Vai Trò Ngành Thú Y Việt Nam Trong Giai Đoạn Hội Nhập | Vetshop VN


Vai Trò Ngành Thú Y Việt Nam Trong Giai Đoạn Hội Nhập

Post by: | date: 7.11.13 Bình luận cho bài viết! | Print
Tiêm phòng cho trâu bò.
Tiêm phòng cho trâu bò.
Trong mấy năm gần đây dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra rất nghiêm trọng và phức tạp; đặc biệt các bệnh quan trọng như cúm gia cầm H5N1 (AI), cúm A/H1N1 có nguồn gốc từ heo, gần đây là cúm A/H7N9 cũng có nguồn gốc từ gia cầm; bệnh tai xanh (PRRS); bệnh lở mồm long móng (FMD)...

Tình hình buôn lậu động vật qua biên giới, số người đi du lịch có thể mang theo dịch bệnh vào VN đang tăng lên; đặc biệt từ các nước trong khu vực có nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Biến đổi khí hậu, môi trường là nguyên nhân làm tăng khả năng các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật có thể lây sang người.

Trong tương lai loài người đang phải đối mặt với các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang người, đặc biệt là các dịch bệnh do siêu vi trùng. ATVSTP hiện nay là vấn đề toàn cầu, là yêu cầu cấp thiết của người tiêu dùng; đặc biệt là thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Nhiều chất cấm, chất kích thích sinh trưởng, chất gây ung thư có thể được sử dụng trong chăn nuôi với mục đích lợi nhuận được phát hiện rất nhiều từ một vài nước quanh khu vực.

Do vậy phải ngăn chặn có hiệu quả thực phẩm từ các nước vào VN khi hàng rào thuế quan bị bãi bỏ bởi các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương, đồng thời cũng phải nâng cao khả năng kiểm soát thực phẩm SX trong nước cho tiêu dùng nội địa và XK.

Ngành Thú y VN được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như các tổ chức có liên quan và đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Hệ thống thú y được tăng cường, mạng lưới thú y đã được tổ chức đến xã, phường; một số tỉnh còn có hệ thống thú y đến tận thôn. Ngành Thú y đã tự mình làm chủ công việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo được ATVSTP.

Tuy nhiên, tình hình trên là những thách thức lớn, đòi hỏi hơn nữa sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền có trách nhiệm từ Chính phủ tới các địa phương; đặc biệt của ngành Thú y trong vai trò quản lý Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, bệnh lây từ động vật sang người và đảm bảo ATVSTP cho tiêu dùng trong nước và XK trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trên phạm vi thế giới, thú y là ngành có từ lâu đời do yêu cầu thực tiễn cuộc sống, do vai trò và trách nhiệm của nó trong xã hội. Ở nhiều quốc gia, thú y được đặc biệt coi trọng.

Tiêm phòng vaccin cho gia súc

Đầu vào ngành Thú y được xếp ngang ngành Y, có nghĩa là phải học giỏi mới đủ tiêu chuẩn vào ngành Thú y. Bác sĩ thú y phải học thêm 1-2 năm so với các ngành khác (tương đương với ngành Y). Bác sĩ thú y ra trường được ưu tiên, tạo điều kiện để làm việc hơn các ngành khác.
Ngành Thú y được xem là ngành bảo vệ sức khỏe, không những cho con vật mà còn cho con người. Ngành Thú y giải quyết các vấn đề về thực phẩm từ gốc, trong khi đó ngành Y tế giải quyết vấn đề sau khi tiêu dùng thực phẩm mà phát sinh bệnh như ngộ độc thực phẩm. Từ trang trại đến khi ăn vào là ngành Thú y có trách nhiệm. Ngành Y tế chủ yếu về phòng, chữa bệnh (phần sau).
Ở Hàn Quốc, quản lý Nhà nước về thú y còn được chia thành 2 Cục là Cục Phòng chống dịch bệnh cho động vật và Cục Quản lý ATVSTP thú y thuộc Bộ Nông nghiệp. Ở CHLB Đức có Viện Vệ sinh Thú y thực phẩm & bảo vệ người tiêu dùng. Đây là viện liên bang lớn hơn cả Viện vi trùng và Viện siêu vi trùng thú y.

Hầu hết các nước trên thế giới, hệ thống thú y được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã (cơ quan Thú y cấp trung ương bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan thú y cấp tỉnh, cơ quan thú y cấp tỉnh bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan thú y cấp huyện, cơ quan thú y cấp huyện bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan thú y cấp xã, cơ quan thú y cấp xã tuyển chọn, trả lương cho thú y thôn, bản). n. Hoặc trong trường hợp khi chính quyền địa phương bổ nhiệm lãnh đạo thú y cấp địa phương thì bắt buộc phải có ý kiến của cơ quan thú y cấp trên.

Tại Ấn Độ, hệ thống thú y được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến cấp xã, do vậy với số lượng gần 600 triệu trâu, bò, dê, cừu được chăn nuôi tập trung, chăn thả tại Ấn Độ (trong đó, đa số là chăn nuôi nhỏ lẻ và di chuyển từ vùng này sang vùng khác) đã được kiểm soát tốt về dịch bệnh, chủ động tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm cho gia súc, xây dựng được nhiều vùng an toàn dịch bệnh LMLM và các bệnh truyền nhiễm khác. Hiện, Ấn Độ đã XK thịt trâu đến 65 nước trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tôn vinh Thú y cộng đồng là một bộ phận của Y tế cộng đồng. Thú y cộng đồng chăm lo về thể chất và tinh thần cho con người thông qua toàn thể các hoạt động của ngành Thú y...

Một số tổ chức quốc tế mà Thú y VN là thành viên như Tổ chức Thú y thế giới (OIE) là tổ chức quốc tế có quyền lực trong việc ban bố danh mục các dịch bệnh được phép hay không được phép buôn bán, giết thịt và sử dụng phụ phẩm cho chăn nuôi, quản lý dịch bệnh toàn cầu.

Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là hiệp định quy định những biện pháp kiểm dịch mà các nước tham gia buộc phải tuân thủ.

Các quy chuẩn, tiêu chuẩn ban hành cho sản phẩm động vật đều quy định bởi Tổ chức tiêu chuẩn hóa (Codex) của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Y tế Thế giới (WHO). Quy định các nước buôn bán thực phẩm phải tham khảo và áp dụng.

Nhiệm vụ thực hiện các quy định trên thuộc ngành Thú y và hệ thống thú y VN cần phải tuân thủ thông lệ quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng vào hệ thống kinh tế quốc tế.

Nhân đây chúng ta có thể nêu một ví dụ điển hình là vào năm 2006, EU đã đưa danh sách VN ra khỏi các nước được phép XK mật ong vào thị trường EU, với lý do là hệ thống kiểm soát thú y về VSATTP của VN về mật ong chưa đáp ứng được yêu cầu của EU.

Trong gần 7 năm Cục Thú y đã rất kiên trì thực hiện các yêu cầu phía EU đưa ra, qua nhiều lần phái đoàn EU sang kiểm tra và đánh giá, cuối cùng vào đầu năm 2013, EU đã công nhận hệ thống kiểm soát ATVSTP của chúng ta đạt được những yêu cầu của EU.

Đây là bước thắng lợi của sự nỗ lực của chúng ta, song qua đây chúng ta nhận thức rõ rằng trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế, hàng rào kỹ thuật luôn là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ SX trong nước, đặc biệt phải đối mặt với việc giảm thuế các mặt hàng nông sản trong đó có sản phẩm chăn nuôi.
Ngành Thú y phải làm gì trong xu thế hội nhập? Tất nhiên là có nhiều việc phải làm từ đào tạo, nghiên cứu, đến quản lý Nhà nước. Chúng ta phải xây dựng một ngành Thú y đủ mạnh. Từ trước tới nay, mới chỉ tập trung nhiều vào công tác phòng, chống dịch bệnh, còn ít quan tâm đến vấn đề ATVSTP.
Vừa qua trong tình hình buôn lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ mất ATVSTP và có thể mang mầm bệnh cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc vào nước ta, đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia công tác trên và đã mang lại những kết quả rất tích cực.

Ngành Thú y cần nhìn nhận việc làm đó của lãnh đạo Chính phủ là nguồn động viên lớn để nhận rõ hơn trách nhiệm vai trò của mình trong xu thế mới.

Ngành Thú y cần có những tham mưu cụ thể hơn nữa cho Bộ, các cấp chính quyền có trách nhiệm về việc củng cố hệ thống ngành từ Trung ương đến địa phương thành một khối thống nhất, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới.

Mặt khác cần gấp rút củng cố hệ thống thú y cộng đồng, tăng cường trang bị phân tích kỹ thuật cao cho một số phòng thí nghiệm đủ năng lực phân tích chất tồn dư trong thực phẩm, đào tạo nhân lực có đủ trình độ làm chủ công nghệ; đặc biệt phải đào tạo đội ngũ thanh tra thực phẩm có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có thể làm việc trực tiếp với các đối tác nước ngoài.

Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn được thực phẩm bẩn, kém chất lượng, mất ATVSTP xâm nhập vào nước ta khi hàng rào thuế quan không đảm bảo ngăn chặn do quy định của các hiệp định thương mại đa, song phương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác chúng ta cũng cần làm rõ trách nhiệm đó của ngành để các cấp lãnh đạo thông hiểu và có những ủng hộ thích hợp.

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y