Thị Trường Trung Quốc Có Để Ngỏ Cho Thịt Heo Của Việt Nam? | Vetshop.VN


Thị Trường Trung Quốc Có Để Ngỏ Cho Thịt Heo Của Việt Nam?

Đăng bởi: | ngày: 9.6.16 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Nhu cầu thịt heo của Trung Quốc là có thật nhưng rất cần thiết phải xây dựng con đường xuất khẩu thịt heo chính ngạch vào thị trường này.

Ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc hiện không đáp ứng đủ nhu cầu và được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới. Liệu đây có phải là cơ hội cho ngành chăn nuôi heo nước ta?

 Chỉ mới qua quí đầu của năm 2016, Trung quốc đã nhập khẩu 923.000 tấn thịt heo. (Ảnh minh họa: KT)
Chỉ mới qua quí đầu của năm 2016, Trung quốc đã nhập khẩu 923.000 tấn thịt heo. (Ảnh minh họa: KT)

Bất ngờ 2015 và cơn sốt giá

Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, ở thời điểm bắt đầu cải cách, mở cửa, thịt heo chiếm tới 92,1% “rổ thịt” của người dân nước này. Còn vào năm 2014, khi sản lượng thịt heo của Trung Quốc đạt kỷ lục 56,7 triệu tấn, tỷ trọng này vẫn còn chiếm tới 65,1%, mặc dù sản lượng thịt heo bình quân đầu người/năm của Trung Quốc trong khoảng thời gian này đã tăng rất mạnh, từ 7,2 kg lên 41,5 kg.

Các con số này khẳng định một thực tế là, thịt heo giữ vai trò vô cùng quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của người Trung Quốc. Do đó, việc sản lượng thịt heo của Trung Quốc giảm 1,84 triệu tấn trong năm 2015, tương ứng với tỷ lệ giảm 3,2%, đủ sức tạo... cú sốc.

Các số liệu thống kê của Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) cho thấy, giá thịt heo tại các thành phố của Trung Quốc trong gần một năm trở lại đây luôn ở mức 4,3-4,8 USD/ kg và tháng 4 vừa qua đã tăng lên 4,96 USD/kg. Trung Quốc đã áp dụng giải pháp nhập khẩu thịt heo để “hạ nhiệt” cho thị trường trong nước.

Nếu như khối lượng thịt heo nhập khẩu của Trung quốc năm 2010 mới chỉ là hơn 200.000 tấn thì năm 2011 đã tăng hơn gấp đôi, và năm 2015 đạt kỷ lục 778.000 tấn. Chỉ mới qua quí đầu của năm 2016, nước này đã nhập khẩu 923.000 tấn thịt, tăng đến 58,2%. Trong đó, riêng thịt heo đã đạt 286.000 tấn, tăng 118,8%.

Ý kiến cho rằng Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo của Việt Nam trong những ngày vừa qua là do nước này xả kho thịt heo đông lạnh có lẽ là không có cơ sở.

Bởi lẽ, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, tuy Trung Quốc có kho thịt heo đông lạnh lớn nhất thế giới ở thời điểm năm 2014 nhưng cũng chỉ là 375.000 tấn, tức là chỉ đủ cho số dân khổng lồ của nước này tiêu dùng trong hơn hai ngày. Không những vậy, ngay trong năm 2015, khi thị trường thịt heo bắt đầu sốt nóng, Trung Quốc đã xả kho khoảng 230.000 tấn.

Cơ hội cho thịt heo Việt Nam?

Câu hỏi trước mắt là sắp tới Trung Quốc có tăng nhập khẩu heo của Việt Nam trở lại. Còn xa hơn nữa, là liệu Trung Quốc có thể trở thành đích đến của ngành chăn nuôi heo nước ta.

Những dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ gần đây nhất cho thấy câu trả lời là có. Thứ nhất, sản lượng thịt heo của Trung Quốc phải mất 3 năm mới có thể phục hồi như kỷ lục năm 2014, còn sau đó cũng chỉ tăng chậm, cho nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nước này.

Trong khi đó, vẫn theo cơ quan này, tiêu dùng thịt heo của Trung Quốc năm nay vẫn đạt 57,1 triệu tấn, cho nên Trung Quốc sẽ phải tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu để đáp ứng phần thiếu hụt rất lớn này. Việc nhập khẩu thịt heo quí 1 năm nay tăng cao và giá cả cũng đã đạt kỷ lục mới đủ nói lên điều đó.

Nếu nhìn dài hạn, tuy nhịp độ tăng tiêu dùng thịt heo của Trung Quốc trong 10 năm tới cũng chỉ gần tương tự như nhịp độ tăng sản lượng, nhưng nhập khẩu thịt heo trong 10 năm tới của Trung Quốc sẽ đạt mức tăng 3,03%/năm (với quy mô 1,14 triệu tấn) và Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu thịt heo lớn thứ ba thế giới, sau Mexico và Nhật Bản.

Thứ hai, trong điều kiện cán cân cung - cầu căng thẳng như vậy, ít nhất là cho tới năm 2017, kho thịt đông lạnh của Trung Quốc hết sức khiêm tốn, cho nên rất khó để giữ vai trò ổn định giá cả. Giá thịt heo tại thị trường Trung Quốc có nhiều khả năng sẽ còn đứng ở mức cao và có nhiều biến động.

Do vậy, thay vì chỉ trông chờ vào việc xuất khẩu tiểu ngạch rất phập phù, rủi ro, có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý cần xây dựng chiến lược toàn diện về việc phát triển ngành chăn nuôi heo của nước ta hướng vào đáp ứng nhu cầu này, trong đó đương nhiên có cả việc khai thông quan hệ thương mại để heo và thịt heo Việt Nam có thể chính danh bước vào thị trường này./.

Đình Bích/SaigonTimes



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y