Cơ Hội, Thách Thức Và Giải Pháp Cho Nghành Chăn Nuôi Việt Nam
Tiêm phòng trên gia súc. Ảnh minh họa. |
Ðể đạt mục tiêu đề ra, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như lợn, gia cầm, bò; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản. Khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang chăn nuôi trang trại và công nghiệp... Ðồng thời, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, như đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây ngành chăn nuôi nước ta, đặc biệt là chăn nuôi lợn đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Số lượng lợn giảm đáng kể trong các năm 2006 và 2007, bước sang năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009 ngành chăn nuôi lợn đã có những dấu hiệu phục hồi lại. Theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 01/10/2008 tổng đàn lợn: 26.702 nghìn con, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, 5 tháng đầu năm 2009 đàn lợn tăng 2-3%. Tình hình dịch bệnh trên đã cơ bản được khống chế. Tính đến ngày 21/5/2009, dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở 2 tỉnh, dịch lở mồm long móng ở Gia Lai; dịch tai xanh ở Bắc Giang. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành chăn nuôi lợn ở nước ta cũng có rất nhiều thuận lợi để phát triển.
Cơ hội
Tình hình dịch bệnh, sự khủng hoảng kinh tế thế giới, giá thức ăn tăng, giá thành giảm... là những khó khăn mà ngành chăn nuôi lợn ở nước ta đang phải đối mặt, tuy nhiên không phải chúng ta không có những cơ hội phát triển:
- Thứ nhất: sản phẩm thịt lợn không phụ thuộc vào xuất khẩu mà chủ yếu tiêu thụ trong nước, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn tăng tương ứng với sự tăng trưởng của nền kinh tế; mặt khác người tiêu dùng vẫn ưa chuộng dùng các sản phẩm thịt lợn tươi sống hơn các sản phẩm đông lạnh.
- Thứ hai: nhà nước và nhiều địa phương đang thực thi các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp. Cục Chăn nuôi đã đề ra một số chính sách phát triển ngành. Trong đó, đáng chú ý là chính sách về đầu tư, tín dụng, đất đai và thuế. Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng hạ tầng phát triển các khu chăn nuôi tập trung (đường giao thông, điện nước và xử lý môi trường); hỗ trợ tối thiểu 30% kinh phí xây dựng hạ tầng cho các trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp không nằm trong các khu chăn nuôi tập trung; hỗ trợ tối thiểu 30% kinh phí đầu tư cho trạm thụ tinh nhân tạo lợn với quy mô tối thiểu 15 con đực giống. Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung, công nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi. Về đất đai, các địa phương phải hoàn thiện quy hoạch, dồn điền đổi thửa để giành đủ quỹ đất cho nhu cầu phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp gắn với giết mổ, nhằm từng bước đưa chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Trong trường hợp phải thuê đất, người chăn nuôi sẽ được miễn hoặc giảm tối thiểu 20 - 50% tiền sử dụng đất tuỳ từng trường hợp. Riêng về thuế, sẽ áp dụng khung thuế ưu đãi cao nhất về các loại thuế đối với cơ sở, doanh nghiệp chăn nuôi trang trại, công nghiệp; các cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm và sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thú y. Đặc biệt, sẽ miễn 2 năm thuế thu nhập doanh nghiệp và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm tiếp theo đối với các cơ sở, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ép dầu cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản.
- Thứ ba: Những thành tựu to lớn về kỹ thuật chăn nuôi lợn đã được các cơ sở nghiên cứu, sản xuất chuyển giao cho sản xuất trong thời gian qua, nhất là con giống, chuồng trại và vệ sinh thú y. Theo Cục Chăn nuôi, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng đầu lợn chỉ đạt 3,31%/năm nhưng tăng trưởng về sản lượng lợn xuất chuồng đạt 10,1%, tỷ lệ lợn nái ngoại tăng từ 7,4% lên 10,2%, chăn nuôi lợn trang trại tăng từ 3.534 trang trại năm 2003 lên 7.475 trang trại năm 2008. Chất lượng thịt cũng đã được cải thiện đáng kể, nếu như các năm trước phần lớn chỉ quan tâm đến tỷ lệ nạc thì ngày nay người tiêu dùng đã quan tâm nhiều đến chất lượng thịt như tỷ lệ mỡ dắt (mỡ lẫn trong thớ thịt khiến cho thịt mềm hơn), sản phẩm thịt lợn không tồn dư kháng sinh và hoóc môn.
Tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi đã được chuyển giao khá toàn diện theo hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa. Trình độ các chủ trang trại cũng được nâng lên một bước đáng kể, nếu như trước đây các chủ trang trại thường lấy nái hậu bị lai sẵn từ các cơ sở giống thì ngày nay người ta lại quan tâm nhiều hơn đến giống thuần và tự lai để có giống phù hợp nhất với từng điều kiện tiểu khí hậu và chăn nuôi cụ thể, tự phối trộn thức ăn để giảm giá thành. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu dùng thịt trong nước cũng như thế giới sẽ tăng và mức chi tiêu thịt ở nông thôn sẽ cao hơn thành thị, vì vậy, tiềm năng để phục hồi và phát triển chăn nuôi lợn ở nước ta là rất lớn.
Những thách thức chưa từng có
Ngành chăn nuôi nước ta nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng đang đứng trước những tồn tại và thách thức lớn trong thời điểm hiện nay. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng ngành chăn nuôi 6 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03%, nghĩa là gần như không có tăng trưởng.
Từ tháng 8/2008 đến nay, giá con giống và sản phẩm liên tục giảm mạnh, nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, giảm hiệu quả. Tại thời điểm tuần đầu tháng 9/2008, giá các sản phẩm đã giảm từ 5-11% từ đầu năm đến nay giá lợn hơi từ 30.000-35.000 đ/kg, giá con giống cũng giảm khoảng 5000 – 10000 đồng /Kg . Những tồn tại và thách thức đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta hiện nay theo chúng tôi có 5 vấn đề cơ bản sau:
- Thứ nhất là dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Trong 8 tháng đầu năm 2008 Dịch tai xanh đã bùng phát trên 953 xã thuộc 59 huyện của 25 tỉnh. Số lợn mắc bệnh là 308.901 con, chết và tiêu hủy 299.988 con. Từ cuối năm 2008 đến tháng 6 năm 2009 dịch tai xanh đã có những diễn biến phức tạp, thêm vào đó là dịch cúm lợn đã tạo ra những tác động xấu đến ngành chăn nuôi lợn. Trong lần kiểm tra dịch lợn tai xanh tại Thanh Hoá, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã phải thốt lên: “Dịch bệnh lây lan nhanh khủng khiếp”. Không chỉ lây lan nhanh, mức độ thiệt hại mà dịch bệnh gây ra cho ngành chăn nuôi ngày càng lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là hình thức chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ. Điển hình là Thanh Hóa, toàn tỉnh có 1,3 triệu con lợn, hầu hết đều được nuôi ở quy mô hộ gia đình. Mà đã nuôi nhỏ lẻ theo kiểu “năng nhặt chặt bị”, tận dụng thức ăn thừa thì tất nhiên chẳng hộ nào quan tâm tới công tác tiêm phòng hay phòng chống dịch bệnh theo quy trình của cơ quan thú y. Dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, làm tăng chi phí sản xuất (phòng chống dịch) và nguy cơ tái phát các bệnh dịch này còn rất cao.
- Thứ hai là lạm phát. Việt Nam đã rơi vào cuộc lạm phát phi mã. Lạm phát trước hết làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng. Hệ quả là trong khi mọi mặt hàng đều tăng giá thì trong những tháng gần đây, giá thực phẩm lại đi xuống và giảm từ đầu năm đến nay từ 5-11% tùy theo mặt hàng làm cho người chăn nuôi càng thêm thiệt thòi. Lạm phát còn làm tăng giá đầu vào, trước hết là tăng giá thức ăn chăn nuôi. Từ giữa năm 2007 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng chóng mặt. Giá ngô 9 tháng đầu năm 2008 đã tăng 18,7% so với 9 tháng đầu năm 2007, khô dầu đậu tương tăng 80%, lysine tăng 27,7%, methionine tăng 125,9%, v.v… Thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt tăng 33,1%...Anh Nguyễn Huy Lộc (xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), chủ một trang trại lớn nhận xét: "Giá thịt hơi như hiện nay (32 nghìn đồng/kg) vẫn chưa đạt đến mặt bằng để chăn nuôi có lãi. Chỉ những trang trại chăn nuôi công nghiệp hiện đại, an toàn dịch bệnh và biết hạch toán kinh tế kỹ lưỡng thì mới có lãi". Còn chị Nguyễn Thị Von (xã Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam), cho biết: "Thịt lợn hơi ở quê tôi hiện chỉ bán được 28 nghìn đến 29 nghìn đồng/kg; giá thức ăn đang có xu hướng tăng trở lại. Như thế, nếu không nhiễm dịch bệnh, một con lợn thịt xuất chuồng (nuôi từ 25 kg, trong ba tháng) sẽ cho lãi khoảng từ 200 đến 300 nghìn đồng; còn nếu giá cám tăng lên nữa, là hòa vốn".Nguyên nhân do giá nguyên liệu thế giới tăng và một phần ngũ cốc đang được chuyển sang sản xuất ethanol. Chúng ta phải nhập phần lớn nguyên liệu từ nước ngoài do năng suất một số cây trồng của chúng ta còn quá thấp như ngô, đậu tương và nhiều nguyên liệu chưa sản xuất được như các premix khoáng, vitamin… sẽ còn là hạn chế và thách thức lâu dài đối với ngành chăn nuôi nước ta. Giá đầu vào còn tăng ở các chi phí khác như giá nhân công thuê, giá điện, dầu, thuốc thú y, chất đệm lót… càng làm tăng giá thành chăn nuôi.
- Thứ ba là thiếu điện. Các trang trại nuôi quy mô lớn, công nghiệp phải thiết kế chuồng trại theo hệ thống chuồng kín, chăn nuôi hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn điện cung cấp. Thiếu điện trong những tháng gần đây đã làm nhiều trang trại bị cắt luân phiên, có khi tới 3-4 ngày/tuần. Các trang trại nuôi chuồng kín bị cắt điện đã phải mua thêm máy phát, nhưng giá dầu liên tục tăng và cũng không thể chạy hoàn toàn bằng máy phát do công suất chăn nuôi lớn và thiết kế ban đầu theo hệ điện công nghiệp. Tại Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông (Hà Tây cũ), trong 3 tháng 5-7/2008, do mất điện đã làm chết nóng hơn 3.000 lợn thịt và 15.000 gà. Thiếu điện sẽ còn là nguy cơ lâu dài đối với chăn nuôi trang trại, tập trung.
- Thứ tư là cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Kể từ khi gia nhập WTO, các sản phẩm từ thịt lợn của nước ta tuy chưa phải cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm thịt lợn nhập khẩu do thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích sử dụng sản phẩm tươi hơn sản phẩm đông lạnh. Tuy nhiên hiện nay và trong vài năm tới chúng ta gặp phải 2 yếu tố bất lợi là giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm
Với 4 thách thức trên, trong đó ảnh hưởng trước hết và nhiều nhất đến chăn nuôi trang trại là do sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, nuôi công nghiệp chuồng kín và cần nhiều vốn đầu tư mà các nhóm ngành này đang là những hình thức mà chúng ta đang khuyến khích đầu tư, mở rộng.
Những vấn đề trên đòi hỏi những nhà quản lý, người chăn nuôi cần nhìn nhận rõ bản chất vấn đề, thấy hết những khó khăn, tồn tại để có những giải pháp cấp bách, thiết thực trong việc hoạch định chính sách và lựa chọn hình thức đầu tư chăn nuôi hiệu quả, khắc phục những bất lợi của những khó khăn, thách thức có thể nói còn kéo dài đối với ngành chăn nuôi lợn nước ta.
Giải pháp cho sự phát triển
Trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung và ngành chăn nuôi lợn sẽ được tổ chức lại theo hướng gắn với thị trường, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và cải thiện điều kiện an sinh xã hội, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðể đạt mục tiêu đề ra, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh, khuyến khích các tổ chức và cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi truyền thống chuyển dần sang chăn nuôi trang trại và công nghiệp. Với những mục tiêu và chiến lược cụ thể đó nghành chăn nuôi lợn nước ta cần phải có những giải pháp cụ thể như sau:
- Thứ nhất là giải pháp quy hoạch, đây là giải pháp tổng thể cho phát triển chăn nuôi bền vững đã được Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2020, trong đó có quy hoạch lại ngành chăn nuôi. Với điều kiện đất đai, địa hình tự nhiên, thời tiết, khí hậu và kinh nghiệm thực tiễn, cần quy hoạch tổng thể lại cho ngành chăn nuôi. Đối với ngành chăn nuôi lợn, đặc điểm chính của loại vật nuôi này là không cạnh tranh với đất canh tác màu mỡ, nhưng phải tránh được ô nhiễm nguồn nước và môi trường và chúng ta cần phải có bản đồ, cũng như giải pháp quy hoạch tổng thể để tập trung các trang trại chăn nuôi lợn tại một số vùng, địa điểm cách xa khu dân cư.
- Giải pháp về thú y, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nếu không có giải pháp tổng thể đồng bộ và đầy đủ về thú y, nó sẽ phủ định tất cả các kết quả về giống và sản xuất như chúng ta đã và đang chứng kiến trong thời gian qua. Nhà nước cần đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực thú y mang tính lâu dài cả về đội ngũ cán bộ có kỹ thuật cao với các phòng thí nghiệm trọng điểm, đồng bộ kết hợp với các chương trình hợp tác quốc tế về các bệnh liên quan vi-rút gây bệnh, nhằm giải mã được chúng trên cơ sở đó nghiên cứu sản xuất được các loại vaccine để chủ động trong phòng, chống có hiệu quả các bệnh đã có và sẽ có trong tương lai ở nước ta.
- Giải pháp huấn luyện kỹ thuật cho người nông dân, cần hỗ trợ và thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn trang trại do các hộ chăn nuôi lợn trang trại quy mô nhỏ và vừa đã đạt kết quả cao và những chuyên gia giỏi có kinh nghiệm thực tế về: kỹ thuật ghép phối giống trong sản xuất lợn thương phẩm qua gieo tinh nhân tạo, đạt năng suất và tỷ lệ nạc cao; an toàn dịch bệnh; kỹ thuật nuôi dưỡng các loại lợn; kỹ thuật chuồng trại; vệ sinh môi trường và giết mổ sạch, giúp người nông dân vươn lên trong sản xuất trang trại theo từng giai đoạn. Thành lập nhóm, tổ kỹ thuật nòng cốt (nông dân chăn nuôi giỏi) ở từng HTX chăn nuôi lợn trang trại kiểu mới để hỗ trợ các hộ mới bắt đầu phát triển chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa. Ðẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật cho các HTX mô hình chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa hình thành bằng chính nội lực của bản thân và gia đình họ. Qua hệ thống thông tin Nhà nước và các địa phương tuyên truyền phát triển chăn nuôi lợn trang trại quy mô nhỏ thành một chương trình thường xuyên và sâu rộng để thúc đẩy mọi người dân tham gia chương trình một trăm nghìn trang trại chăn nuôi lợn quy mô nhỏ và vừa khi chính thức được khả thi.
- Giải pháp về giống, trong ngành chăn nuôi lợn hiện tại chúng ta đã có đàn lợn tốt với nhiều nguồn gien quý. Hơn 20 năm qua, nhiều chương trình nghiên cứu và phát triển giống lợn của Nhà nước, có thể khẳng định được nguồn giống hiện có cho đến nay có thể cơ bản ổn về chất lượng, còn số lượng thuộc vào giải pháp nhân giống nhất là các đàn giống trong chương trình hỗ trợ giống của Nhà nước. Song muốn đàn giống ngày càng được cải thiện về di truyền, nâng cao năng suất của các tính trạng sản xuất cần tổ chức và hình thành hệ thống đăng ký và quản lý giống Quốc gia mang tầm chiến lược. Hiện nay, không một nước chăn nuôi tiên tiến nào trên thế giới lại không có hệ thống đăng ký và quản lý giống Quốc gia, nhờ đó đàn lợn của họ luôn được cải thiện về năng suất và chất lượng sản phẩm do nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng theo từng giai đoạn.
- Giải pháp về kỹ thuật, ngày nay nhiều tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi lợn trên thế giới và trong nước đã được áp dụng ở Việt Nam như: Chọn lọc và lai tạo ra những đàn lợn thịt có mỡ dắt trong thịt từ 2-4% giúp thịt có vị thơm, độ mềm và ngon. Nâng cao tỷ lệ nạc, giảm mỡ, giảm chi phí thức ăn. Tăng khả năng tăng trọng; giảm thời gian nuôi thịt; tăng số con sống trong một lứa,... Sử dụng các sản phẩm từ dược thảo thay kháng sinh, tăng sức đề kháng và thức ăn tăng chất lượng thịt (hương thảo). Loại thức ăn hỗ trợ để lợn nái đồng loạt lên giống đạt 80% sau cai sữa lợn con 7-10 ngày và tăng số con bình quân 0,5 con/lứa. Thức ăn cho lợn con đạt 31 kg/con lúc 70 ngày tuổi; thức ăn cho lợn con theo mẹ và tập ăn giúp cai sữa sớm cho lợn con lúc 7-10 ngày tuổi để tăng 2,5 lứa đẻ/nái/năm. Những tiến bộ kỹ thuật này đã giúp ngành chăn nuôi lợn phát triển cả về số lượng và chất lượng.
- Giải pháp về chuồng trại, để tiết kiệm đất cho sản xuất nông nghiệp ở những vùng sản xuất nông nghiệp cần áp dụng kỹ thuật chuồng trại mới. Thí dụ: với diện tích 195 m2 có thể nuôi được mười lợn nái và 180 lợn thịt/năm, an toàn dịch bệnh cao, chăm sóc và quản lý nhẹ nhàng; giảm tỷ lệ hao hụt; tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi lợn, như mô hình chăn nuôi 10 nái và 180 lợn thịt/năm ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
- Giải pháp về tổ chức sản xuất ngành hàng trong sản xuất lợn hàng hóa, khi tổ chức chăn nuôi lợn hàng hóa cần có đầu ra ổn định, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo chuỗi ngành hàng dọc "Từ chăn nuôi -> giết mổ sạch -> thị trường", theo chuỗi dọc này người chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, người phân phối đều yên tâm về số lượng và chất lượng sản phẩm kể cả giá cả mua bán khi họ liên kết lại với nhau. Từng loại công việc sẽ liên kết theo chuỗi ngang giữa các nhà chăn nuôi; giữa các nhà giết mổ và giữa các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm trong các hợp tác xã kiểu mới thông qua sự phát triển các hiệp hội chuyên môn, nhằm ổn định sản xuất, bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Receive articles via Email!