Bệnh Dịch Hạch Trên Chó, Mèo (Plague Disease) | Vetshop.VN


Bệnh Dịch Hạch Trên Chó, Mèo (Plague Disease)

Đăng bởi: | ngày: 9.3.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

1. Nguyên nhân gây bệnh

Hình bọ chét dưới kính hiển vi
Yersinia peptis thuộc giống Yersiania họ Enterobacteriaceae được phân lập lần đầu tiên bởi A. Yersin năm 1894. Vi khuẩn dịch hạch là một trực khuẩn ngắn, Gram âm, bắt màu đậm ở hai đầu nhất là khi nhuộm Wayson hay xanh methylene. Tạo vỏ trong bệnh phẩm hoặc khi nuôi cấy ở 37 độ C, không tạo vỏ khi nuôi cấy ở 28 độ C. Không sinh nha bào, không di động.

Vi khuẩn không hoại sinh, nhạy cảm với môi trường khô và nhiệt độ trên 40 độ C. Tuy nhiên, nó có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng trong xác động vật bị nhiễm bệnh, trong đất bị ô nhiễm nó có thể tồn tại ít nhất 24 ngày ở điều kiện tự nhiên và 40 tuần ở môi trường thí nghiệm. Ở 2,17 độ C hoặc môi trường đông lạnh chúng có thể tồn tại nhiều năm.

2. Dịch tể học

Bệnh dịch hạch là một bệnh nhiễm trùng ở động vật gặm nhấm, có thể rất nguy hiểm và là chỉ tiêu kiểm dịch động vật. Bệnh thường xảy ra trên các loài gặm nhấm tuy nhiên gần như các loài động vật có vú đều có thể nhiễm Yersinia peptis.

Ở người, nhiễm trùng thường xảy ra do tiếp xúc khi thực hiện kiểm dịch liên quan đến động vật gặm nhấm hoặc bị nhiễm do trong khu vực có động vật nhiễm bệnh. Hơn 80 loài bọ chét trong tự nhiên được tìm thấy bị nhiễm Y. pestis và ít nhất 28 loài đã được xác định như là một vector truyền lây.


Hình 1: Sự phân bố của bệnh dịch hạch trên thế giới
Hình 1: Sự phân bố của bệnh dịch hạch trên thế giới
Bệnh thường xuất hiện ở những nơi có khí hậu khô cằn, vùng khí hậu lạnh tiếp giáp sa mạc, chúng thường tập trung ở các hồ chứa, nguồn nước. Càng lên cao nguy cơ của dịch bệnh càng giảm dần. Tỉ lệ mắc bệnh dịch hạch của con người có liên quan đến lượng mưa hàng năm ở khu vực đó. Sự ấm lên của khí hậu toàn cầu có thể làm biến đổi sự phân bố của bệnh dịch hạch, sự hiện diện của mầm bệnh sẽ di chuyển dần lên vùng xa xích đạo.

Sự truyền lây Y. pestis giữa các vật chủ yếu xảy ra do bọ chét cắn, ngoài ra bệnh có thể truyền thông qua tiếp xúc khi có vết thương, hoặc có thể do hít phải các chất bài tiết từ các động vật bị dịch hạch thể phổi. Ngược lại, chó mèo thường mắc bệnh do ăn phải các động vật gặm nhấm, tỉ lệ nhiễm bệnh do bọ chét của con mồi cắn thường thấp.


Hình 2: Phương thức truyền lây của bệnh dịch hạch
Hình 2: Phương thức truyền lây của bệnh dịch hạch
Ở chó chỉ phát triển các biểu hiện lâm sàng nhẹ như sốt, sự gia tăng của các bạch cầu. Tiếp xúc với các vật nuôi hoặc động vật hoang dã được xem như là một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến lây nhiễm bệnh dịch hạch trên người.

3. Sinh bệnh học

Tùy thuộc vào con đường xâm nhập của vi khuẩn, thông qua vết cắn của bọ chét hoặc do tiếp xúc qua vết thương hở, có thể có hai phương thức sinh bệnh khác nhau.
  • Khi bị cắn bởi bọ chét, vi khuẩn xâm nhập vào bên trong. Khi gặp các bạch cầu đơn nhân, Y. pestis sẽ nhân lên bên trong bạch cầu đó. Khi các bạch cầu đơn nhân bị nhiễm vi khuẩn trở về các hạch bạch huyết, tại đây vi khuẩn vẫn tiếp tục phát triển và làm cho các hạch này viêm và sưng lên. Sau 2-6 ngày, thông qua hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết, vi khuẩn lan ra khắp cơ thể, các hệ cơ quan. Việc nhân lên trong các bạch cầu đơn nhân, giúp vi khuẩn hình thành nên lớp vỏ giúp đề kháng lại sự thực bào của cơ thể.
  • Khi ăn phải hoặc hít phải mầm bệnh (không do vết cắn của bọ chét), các vi khuẩn đã có sẵng lớp vỏ bảo vệ từ vật chủ trước mà không cần thông qua quá trình nhân lên trong tê bào bạch cầu đơn nhân, điều này làm cho việc nhiễm trùng diễn ra nhanh hơn, thời gian ủ bệnh chỉ còn từ 1-3 ngày.
Tổn thương tại vị trí nhiễm thường rất ít xảy ra. Các tổn thương có thể được nhận rõ tại các hạch bạch huyết mà hệ thống bạch huyết chảy qua vị trí nhiễm. Nhận biết các hạch có biểu hiện bệnh thông qua sự to lên, dày, tạo thành các ổ abscess, có thể có mủ rò ra bên ngoài. Các hạch bạch huyết ở sâu hoặc các bộ phận khác của cơ thể có thể bị nhiễm tương tự thông qua hệ tuần hoàn hay hệ bạch huyết. Ở trạng thái nhiễm trùng huyết, các mô khác như gan, mắt, thận, tim, lách, não, phổi đều bị nhiễm trùng. Y. pestis có chứa độc tố có thể gây phù, sốc nhiễm trùng, gây đông máu nội mạch. Diễn biến lâm sàng của bệnh có thể kéo dài từ 48 giờ đến 2 hoặc 3 tuần.

4. Biểu hiện lâm sàng

Mèo

Ở mèo, ba biểu hiện lâm sàng của bệnh đã được công nhận gồm: bệnh thể hạch, thể phổi và nhiễm trùng huyết, phổ biến nhất và gây tử vong nhiều nhất là bệnh thể hạch. Dịch hạch ở mèo có thể có các triệu chứng như sốt cao liên tục (40,7 độ C – 41,2 độ C), mất nước, tăng nhạy cảm và các hạch to lên.

Bệnh dịch hạch thể nhiễm trùng huyết có thể phát triển có hoặc không có biểu hiện sung to của các hạch. Chúng lây lan qua đường máu và gây nhiễm cho hầu hết các cơ quan trong cơ thể, mặc dù cơ quan thường cảm nhiễm nhất là phổi. Bệnh có thể có các biểu hiện của sốc nhiễm trùng như sốt, chán ăn, nôn, tiêu chảy, tăng nhịp tim, mạch yếu, hạ huyết áp, lạnh chi, đông máu nội mạch, tăng bạch cầu, trong đó tăng bạch cầu là đặc trưng của thể bệnh này ở mèo. Hình thức nhiễm trùng có thể gây tử vong trong 1 – 2 ngày sau khi có sự hiện diện của vi khuẩn.

Dịch hạch thể phổi ở mèo có thể là sự phát triển của bệnh dịch hạch thể nhiễm trùng huyết hay thể hạch. Nguyên nhân chính gây dịch hạch thể phổi thường do hít phải dịch bài thải của động vật nhiễm bệnh. Bệnh dịch hạch thể phổi do hít phải hay do phát triển từ các thể bệnh khác thường có tiên lượng xấu.

Chó

Các biểu hiện lâm sàng thường gặp ở chó như sốt, chán ăn, sưng to hạch tử cung, hạch dưới hàm, các ổ abscess, ho. Trong một báo cáo về bệnh dịch hạch ở 3 con chó, dáu hiệu lâm sàng bao gồm hôn mê (3/3), sốt (2/3), tổn thương da có mủ ở vùng cổ tử cung (2/3).

5. Chẩn đoán

Có thể chẩn đoán khá chính xác bệnh dịch hạch thông qua các thông tin lâm sàng và dịch tể học nhưng cũng cần phải có các xét nghiệm cận lâm sàng để xác nhận lại. Dịch hút từ các hạch bạch huyết, máu, mô bị nhiễm bệnh có thể được lựa chọn để xét nghiệm tùy theo biêu hiện lâm sàng của bệnh. Dịch hạch thể phổi có thể được chẩn đoán thông qua các tổn thương ở phổi khi X quang lồng ngực.


Hình 3: X-Ray xác định dịch hạch thể phổi
Hình 3: X-Ray xác định dịch hạch thể phổi
Thực hiện xét nghiệm kháng thể huỳnh quang trực tiếp đối với mẫu dung dịch hoặc thực hiện phết tế bào nếu mẫu là các mẫu mô. Cả hai phương pháp trên đều cho kết quả nhanh, chẩn đoán khá chính xác với độ tin cậy cao.

Để thực hiện chẩn đoán huyết thanh, cần thực hiện lần và hai lần cần được thu thập mẫu cách nhau từ 10 tới 14 ngày để cơ thể có tạo kháng thể chống lại Y. pestis. Các phương pháp có thể sử dụng như phương pháp ngưng kết hồng cầu, ngăn ngưng kết hồng cầu, phản ứng kết hợp bổ thể. Hiệu giá kháng thể ở lần 2 tăng gấp 4 lần lần 1 được xem là dương tính.

Xem thêm trên Vetshop VN: 
  1. Bệnh lê dạng trùng trên chó mèo (Babesiosis).
  2. Bệnh do nấm Aspergillus và Penicillium trên chó mèo.
  3. Bệnh do Coronavirus trên mèo (nhiễm trùng phúc mạc - FIP).
Nuôi cấy phân lập vi khuẩn, các mẫu bệnh phẩm có thể được thu thập từ các nguồn như mụn ở da, hạch, máu, đờm, dịch não tủy... (trước khi điều trị kháng sinh)..


Hình 4: Nhuộm Wayson nhằm xác định vi khuẩn
Hình 4: Nhuộm Wayson nhằm xác định vi khuẩn

6. Bệnh tích

Ở mèo khi mắc bệnh có thể gây tử vong ở mức 50%, và xuất hiện hoại tử ở tuyến thượng thận, lá lách, gan, có thể gây nên viêm phổi thứ phát. Các ổ viêm, abscess tồn tại tại các hạch. Trong 40 trường hợp tử vong, amidan, hạch dưới hạm, hạch màng treo ruột… đều bị ảnh hưởng. Các hạch có thể bị xuất huyết, tạo abscess, hoại tử. Các hạch bạch huyết sau khi được điều trị khỏi ở khía cạnh lâm sàng chỉ có thể tăng sinh các mô lympho. Vi khuẩn xâm nhập vào mô phổi, gây bệnh viêm phổi kẻ và đặc trưng bởi sự xuất hiện tập trung cao vi khuẩn ở nơi xuất huyết. Có thể vừa xảy ra abscess và hoại tử.


Hình 5: Viêm hạch dưới hàm ở mèo
Hình 5: Viêm hạch dưới hàm ở mèo
Hình 6: Viêm hạch màng treo ruột
Hình 6: Viêm hạch màng treo ruột
Trên chó thí nghiệm chỉ xảy hiện tương sốt nhẹ nên không có các dấu hiệu bệnh lý được miêu tả.

7. Điều trị

Các bác sĩ nên bắt đầu các phương pháp điều trị bằng kháng sinh trước khi có kết quả xác định bệnh từ phòng thí nghiệm. Các con vật có dấu hiệu về hô hấp nên thực hiện X quang lồng ngực để xác định chúng có mắc phải dịch hạch thể phổi hay không. Các con vật đều phải được kiểm tra bọ chét, nếu có sự hiện diện của bọ chét ở trong lồng hay xung quanh phòng khám nên tiến hành điều trị bằng carbamate hoặc pyrethrins. Các mụn mủ nên được chọc để loại dịch và xử lý bằng chlorhexidien diacetate.

Y. pestis là một vi khuẩn tương đối nhạy cảm với các loại kháng sinh. Lựa chọn để điều trị cho người mắc bệnh thường là streptomycin, ngoài ra có thể sử dụng đơn gentamicin hay kết hợp doxyciline cho kết quả điều trị tương đương với streptomycin và tetracycline

Bảng 1: Các loại kháng sinh được được sử dụng trong thú y
Các loại kháng sinh dùng trong điều trị bệnh dịch hạch
Hoạt chất
Liều a (mg/kg)
Đường cấp
Tái chủng (giờ)
Liệu trình (ngày)
Streptomycinb
5
IM
12
21
Kanamycinb
20
IV, IM, SC
24
21
Gentamicinb
6-8
SC, IM, IV
24
21
Trimethoprim-sulfonamide
15
PO, IV, IM
12
21
Tetracycline
20
PO
8
21
Doxycycline, chó
5-10
PO
12
21
Doxycycline, mèo
50-100c
PO
12
21
Chloramphenicol, chó
50
PO, SC
8
21
Chloramphenicol, mèo
50d
PO
12
21

IM: tiêm bắp, IV: tiêm mạch, PO: đường uống, SC, tiêm dưới da
a liều cấp trong một khoảng thời gian xác định
b gây độc trên thận
c liều cần cấp cho một con mèo(không phải liều mg/kg)
d thuốc có thể gây suy tủy, cần giám sát số lượng hồng cầu trên con bệnh.

Tiếp tục điều trị bằng tetracycline trong 7 ngày ở các con vật đã hết các triệu chứng của bệnh. Ở người khi mắc bệnh do tiếp xúc khi chăm sóc cho con vật bị nhiễm bệnh nên được điều trị với một liệu trình tương tự. Tiên lượng về bệnh phụ thuộc vào các triệu chứng và loài mắc phải.

Con bệnh phải được cách ly từ 48 tới 72 giờ đầu tiên khi tiến hành điều trị bằng kháng sinh. Việc điều trị kịp thời và chính xác có thể giảm tỉ lệ tử vong ở người và động vật từ hơn 60% đến còn dưới 15%. Đối với con vật mắc phải dịch hạch thể phổi nên được điều trị lưu trú lâu hơn nhằm tránh việc tiếp xúc có thể gây nhiễm bệnh của chủ vật nuôi.

8. Phòng bệnh

Các bác sĩ thú y nên đặc biệt thận trọng khi thăm khám các con mèo ốm trong một đợt bùng phát bệnh dịch hạch, nên trang bị các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ chính mình, nhân viên và cả khách hàng.

Việc kiểm soát bọ chét cho chó mèo nên cần được đặc biệt quan tâm, do vật nuôi có thể dễ dàng mắc phải và lây lan cho chủ của chúng. Sử dụng các thuốc diệt hoặc ức chế bọ chét như fipronil đã cho hiệu quả trên việc kiểm soát các vector truyền lây là bọ chét trong môi trường dịch bệnh.

Vaccine sống hoặc chết của Y. pestis được sản xuất chỉ sử dụng trên người. Tuy nhiên việc tiêm vaccine cho người kể cả nhân viên thú y là không được khuyến cáo. Ở mèo việc sử dụng một vaccine chết đã không cho kết quả khả quang, chúng không thể bảo vệ con vật khỏi nhiễm khuẩn hay chết thậm chí chúng còn kéo dài các triệu chứng lâm sàng của bệnh.


Nếu có copy bài, xin để lại một link sống về trang này. Xin cám ơn
Nguồn: Vetshop VN
Theo: Infectious Diseases of The Dog and Cat - 4th Edition (Nguyễn Phước Xuân Sơn dịch)
Để biết thêm thông tin truy cập http://www.greeneinfectiousdiseases.com



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y