E. coli Sinh Độc Tố Ruột (ETEC) Gây Tiêu Chảy Trên Bê, Nghé | Vetshop.VN


E. coli Sinh Độc Tố Ruột (ETEC) Gây Tiêu Chảy Trên Bê, Nghé

Đăng bởi: | ngày: 6.9.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

1. Căn bệnh do E. coli (Enterotoxigenic E. coli):

Tiêu chảy trên bê con. Ảnh minh họa.
Tiêu chảy trên bê con. Ảnh minh họa.
Các E. coli nhóm này (ETEC) sinh ra enterotoxin trong ruột thú gây ra tiêu chảy. Đã xác định được nhiều typ, một ETEC có thể sinh ra một hoặc nhiều enterotoxin. Có 2 loại: loại không chịu nhiệt (LT I, LT II) và loại chịu nhiệt (STa, STb). Trên bê, ETEC tạo ra loại STa có trọng lượng phân tử nhỏ là nguyên nhân chủ yếu trong bệnh tiêu chảy thú sơ sinh.

Mặc dù cơ chế chính xác của enterotoxin gây tiêu chảy đang được nghiên cứu, người ta cho rằng STa kích thích hoạt động của guanilat cyclase làm gia tăng số lượng của cGMP trong tế bào ruột, cản trở vận chuyển Na+ và Cl-. Kết quả tạo tiêu chảy, gây mất nước, bicarbonat và các chất điện giải khác.

Các chủng ETEC phải bám được vào tế bào chủ mới có thể gây bệnh. Vì sự bám quyết định khả năng gây bệnh, một số tài liệu cho ETEC có thể bám vào tế bào ruột và nhân lên cũng là các EPEC. Tuy nhiên các EPEC gần đây đã được xác định theo khóa phân loại: E. coli bám dính và hủy hoại vi nhung mao ruột, không sản sinh enterotoxin nhưng có thể sản sinh cytotoxin. Hơn nữa ETEC được coi là các E. coli sinh enterotoxin STa, có các tiêm mao (fimbriae) giúp bám vào tế bào của ruột. Đa số các chủng phân lập trên bê đều thuộc vào các serogroup O8, O9, và O101. Các tiêm mao thuộc typ I giúp cho ETEC bám vào tế bào, có bản chất protein mà ban đầu được xếp vào kháng nguyên K. Hiện nay các tiêm mao được xác định là các kháng nguyên F. Tuy vậy trong các tài liệu hiện hành cũng vẫn còn ghi là K88 và K99 hơn là F4 và F5. Ơ bê, F5 (trước đây là K99) là kháng nguyên thường gặp nhất và được chú ý trong chẩn đoán cũng như sản xuất vaccin. Tuy nhiên ETEC cũng còn các kháng nguyên tiêm mao khác bao gồm F41, F6 và một số chưa xác định được typ cũng có thể gây tiêu chảy ở bê. Vì các enterotoxin không kích thích đáp ứng miễn dịch, các nỗ lực để kiểm soát ETEC tập trung vào việc tạo kháng thể chống các protein của tiêm mao. Một số ETEC chứa nhiều hơn 1 typ kháng nguyên F, một vài chủng vi khuẩn có thể chứa cả F41 và F5.

Ký hiệu kháng nguyên của ETEC
Ký hiệu kháng nguyên của ETEC
Các sữa đầu có các kháng thể chống lại các tiêm mao của ETEC sẽ bảo vệ thú sơ sinh chống các typ F chuyên biệt nhưng không có bảo hộ chéo.

Như đã thảo luận ở phần trên (E. coli septicemia), việc bảo đảm cho bú (uống) sữa đầu có nhiều kháng thể có tầm quan trọng đặc biệt để bảo vệ bê chống các ETEC. Tuy nhiên do không có bảo hộ chéo chống các kháng nguyên F khác nhau nên ngay cả bê được bú đầy đủ sữa đầu cũng có thể bị mắc bệnh với typ F khác. Sữa đầu chứa các kháng thể chống các typ F đặc hiệu sẽ chống lại sự bám của ETEC bằng cách che phủ các vị trí bám dính. Ngoài ra, bảo hộ do sữa đầu do tác động tại chỗ của IgG trong ruột hơn là phụ thuộc vào mức IgG của huyết thanh bê do hấp thu sữa đầu. Để có hiệu quả thì sữa đầu chứa kháng thể chống kháng nguyên F phải được cho uống (bú) càng sớm càng tốt.

Các điều kiện quản lý khác cũng có tầm quan trọng trong bệnh học. Các điều kiện nào tạo điều kiện thuận lợi cho ETEC trong bò cái hoặc trên chuồng của bò mẹ hay bê đều làm tăng nguy cơ của bệnh tiêu chảy. Tuy nhiên miễn dịch thụ động sẽ giảm hiệu lực khi bê lớn hơn 2 tuần tuổi. Bê rất mẫn cảm với E. coli trong 48 giờ đầu tiên của đời sống và sau đó bắt đầu tạo đề kháng với các vi khuẩn trên. Nhưng nếu thú vẫn tiếp tục tiếp xúc với các ETEC gây bệnh hoặc có sự phối hợp với Cryptosporidium parvum, Rotavirus, hoặc Coronavirus có thể vẫn mắc bệnh vào lúc 14-21 ngày tuổi.

2. Triệu chứng do E. coli sinh độc tố ruột:

Triệu chứng có thể thay đổi từ tiêu chảy nhẹ với bê có thể khỏi bệnh tự nhiên cho đến các triệu chứng thể quá cấp tính với đặc điểm tiêu chảy và mất nước dẫn đến shock trong vòng 4-12 giờ. Đặc điểm của phân và màu sắc phân cũng thay đổi nhưng thường có số lượng nhiều, có nhiều nước và màu vàng, trắng hoặc xanh. Đánh giá thể trạng chung có tầm quan trọng hơn nhiều so với việc chú ý đến màu sắc của phân. Tuổi bê thường mắc bệnh là từ 1 đến 7 ngày tuổi nhưng có thể đến 21 ngày trong trường hợp có phối hợp giữa ETEC và các mầm bệnh khác trong đường ruột.

Thể quá cấp: thú mất nước, yếu ớt, mê man trong những giờ đầu mới phát bệnh. Mặc dù có thể đi phân rất nhiều nước và thường xuyên, một số có triệu chứng toàn thân và bụng phình ra trước khi tiêu chảy. Mất nước và yếu ớt là các triệu chứng nổi bật. Các niêm mạc trở nên khô, lạnh và nhợt nhạt. Thú không bú hoặc phản xạ bú yếu. Phân lỏng có thể dính vào đuôi và 2 bên đùi. Những bê có các triệu chứng shock chưa cho thấy tiêu chảy nhưng bụng phình ra và có thể phát hiện khi phối hợp gõ và rút dịch ở phần thấp của bụng phải. Nhịp tim đập không đều sau khi có các triệu chứng toàn thân gây ra giảm glucose huyết và tăng Kali huyết. Nhiệt độ ở trực tràng bình thường hoặc hơi thấp nếu con vật nằm mẹp. Vì các triệu chứng hơi chung chung và ở thể quá cấp nên việc phân biệt giữa E. coli gây bại huyết và ETEC rất khó.
một ETEC có thể sinh ra một hoặc nhiều enterotoxin. Có 2 loại: loại không chịu nhiệt (LT I, LT II) và loại chịu nhiệt (STa, STb)
Một ETEC có thể sinh ra một hoặc nhiều enterotoxin.
Có 2 loại: loại không chịu nhiệt (LT I, LT II) và loại chịu nhiệt (STa, STb)
Thể cấp: tiêu chảy rõ ràng, mất nước và thú rất yếu ớt trong vòng 12-48 giờ. Bê có thể sốt nhẹ hoặc nhiệt độ bình thường. Tiêu chảy kéo dài làm mất nước và chất điện giải, thú sụt cân vì lượng nước đưa vào giảm do bú ít.

Thể nhẹ: thường gặp hơn và ít khi được các nhà thú y chú ý. Các bê này có phân nhão hoặc nhiều nước nhưng vẫn tiếp tục bú. Đôi khi bê hồi phục hoặc có đỡ hơn nhờ biện pháp điều trị bệnh tiêu chảy bê (calf scour), chủ yếu dùng kháng sinh cho uống.

Xem thêm:  Bệnh Colibacillosis Trên Bê, Nghé

3. Sinh bệnh học:

Bệnh thể quá cấp gây tiêu chảy nặng sẽ tạo ra tình trạng acidosis kinh điển với hàm lượng bicarbonat huyết tương thấp, pH thấp và giảm Chlor và Natri, đồng thời tăng K+ và giảm glucose huyết. Tình trạng K+ tăng do K+ từ tế bào ra ngoài để trao đổi với H+ quá nhiều trong tình trạng acidosis, trao đổi ở thận khi mất H+ và giảm hấp thu qua thận. Mất nước thường hơn 8% và có liên quan với tăng dung tích hồng cầu (PCV). Lượng bạch cầu thường ở mức trung bình mặc dù bạch cầu có thể tăng do máu bị cô đặc lại. Giảm bạch cầu và tình trạng nghiêng tả ít thấy trong bệnh do ETEC.

Chất điện giải (mEq/lít)
Số liệu về bệnh do ETEC thể cấp điển hình
Số liệu về bệnh do ETEC thể cấp điển hình

4. Chẩn đoán E. coli sinh độc tố ruột

Chẩn đoán dựa trên lứa tuổi bê, các triệu chứng và kết quả phân tích ở phòng thí nghiệm.
Thể quá cấp khó phân biệt với thể bại huyết do E. coli nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Truyền dịch sẽ giúp thú mau hồi phục.

Chẩn đoán xác định cần thiết phải phân lập vi khuẩn E. coli có các kháng nguyên F gây bệnh. Nuôi cấy máu để phát hiện E. coli trong trường hợp bại huyết. Trường hợp bị chết, có thể phân lập ETEC từ kết tràng (ileum) và không phân lập được vi khuẩn ở hạch màng treo ruột cũng như các mô khác sẽ giúp loại trừ bệnh E. coli gây bại huyết. Vì có sự phối hợp gây bệnh giữa ETEC và Rotavirus, Coronavirus cũng như C.parvum. phân nên được xét nghiệm để tìm các virus và Protozoa. Bệnh do Salmonella cũng cần được phân biệt vì cũng gây tiêu chảy nặng, mất nước, shock, xáo trộn cân bằng acid-base tương tự ETEC. Tuy nhiên các tình trạng sốt, giảm neutrophile thường gặp ở bệnh do Salmonella. Ngoài ra có trường hợp quá cấp với bụng phình ra nhưng không có tiêu chảy. Cũng cần phân biệt với tình trạng nhiễm độc huyết do Cl.perfringens có biểu hiện yếu ớt, mất nước hoặc shock nhưng đôi khi cũng có xảy ra acidosis như ở bệnh do ETEC.

5. Điều trị bệnh do E. coli sinh độc tố ruột:

Bù đắp và giữ lượng dịch cơ thể là biện pháp đầu tiên để điều trị bệnh ETEC ở bê sơ sinh. Điều chỉnh tình trạng acidosis và giảm glucose huyết, đồng thời phục hồi lượng nước cơ thể là các yêu cầu bắt buộc. Thú bệnh thể quá cấp hoặc đã nằm quị cần tiêm vào tĩnh mạch. Bê còn đứng lên được nhưng bị mất nước, các niêm mạc bị khô, phản xạ bú giảm hoặc mất cũng nên được truyền dịch vào tĩnh mạch. Bê còn phản xạ bú tốt cũng nên được cấp nước qua đường miệng.

Nhiều khảo cứu về thành phần của dịch truyền cho bê chống bệnh ETEC. Dung dịch do R. H. Whitlock (1969) có thành phần gồm 150 mEq NaHCO3 trong 1 lít dung dịch glucose 5%. Hỗn hợp này dùng lần đầu 1-3 lít I/V tùy theo mức trầm trọng của tình trạng acidosis. Glucose sẽ điều chỉnh tình trạng giảm glucose huyết nếu có và cả bicarbonate và glucose giúp sự vận chuyển K+ trở vào bên trong tế bào, nên sẽ làm giảm tính gây độc cho tim nếu dư thừa Kali trong máu. Các dung dịch chất điện giải cân bằng như dung dịch Ringer có thể duy trì dịch thể nhưng bổ sung NaHCO3 và glucose có thể cần thiết để bù đắp cho tình trạng mất muối và kém ăn. Kết quả điều trị thường ngoạn mục trên bê bị tiêu chảy do ETEC. Bê bị ngã quị thường tỏ ra khá hơn nhiều, khi đưa vào 2-4 lít dịch qua tĩnh mạch và có thể đứng dậy trong vòng 6 giờ và bất đầu bú được sau 6-24 giờ từ khi bắt đầu điều trị. Kiểu đáp ứng trên cho thấy chẩn đoán chính xác và loại trừ bệnh bại huyết do E. coli vì bệnh này ít khi đáp ứng nhanh với biện pháp điều trị.

Tùy theo điều kiện, có thể thay biện pháp đưa dịch truyền vào tĩnh mạch bằng cách cho uống ở bê có thể phục hồi phản xạ bú hoặc ăn được. Điều trị ETEC thế quá cấp bằng kháng sinh có thể cho tác dụng ngược vì enterotoxin gây tiêu chảy và kháng sinh không có tác dụng đối với toxin. Mặc dù về mặt lý thuyết là đúng, nhưng nhà thú y phải đối diện với một thú yếu ớt, suy nhược, mất nước và thường là ngã quị. Phân biệt bệnh này với thể bại huyết trong giai đoạn đầu rất khó. Ngoài ra thú được điều trị cấp nước và chống acidosis, có thể có sốt nhẹ và kéo dài. Vì các lý do đó và vì mức trầm trọng của bệnh mở đường cho nhiều loài vi khuẩn như gây viêm phổi. Có thể điều trị bằng kháng sinh phổ khuẩn rộng như Gentamycine (2,2 mg/kg, ngày 2 lần hoặc 3 lần); Amikacine (4,4-6,6 mg/kg thể trọng, ngày 2 lần); Trimethoprim-sulfa (2,2 mg/kg thể trọng, ngày 2 lần) và Enrofloxacin (2,2 mg/kg, ngày 2 đến). Đa số các vi khuẩn ETEC có tính kém nhạy cảm với kháng sinh.

Kháng sinh loại tác dụng toàn thân thường tiếp tục 3-5 ngày dựa vào triệu chứng, thân nhiệt, đặc điểm của phân. Phân thường chứa nhiều nước hơn bình thường trong vòng 2-4 ngày. Nếu tiêu chảy kéo dài, dễ xảy ra kế phát bởi các vi sinh vật khác. Phương pháp điều trị khác cho tình trạng quá cấp ETEC: tiêm dung dịch Solu-Delta-Cortel khi bắt đầu và có Flunixin meglumine chống độc tố trong máu. Dùng liên tục Flunixin meglumine sẽ can thiệp vào các đặc điểm bảo vệ tế bào của Prostaglandin trong ruột và thận. Có lẽ không nên dùng Flunixin meglumine trên bê sơ sinh.

Sữa hoặc các chất thay cho sữa nên ngưng trong vòng 1-2 ngày, trong thời gian đó các nguồn năng lượng và chất điện giải có thể cho ăn (uống) nhiều lần trong ngày. Giữ bê không cho ăn sữa hoặc chất thay cho sữa một thời gian kéo dài sẽ làm thú giảm trọng do năng lượng cung cấp không đủ và không có lợi trong việc giải quyết tình trạng tiêu chảy. Khi cho ăn thì phải chia khối thức ăn thành nhiều lần, mỗi lần ăn một ít để không xảy ra tình trạng ăn quá nhiều gây khó tiêu. Khả năng hấp thu của ruột có thể ít bị ảnh hưởng hơn so với các mầm bệnh khác hủy hoại các nhung mao hoặc các hố (crypt). Cung cấp các chất điện giải và glucose qua đường miệng cũng có ích cho bê mắc bệnh ETEC. Có thể thêm glycine vào một số nguồn năng lượng hoặc chất điện giải để kích thích hấp thu Na và nước. Nguồn năng lượng trong dịch điện giải nên là glucose qua đường miệng vì bê chưa sử dụng tốt sucrose và maltose, hiệu quả của lactose cũng còn chưa rõ.

Khả năng kiềm hóa của các dung dịch điện giải có tầm quan trọng đặc biệt. Tình trạng mất HCO3- do tiêu chảy phải được kiềm chế. Các dung dịch cho uống cũng rất có ích lợi, có thể dùng 4-6 lít/ngày.

Tuy nhiên không có dung dịch điện giải dùng cho uống nào có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho nhu cầu duy trì nhất là cho bê trong mùa đông. Trọng lượng có thể giảm và thú bị chết đói nếu chỉ cho dung dịch trên trong 1-2 ngày. Ngoài ra các chất điện giải dùng uống được cung cấp thành nhiều lần trong vòng 24-36 giờ rồi phải quay trở lại cho bú sữa hoặc chất thay cho sữa, cho làm nhiều lần, mỗi lần một ít hoặc chia làm 2-3 lần/ngày nếu không có thời gian. Ta có thể bổ sung chất điện giải xen kẽ với sữa hoặc chất thay cho sữa nếu thú vẫn còn tiêu chảy.

Kháng sinh chỉ được dùng nếu bê bị sốt hoặc có khả năng bị nhiễm nhiều vi khuẩn ETEC. Các trường hợp bệnh ETEC nhẹ ít được các nhà thú y quan tâm. Các trường hợp bình phục tự nhiên cũng có xảy ra và có thể do người chủ dùng các chất điện giải cho uống bổ sung. Một số người lạm dụng kháng sinh cho uống như Neomycin, Tetracycline, Sulfa... các chế phẩm chứa Methoscopolamine, Atropine hoặc các chất làm giảm nhu động ruột không nên dùng và có thể gây chướng hơi trong dạ cỏ hoặc hồi tràng (ileus).

Xem thêm: 

6. Phòng bệnh:

Có đến 70-100% bê mắc bệnh và chết khi gặp các chủng cường độc của ETEC. Các vi khuẩn trên cũng đề kháng với nhiều loại kháng sinh. Thường người chủ gia súc đã dùng kháng sinh tự điều trị trên vài con đầu tiên rồi mới gọi thú y đến để lựa chọn loại kháng sinh có hiệu quả. Bê có thể bị chết trước khi nhận thấy vấn đề cần phải làm gì.

Thú y phải tránh khuynh hướng chỉ cung cấp hoặc đề nghị một kháng sinh mới hơn hoặc tốt hơn để giải quyết vấn đề. Cần lấy mẫu phân xác định kháng nguyên bám của E. coli và lựa chọn loại kháng sinh dùng điều trị thích hợp. Vetshop VN

Biện pháp quản lý cần được bảo đảm như bò cái phải sạch sẽ, khu vực chuồng đẻ, khu vực bê, không để chật chội. Cần theo dõi đánh giá hiệu lực bảo hộ của sữa đầu. Nếu xác định loại kháng nguyên F đặc hiệu, có thể dùng vaccin loại bacterin tiêm cho bò cái mang thai vào thời điểm 6 tuần và 3 tuần trước khi sinh.

Nguồn: Vetshop VN



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y