Kiểm Soát Chất Thải Trong Chăn Nuôi Heo
Sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi. |
Kiểm soát chất thải là vấn đề quan trọng trong chăn nuôi heo. Phần lớn những vấn đề liên quan đến chất thải trong chăn nuôi bao gồm mùi hôi, nước thải, phân và đi kèm với những vấn đề đó mà người chăn nuôi thường gặp phải chính là sự phàn nàn của người dân sống xung quanh trại chăn nuôi…
Để giúp người chăn nuôi phần nào giải quyết được những mối lo lắng về các chất thải của trang trại mình, bài viết sau sẽ cung cấp những kiến thức liên quan đến công tác xử lý chất thải trong chăn nuôi heo.
1. Mùi hôi trong khu vực chăn nuôi
a. Nguồn gốc của mùi:
Mùi sinh ra từ phân bị phân hủy ở dạng là những chất khí thoát vào không khí tạo thành mùi của amoniac (NH3), hydro sunphua (H2S), các methane (CH4). Thực tế cho thấy mùi của phân còn tươi thường ít khó chịu hơn so với mùi của phân đã trải qua sự phân huỷ (yếm khí hoặc tự hoại). Sự thối rữa của phân không phải là nguồn gốc duy nhất của mùi vì các loại thức ăn bị thối rữa cũng tạo nên những mùi rất khó chịu.
b. Khống chế mùi hôi:
Vì sự hình thành phức hợp mùi là sản phẩm của sự phân hủy sinh học nên có 3 phương pháp để khống chế mùi:
Phương pháp vật lý:
- Giảm ẩm độ: Ẩm độ cần được giảm xuống dưới 40% bằng cách tạo một lớp bề mặt che phủ phân trong điều kiện khô.
- Giảm nhiệt độ: Nhiệt độ dưới 250C sẽ làm giảm khả năng khuếch tán các nhóm phức hợp của mùi vào không khí.
Phương pháp sinh học
Sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng có chứa chất được chiết xuất từ cây Yucca sẽ giúp giảm mùi hôi của chất thải ở ngay từ giai đoạn phân hủy của quá trình tiêu hóa các dưỡng chất có trong thức ăn.
Phương pháp hóa học:
- Sự clo hóa: Những chất có mang gốc Clo sẽ tác dụng với các nhóm phức hợp của mùi amoniac (NH3), hydro sunphua (H2S), các methane (CH4) từ đó sẽ làm giảm độ bay hơi của các mùi trên.
- Bổ sung đá vôi: Rắc bột đá vôi lên trên bề mặt của phân sẽ giúp làm giảm độ bay hơi của H2S.
2. Sử dụng khí Biogas
a. Lý thuyết của quá trình sinh khí methane trong hầm ủ biogas
Các chất thải trong chăn nuôi được phân giải bằng quá trình lên men yếm khí để sinh ra mùi, khí metan (CH4), khí Cacbondioxide (CO2) và H2O.
b. Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lên men yếm khí và sinh khí methane
Nhiệt độ:
Đây là yếu tố có ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình sinh khí methane. Nhiệt độ tối ưu cho quá trình này là 350C, nếu thấp hơn thì quá trình sinh gas sẽ giảm, nếu ở mức 100C thì quá trình này sẽ ngưng hẳn. Nhiệt độ lên xuống thất thường cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh khí methane của vi khuẩn.
Thời gian ủ và số lượng vi sinh vật sinh khí methane:
Trung bình thời gian ủ là 20 – 60 ngày, thời gian này sẽ ngắn đi nếu nhiệt độ càng cao và số lượng vi khuẩn càng nhiều. Nếu trong quá trình ủ thấy vi sinh vật không phát triển thì cần phải kiểm tra lại nguyên liệu hoặc bổ sung vi sinh vật.
Tỷ lệ Carbon/Nitơ (C/N):
Tỷ số C/N trong nguyên liệu sinh khí biểu hiện tỷ lệ của 2 nguyên tố: Carbon dưới dạng Carbonhydrat và Nitrogen dưới dạng Protein, Nitrat, Amoniac... đây là những chất dinh dưỡng chính của vi khuẩn kỵ khí. Nghiên cứu cho thấy trong những điều kiện thích hợp, tỷ lệ C/N vào khoảng 25/1 – 30/1 thì quá trình phân hủy sẽ tiến hành thuận lợi.
Độ pH và các độc tố:
Độ pH của quá trình lên men thường trung tính: đầu vào từ 6,8 – 7,2; đầu ra từ 7,0 – 7,5. Ngoài ra các độc tố có trong nguyên liệu cũng ảnh hưởng đến lượng gas sinh ra (thuốc sát trùng, thuốc tẩy, nước xà phòng, thuốc trừ sâu... sẽ làm cho số lượng vi khuẩn giảm đi).
c. Nghiên cứu về năng suất sinh khí
Đây là bảng thông số về năng suất sinh khí của 1 gam Carbonhydrat (tinh bột), Protein (đạm) và Lipid (chất béo)
Thành phần
|
Methane (CH4)
|
Cacbondioxide (CO2)
|
Carbonhydrat
|
0,37
|
0,37
|
Protein
|
0,49
|
0,49
|
Lipid
|
1,04
|
0,36
|
Nguồn từ “Kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt” của TS.Phạm Văn Tiệp
d. Cấu trúc hầm biogas
Mô hình xây hầm khí Biogas cho trang trại |
- Hố lắng cát, hố chứa phân, hố chứa nước thải ra xây bằng xi-măng
- Túi chứa phân và túi chứa gas bằng plastic
- Van an toàn và ống dẫn gas
* Hố lắng cát
- Cách chuồng nuôi 0,5 m
- Kích thước: dài 0,5 m; rộng 0,5 m; sâu 0,5 m
* Hố chứa phân
- Đặt tiếp nối với hố lắng, ở vị trí bảo vệ được túi ủ, tránh dòng nước chảy
- Với túi có đường kính 0,64m thì hố có chiều rộng 0,9m; sâu 0,9 m.
- Chiều dài phụ thuộc vào số lượng gia súc (20 heo dài 10,5m; 4 bò dài 19m; 400 gà dài 13,5m)
* Thiết kế đầu vào đầu ra
- Dùng 2 ống sành đường kính 15cm
- Cột 2 đầu túi vào ống bằng ruột xe honda và dây kẽm
- Đặt vào hố với độ nghiêng vừa phải sao cho đầu dưới cách đáy hố 40 – 50 cm, đầu vào cao hơn đầu ra 10cm.
* Túi dự trữ
Túi 2 lớp nilon 5 – 7m. Đặt ở nơi mát, tránh ánh nắng, tránh bị vật nhỏ đâm thủng.
e. Vận hành và sử dụng hệ thống Biogas
Hệ thống Biogas là một hệ thống liên hoàn và hoạt động tương đối tự động. Để cho hệ thống hoạt động tốt cần chú ý:
- Lượng phân và nước ban đầu cho vào theo tỷ lệ: 1/4 – 1/6 (lượng phân bổ sung hàng ngày dựa vào đàn gia súc hiện có).
- Lượng gas sinh ra hằng ngày phải được sử dụng hết vì: Trong hỗn hợp khí Gas sinh học gồm 60 – 70% Methane (CH4), 30 – 40% Cacbondioxide (CO2), và thường có không quá 1% Hydrosulfide (H2S) nhưng mùi của khí này rất khó chịu.
- Gas sinh học khi cháy phải hòa lẫn với không khí tỷ lệ 6 - 25% do có tỷ trọng là 0,86 (so với không khí là 1).
Vì vậy khi thành phần của gas thay đổi sẽ làm cho những đặc tính trên thay đổi và hiệu quả sử dụng gas cũng bị biến đổi.
Tóm lại: Quan trọng nhất đối với vấn đề chất thải trong chăn nuôi heo là người chăn nuôi heo cần phải coi trọng việc khống chế mùi ngay từ khi chọn vị trí lập trại và kỹ thuật xử lý chất thải (nước thải và phân) trong chăn nuôi nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Nên thiết kế chuồng trại và bố trí các hố phân xa khu dân cư, đường xá và những khu vực khác nhạy cảm về mùi.
Receive articles via Email!