Vitamin Và Những Vấn Đề Thiếu Hụt Vitamin Trong Chăn Nuôi Công Nghiệp
Vitamin có vai trò quan trọng trong thức ăn chăn nuôi. |
1. NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY RA THIẾU HỤT VITAMIN CHO THÚ TRONG CHĂN NUÔI CÔNG NGHIỆP
Trạng thái thiếu vitamin có thể xảy ra với các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
1.1 Cho thú ăn quá đơn điệu một vài loại thức ăn mà không bổ sung premix-vitamin:
Một khẩu phần cho thú ăn chỉ gồm bột củ khoai mì + tấm + cám và khô dầu màkhông cho ăn thêm rau xanh, không bổ sung premix-vitamin thì chắc chắn chúng sẽ mắc bệnh thiếu vitamin A, thú sẽ có hiện tượng viêm giác mạc mắt dẫn đến mù mắt. Tuy nhiên nguyên nhân này cũng ít xảy ra vì các cơ sởpha trộn thức ăn ít khi mà không sửdụng premix vitamin để trộn vào thức ăn.
1.2 Do thức ăn dự trữ quá lâu, các vitamin bị hư hỏng gần hết:
Các vitamin dễ bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, ví dụ như vitamin E, vitamin A và caroten, vitamin K… Những loại vitamin này tan trong chất béo, nên khi chất béo bị oxy hóa thì các peroxid sẽ phá hủy nhanh chóng vitamin E, vitamin A và các caroten. Vì vậy với thức ăn này cho thú ăn, thú sẽ thiếu vitamin E và vitamin A. Ở các nước nhiệt đới thường sử dụng cám gạo và khô dầu dừa với tỷ lệ khá cao trong thức ăn chăn nuôi, rất đáng tiếc là chất béo trong 2 loại nguyên liệu này khá cao và rất dễ bị oxy hóa, dễ bị ôi khé. Khi pha trộn nó vào thức ăn hỗn hợp thì nó sẽ phá hủy nhanh chóng vitamin trong thức ăn mặc dù chúng ta bổ sung premix vitamin vào thức ăn đầy đủ, nhưng thú vẫn có hiện tượng thiếu vitamin.
1.3 Do trong thức ăn có các chất kháng vitamin (Antivitamin):
Nguyên lý chung là các chất kháng vitamin có cấu tạo gần giống như vitamin, nhưng có vài điểm thay đổi làm cho nó mất đi đặc tính sinh học là chất xúc tác, nhưng nó lại lắp ghép được tốt vào các enzyme nên làm tê liệt hoạt động của các enzyme. Trong Y học và Thú y người ta còn sử dụng các chất kháng vitamin như là thuốc kháng khuẩn để phòng và trị một số bệnh, ví dụ như:
- Chất INH (Izonicotin hydrazid ) là thuốc chống trực khuẩn lao cũng là chất kháng vitamin B6.
- Amprolium là thuốc phòng trị cầu trùng gà, cũng là chất kháng vitamin B1.
- Sulfamid là chất kháng khuẩn, cũng là chất kháng vitamin H’(p-amino-benzoic).
- Các chất kháng sinh sửdụng để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm lâu ngày làm mất quân bình hệ vi sinh vật đường ruột,ức chế sự tổng hợp vitamin nhóm B của vi sinh vật trong ống tiêu hoá cũng là những nguyên nhân gây thiếu vitamin nhóm B cho vật nuôi. Chính vì vậy, đây là những lý do làm thú rất dễ thiếu vitamin trong quá trình chăn nuôi theo kiểu công nghiệp.
1.4 Do sức sản xuất và điều kiện chăn nuôi thay đổi theo hướng thâm canh cũng gây thiếu vitamin cho thú
Nhu cầu vitamin cũng thay đổi tùy theo từng giống và lứa tuổi thú. Trong công tác nuôi dưỡng thú phải luôn luôn chú ý đến điều này :
Các nhóm thú có nhu cầu vitamin cao
| Các nhóm thú có nhu cầu vitamin thấp |
Thú có tốc độ sinh trưởng nhanh
Thú có sức sản xuất lớn
Thú giống
|
Thú có tốc độ sinh trưởng chậm
Thú có sức sản xuất thấp
Thú thương phẩm
|
Tình trạng sức khỏe của thú cũng có ảnh hưởng đến nhu cầu và mứMôi trường và sự quản trị đàn thú cũng có ảnh hưởng đến nhu cầu vitamin. Gà nuôi nhốt hoàn toàn trong nhà dễ thiếu vitamin D hơn gà nuôi chăn thả ngoài vườn. Khi vận chuyển, chích ngừa, phân đàn, lựa chọn giống là lúc gây nhiều stress cho vật nuôi thì thú cần nhiều vitamin C, vitamin E. Gần đây người ta còn thấy trước khi chủng ngừa vắc-xin nếu bổ sung thêm 200 - 300 UI vitamin E/kg thức ăn và vitamin C thì sự đáp ứng miễn dịch của thú sẽ tốt hơn.
Trên đây cho thấy quá nhiều nguyên nhân gây ra thiếu vitamin cho thú nuôi theo kiểu công nghiệp. Vì vậy chúng ta cần có các giải pháp hợp lý để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vitamin cho thú thì mới hy vọng cải thiện tốt năng suất vật nuôi, mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà chăn nuôi.
2. CÁC GIẢI PHÁP CUNG CẤP VITAMIN HỢP LÝ CHO VẬT NUÔI
Để đáp ứng đầy đủ vitamin cho vật nuôi, hiện nay có nhiều cách cấp vitamin như: Chọn lựa loại thức ăn giàu vitamin (rau xanh, bột cỏ) cho thú ăn; bổ sung premix vitamin vào thức ăn hỗn hợp; pha vitamin vào trong nước uống cho thú uống hoặc chích vitamin cho thú. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể mà chọn giải pháp thích hợp. Để thực hiện tốt điều này, chúng ta cần hiểu biết tốt nhu cầu vitamin của thú.
2.1 Nhu cầu vitamin của gia cầm và heo:
Để xác định nhu cầu vitamin gần đúng với nhu cầu của vật nuôi, người ta thường căn cứ trên năng suất con giống, căn cứ theo giai đoạn tuổi, giai đoạn sản xuất, mục tiêu nuôi dưỡng mà bố trí mức bổ sung khác nhau. Căn cứ trên sự đáp ứng tối đa về năng suất để xác định nhu cầu vitamin cho vật nuôi. Dưới đây là khuyến cáo của DSM về nhu cầu vitamin của gia cầm và heo (xem bảng 5 và bảng 6).
2.2 Phương pháp cấp vitamin cho vật nuôi:
Để tránh sựthiếu hụt vitamin ảnh hưởng xấu đến năng suất vật nuôi, chúng ta nên có một chương trình bổ sung vitamin thật phù hợp cho vật nuôi. Có 3 cách cấp vitamin sau đây:
- Bổ sung premix vào thức ăn hỗn hợp pha trộn sẵn: Đây là phương pháp cung cấp vitamin phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm của nó là dễ áp dụng cho nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Người ta coi như trong thức ăn hỗn hợp không có vitamin, vì vậy các premix vitamin phải hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vitamin cho vật nuôi. Tuy nhiên nó có nhược điểm là các vitamin sẽ bị hư hỏng theo thời gian bảo quản thức ăn, khi có stress do thời tiết hay bệnh tật thì nhu cầu vitamin của thú tăng lên, lúc đó vitamin trong premix không đáp ứng đủ. Vì lẽ đó premix vitamin trong thức ăn hỗn hợp chỉ giải quyết được nhu cầu bình quân cho vật nuôi mà thôi
- Sử dụng vitamin hòa tan trong nước để cung cấp cho vật nuôi: Đây là cách bổ sung vitamin thường được ứng dụng trong chăn nuôi gia cầm, nhất là trong những ngày trời nóng gà bị stress nhiệt, hoặc lúc gà nhiễm bệnh, lúc chủng ngừa hay lúc gà đạt đỉnh đẻ trứng cao cần cung cấp thêm vitamin nhưng khó trộn thêm, do gia cầm ăn thức ăn ép viên mà premix vitamin thường là dạng bột. Cần lưu ý tính toán lượng nước gà uống (thường gấp đôi lượng thức ăn) để pha vitamin cho gà uống trong ngày, không để qua hôm sau sẽ hư hỏng các vitamin.
- Cung cấp vitamin cho vật nuôi bằng con đường chích: Đây là cách cung cấp vitamin thường được áp dụng trên heo để bổ sung ngoài các premix cung cấp vitamin qua thức ăn. Heo nái mang thai kỳ 2 và sau khi sanh, heo con có thể chích vitamin nhũ dầu ADE để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật. Heo bị bệnh truyền nhiễm, bên cạnh việc sửdụng thuốc để điều trị cần chích thêm B-complex-C để tăng cường trao đổi chất chống bệnh tật.
Tùy theo điều kiện cụ thể từng trường hợp mà nhà chăn nuôi có thể chọn lựa giải pháp cấp vitamin nào cho phù hợp với vật nuôi của mình để cho kết quả chăn nuôi đạt mức tối ưu.
PGs.Ts. Dương Thanh Liêm
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bains S. B., 1999. A Guide to the Application of Vitamins in Commercial Poultry Feed, INDEX 1999
2. DSM, 2011. DSM Vitamin Supplementation Guidelines 2011. The 12th Edition of DSM. http://www.dsm.com/en_US/html/dnp/anh_supplement.htm
3. Dương Thanh Liêm, Bùi Huy Như Phúc, Dương Duy Đồng, 2006. Thức ăn và dinh dưỡng động vật. Nhà xuất bản Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
4. Dương Thanh Liêm, 2000. Thức ăn và dinh dưỡng gia cầm. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2008
5. Dương Thanh Liêm, 2012. Vitamin trong dinh dưỡng. Bài giảng trong thư viện điện tử. http://baigiang.violet.vn/present/show/entry_id/3111384
Receive articles via Email!