An Toàn Cho Cơ Sở Chẩn Đoán Xét Nghiệm Bệnh Động Vật | Vetshop.VN


An Toàn Cho Cơ Sở Chẩn Đoán Xét Nghiệm Bệnh Động Vật

Đăng bởi: | ngày: 19.7.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Nguyễn Văn Cảm
Trung tâm Thú y cộng đồng

Một góc cơ sở xét nghiệm. Ảnh minh họa.
Một góc cơ sở xét nghiệm. Ảnh minh họa.
Việc ô nhiễm môi trường và an toàn sinh học hiện nay trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang ngày càng được quan tâm, nó đã trở thành vấn đề của toàn cầu. Ở Việt nam những năm gần đây tình trạng ô nhiễm môi trường đang nóng lên và trong tình trang báo động. Trong lĩnh vực chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật những năm gần đây đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT, Cục Thú y quan tâm tới an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ này mới chỉ là bước đầu. Ngày 25/5/2010 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành thông tư số 31/2010/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thú y trong đó có “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải trong cở sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật”. Để góp phần tích cực vào việc an toàn sinh học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ cơ sở chẩn đoán bệnh động vật, chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc, đặc biệt là những người đang làm công tác chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật tại các phòng thí nghiệm bài viết này để tham khảo.

I. Mở đầu

Cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật là những phòng thí nghiệm (PTN) thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán những bệnh trên gia súc, gia cầm, động vật thuỷ sản và các loại động vật khác do các loại mầm bệnh gây ra. Các loại mầm bệnh gọi chung là tác nhân gây bệnh (TNGB).

Cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật là những nơi để người chăn nuôi và các tổ chức có thẩm quyền mang mẫu bệnh phẩm đến xét nghiệm. Mẫu bệnh phẩm có thể là cả con vật, là phủ tạng và có thể là mẫu từ môi trường ... có chứa TNGB.

Ô nhiễm môi trường là tình trạng môi trường cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bị ô nhiễm bởi các TNGB, chất hóa học, sinh học…. Những yếu tố này thoát ra từ các cơ sở trên trong quá trình chẩn đoán xét nghiệm sẽ gây ô nhiễm môi trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các cơ thể động vật sống khác. Có 3 dạng chất thải có TNGB gây ô nhiễm chính là: TNGB gây ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn, TNGB gây ô nhiễm môi trường từ chất thải lỏng và TNGB gây ô nhiễm môi trường từ không khí.

Để giảm thiểu ô nhiễm TNGB vào môi trường trong các cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh đông vật người ta đã phân loại TNGB theo nhóm nguy cơ và từ nhóm nguy cơ này sẽ phải xét nghiệm mẫu trong những phòng xét nghiệm an toàn sinh học (ATSH) phù hợp.

II. Phân loại nhóm TNGB và phân loại phòng xét nghiệm ATSH ở cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật

2.1. Tác nhân gây bệnh: 

Có trong máu, cơ quan (tim, gan, phổi, thận, hạch, da, thai....); những dịch tiết có trong ruột; nước tiểu; phân...TNGB được phân theo nhóm nguy cơ:
  • Nhóm 1 (nguy cơ thấp đối với cá thể và cộng đồng). Một TNGB không có khả năng gây nên bệnh cho con người hoặc động vật.
  • Nhóm 2 (nguy cơ trung bình đối với cá thể, nguy cơ hạn chế đối với cộng đồng). Một TNGB có thể gây nên bệnh cho con người, động vật, nhưng không phải là mối nguy hiểm nghiêm trọng cho người làm việc trong phòng thí nghiệm, cho cộng đồng, cho vật nuôi hoặc môi trường. Tiếp xúc với phòng xét nghiệm có thể gây ra nhiễm trùng, nhưng hiệu quả điều trị và biện pháp phòng ngừa có sẵn và nguy cơ lây lan là rất hạn chế.
  • Nhóm 3 (nguy cơ cao đối với cá thể, nguy cơ hạn chế đối với cộng đồng). Một TNGB thường gây ra bệnh nghiêm trọng của con người hoặc động vật và có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người làm việc trong phòng thí nghiệm. Nó có thể là một nguy cơ nếu lây lan trong cộng đồng hay môi trường, nhưng có biện pháp ngăn chặn hoặc điều trị sẵn coa hiệu quả.
  • Nhóm 4 (nguy cơ lây nhiễm cho cá thể và cộng đồng cao). TNGB thường gây bệnh nặng cho người và động vật, đồng thời dễ lây truyền từ cá thể này sang cá thể khác một cách trực tiếp và gián tiếp. Các biện pháp điều trị và phòng chống hiệu quả chưa được xác định.

2.2. Phòng xét nghiệm an toàn sinh học : 

Là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những nguyên tắc, kỹ thuật và thực hành cần thiết để ngăn ngừa những phơi nhiễm không mong muốn hoặc làm thất thoát TNGB và độc tố. Phòng xét nghiệm ATSH được phân theo các cấp độ:
  • Cấp độ I (Phòng xét nghiệm ATSH-1): Là phòng xét nghiệm dùng để làm việc với các tác nhân sinh học thuộc nhóm nguy cơ số 1.
  • Cấp độ II (Phòng xét nghiệm ATSH-2): Là phòng xét nghiệm dùng để nghiên cứu và làm việc với tác nhân sinh học thuộc nhóm nguy cơ số 2.
  • Cấp độ III (Phòng xét nghiệm ATSH-3): Là phòng xét nghiệm dùng để nghiên cứu và làm việc với tác nhân sinh học thuộc nhóm nguy cơ số 3 và số 4.

III. Các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường với 2 đối tượng là phòng thí nghiệm và cơ sở sử dụng động vật thí nghiệm:

3.1. Phòng thí nghiệm: Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, an toàn cho con người và động vật cần phải tuân thủ theo các quy định sau:

Tiếp nhận, sử dụng, bảo quản và phân phối TNGB trong Phòng thí nghiệm

Các bộ phận xét nghiệm trong PTN không được trực tiếp nhận bệnh phẩm từ ngoài vào có TNGB. Phòng Bệnh lý phải có trách nhiệm tiếp nhận, ghi chép, mổ khám, phân loại, phân phối bệnh phẩm đúng quy trình đến từng bộ phận để làm các xét nghiệm theo yêu cầu.

Khi có kế hoạch sử dụng TNGB nguy cơ nhóm 3,4 hoặc tiến hành các thí nghiệm mới có sử dụng các TNGB nguy cơ nhóm 3,4 phòng Bệnh lý phải làm giấy đề nghị Giám đốc phê duyệt. Trường hợp cần thay đổi một nội dung trong nghiên cứu thì phải làm giấy đề nghị mới.

Khi tiến hành bảo quản TNGB nguy cơ nhóm 2, 3 (phân lập từ bệnh phẩm tiếp nhận từ các đơn vị trong và ngoài), báo cáo bảo quản TNGB phải được cập nhật và gửi thông báo cho phòng Bệnh lý. Khi kết thúc bảo quản TNGB, các phòng cũng phải gửi báo cáo cho phòng Bệnh lý.

Khi cần sử dụng Phòng xét nghiệm ATSH-3, đối với những người thuộc cơ quan/đơn vị ngoài Phòng thí nghiệm muốn vào làm việc tại Phòng xét nghiệm ATSH-3 thì phải được sự đồng ý của lãnh đạo và tuân thủ quy định ATSH. Trừ trường hợp đột xuất, khi dừng phòng ATSH-3, bộ phận phụ trách phải báo cho người sử dụng biết trước ít nhất 1 ngày.

Phân phối TNGB ra ngoài Phòng thí nghiệm

Phân phối TNGB nhóm 2, 3 cho các đơn vị trong nước:
  • Đơn vị xin TNGB phải đáp ứng được các yêu cầu về ATSH tương đương với cấp độ nguy cơ của TNGB, phải làm công văn gửi cơ quan có thẩm quyền nêu rõ các chi tiết cần thiết về TNGB, kế hoạch thí nghiệm, và các cam kết về việc sử dụng TNGB.
  • Phòng thí nghiệm cung cấp TNGB có trách nhiệm tiến hành thẩm định các nội dung ghi trong công văn đề nghị xem đơn vị xin TNGB có đáp ứng được các Điều kiện ATSH không? Trong trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu đơn vị xin TNGB cung cấp thêm thông tin hoặc đến đơn vị đó để xác nhận các thông tin.
  • Người chịu trách nhiệm phân phối TNGB giao TNGB theo kế hoạch đã thống nhất cho đơn vị xin TNGB và gửi “Báo cáo phân phối TNGB” cho cơ quan có thẩm quyền.
Phân phối TNGB ra nước ngoài:
  • Đơn vị, tổ chức nước ngoài phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về ATSH.
  • Việc phân phối TNGB ra nước ngoài được thực hiện theo sự chỉ đạo của Cơ quan có thẩm quyền.
  • Đơn vị, tổ chức nhận vận chuyển TNGB phải có chứng chỉ hành nghề của cơ quan có thẩm quyền.

Vận chuyển TNGB

Trường hợp di chuyển TNGB ra ngoài Phòng thí nghiệm phải tuân theo quy định đóng gói đảm bảo ATSH.

Cơ sở vật chất và thiết bị của Phòng thí nghiệm

Phòng xét nghiệm ATSH-1:
Không gian cần đủ rộng để thực hiện an toàn các công việc, lau chùi, bảo dưỡng PTN và để các dụng cụ, vật tư cần thiết. Tường, trần nhà và sàn nhà cần phải bằng phẳng, dễ lau chùi, không thấm nước, chống được hoá chất và chất diệt khuẩn thường dùng trong PTN. Sàn nhà không trơn, trượt.

Mặt bàn xét nghiệm không thấm nước và chống được chất khử khuẩn, axit, kiềm, dung môi hữu cơ và nhiệt. Có bồn nước rửa tay, có vòi nước gần cửa ra vào.

Phòng xét nghiệm ATSH-2:
Gắn biển báo nguy hiểm sinh học với biểu tượng quốc tế trên tất cả các cửa ra vào của PTN. Nên có hệ thống đèn báo khẩn cấp để thoát an toàn trong trường hợp sự cố. Có tủ ATSH cấp 2. Có nồi hấp ướt hoặc các thiết bị tiệt trùng thích hợp khác đặt trong cùng toà nhà.

Các thiết bị như nồi hấp và tủ ATSH phải được thẩm định bằng các phương pháp thích hợp trước khi đưa vào sử dụng. Việc cấp giấy chứng nhận lại phải thực hiện thường xuyên theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Phòng xét nghiệm ATSH-3:
Cách biệt với các phòng xét nghiệm khác, cách ly với khu vực có nhiều người qua lại. Có phòng đệm trước khi vào Phòng xét nghiệm . Phòng đệm phải thiết kế chỉ mở được một cửa trong một thời điểm. Có cửa thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.

Phòng xét nghiệm phải bịt kín để tiệt trùng được. Hệ thống ống dẫn khí phải lắp đặt sao cho có thể tiệt trùng. Cửa sổ phải đóng, kín khí và sử dụng vật liệu chống vỡ. Trong khu vực Phòng xét nghiệm phải có phòng tắm cho trường hợp khẩn cấp.

Phải có hệ thống thông gió có kiểm soát để duy trì hướng, luồng khí vào Phòng xét nghiệm . Hệ thống thông khí phải được lắp đặt sao cho không khí từ Phòng xét nghiệm không được hoàn lưu đến khu vực khác trong cùng toà nhà. Không khí được lọc qua màng lọc HEPA để ngăn TNGB và có thể hoàn lưu và tái sử dụng trong Phòng xét nghiệm . Không xả trực tiếp không khí từ Phòng xét nghiệm vào các tòa nhà có người ở và nơi lấy không khí vào. Có hệ thống kiểm soát nhiệt độ, thông khí và điều hoà nhiệt độ (HVAC) để duy trì áp lực âm phù hợp trong Phòng xét nghiệm .

Có hệ thống báo động để thông báo lỗi của hệ thống HVAC. Tất cả các màng lọc HEPA phải được lắp đặt thuận tiện cho việc tiệt trùng và kiểm tra các thông số cần thiết. Tủ ATSH phải được đặt tránh lối đi lại, cửa ra vào và các cửa cấp, thải khí. Có nồi hấp ướt tiệt trùng trong Phòng xét nghiệm .

Đường ống cung cấp nước trực tiếp cho Phòng xét nghiệm phải có van một chiều để chống chảy ngược. Nước thải ô nhiễm phải được tiệt trùng trước khi thải ra ngoài. Nếu chất thải lây nhiễm phải đưa ra ngoài Phòng xét nghiệm để tiệt trùng và loại bỏ thì phải được vận chuyển trong các thùng kín, chắc chắn để tránh vỡ hoặc rò rỉ theo các quy định phù hợp của quốc gia hoặc quốc tế.

Các vật liệu có nguy cơ lây nhiễm phải được tiệt trùng ngay trong tủ ATSH cấp 2 hoặc thiết bị ngăn chặn cơ bản khác. Các thiết bị như máy ly tâm, loại máy cần các thiết bị hỗ trợ hạn chế phát sinh khí dung như các nắp đậy an toàn hay roto ngăn chặn.

Các quy trình thiết kế cơ sở hạ tầng và vận hành Phòng xét nghiệm ATSH-3 phải được thể hiện bằng văn bản.

Bảo hộ cá nhân

Khi vào Phòng xét nghiệm ATSH 2,3 hoặc khu vực quản lý phải mặc đồ bảo hộ cần thiết. Khi ra khỏi Phòng xét nghiệm ATSH 2,3 hoặc khu vực quản lý phải thay đồ bảo hộ trong Phòng xét nghiệm hoặc trong khu vực quản lý. Không được mặc đồ bảo hộ sử dụng trong khu vực quản lý ra ngoài, đặc biệt tại khu vực công cộng.

Sử dụng quần áo bảo hộ dùng 1 lần hoặc nhiều lần. Quần áo bảo hộ sử dụng nhiều lần phải bằng chất liệu có thể hấp tiệt trùng được.

Sắp xếp và làm vệ sinh khu vực quản lý

Về nguyên tắc người làm xét nghiệm là người tiến hành sắp xếp và làm vệ sinh Phòng xét nghiệm . Người làm vệ sinh Phòng xét nghiệm phải có đủ sức khỏe, có chứng chỉ đã được học về ATSH cơ bản.

Vận chuyển ra, vào các thiết bị của Phòng thí nghiệm

Tất cả các thiết bị có tiếp xúc với TNGB trong Phòng xét nghiệm ATSH 2 và các thiết bị trong Phòng xét nghiệm ATSH 3 phải được tiệt trùng trước khi mang ra ngoài.

Đối với các nguyên liệu cần được bảo quản phải cho vào hộp kín và tiệt trùng bề mặt hộp rồi mới mang ra ngoài.

Những điều không được làm trong khu vực quản lý

Không được mang các đồ dùng cá nhân ngoài các vật cần thiết cho việc thí nghiệm vào khu vực quản lý. Không được phép ăn uống, hút thuốc, trang điểm trong khu vực quản lý

Ghi chép công việc của Phòng thí nghiệm

Mỗi PTN phải có một sổ nhật ký PTN để ghi lại các công việc hàng ngày diễn ra tại PTN.

Tiến hành thí nghiệm tại PXN ATSH 2,3

Việc thí nghiệm tại Phòng xét nghiệm ATSH 2,3 phải tuân thủ quy chuẩn về đảm bảo ATSH đã được phê duyệt.

Trước khi thực hiện thí nghiệm, nhân viên phải kiểm tra xác nhận rằng thiết bị và máy móc trong Phòng xét nghiệm hoạt động bình thường.

Việc thao tác đối với TNGB nhóm 2,3 phải được tiến hành trong tủ ATSH cấp 2, cabin an toàn hoặc trong thiết bị đảm bảo không làm phát tán TNGB. Thí nghiệm phải được tiến hành với phương pháp ít làm phát sinh hạt khí dung nhất.+. Xử lý sau khi kết thúc thí nghiệm tại Phòng xét nghiệm ATSH 2,3.

Sau khi kết thúc thí nghiệm tại Phòng xét nghiệm phải thực hiện các bước xử lý sau đây:
  • Khử trùng tay và bề mặt làm việc khi thí nghiệm. Tiệt trùng tất cả các vật được sử dụng trong thí nghiệm trừ những vật tiếp tục được sử dụng.
  • Các nguyên liệu tiếp tục sử dụng phải được đựng trong hộp kín, bề mặt hộp phải được tiệt trùng và được bảo quản lạnh hoặc kho đông lạnh chỉ định.
  • Nước thải thí nghiệm sau khi được tiệt trùng mới xả vào cống thải.
  • Toàn bộ găng tay và quần áo bảo hộ sử dụng xong phải được tiệt trùng.

Bảo quản TNGB và ghi chép

TNGB nhóm 2 do các Phòng thí nghiệm tự bảo quản. Phòng/tủ bảo quản TNGB nhóm 2 phải luôn được khóa.

Tất cả các TNGB nhóm 3 phải được bảo quản trong Phòng xét nghiệm ATSH-3 hoặc phòng bảo quản TNGB nhóm 3. Phòng bảo quản TNGB phải luôn được khóa. Việc ra, vào và vận chuyển TNGB phải được sự đồng ý của người có thẩm quyền. Việc lấy ra phải ghi chép.

3.2. Cơ sở sử dụng động vật thí nghiệm

Việc tiến hành các thí nghiệm có sử dụng động vật thí nghiệm ngoài việc phải tuân theo các quy định như đối với các thí nghiệm không sử dụng động vật thí nghiệm còn phải tuân theo các quy định sau:

Nhà nuôi động vật

Nhà nuôi động vật cần riêng biệt. Trong trường hợp nhà nuôi động vật liền với PTN thì cần phải cách biệt với khu vực chung của PTN để thuận tiện cho việc tiêu độc và tiệt trùng.

Tiêu chuẩn của cơ sở động vật ATSH cấp 1

Cơ sở động vật ATSH cấp 1 sử dụng để lưu giữ động vật đã qua kiểm dịch và những động vật có lây nhiễm với các TNGB thuộc nhóm nguy cơ 1.

Tiêu chuẩn của cơ sở động vật ATSH cấp 2

Cơ sở động vật ATSH cấp 2 được sử dụng để làm việc với động vật có lây nhiễm với các TNGB thuộc nhóm nguy cơ 2. Cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn sau đây:
  • Đạt tất cả các yêu cầu đối với các cơ sở động vật ATSH cấp 1. Có biển báo nguy hiểm sinh học tại cửa ra vào và tại các nơi thích hợp. Cơ sở phải được thiết kế thuận lợi cho việc lau chùi và tiệt trùng. Cửa phải được mở vào trong và tự đóng. Có đầy đủ thiết bị điều hòa không khí, thông hơi và ánh sáng. Nếu có thiết bị thông gió cơ học thì luồng khí phải đi từ ngoài vào trong. Khí thải được thải ra ngoài và không được tái luân chuyển đến bất kỳ nơi nào trong tòa nhà.
  • Chỉ những người có trách nhiệm mới được phép vào. Tất cả cán bộ nhân viên phải được tập huấn đầy đủ về ATSH.
  • Không đưa vào các động vật không sử dụng cho việc thực nghiệm. Cần có kế hoạch kiểm soát động vật gặm nhấm và chân đốt. Nếu có cửa sổ, phải đảm bảo an toàn, không phá được và nếu có thể mở được thì phải lắp đặt tấm chắn động vật chân đốt. Các bề mặt làm việc phải được tiệt trùng bằng các chất tiệt trùng hiệu quả sau khi sử dụng.
  • Phải có tủ ATSH (cấp 1 hoặc 2) hoặc lồng cách ly với bộ cung cấp khí chuyên dụng và bộ lọc HEPA cho những công việc có thể tạo ra khí dung. Có sẵn nồi hấp tại chỗ hoặc gần với cơ sở động vật. Vật liệu dùng cho động vật phải được loại bỏ theo cách làm giảm thiểu việc tạo khí dung hay bụi.
  • Tất cả các vật liệu thải, vật liệu dùng cho động vật phải được tiệt trùng trước khi loại bỏ. Hạn chế việc sử dụng các vật liệu sắc nhọn. Luôn bỏ các vật liệu sắc nhọn vào các đồ chứa chuyên dụng chống chọc thủng có nắp và xử lý như vật nhiễm trùng.
  • Các vật liệu để hấp hoặc đốt phải được vận chuyển an toàn trong các đồ chứa đóng kín. Lồng nhốt động vật phải được khử trùng sau khi sử dụng.
  • Xác động vật phải cho vào bao kín, tiệt trùng trước khi đưa ra ngoài khu vực PTN. Phải sử dụng quần áo và trang thiết bị bảo hộ khi ở trong cơ sở động vật. Phải có vòi nước, xà phòng rửa tay. Nhân viên phải rửa tay trước khi ra khỏi cơ sở động vật.
  • Tất cả các chấn thương, dù là rất nhẹ, phải được xử lý thích hợp, báo cáo và ghi chép lại. Nghiêm cấm ăn, uống, hút thuốc và sử dụng mỹ phẩm trong cơ sở.

Tiêu chuẩn của cơ sở động vật ATSH cấp 3

Cơ sở động vật ATSH cấp 3 được sử dụng để lưu giữ động vật đã được tiêm phòng với các TNGB thuộc nhóm nguy cơ 3 hoặc chỉ định khi đánh giá nguy cơ. Tất cả các hệ thống, tiêu chuẩn thực hành và qui trình phải được xem xét và chứng nhận lại hàng năm. Cần thực hiện những biện pháp phòng ngừa an toàn sau đây:
  • Đạt tất cả các yêu cầu của cơ sở động vật ATSH cấp 1 và 2. Kiểm soát nghiêm ngặt người vào. Cơ sở phải cách biệt với khu vực PTN và nhà nuôi động vật khác bằng một bộ cửa kép tạo thành một phòng chuẩn bị. Phòng chuẩn bị phải có thiết bị rửa tay và nên có vòi tắm hoa sen.
  • Phải có bộ phận thông gió cơ học để đảm bảo luồng không khí liên tục ở tất cả các phòng. Khí thải phải qua hệ thống lọc HEPA ngăn chăn TNGB trước khi thải ra ngoài và không khí được tái luân chuyển. Hệ thống thông gió phải được thiết kế để tránh luồng khí đảo ngược và tạo áp lực dương ở bất kỳ nơi nào trong nhà nuôi động vật.
  • Phải có sẵn nồi hấp ở vị trí thuận lợi đối với nhà nuôi động vật có chất nguy hiểm sinh học. Chất thải lây nhiễm nên được hấp tiệt trùng trước khi chuyển đến nơi khác trong cơ sở động vật. Có sẵn lò thiêu, đốt tại chỗ hoặc thiết bị thay thế theo quy định của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
  • Động vật bị nhiễm TNGB thuộc nhóm nguy cơ 3 phải được nhốt trong lồng ở vị trí cách ly hoặc trong phòng. Lồng phải có thiết bị thông gió đặt ở sau. Hạn chế tối đa bụi trong lồng nuôi. Tất cả quần áo bảo hộ phải được khử trùng trước khi giặt. Cửa sổ phải đóng và bịt kín, không phá được. Nên tiêm phòng phòng TNGB thích hợp cho nhân viên làm việc.

Người sử dụng Phòng thí nghiệm động vật

Người sử dụng Phòng thí nghiệm động vật ATSH cấp 2,3 phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định và có chứng chỉ đã tham dự khóa học về sử dụng cơ sở có động vật thí nghiệm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế Quy chế Quản lý chất thải y tế (Ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
2. Luật Phòng chống các bệnh truyền nhiễm. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.27.
3. Quy định thực hiện ATSH tại Viện VSDT (Ban hành kèm theo Quyết định số: 425/QĐ-VSDTTƯ Ngày 17/11/2008 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương)
4. Thông tư số 31/2010/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 24/5/2010: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quản lý chất thải trong các cơ sở chẩn đoán xét nghiệm bệnh động vật”
5. Sulkin S.E., Pike, R.M.: Survey of laboratory-acquired infections. Am J Public Health 41 (7), 1951, pp.769-781.
6. WHO. Laboratory Biosafety Manual. Third Edition, pp. 1, 2, 49, 2004.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y