Không Có Loại Vaccin Tai Xanh Nào Bảo Hộ Như Mong Muốn | Vetshop VN


Không Có Loại Vaccin Tai Xanh Nào Bảo Hộ Như Mong Muốn

Post by: | date: 8.12.13 Bình luận cho bài viết! | Print
Không có vaccin PRRS nào bảo hộ như mong muốn.
Không có vaccin PRRS nào
bảo hộ như mong muốn.
Mở đầu cuộc trao đổi về một loại vacxin phòng chống bệnh heo tai xanh mà Cục Thú y đang thử nghiệm (NK 200.000 liều từ Trung Quốc), BS thú y Trần Thông Thái, một trong những chuyên gia tư vấn hàng đầu về chăn nuôi và bệnh lý heo ở các tỉnh phía Nam đã nói với NNVN như trên.

Ông Thái cho rằng, các nhà quản lý đã có lý khi không thể khuyến cáo chính thức loại vacxin nào, bởi các cơ chế về miễn dịch của bệnh heo tai xanh (viết tắt PRRS) vẫn còn đang tiếp tục tìm kiếm từ các nhà nghiên cứu trên thế giới, nên câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước. Hiện nay, có thể khẳng định là không có 1 loại vacxin nào có hiệu quả bảo hộ như mong muốn, mặc dù trên thị trường thế giới có ít nhất là 21 loại vacxin PRRS.

Thưa ông, tên gọi “heo tai xanh” nghe quá ấn tượng và dễ gây hiểu lầm?

Đúng vậy, trên các tạp chí khoa học quốc tế và thậm chí ở Trung Quốc, các nhà khoa học bây giờ người ta ít gọi là heo tai xanh nữa rồi, mà gọi là “hội chứng bệnh liên quan với PRRS” (PRRS–related syndrome) hoặc “hội chứng sốt cao trên heo” nhất là ở châu Á, để phân biệt với các hội chứng cổ điển của PRRS đã xuất hiện và đã trở thành nội dịch từ 20 năm qua trên gần cả thế giới, trừ một số quốc gia là Argentina, Áo, Cuba, Phần Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ...là chưa phát hiện.

Lịch sử bệnh dịch này trên thế giới có gì đáng chú ý thưa ông?

Trong lịch sử, virus PRRS đã từng có các cú nhảy về “độc lực”, không riêng ở Trung Quốc và Việt Nam mà ở Mỹ vào các năm 1996- 2000- 2007 đã xảy ra PRRS độc lực cao, làm chết hơn 20% nái, và tỉ lệ xảy thai hơn 50%. Từ 2006- 2007 đến nay, biến chủng virus PRRS ở Trung Quốc và Việt Nam đã được các nhà khoa học xác nhận. Tuy nhiên, virus này không phải là tác nhân gây bệnh duy nhất, mà chính là đồng nhiễm gồm virus PRRS, virus dịch tả heo, circovirus PCV2 và các vi trùng bội nhiễm khác, như mẫu bệnh phẩm của VN 2007 gửi qua phòng thí nghiệm ở Plum Islands (Mỹ) cho thấy khi cô lập virus PRRS và tiêm cấy cho heo SPF thì không gây chết. Trái lại nếu tiêm chích chất bệnh phẩm thì gây heo chết, giống như ở ngoài thực địa, chứng tỏ hội chứng bệnh là do nhiều mầm bệnh kết hợp chứ không riêng virus PRRS .

Rõ ràng, trên cùng 1 mẫu bệnh phẩm, người ta phát hiện cùng lúc các mầm bệnh virus tham gia gây bệnh, nhưng chúng ta lại đang chăm bẵm đi tìm có mỗi con virus PRRS.

Trở lại vacxin heo tai xanh, vì sao đến nay vẫn không thể biết chính xác loại vacxin nào hiệu quả?

Ngay cả Tây Ban Nha được coi là quốc gia sử dụng vacxin đầu tiên vào năm 1994, sau đó nhiều vacxin khác lần lượt ra đời nhưng đến nay tính hiệu quả và tính an toàn của nó vẫn không như mong đợi. Điều này đã làm nản lòng các nhà nuôi heo trên thế giới, kể cả giới chuyên môn, mặc dù thế giới đã tốn rất nhiều công sức, tiền bạc đổ vào nghiên cứu. Hiện vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp cho vấn đề miễn dịch học và vấn đề biến chủng không ngừng của virus PRRS sau 20 năm virus tồn tại, phải chăng tác nhân gây bệnh heo tai xanh thực sự không chỉ đơn thuần là con virus PRRS độc lực cao?

Thế giới còn bó tay, thì chắc VN vẫn phải...xếp hàng chờ ?

“Tôi có đọc Báo NNVN ngày 25/8/2010 phản ảnh về trường hợp người chăn nuôi ở tỉnh Hưng Yên sau khi tiêm phòng vacxin PRRS (SX tại Tây Ban Nha-PV) đã không có tác dụng, đàn heo vẫn bị bệnh và chết. Vấn đề này, báo nêu ra đúng lúc và cần thiết, nhưng rất tiếc chưa thấy cơ quan chức năng trả lời.

Theo tôi có 3 lý do có thể xảy ra, trước hết chủng virus trong vacxin này đã không cùng chủng virus gây bệnh của địa phương, nhất là chủng có “độc lực” quá cao. Đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay; hai là, tiêm phòng cho đàn heo đã nhiễm mầm bệnh tai xanh rồi nhưng bệnh chưa bộc phát ra (còn trong giai đoạn ủ bệnh) nên sau khi tiêm phòng thì bệnh xảy ra; ba là, heo chỉ có đáp ứng miễn dịch tốt khi được tiêm phòng trong tình trạng sức khỏe tốt.

Nên nhớ, việc tiêm phòng vaccin PRRS chỉ có thể hạn chế được dịch bệnh chứ không thể khống chế hoàn toàn được bệnh, ngay cả ở những nước chăn nuôi tiên tiến cũng vậy, cho dù vacxin có cùng chủng với virus gây bệnh”.

(TS Nguyễn Văn Phát, Phó khoa Chăn nuôi-Thú y, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM)

Xin được nhắc lại, năm 2007, hội nghị các nhà bệnh lý heo hàng đầu của Mỹ họp tại ĐH Illinois đã công bố “sách trắng” với câu kết luận kinh ngạc là người ta hy vọng tìm ra vacxin PRRS có hiệu quả bảo hộ hoàn hảo ít nhất là 10 năm nữa, có nghĩa là phải sau năm 2017. Như thế trong bối cảnh VN, chúng ta gần như rất khó duy trì tình trạng âm tính đối với PRRS ở các trại heo. Vì vậy duy trì sự ổn định, kiểu như “sống chung với lũ” của đàn heo trong nước đối với PRRS hiện nay là cần thiết.

Ông Nguyễn Trí Công, GĐ Cty Chăn nuôi Trí Công ở Đồng Nai cho biết, thay vì dùng vacxin PRRS mua ngoài thị trường thì trang trại ông đã lấy máu heo bệnh tai xanh để tiêm sang cho những con heo không bệnh và thực tế chứng minh rất hiệu quả. Ông giải thích thêm về cơ chế này?

Trước hết, tôi xin lưu ý là phương pháp này chỉ thực hiện trên đàn heo nái và hậu bị thay đàn. Thực ra, phương cách làm không phải là SX vacxin mà là “ổn định” tình trạng nhiễm virus PRRS trong trại heo, sau khi thực hiện chẩn đoán lâm sàng kết hợp với kết quả huyết thanh học (Elisa) gián tiếp qua động thái kháng thể chống PRRS.

Phương pháp này dựa vào một số nghiên cứu thực hành từ Mỹ. Đây là vấn đề “nghệ thuật” hơn là khoa học, đòi hỏi kinh nghiệm và chẩn đoán lâm sàng của từng trại. Phương pháp này sử dụng chính con “virut còn nguyên độc lực” của trại để phơi nhiễm toàn bộ đàn nái nhằm rút ngắn thời gian nhiễm tự nhiên và tạo miễn dịch bảo hộ đồng chủng 100% cùng một lúc. Đồng thời, phải đóng cửa đàn, không nhập heo hậu bị và tinh dịch heo trong thời gian 200 ngày để đủ thời gian loại thải virus sau khi đàn nái đã miễn dịch bảo hộ. Dĩ nhiên là có tổn thất, nhưng tiên liệu được và sau 3 tháng đàn ổn định, thời gian bảo hộ kéo dài 2 năm với điều kiện không có chủng virus khác xâm nhập.

Xin cám ơn ông!



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y