Kiểm Soát Bệnh Rối Loạn Sinh Sản Và Hô Hấp Trên Heo (PRRS)
Heo với các triệu chứng PRRS. |
Từ đầu năm 2007, khi dịch bệnh rối loạn sinh sản và hô hấp trên heo (PRRS) bùng phát, với mục đích ngăn chặn triệt để sự lây lan của bệnh, các cơ quan quản lý, chuyên môn và cơ sở chăn nuôi đã áp dụng nhiều giải pháp tích cực nhằm phòng chống dịch bệnh (tiêu hủy heo bệnh, đàn bệnh, kiểm soát vận chuyển heo...) tại các ổ dịch và khu vực có dịch. Tuy vậy, do tình hình dịch bệnh, hệ thống chăn nuôi heo phức tạp ở Việt Nam, bệnh đã trở nên không kiểm soát và lây lan ngày càng rộng hơn, đến mức có thể nói, ở đâu có trại heo ở đó có PRRS!
Trên thực tế có thể quan sát thấy ở các trại heo có xảy ra bệnh PRRS, năng suất trên nái giảm rõ rệt. Bệnh xảy ra ở các trại trong một thời gian ngắn, lúc đầu trên heo nái với các triệu chứng liên quan đến năng suất sinh sản và sau đó trên heo thịt gây rối loạn hô hấp với tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết cao. Sau đó bệnh chuyển sang tình trạng mãn, heo nái, heo nọc mang virus PRRS trong cơ thể và virus nhân lên trong cơ thể những heo nhiễm và được bài thải virus ra bên ngoài, lây nhiễm cho heo con, heo thịt trong đàn... gây nên tình trạng nhiễm dai dẳng virus PRRS trong trại heo. Nếu kỹ thuật quản lý chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch không tốt, virus PRRS trong trại heo sẽ gia tăng về số lượng gây áp lực về dịch bệnh cao trên đàn heo... dẫn đến sụt giảm năng suất chăn nuôi và gia tăng thiệt hại do bệnh tật xảy ra trẹn đàn heo... Ở những heo nọc nhiễm virus PRRS chất lượng tinh bị giảm sút, có thể thấy thông qua số lượng heo con đẻ ra giảm... Heo con, heo sau cai sữa và heo thịt trở nên kém chống chịu các bệnh phụ nhiễm khác và có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tiêm vắc-xin phòng chống các bệnh nguy hiểm: dịch tả heo, tiêu chảy do E. coli, ... hậu quả số heo con xuất chuồng/ nái giảm. Ở các trại chăn nuôi, nếu quy trình kiểm soát an toàn sinh học không được thực hiện tốt, tình trạng nhiễm ghép nhiều loại vi sinh vật gây bệnh khác nhau: virus dịch tả heo, Circovirus, vi khuẩn Streptococcus, Salmonella, Pasteurella,... sẽ làm trầm trọng thêm mức độ bệnh. Hiện trạng ở một số trại chăn nuôi (chủ yếu là các trại chăn nuôi có vấn đề về kiểm soát an toàn dịch bệnh) chúng tôi có dịp đến thăm cho thấy năng suất sinh sản trên nái có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng (giảm số lượng heo sơ sinh còn sống khỏe mạnh, giảm số heo con cai sữa, tăng trọng kém...) mặc dù hiện tượng đẻ sớm, sảy thai không biểu hiện... Số heo con sơ sinh còn sống trên nái khoảng 6 -7 con là khá phổ biến.
Virus gây bệnh rối loạn sinh sản hô hấp trên heo khi xâm nhập vào trại heo, đối tượng dễ cảm nhiễm nhất chính là heo hậu bị. Thời gian cần thiết để heo có thể tạo kháng thể chống lại virus PRRS khoảng 30 – 45 ngày sau khi nhiễm. Heo hậu bị nếu nhiễm virus PRRS, khi chưa đủ thời gian để cơ thể tạo kháng thể, nếu được phối giống sớm có thể dẫn đến sảy thai... hoặc sanh sớm nếu heo nhiễm vào giai đoạn sau của thai kỳ. Sau khi bị virus PRRS tấn công nái sẽ tạo được miễn dịch tự nhiên chống lại virus PRRS và miễn dịch này sẽ truyền lại cho heo con giúp chúng không bị nhiễm virus PRRS. Đây là điều quan trọng cần chú ý khi xây dựng các biện pháp kiểm soát bệnh PRRS ở các trại heo đã có bệnh PRRS. Một sai lầm phổ biến của người chăn nuôi là thường loại thải những nái tơ khi chúng bị sảy thai hoặc có vấn đề liên quan đến sinh sản vì cho rằng chúng kém chất lượng. Thực tế, nếu hiện tượng sảy thai, ví dụ là do virus PRRS, thì những heo nái này lại chính là nguồn miễn dịch cho đàn heo của trại, giúp ổn định tình trạng bệnh PRRS ở trong trại. Những heo nái tơ đã bị bệnh PRRS sẽ không bị bệnh trở lại và sẽ cho năng suất sinh sản bình thường nếu được chăm sóc tốt và các biện pháp an toàn phòng chống dịch được thực hiện đầy đủ. Những heo nái này sẽ góp phần làm giảm sự nhân lên và bài thải virus PRRS trong trại và nhờ đó giúp hạn chế những thiệt hại do virus PRRS gây ra.
Một số trại chăn nuôi ở Mỹ áp dụng biện pháp gây nhiễm nhân tạo bằng chính virus PRRS phân lập được từ heo bệnh của trại. Virus PRRS phân lập sẽ được gây nhiễm trên đàn nái hậu bị chưa phối giống và theo dõi tình trạng miễn dịch của những nái hậu bì này trong suốt ít nhất là 3 tháng. Nếu những heo này sau khi kiểm tra cho thấy có kháng thể bảo hộ chống virus PRRS đạt yêu cầu chúng mới được cho phối giống và chuyển sang trại nái sinh sản. Biện pháp này cho phép đảm bảo được khả năng chống bệnh PRRS cho đàn nái và ngăn ngừa sự nhân lên của virus PRRS trên heo mẫn cảm (heo hậu bị), kiểm soát được sự lây nhiễm virus PRRS trong trại. Tuy nhiên biện pháp này chỉ có thể thực hiện trong điều kiện kiểm soát tốt an toàn vệ sinh phòng dịch, tuân thủ quy trình cách ly, quy trình nhập – xuất heo (cùng vào – cùng ra), kiểm soát được tình trạng miễn dịch của đàn heo trong trại... Nếu không, biện pháp này có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng do virus PRRS phát tán mạnh hơn.
Một vài khảo sát của chúng tôi ghi nhận tình trạng nhiễm virus PRRS ở các trại là rất cao (trên 50% mẫu khảo sát). Tỷ lệ dương tính với virus PRRS trong trại gia tăng theo lứa tuổi heo, điều này có lẽ liên quan đến sự tồn tại, nhân lên và bài thải virus PRRS trên đàn heo của trại. Với tỷ lệ nhiễm virus PRRS cao, bệnh PRRS ở tình trạng mãn, heo nái, heo nọc có thể trong tình trạng chất chứa virus PRRS... để hạn chế những thiệt hại do virus PRRS gây ra, theo chúng tôi, cần áp dụng ngay lập tức các giải pháp an toàn sinh học, vệ sinh phòng chống dịch... cụ thể như sau:
- Duy trì tình trạng miễn dịch chống virus PRRS trên đàn nái sinh sản: chăm sóc tốt cho những nái đã bị nghi nhiễm virus PRRS, hạn chế loại thải nái rạ nếu năng suất sinh sản vẫn đạt mức yêu cầu (heo con cai sữa từ 8 con trở lên...), thực hiện cách ly phòng chống dịch, tập làm quen với hệ vi sinh vật của trại đối với heo hậu bị mới nhập về...
- Kiểm tra thường xuyên chất lượng tinh: chỉ mua và sử dụng tinh từ những trại heo giống đảm bảo không bị nhiễm virus PRRS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
- Tăng cường sức đề kháng cho heo con: chú ý chăm sóc nuôi dưỡng heo nái thật tốt, đảm bảo năng suất và chất lượng sữa của nái, giúp cho heo con được bú đầy đủ sữa đầu, có sự miễn nhiễm tốt đối với các bệnh truyền nhiễm... Chú ý chất lượng cám sử dụng cho heo con, đảm bảo heo con phát triển tốt.
- Tách biệt khu nuôi heo sau cai sữa – heo thịt và khu nái nhằm hạn chế sự nhân lên, lây nhiễm virus PRRS trên heo của trại.
- Tăng cường công tác vệ sinh phòng chống dịch: phun thuốc sát trùng thường xuyên, nhiều lần hơn, đồng đều ở tất cả các khu vực, dãy chuồng, bố trí hố sát trùng ở từng khu vực chăn nuôi, dãy chuồng...
- Giám sát tình trạng nhiễm virus PRRS trong đàn heo: định kỳ lấy máu kiểm tra kháng thể chống virus PRRS trên đàn nái, nọc. Loại thải ngay lập tức nọc nhiễm virus PRRS để tránh sự bài thải, lây nhiễm virus PRRS trên đàn heo.
- Sử dụng văcxin: việc sử dụng văc-xin phòng chống bệnh PRRS cần phải được cân nhắc cẩn thận và tùy theo tình trạng miễn dịch của đàn nái với virus PRRS. Trên nguyên tắc việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sẽ giúp ổn định tình trạng miễn nhiễm virus PRRS ở trại nhưng phải sau một thời gian tiêm phòng. Nếu trại đang bị hoặc vừa mới bị dịch PRRS, việc tiêm phòng ngừa lập tức sẽ có thể làm tăng các triệu chứng, tỷ lệ bệnh liên quan đến PRRS. Trong tình trạng hiện tại có thể sử dụng văc-xin để phòng bệnh PRRS với nguyên tắc: không tiêm vắc-xin sống cho heo nái mang thai. Nếu tiêm cho nái hậu bị cần phải có khu vực cách ly và phối giống ít nhất là 3 tháng sau khi tiêm vắc-xin. Vắc-xin sử dụng phù hợp trong điều kiện dịch tễ bệnh PRRS ở các khu vực khảo sát, theo chúng tôi nên là vắc-xin kiểu virus PRRS châu Mỹ (virus PRRS Trung Quốc cũng thuộc kiểu châu Mỹ).
Xem thêm:
Receive articles via Email!