này gây ra và vì thế người ta chưa quan tâm nhiều đến nó.
Tuy nhiên tình hình đã thay đổi nhanh theo chiều hướng nguy hiểm, một lớp ESBL mới đã xuất hiện (enzyme được gọi là CTX-M) và đã phân bố rộng rãi trong vi khuẩn E.coli. Vi khuẩn E.coli sản sinh ESBL mới này kháng lại penicillins và cephalosporins và trở thành tác nhân nguy hiểm gây các bệnh truyền nhiễm đường niệu (theo Cục Bảo vệ Sức khỏe Anh-HPA).
Những loài vi khuẩn khác bây giờ cũng thấy sản sinh ESBL là:
- K. pneumoniae
- K. oxytoca
- Samonella
- Proteus mirabilis
- Pseudomonas aeruginosa
Tính chất nguy hiểm của tình trạng kháng thuốc ngày càng được ý thức hơn khi người ta thấy rằng những vi khuẩn kháng thuốc đã gây ra các bệnh chết người còn lớn hơn cả bệnh AID. Tạp chí của Hội Y học Mỹ số tháng 10 năm 2007 đưa tin, năm 2005 ở Mỹ hơn 100 ngàn ca bệnh gây ra bởi Staphylococcus aureus kháng lại methicillin (MRSA: methicillin- resistant staphylococcus aureus) đã làm 18.600 người bị chết, trong khi cũng trong năm đó số người bị chết do HIV/AID chỉ là 17.000.
Người ta cũng nhận thức rằng bệnh gây ra do vi khuẩn kháng thuốc là do con người. Cả hai loại vi khuẩn kháng methicillin và sản sinh ESBL đều tìm thấy trên động vật nuôi, đặc biệt là trên lợn.
Động vật nuôi thường được bổ sung kháng sinh với liều thấp để phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. So với khẩu phần không bổ sung kháng sinh, tăng trưởng của động vật tăng cao hơn 4-5%. Người nuôi và người bán kháng sinh có lợi chút ít, nhưng người tiêu thụ phải trả giá cao vì việc bổ sung kháng sinh vào thức ăn với liều thấp đã tạo điều kiện hoàn hảo cho vi khuẩn kháng thuốc phát triển.
Ở Mỹ 12 triệu tấn kháng sinh được sản xuất mỗi năm, 70% trong số này được dùng để nuôi gia súc khỏe. Khi ăn thịt hay tiếp xúc với động vật nuôi con người sẽ có nhiều rủi ro tiếp nhận các vi khuẩn bệnh đã kháng thuốc hoặc tích lũy kháng sinh trong cơ thể và tạo cơ hội cho vi khuẩn kháng thuốc sinh sôi, nẩy nở.
Gia súc ăn thức ăn được bổ sung kháng sinh, kháng sinh sẽ thải ra ở phân. Các loại sản phẩm cây trồng bón phân gia súc nhiễm kháng sinh cũng tích lũy kháng sinh. Kháng sinh từ phân bón được tất cả các cây trồng hấp thu vào trong lá và trong tất cả các mô, bao gồm cả hạt và củ. Đây cũng là con đường phát tán mạnh vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể người và động vật khi ăn các sản phẩm cây trồng này.
Mỗi khi vi khuẩn bệnh kháng thuốc, kháng sinh không có hiệu lực thì con người lại phải tìm ra loại kháng sinh mới để tiêu diệt chúng. Vi khuẩn lại biến đổi gien để chống lại kháng sinh mới. Cuộc chiến giữa vi khuẩn và con người diễn ra không thấy điểm dừng và trong cuộc chiến này con người thua thiệt nhiều hơn (kháng thuốc thường xuất hiện sau khoảng 5-12 năm sử dụng một loại kháng sinh mới).
Do tác hại to lớn của vấn đề kháng kháng sinh, các nước EU đã cấm sử dụng kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi từ ngày 1 tháng 1 năm 2006. Ở nước ta một số loại kháng sinh bổ sung vào thức ăn chăn nuôi đã bị cấm (chloramphenicol, dimetridazole, metronidazole, furazolidon và các dẫn xuất của nhóm nitrofuran), tuy nhiên đã đến lúc phải cấm nhiều loại kháng sinh khác nữa và nhanh chóng có lộ trình tiến tới cấm tất cả các các loại kháng sinh dùng như một chất kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi.
Người viết: GS. Vũ Duy Giảng
Receive articles via Email!