Gập Ghềnh Ứng Dụng KHCN Vào Chăn Nuôi | Vetshop.VN


Gập Ghềnh Ứng Dụng KHCN Vào Chăn Nuôi

Đăng bởi: | ngày: 19.8.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Giảm mùi hôi. Ảnh minh họa.
Giảm mùi hôi. Ảnh minh họa.

Đột phá lớn trong chăn nuôi

Phương pháp chăn nuôi bằng đệm lót sinh học với nhiều ưu điểm như tự tiêu phân, nước tiểu; tiết kiệm công rửa chuồng, điện, nước; lợn không cần tắm, giảm bệnh tật, nhanh lớn… đặc biệt là góp phần bảo vệ môi trường, đã mở ra hướng chăn nuôi phát triển bền vững. Có thể nói đây là bước đột phá mới trong chăn nuôi.

Mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học (ĐLSH) là phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01 do ông Nguyễn Khắc Tuấn, nguyên giảng viên Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, phát triển từ cách nuôi lợn chuồng kín của Nhật Bản.

Đệm lót sinh học nhằm tạo ra các quần thể vi sinh vật sống để xử lý chất thải của vật nuôi, làm sạch môi trường, giúp đàn lợn ăn nhiều, lớn nhanh, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa giảm do vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động, đào bới suốt ngày, kích thích quá trình tiêu hóa.

Sử dụng công nghệ này trong chăn nuôi sẽ không có mùi hôi, không có khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho lợn trong suốt quá trình nuôi.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về xã Vũ Bản huyện Bình Lục (Hà Nam) trong những ngày đầu tháng 7, khi người dân đã cấy xong vụ mùa, thời gian thảnh thơi nên nhiều bà con đã tập trung vào chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Đây là địa phương đã thực hiện việc chăn nuôi sử dụng ĐLSH từ năm 2011.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm mô hình nuôi lợn bằng ĐLSH tại xã Vũ Bản huyện Bình Lục, Hà Nam, tháng 6/2012. Ảnh: VGP/Từ Lương
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm mô hình nuôi lợn bằng ĐLSH tại xã Vũ Bản huyện Bình Lục, Hà Nam, tháng 6/2012. Ảnh: VGP/Từ Lương

Luồng gió mới trong chăn nuôi

Ông Trần Duy Đồng ở thôn Liêm xã Vũ Bản cho biết, trước kia mặc dù nhà chỉ nuôi 4 lợn nái, 10 lợn thịt/lứa và phân thải ra ao cho cá ăn theo kiểu truyền thống, nhưng lượng phân dư thừa vẫn gây ô nhiễm, nhất là những ngày trời nồm, gió Nam, bốc mùi nồng nặc, khiến những hộ xung quanh không thể chịu nổi, nhiều bức xúc, phiền phức đã xảy ra.

“Việc chăn nuôi theo lối truyền thống gây ô nhiễm, nhưng vì chưa có cách nào khắc phục nên đành… làm liều. Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các hộ chăn nuôi trong khu dân cư đều gây ô nhiễm. Chỉ vì chăn nuôi mấy con lợn mà mất anh em, tình làng xóm”, ông Đồng chia sẻ.

Cũng theo ông Đồng, từ khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm xã và chỉ đạo triển khai phương pháp nuôi lợn bằng ĐLSH, ông Đồng đã tìm hiểu rồi áp dụng phương pháp này. “Từ khi áp dụng phương pháp ĐLST vào chăn nuôi, nhà tôi đất chật chội, chuồng lợn sát ngay nhà ở nhưng không còn thấy mùi nữa, lợn cũng lớn nhanh, ít dịch bệnh, giảm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”, ông Đồng nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Khổng Quang Chư, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết, xã có tổng đàn lợn khoảng 30.000 con/năm và khoảng 1 triệu con gia cầm/năm, với 1.200 hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện mới có gần 158 hộ làm hầm biogas, còn lại đa số các hộ thải trực tiếp phân tươi ra hố phân, ra vườn, thậm chí ra cống rãnh, ao, hồ, ruộng đồng… nên nhiều năm nay vấn đề ô nhiễm môi trường ở xã rất nan giải.

Ông Chư cho biết, trước đây, hầu như tháng nào chính quyền xã cũng nhận được đơn phản ánh, kiện cáo của người dân về các hộ chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có khi xảy ra đánh, chửi nhau, việc giải quyết rất vất vả.

"Từ khi áp dụng chăn nuôi bằng ĐLSH, đặc biệt là có sự quan tâm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về thăm và trực tiếp chỉ đạo, phong trào đã nhanh chóng được nhân rộng trong toàn xã, tình trạng ô nhiễm môi trường đã được cải thiện đáng kể, hầu như không còn đơn thư khiến kiện về vấn đề này”, ông Chư cho hay.

Những lợi ích thiết thực

Bà Trần Thị Sâm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Bản, cho biết tổ chức được xã giao nhiệm vụ hướng dẫn, tập huấn người dân làm ĐLSH cho biết, lúc đầu khi triển khai chương trình này, Hội gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân hạn chế, nhiều người ngại cải tạo chuồng, trại và chưa hiểu hết công dụng của ĐLSH, nên mặc dù được tỉnh hỗ trợ 165.000 đồng/m2 làm ĐLSH nhưng các hộ vẫn từ chối.

“Năm 2011, tôi là người đầu tiên triển khai mô hình dùng ĐLSH trong chăn nuôi lợn. Sau một thời gian, thấy chuồng lợn không có mùi, lợn lại nhanh lớn, ít bệnh tật, giảm được công dọn chuồng, nên 3 Chi hội trưởng của ba thôn đăng ký làm theo”, bà Sâm cho biết. Được biết, đến cuối năm 2012, xã đã có 153 hộ thực hiện mô hình chuồng “không có mùi, lợn không phải tắm”, và đến nay có 468 hộ nuôi lợn bằng ĐLSH và 300 hộ đăng ký mới đang tiếp tục triển khai.

Ông Hoàng Xuân Đống, thôn Tiền, đang áp dụng 30m2 chuồng ĐLSH, nuôi 4 lợn nái và 30 lợn thịt, phấn khởi cho hay: “Dùng ĐLSH để nuôi lợn nái thì hết ý, vì lợn con đẻ ra cần ủ ấm. Từ khi áp dụng ĐLSH, đàn lợn con của tôi rất khoẻ mạnh, không bị ho như trước”.

Khi nuôi lợn trên nền ĐLSH, lợn tăng trọng nhanh hơn 19,2% và lượng thức ăn giảm 11,6% so với nuôi theo cách thông thường. Nuôi lợn theo mô hình này còn không tốn điện, giảm được 80% lượng nước sử dụng do không phải tắm cho lợn hoặc rửa chuồng trại, công lao động cũng giảm được 60%.

Tổng chi phí làm chuồng theo mô hình đệm lót sinh học diện tích khoảng 20m2 sẽ tốn gần 15 triệu đồng, trong đó phần đệm lót khoảng 1,5 triệu đồng, tính ra có lợi rất nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Ông Đống cho biết đã thử tách 8 con trong số 30 con lợn thịt ra nuôi chuồng nền xi măng. Sau 3 tháng, kết quả đàn lợn nuôi ĐLSH giảm được 1,5kg thức ăn/bữa, tương đương 24.000 đồng, đồng thời đạt 50kg/con, đàn lợn nuôi thường 45kg. Công chăm sóc với đàn lợn nuôi bằng ĐLSH cũng giảm nhiều do không phải tắm cho lợn, không phải rửa chuồng...

Không chỉ có xã Vũ Bản, hầu như 100% các xã ở Hà Nam đã làm mô hình chăn nuôi này, trong đó có một số xã làm rất tốt như xã Vũ Bản (Bình Lục), xã Khả Phong (Kim Bảng)… Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, Hà Nam là một tỉnh thuần nông nên địa phương xác định tập trung vào chăn nuôi là chính, trong đó vừa ưu tiên phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn vừa phát triển chăn nuôi hộ gia đình để cải thiện đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, cho biết khi Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo triển khai dùng ĐLSH trong chăn nuôi, Hà Nam đã mạnh dạn đi đầu, nhằm tăng đàn, tăng sản lượng lợn, gà phục vụ cho trong tỉnh, Hà Nội và các tỉnh lân cận. Năm 2011, Hà Nam bắt đầu triển khai chăn nuôi bằng ĐLSH với 51 mô hình, năm 2012 đã tăng thêm 950 mô hình và từ đầu năm 2013 đến nay đã tăng thêm 1.000 mô hình. Tỉnh đang phấn đấu cuối năm nay cả tỉnh sẽ đạt 3.000 mô hình. Để góp phần khuyến khích người dân áp dụng chăn nuôi bằng ĐLSH, tỉnh có cơ chế hỗ trợ 165.000 đồng/m2 chuồng cho đến hết năm 2015, nếu hiệu quả có thể tiếp tục hỗ trợ.

Ngọc Quang



Ngày nay việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không còn xa lạ với người chăn nuôi. Tuy nhiên để thiết kế đệm lót như thế nào cho đúng, cho hợp lý, khoa học? Chúng tôi xin giới thiệu với bà con cách sử dụng đệm lót sinh học cho chăn nuôi lợn và chăn nuôi gà.

Sử dụng đệm lót lên men trong chăn nuôi lợn

Yêu cầu chuồng nuôi: Chuồng nuôi phải thoáng, mái kép, diện tích ô chuồng từ 10- 20m2, thích hợp nhất là 20m2, mật độ nuôi từ 15-20 lợn thịt /chuồng. Nền chuồng là đất nện chặt hoặc xi măng. Với nền xi măng thì phải đục lỗ miệng rộng 4cm, khoảng cách giữa các lỗ 30cm. Chuồng nuôi cần có hệ thống phun nước để làm mát trong mùa hè và giữ độ ẩm đệm lót. Máng ăn và vòi nước uống tự động (máng nước) đặt ở 2 phía đối nhau bên trong chuồng để lợn đi lại nhiều làm đảo xáo chất độn tạo điều kiện cho quá trình lên men thuận lợi hơn. Máng ăn nên bố trí cao hơn mặt đệm lót khoảng 20cm tránh chất độn rơi vào thức ăn và có máng hứng dưới vòi nước tự động nhằm hạn chế nước chảy vào đệm lót.
Thiết kế đệm lót lên men: Tùy thuộc vào chuồng trại được cải tạo hay xây dựng mới mà thiết kế đệm lót chìm, nổi hoặc nửa nổi nửa chìm. Nhưng nguyên tắc phải đảm bảo cho đệm lót luôn khô ráo, không bị nước từ bên ngoài ngấm vào làm hỏng. Độ dày lớp đệm lót trung bình 60 cm; tuy nhiên độ dày của đệm lót thường giảm dần theo thời gian do bị nén khi lên men, nên khi làm cần tăng độ dày thêm 20% và bổ sung đệm lót hàng năm. Nguyên liệu làm đệm lót tốt nhất là mùn cưa, vỏ bào, lớp kế tiếp là vỏ lạc, lõi ngô nghiền, trấu, thân cây ngô nghiền (có độ dày 3-5mm). Lượng nguyên liệu cần cho 20m2 ô chuồng nuôi khoảng 12m3 mùn cưa, trấu, 15 kg bột ngô; 2 kg chế phẩm BALASA -N01.
Cách chế dịch men: Cho 1 kg men gốc và 10 kg bột ngô vào thùng, thêm 200 lít nước sạch, khuấy đều, đậy kín. Để ở chỗ ấm, sau 24h là có thể dùng được (đối với mùa hè), còn mùa đông phải sau 48h. Dịch men phải làm trước 1-2 ngày trước khi làm đệm lót.
Cách xử lý bột ngô: Trước khi bắt đầu làm đệm lót từ 5-7 giờ, lấy khoảng 2 lít dịch men đã làm trước đó cho vào 5 kg bột ngô còn lại, trộn đều sau đó để chỗ ấm.

Các bước làm đệm lót:

Bước 1: Rải lớp trấu dày 30cm, dùng vòi phun sương nước sạch lên lớp trấu, lấy cào đảo để cho trấu ẩm đều và san phẳng cho đến khi đạt độ ẩm 40%. Kiểm tra bằng cách bốc một nắm trấu trên tay, thấy trấu thấm đều nước, nhưng bóp chặt không làm ướt tay là được.
Bước 2: Tưới đều 100 lít dịch men, sau đó rải đều một phần bã ngô có tẩm dịch men lên trên mặt lớp trấu. 
Bước 3: Tiếp tục rải lớp mùn cưa dầy 30cm lên trên lớp trấu. 
Bước 4: Phun nước sạch đều lên trên mặt lớp mùn cưa, dùng cào đảo để mùn cưa ẩm đều đến khi đạt độ ẩm khoảng 20% (mùn cưa thấm nước trở nên sẫm mầu, lấy một nắm mùn cưa bóp mạnh có cảm giác nước hơi thấm ướt ra tay nhưng hạt mùn cưa vẫn rời). 
Bước 5: Rải đều 5 kg bột ngô đã xử lý lên trên mặt lớp mùn cưa. 
Bước 6: Tưới đều 100 lít dịch men còn lại lên lớp mùn cưa, tiếp tục rắc đều hết phần bã ngô còn lại lên mặt lớp mùn cưa. 
Bước 7: San phẳng toàn bộ bề mặt lớp mùn cưa. 
Bước 8: Đậy kín toàn bộ bề mặt đệm lót bằng bạt hoặc bằng ni -lon để quá trình lên men được thực hiện.

Sau khi ủ vài ngày, tiến hành bới sâu lớp đệm lót 30 cm, thấy có mùi thơm rượu nhẹ đặc trưng là lên men tốt, có thể dùng được. Tiến hành bỏ bạt phủ, đảo đều lớp bề mặt khoảng 20 cm cho tơi; một ngày sau mới thả lợn vào chuồng. Nếu sử dụng và bảo dưỡng tốt, lớp đệm lót có thể sử dụng được 5 năm. Một  số  yêu cầu trong chăn nuôi:
  • Mật độ thả lợn: Trước khi thả, có thể gom phân lợn từ đàn cần thả, bỏ rải rác trong chuồng, tạo cho lợn thói quen thải phân nhiều chỗ trên mặt nền chuồng, dễ dàng trong quá trình phân huỷ. Mật độ thả 1,2 m2 chuồng/con lợn to, lợn nhỏ 0,8-1m2/con. Mật độ này sẽ đảm bảo tiêu hủy hết phân lợn và kéo dài tuổi thọ của đệm lót.
  • Quản lý và bảo dưỡng đệm lót: Luôn phải đảm bảo độ ẩm 20% ở tầng trên cùng của đệm lót, giúp cho sự lên men tiêu hủy phân tốt (kiểm tra bằng cách nắm trên tay có cảm giác mùn cưa thấm đều nước, quan sát thấy có mầu thẫm là đạt độ ẩm 20%). Ở độ ẩm 20%, lợn ít bị ban đỏ, nổi mẩn ngứa hơn nuôi trên nền xi măng. Để đảm bảo cho tầng trên đệm lót không khô hoặc ẩm quá mức, cần tránh cho chuồng khỏi bị hắt nước mưa và nước từ vòi uống làm ướt. Khi đệm lót bị ướt cần bổ sung chất độn lót khô, nếu đệm khô cần phun ẩm bằng vòi phun sương.
  • Phải đảm bảo độ tơi xốp của đệm lót: Đệm lót tơi xốp tạo điều kiện cho quá trình tiêu huỷ phân nhanh. Do vậy, hàng ngày phải chú ý xới tơi đệm lót sâu 15 cm, nhất là ở chỗ đệm lót có hiện tượng kết tảng.
  • Thường xuyên quan sát phân: Nếu phát hiện phân lợn tập trung nhiều một chỗ cần vùi lấp ngay. Trường hợp lượng phân quá nhiều, không được phân giải hết thì phải chuyển đi. Khi lợn đạt trọng lượng từ 60 kg trở lên thì lượng phân nước tiểu thải nhiều, do lợn ít vận động và có thói quen tiêu tiểu tập trung một chỗ, nên đệm lót chỗ đó dễ bị hỏng do không kịp tiêu hủy hết phân và nước tiểu, cần có biện pháp để lợn không đi tiêu, đi tiểu tập trung một chỗ. Nếu lợn bị tiêu chảy nặng phải cách ly, rắc vôi bột hoặc phun chế phẩm BALASA -N01 vào chỗ phân lợn bị bệnh và vùi sâu 30 cm. Nếu thấy phân còn nguyên, mùi thối là lên men không tốt, cần phải xới tung đệm lót với độ dày 15 cm để đệm lót tơi xốp, sau đó bổ sung thêm dịch chế phẩm men; trường hợp số đầu lợn nhiều thì cần điều chỉnh mật độ nuôi cho phù hợp. Sau 1 - 2 đợt nuôi nếu đệm lót bị giảm độ dày thì bổ sung thêm 5 - 10% chất độn và chế phẩm men.
  • Chống nóng chuồng nuôi trong mùa hè: Có thể lát gạch khoảng 1/3 diện tích nền chuồng để làm chỗ nằm cho lợn khi nhiệt độ bên ngoài quá cao, kết hợp dùng quạt và mở toàn bộ cửa để đảm bảo lưu thông không khí; nếu có điều kiện lắp đặt hệ thống phun sương ở từng ô chuồng.
  • Sử dụng thức ăn cho lợn:  Để phân, nước tiểu được tiêu hủy triệt để và kéo dài tuổi thọ của đệm lót cần kết hợp cho ăn thức ăn lên men hoặc men tiêu hóa, nhằm giảm thải phân và độ hôi thối của phân, giảm chi phí thức ăn, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tăng hiệu quả kinh tế. Mặt khác, cần chú ý cho lợn ăn với lượng thức ăn thích hợp, không dư thừa.

Sản xuất, sử dụng đệm lót lên men trong chăn nuôi gà

Kỹ thuật sản xuất, sử dụng đệm lót lên men trong chăn nuôi gà đơn giản hơn chăn nuôi lợn, cụ thể như sau:
Yêu cầu nền chuồng: Nếu tận dụng chuồng cũ, có thể sử dụng nền xi măng hoặc nền gạch; còn nếu xây mới nên làm bằng đất sẽ tiết kiệm hơn. Nguyên liệu làm đệm lót có thể sử dụng trấu hoặc mùn cưa kết hợp với trấu.
Phương pháp làm đệm lót với nguyên liệu là trấu (sử dụng cho 30-50m2 chuồng nuôi) như sau:

Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng với độ dày 8-10 cm, sau đó thả gà vào nuôi. 

Bước 2: Tạo bột men: Sử dụng 1 kg chế phẩm sinh học BALASA -N01 trộn đều với 5 - 7 kg bột ngô hoặc cám gạo, cho thêm 2,5 - 3, 2 lít nước sạch, trộn ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm ủ trong 2 - 3 ngày. Công việc này được tiến hành trước khi sử dụng từ 2-3 ngày. 

Bước 3: Sau khi nuôi được 7-10 ngày đối với gà úm và 3- 4 ngày đối với gà thịt, quan sát thấy phân rải kín bề mặt nền chuồng, dùng cào đảo sơ qua lớp mặt đệm lót, sau đó rắc đều bột chế phẩm sinh học BALASA -N01 lên toàn bộ bề mặt chất độn, dùng tay xoa trên mặt để men phân tán đều là được.
Phương pháp làm đệm lót lên men với nguyên liệu là mùn cưa hoặc kết hợp mùn cưa với trấu (do mùn cưa có khả năng hút ẩm tốt, nên chất độn mùn cưa hoặc kết hợp với trấu thường được áp dụng với nuôi gà đẻ, vịt, ngan do thải phân có nhiều nước). Các bước tiến hành làm đệm lót chuồng (cho 30-50 m2 chuồng nuôi) như sau:
Bước 1: Rải lớp mùn cưa dày 15 cm lên nền chuồng (nếu kết hợp dùng trấu thì rải 8cm trấu trước, sau đó rải tiếp 7 cm mùn cưa).
Bước 2: Phun nước sạch đều lên trên lớp mùn cưa sao cho mùn cưa có độ ẩm 20% (quan sát thấy hạt mùn cưa thấm ẩm nhưng vẫn tơi rời là được), sau đó thả gà vào nuôi.
Bước 3: Tạo bột men giống như bước 2 ở phương pháp làm đệm lót bằng trấu.
Bước 4: Rắc đều bột chế phẩm sinh học BALASA -N01 đã được chế lên toàn bộ bề mặt độn lót, dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp là được.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y