Dịch Tả Heo Châu Phi ( African Swine Fever) | Vetshop VN


Dịch Tả Heo Châu Phi ( African Swine Fever)

Post by: | date: 1.9.13 Bình luận cho bài viết! | Print
(Peste porcine Africaine, fiebre porcina Africana, maladie de Montgomery)
Các triệu chứng điển hình của  Dịch tả heo Châu Phi.
Các triệu chứng điển hình của
Dịch tả heo Châu Phi.

Định nghĩa

Bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF) là bệnh truyền lây qua ve (tickborn) và truyền nhiễm, sốt, toàn thân, do virus gây ra ở heo.

Nguyên nhân

Virus ASF là virus cỡ lớn (khoảng 200 nm) bao bọc bằng lipoprotein, đối xứng hai mươi mặt, DNA kết sợi kép. Trong nhiều năm, tác nhân gây bệnh này được phân loại là iridovirus (3), nhưng trong những năm gần đây đã nhận thấy có nhiều đặc điểm của poxvirus ; do đó, các nhà nghiên cứu đã đề xuất thiết lập một họ mới cho virus ASF (19).

Virus này tương đối bền bỉ và sống được trong giới hạn rộng của độ pH. Trong môi trường không có huyết thanh, ASFV bị bất hoạt ở pH 3,9 đến thấp hơn và bất hoạt ở pH từ 11,5 đến cao hơn. Trong môi trường có 25% huyết thanh, ASFV sống được trong 7 ngày ở pH 13,4 (17). Virus sống được 15 tuần trong máu đã bị hư thối, 3 giờ ở 50oC, 70 ngày trong máu bám trên bảng gỗ, 11 ngày trong phân ở nhiệt độ phòng, 18 tháng trong máu heo giữ ở nhiệt độ 4oC, 150 ngày trong thịt đã lóc xương giữ ở 39oF, và 140 ngày trong thịt ướp muối (salted dried hams) (8A).

Qua nhiều năm, các dòng phân lập (isolate) của ASFV với độc lực thấp đã nổi lên – đặc biệt là ở vùng Iberian peninsula. Độc lựa của các dòng phân lập khác nhau từ độc lực cao (tỷ lệ tử vong 10% trong 7 – 10 ngày sau khi phơi nhiễm), đến độc lực vừa (bệnh cấp tính, trong đó có tỷ lệ heo sống sót cao), đến độc lực thấp (chỉ xảy ra chuyển hóa huyết thanh [seroconversion]).
Phổ ký chủ.

Ban đầu, heo hoang dã và heo thuần dưỡng (Châu Phi: heo rừng [warthog], heo hoang [bush pig], và heo rừng khổng lồ [giant forest hog]; Châu Âu: heo hoang [feral pig]) được cho là các ký chủ duy nhất của ASFV (1, 16). Vào năm 1963, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã phân lập được ASFV từ ve mềm Ornithodoros erraticus thu thập được từ các trang trại bị nhiễm ASF (13). Sau đó, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng ASFV sinh sôi trong ve và ở đây có truyền lây qua khoảng cách, qua trứng và qua đường sinh sản của các loài ve Ornithodoros. Ve O. moubata thu thập được từ heo rừng sống trong hang (warthog burrow) ở Châu Phi thấy có nhiễm ASFV (5). Bệnh dịch tả heo Châu Phi gây bệnh cho heo ở Châu Phi được cho là có chu kỳ sống trên ve mềm hút máu của heo rừng sống trong hang và heo rừng con sơ sinh (18). Các loài ve Ornithodoros thu thập được từ Haiti, Cộng hòa Dominical, và phía nam California đã thể hiện là có khả năng làm trung gian truyền lây (vector) cho ASFV (4, 5), nhưng khác với ve ở Châu Phi, nhiều loài ve ở California bị chết đi sau khi bị nhiễm ASFV. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ASFV thực sự là virus gây bệnh cho ve và heo là ký chủ tình cờ (11).

Do các loài ve bị nhiễm ASFV có thể lây bệnh cho heo, ASFV là virus DNA duy nhất có thể được cho là arbovirus.

Phân bố địa lý

Bệnh dịch tả heo Châu Phi hiện diện trong mộ số quốc gia ở Châu Phi và trên đảo Sardinia.
Truyền lây

Mặc dù ve mềm đã thể hiện là trung gian truyền lây (và ở Châu Phi thì có thể là nguồn tàng trữ của ASFV), phương cách chủ yếu của lây lan giữa các quốc gia là cho heo ăn thực phẩm không nấu chín có chứa ASFV từ thịt heo bệnh phế thải. Một khi heo đã bị nhiễm, ASFV truyền lây trực tiếp qua tiếp xúc, qua người bị vấy nhiễm, thiết bị dụng cụ, xe cộ và thức ăn. Vai trò của heo mang trùng khó chứng minh được trong thực nghiệm, nhưng bằng chứng trên hoàn cảnh thực địa quy kết cho heo mang trùng. Một ổ dịch ASF trong hoạt động chăn nuôi heo khép kín ở Châu Phi đã được điều tra đến các công nhân cho heo ăn ruột của vịt guinea (guinea fowl). Ở đây thấy rằng vịt guinea đã ăn ve mềm; do đó ASFV có mặt trong ruột của vịt khi đem ruột này cho heo ăn.

Hàm lượng của ASFV cần thiết để gây nhiễm cho heo là tùy thuộc vào đường phơi nhiễm. Trong thực nghiệm, heo có thể gây nhiễm bằng cách cấy vào bắp thịt hay vào mạch máu với 0,13 liều hấp phụ hồng cầu (haemadsorbing dose – HAD50); theo đường mũi cần đến 18.200 HAD50.

Nếu một vùng dịch tễ ASF có mặt ve mềm, các ve này có thể là nguồn gây nhiễm. Tuy nhiên, trong các vùng này của Châu Phi, heo có thể nuôi thành công trong chuồng có hai lớp rào chắn, cách biệt hoàn toàn và áp dụng tốt các biện pháp vệ sinh. Ở Châu Phi, hệ thống sản xuất có nguy cơ cao nhất về ASF là heo nuôi gia đình, khi nuôi heo thả rong, chủ gia súc không áp dụng các phương pháp cách ly khi chăn nuôi heo.

Trong các vùng khác, bệnh xâm nhập do heo bị bệnh hay do cho heo ăn lòng ruột súc vật không nấu chín có chứa thịt heo bị nhiễm ASFV. Một khi bệnh đã xâm nhập vào một đàn heo, bệnh lây lan theo tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp bằng tiếp xúc với các dịch tiết và các chất tiết từ heo bệnh. Truyền lây qua đường khí dung không quan trọng trong truyền lây ASF. Do ASV không sinh sôi trong các tế bào biểu bì, hàm lượng của virus thải tiết từ heo bị nhiễm ASFV sẽ là thấp hơn so với hàm lượng virus thải tiết do mắc bệnh dịch tả heo cổ điển (hog cholerae). Máu của heo bị nhiễm sau thời gian ngắn chứa hiệu giá ASFV rất cao: 105,3 đến 109,3 HAD50 mỗi ml (7). Do đó, nếu heo đánh nhau, heo bệnh phát triển tiêu chảy xuất huyết hay khi heo bệnh được làm sinh thiết, máu chảy ra đều gây vấy nhiễm rất lớn cho môi trường.

Heo con sinh ra từ heo mẹ khỏi bệnh thì không có ASFV và kháng thể kháng ASF lúc mới sinh, nhưng có chuyển hóa huyết thanh sau khi ăn được sữa đầu (14, 15). Khi heo con từ heo mẹ không nhiễm bệnh (đối chứng) và khỏi bệnh ASF, được đem thử thách cấy gây nhiễm lúc 7 ngày tuổi, thì heo con đối chứng phát triển tình trạng nhiễm virus huyết (viremia) ở mức trung bình là 107,6 và tử vong, trong khi heo con từ heo mẹ khỏi bệnh phát triển tình trạng nhiễm virus huyết ở 104,9 và sống sót. Tuy nhiên, do bị nhiễm dai dẳng bởi ASFV, việc tái đàn bằng heo từ các heo khỏi bệnh sẽ không dẫn đến có được đàn heo sạch bệnh. Khi các trang trại ở Cameroon tái lập lại đàn heo của họ bằng các heo khỏi bệnh, các đàn này gặp phải các giai đoạn tái phát bệnh với tỷ lệ tử vong cao do ASF.

Giai đoạn nung bệnh

Sau khi bị phơi nhiễm theo đường mũi – miệng, heo thường phát triển sốt và tăng bạch cầu huyết (leukopenia) trong 48 đến 72 giờ.

Các dấu hiệu lâm sàng

Các dòng phân lập của virus ASF có độc lực cao và trung bình.

Các dấu hiệu lâm sàng của ASF chi phối bởi độc lực của virus và tình trạng sinh lý (lứa tuổi, mang thai) của heo. Sau khi cấy vào heo cai sữa bằng dòng phân lập độc lực cao hay trung bình, tiến trình lâm sàng của hai dòng phân lập này là giống nhau trong 4 – 6 ngày đầu sau khi bị nhiễm. Khoảng 2 ngày sau khi bị nhiễm, heo phát triển sốt từ 105 – 107oF (40,5 – 41,7oC) và heo trắng có da màu ửng đỏ, kém ăn và tăng bạch cầu huyết. Khi bị xua đuổi, heo đứng lên chạy quanh, nhưng khi để yên thì heo nằm xuống ngay.

Sau 4 – 6 ngày sau khi bị nhiễm, có khác biệt thể hiện giữa các heo được cấy các dòng phân lập khác nhau.

Dòng phân lập có độc lực cao

Heo dần dần trở nên ốm yếu (kém ăn và kém hoạt động), và hầu hết tử vong trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi bị nhiễm. Ở đây thường thấy heo ít đi lại và thời gian ngắn sau đó thì tử vong.

Dòng phân lập có độc lực trung bình

Heo bị nhiễm dòng phân lập ASFV có độc lực trung bình thường có sốt cao vào 10 – 12 ngày sau khi bị nhiễm. Một số tỷ lệ tử vong xảy ra vào thời điểm này. Sau khi bị nhiễm 12 – 14 ngày, thân nhiệt và tình trạng tăng bạch cầu huyết bắt đầu trở lại bình thường. Thường không thấy nhiều heo chết trong giai đoạn sớm khoảng 7 – 8 ngày sau khi bị nhiễm, nhưng khi những heo chết này được khám tử thì nguyên nhân gây chết thường là xuất huyết trong bao tử (stomach); cơ chế gây tử vong do ASFV là tình trạng giảm tiểu cầu huyết (thrombocytopenia), dẫn đến thời gian xuất huyết dài hơn và xuất huyết từ loét dạ dày trước đó (2). Các heo con có thể có tỷ lệ tử vong cao và có các bệnh tích tương tự nhưng bị nhiễm virus có độc lực cao.

Heo khi bị nhiễm với cả hai dòng phân lập, ngoài da ửng đỏ, có thể phát triển biến màu từ đỏ đậm đến tím tái ở da tai (Hình 13), đuôi, các phần cuối của chân, hay da ở đùi. Đây là dấu hiệu không đặc trưng cũng có thể thấy ở các bệnh khác. Một số nhóm heo sẽ phát triển tiêu chảy; điều này có thể do rối loạn sinh lý đường ruột và hệ vi sinh hơn là do tác động trực tiếp của virus, vì virus không sinh sôi trong biểu bì. Ngược lại với bệnh dịch tả heo cổ điển, heo bị nhiễm ASFV không phát triển viêm màng tiếp hợp (conjunctivitis) hay viêm não (encephalitis), và mặc dù sốt cao, nhưng heo bị nhiễm ASFV vẫn có thể trạng còn tốt, trong khi ở bệnh dịch tả heo cổ điển thì heo nhanh chóng sút cân.




Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y