Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Sử Dụng Kháng Sinh | Vetshop.VN


Một Số Vấn Đề Cần Lưu Ý Khi Sử Dụng Kháng Sinh

Đăng bởi: | ngày: 4.4.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ts. Võ Thị Trà An
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
1. Kháng sinh cần được sử dụng đủ liều điều trị và đủ liệu trình (số ngày thuốc có trong cơ thể). Thông thường, người sử dụng cần tuân thủ đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc đảm bảo chất lượng thì sẽ đạt được yêu cầu này. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp dùng kháng sinh chưa hiệu quả là do hàm lượng hoạt chất thấp hơn ghi trong nhãn mác và có thể nguyên liệu kém chất lượng, quy trình sản xuất lạc hậu làm thất thoát các hoạt chất kháng sinh. Ngoài ra, có thể lỗi ở người sử dụng là không tuân thủ đủ liều thuốc, phối hợp thuốc chưa đúng hoặc sau khi sử dụng kháng sinh 1-2 ngày, bệnh thuyên giảm thì tự ý ngưng thuốc (vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hết sẽ sinh sôi và tăng lên nhanh chóng vì mỗi thế hệ vi khuẩn trung bình 30 phút). Hậu quả là chỉ vài ngày sau, con vật tái phát bệnh. Thông thường mầm bệnh lần này sẽ không đáp ứng với kháng sinh vừa sử dụng vài ngày trước đó. Như vậy, cần nhớ và tuân thủ nguyên tắc cơ bản của liệu pháp kháng sinh là "NHANH, MẠNH, ĐỦ THỜI GIAN". Nhanh nghĩa là phải dùng kháng sinh cho những ca nhiễm khuẩn nặng, thông qua triệu chứng sốt. Dùng kháng sinh nhanh chóng và kịp thời, không chần chừ nhằm tránh vi khuẩn nhân lên và lan tràn khắp cơ thể. Mạnh là dùng liều cao cho phép ngay từ đầu và theo dõi sự đáp ứng với thuốc ít nhất sau 2 ngày. Tiếp đó duy trì kháng sinh đủ lâu (tối thiểu 3 ngày) nhằm đảm bảo kháng sinh tiêu diệt hết mầm bệnh.

2. Không sử dụng kháng sinh cho các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ. Có nhiều ca nhiễm khuẩn nhẹ, cơ thể có thể tự chống đỡ mà không cần sử dụng kháng sinh. Ví dụ, một trong những sai lầm phổ biến tại các trại chăn nuôi không có kỹ thuật viên thú y là việc sử dụng kháng sinh ngay lập tức cho heo con tiêu chảy. Lưu ý rằng, có nhiều heo con đi phân lỏng trong ngày thứ nhất nhưng hết triệu chứng này ở ngày thứ hai mà không cần bất kỳ biện pháp can thiệp nào bởi vì tiêu chảy, bản thân nó là một phản ứng của cơ thể nhằm tống các chất bất lợi ra khỏi lòng ruột. Hoặc những trường hợp tổn thương nhẹ trên da, mô mềm cũng không nhất thiết phải sử dụng kháng sinh mà có thể chỉ dùng thuốc sát trùng tại chỗ. Việc sử dụng kháng sinh tràn lan mà bỏ quên sát trùng, khử trùng trong chăn nuôi không những không đem lại hiệu quả mà còn là một trong những nguyên nhân phát triển đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.
 
3. Nếu có thể, ưu tiên dùng kháng sinh tác động tại chỗ hơn là toàn thân. Việc dùng kháng sinh toàn thân ưu tiên cho các ca nhiễm trùng nặng. Ví dụ, nên sử dụng kháng sinh qua đường tiêu hóa (ăn, uống) cho các ca tiêu chảy do vi khuẩn, nhất là các kháng sinh không hấp thu qua ruột mà chỉ tác động đến các vi khuẩn tại ruột (nhóm aminoside dùng đường tiêu hóa, colistin). Trong khi đó nhiễm khuẩn ở đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản cần được khống chế bằng kháng sinh tác động toàn thân, nhất là các kháng sinh có mức độ tập trung vào phổi cao (nhóm aminoside dùng đường tiêm tĩnh mạch hoặc bắp cơ, nhóm quinolone, nhóm macrolide, nhóm tetracycline).
 
4. Không sử dụng kháng sinh phổ rộng nếu vi khuẩn gây nhiễm trùng nhạy cảm với một vài kháng sinh phổ hẹp. Ví dụ, điều trị viêm vú trên bò sữa người ta thường dùng nhóm penicillin, novobiocin vì đa số các ca viêm vú được xác định hầu hết là do vi khuẩn Gram dương nhóm tụ cầu (staphylococci) và liên cầu (streptococci). Nhiễm trùng đường tiết niệu ở chó mèo thường do vi khuẩn Gram âm E.coli và vi khuẩn Gram dương staphylococci, streptococci nên kháng sinh ưu tiên cho những ca này là amoxicillin, sulfonamide phối hợp với trimethoprim. Nhiễm trùng hô hấp do Mycoplasma ở gà, heo có thể kiểm soát bằng tiamulin, lincomycin, macrolide hoặc các teracycline.
 
5. Việc chọn lựa kháng sinh cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như phân lập vi khuẩn, xác định tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh, chẩn đoán vi thể mô bệnh học hoặc huyết thanh học, PCR…Kết quả chẩn đoán cần được xác định bởi phòng thí  nghiệm. Kết quả xét nghiệm cũng phụ thuộc rất lớn vào việc lấy mẫu. Ví dụ, đối với phân lập vi khuẩn, nếu con vật đã được cho ăn, uống hoặc tiêm kháng sinh trước đó thì sẽ rất khó hoặc không phát hiện được vi khuẩn gây ra căn bệnh vì một số lượng lớn đã bị kháng sinh ức chế. Quy trình xác định tính nhạy cảm của vi khuẩn với kháng sinh (ví dụ, phương pháp khuếch tán trên thạch hoặc xác định nồng độ ức chế tối thiểu) cũng phải theo quy chuẩn và luôn thực hiện với vi khuẩn đối chứng để đảm bảo độ chính xác của các kết quả.
 
6. Cần lưu ý các thông số dược động học để chọn kháng sinh mà mầm bệnh vẫn còn nhạy cảm và kháng sinh có khả năng tập trung vào mô bệnh, ít gây tác dụng phụ cho con bệnh. Thời gian ngưng thuốc cho thú trước khi giết mổ hoặc cho thú sản xuất trứng, sữa cũng là một yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng kháng sinh cho nhóm vật nuôi này. Ví dụ, kháng sinh nhóm aminoside có thời gian ngưng thuốc rất dài nếu dùng đường tiêm, nên thận trọng khi sử dụng trên đối tượng gần xuất bán thịt bởi vì sự tồn dư nhóm kháng sinh này trong sản phẩm động vật có thể gây độc (thận và thính giác) cho người tiêu dùng.

Xem thêm: 



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y