Giá Thịt Gà Đắt Gấp 3 Là Do Thương Lái | Vetshop.VN


Giá Thịt Gà Đắt Gấp 3 Là Do Thương Lái

Đăng bởi: | ngày: 25.9.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Lợi nhuận ngành chăn nuôi hầu ít thuộc về người nông dân.
Lợi nhuận ngành chăn nuôi hầu
ít thuộc về người nông dân.
Thị trường gia cầm bị thương lái chi phối, người chăn nuôi thua thiệt, giá cao khiến sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh khi hội nhập.

Đây là đánh giá chung của các chuyên gia tham dự hội thảo "Tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP " tổ chức sáng nay (24/9).

Ông Dương Xuân Tuyển - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova nhận xét người chăn nuôi trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, đầu tư vốn, bỏ nhiều công sức nhưng lại đứng trước nguy cơ bị thua lỗ, hầu hết lợi nhuận thuần rơi vào tay trung gian trong chuỗi.

"Để một sản phẩm gia cầm xuất chuồng, người sản xuất mất từ 42 ngày đến 70 ngày, nhưng lãi thu về chỉ 2.000-3.000 đồng một con, còn hầu như là lỗ dẫn đến hàng loạt trang trại phải đóng cửa hoặc cho các công ty thuê trại hoặc nuôi gia công cho các công ty lớn", vị này cho biết. Giá gà xuất chuồng bán với giá 26.000 đồng, nhưng qua 4-5 khâu trung gian thì bán tại chợ đầu mối với giá 50.000 đồng và đến người sử dụng cuối cùng thường là 60.000-70.000 đồng.

Nếu để các cơ sở tự thu gom, giết mổ và bán tại các cửa hàng do mình tự đầu tư hoặc thuê người bán, ông Tuyển cho rằng mức lợi nhuận thường từ 10.000-15.000 đồng một kg. Tương tự, người kinh doanh gia cầm chỉ cần 6-10 giờ thì có thể có mức lãi 8.000-14.000 đồng khi tiêu thụ một con gia cầm.

Bên cạnh đó, giá thức ăn gia súc, gà giống ở mức cao cũng được chuyên gia coi là tác nhân khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi kiêm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam phản ánh giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10-15% so với các nước trong khu vực, mà khoản này chiếm tới 65-70% tổng chi phí tạo ra một sản phẩm gia cầm

Phản biện lại, ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi cho biết một năm nay giá thức ăn chăn nuôi không tăng, giá thức ăn gia cầm vẫn trong phạm vi 10.500 đồng một kg. "Giá nguyên liệu thế giới giảm, một số nguyên liệu nhập khẩu được miễn thuế VAT đã tạo thuận lợi để giá thức ăn từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm. Tuy nhiên, đồng đôla lên giá đã tạo áp lực lên giá thức ăn chăn nuôi", vị này cho biết.

Năm 2014, Việt Nam nhập khẩu 4,8 tỷ USD, nếu mỗi đôla quy đổi hiện nay so với đầu năm chỉ chênh nhau 600 đồng thì ngành thức ăn chăn nuôi phải bù 2.880 tỷ đồng, bằng 132 triệu USD.

Bàn về vấn đề tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập, ông Lê Bá Lịch nhận xét hiện nay đã muộn để đề xuất biện pháp, nhưng dù muộn còn hơn không. Để ngành gia cầm phát triển, theo ông bản thân người chăn nuôi phải tự nâng cao trình độ quản lý, đổi mới công nghệ, tổ chức sản xuất khép kín từ con giống, nuôi thịt, giết mổ đến khâu đưa ra thị trường.

"Chúng ta sẽ thua nếu tiếp tục sản xuất như hiện nay, giá thịt cao, chất lượng thấp. Các nước sản xuất thịt hơi chỉ 1,4-1,5 USD một kg, còn Việt Nam là 50.000 đồng, hơn 2 USD một kg", ông Lịch nói. Sự tham dự của các doanh nghiệp lớn vào ngành cũng sẽ là động lực để liên kết sản xuất, đầu tư quy mô lớn và nâng cao trình độ sản xuất.

Các chuyên gia khác cũng đồng tình cho rằng ngành chăn nuôi đang đối mặt với tình thế sống còn khi nhập nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), do vậy cần có bước tiến về giống, kỹ thuật chăn nuôi, giảm chi phí giá thành, xây dựng chuỗi khép kín…. Bởi nếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ như hiện nay, khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu sẽ là khốc liệt, nhất là quy trình công nghệ còn lạc hậu so với nhiều nước trên thế giới.

Dẫn lời một doanh nhân Đài Loan, ông Tuyển cho biết riêng một con vịt thịt ở Việt Nam mất tới 30% giá trị do công nghệ chế biến, khi mà các món ăn gia cầm chủ yếu là luộc, quay nên chuỗi giá trị không cao.

"Dứt khoát phải cạnh tranh, đã đến lúc không thể chần chừ, nói khác được. Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ là ngành bị tổn thương đầu tiên khi hội nhập, nên để chống lại thì cần có biện pháp đối mặt", đại diện Hiệp hội thức ăn chăn nuôi nhấn mạnh.




Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y