Các Biện Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Sử Dụng Thức Ăn | Vetshop.VN


Các Biện Pháp Nâng Cao Hiệu Quả Sử Dụng Thức Ăn

Đăng bởi: | ngày: 18.4.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Ảnh minh họa.
Hiệu quả chăn nuôi được đánh giá ở 3 tiêu chí:
  • Giá thành của một đơn vị sản phẩm
  • An toàn thực phẩm
  • Ô nhiễm môi trường
Trong chăn nuôi lợn công nghiệp để hạ giá thành một đơn vị sản phẩm, người ta quan tâm tớí chỉ tiêu hiệu quả sử dụng thức ăn (TA). Chỉ tiêu này được tính bằng kg thức ăn/kg tăng trọng và trong chuyên môn người ta gọi chỉ tiêu này là FCR (Feed Conversion Rate). Cần chú ý rằng trong chăn nuôi tận dụng, để hạ giá thành sản phẩm người ta không quan tâm tới chỉ tiêu này mà chỉ quan tâm tới chỉ tiêu chi phí tiền thức ăn cho một đơn vị sản phẩm, FCR có thể cao, nhưng chi phí TA thấp, thì giá thành sản phẩm cũng thấp.

Như vậy, trong chăn nuôi công nghiệp, FCR là một nhân tố quan trọng trong 3 nhân tố nói trên để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Giảm thấp FCR thì giảm được giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Theo British Pig Executive’s Yearbook 2012 thì FCR trong chăn nuôi lợn của Anh bình quân là 2,82 và chỉ các trang trại lợn trong top 10% mới có FCR là 2,28; tức là giảm được 0,54 kg thức ăn/kg tăng trọng.

Theo Mathew Curtis, Giám đốc Quản lý Công ty Giống lợn Yorkshire của Anh thì nếu FCR giảm được 0,54 kg  mỗi con lợn thịt sẽ tiết kiệm được 9 bảng Anh (1 bảng Anh, £  = 32.900 VNĐ theo tỷ giá hiện nay). Curtis tính rằng nếu 500 lợn nái mỗi năm sản xuất 22 lợn thì các trại ở top 10% có thể tiết kiệm đuợc 99.000£ (tương đương 3,25 tỷ VNĐ) và mỗi một lợn nái có thể tiết kiệm chi phí TA mỗi năm là 6,5 triệu VNĐ.

Như vậy để hạ giá thành một đơn vị sản phẩm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng thì phải thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, nói một cách khác là giảm tiêu tốn thức ăn cho 1 đơn vị sản phẩm.

Vậy các biện pháp đó là gì?

Có 3 biện pháp quan trọng liên quan đến giống; dinh dưỡng - thức ăn  và tình trạng stress nhiệt ( tức là điều kiện sống của con vật).

1. Về biện pháp giống

Chăn nuôi lợn hiện đại luôn nhắm vào việc chọn lọc để tạo những đàn hạt nhân có thành tích sản xuất tối ưu: khoẻ mạnh, chống bệnh tốt, tăng trưởng nhanh, tỷ lệ nạc cao và có FCR thấp. Những giống thuộc đàn hạt nhân được lai tạo để tạo con lai F1, từ con lai F1 tạo ra con thương phẩm 3 hoặc 4 máu có ưu thế lai của cả bố và mẹ về tăng trưởng, chất lượng thịt  cũng như hiệu quả sử dụng thức ăn.

Ví dụ: Các nghiên cứu năm 2004 của Phùng Thị Vân ở trại giống PIC của Viện Chăn nuôi cho biết: nếu con lai F1 (Yorkshire x Landrace) trong giai đoạn nuôi từ 21 kg đến 95 kg cho tăng trọng 695g/ngày  và FCR là  2,75 thì con lai 4 máu  (cái C20 x  đực 402) cho tăng trọng 719g/ngày và FCR là 2,59.

Để con lai thương phẩm có năng suất cao thì đàn hạt nhân phải được chọn lọc chặt chẽ để hàng năm có được tiến bộ di truyền đối với các tính trạng sản suất.

Ví dụ: Đàn lợn hạt nhân của Đan mạch  đã có những tiến bộ di truyền trong thời gian 4 năm từ 2003 đến 2007 như ở bảng 1. Các số liệu của bảng 1 cho thấy tiến bộ di truyền về các tính trạng tăng trọng, FCR và tỷ lệ nạc không lớn nhưng có ý nghĩa và là kết quả của sự chọn lọc nghiêm ngặt đối với từng con giống.

Bảng 1: Tiến bộ di truyền của đàn lợn hạt nhân của Đan mạch
(bình quân 4 năm từ 2003 – 2007)

 
 
Duroc
 
Landrace
 
Large White
Tăng trọng từ 30-100kg (g/ngày)
 
FCR (đvtă/kg tăng trọng/ ngày)
  Tỷ lệ nạc thân thịt (%)
 
18,9
 
-0,039
 
  0,16
 
 
11,9
 
-0,028
 
  0,03
 
5,9
 
-0,013
   
0,03

                                                     (Nguồn: Danish Pig Production-Báo cáo năm 2007)

Tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) có tương quan nghịch với FCR, ADG lớn thì FCR nhỏ. Những giống cải tiến (giống ngoại) thường có ADG lớn hơn những giống nội địa cho nên có FCR nhỏ hơn. Ví dụ: lợn giống ngoại từ cai sữa (6,5kg) đến xuất bán (100kg) có ADG 600-700g/ngày và có FCR là 2,5-2,7 thì lợn Móng cái từ cai sữa đến xuất bán có ADG 350-400g/ngày và có FCR từ 4 -4,5.

Với những giống khác nhau, tỷ lệ nạc/mỡ thân thịt khác nhau sẽ cho FCR khác nhau. Năng lượng cần để tạo nạc nhỏ hơn là tạo mỡ, cho nên lợn có tỷ lệ nạc cao thì có FCR nhỏ hơn so với lợn có tỷ lệ nạc thấp.

Tỷ lệ mỡ thân thịt tăng lên theovới tuổi, lợn giai đoạn sinh trưởng có tỷ lệ mỡ thấp hơn so với giai đoạn vỗ béo, cho nên có FCR ở giai đoạn sinh trưỏng thấp hơn  giai đoạn vỗ béo (bảng 2).

Bảng 2: Tỷ lệ mỡ/nạc thân thịt và FCR

 
Thể trọng lợn (kg)
 
Tỷ lệ mỡ/nạc
 
FCR
   22,5 –   45,0
   45,0 –   67,5
   67,5 –    90,0
   90,0 –  112,5
0,88
0,92
1,42
1,88
2,9
3,1
3,5
4,3
 

                                                                        ( Nguồn: Duane R. Reese và cs., 1985)

2. Về dinh dưỡng, thức ăn

Các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu thì sẽ phát huy tối đa tiểm năng di truyền của con vật. Trong việc đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho con vật, những chỉ tiêu có quan hệ đến FCR thường được đặc biệt quan tâm là nồng độ năng lượng khẩu phần, tỷ lệ lysine/năng lượng.

Nồng độ năng lượng khẩu phần cao thì cho FCR thấp. Trong một thí nghiệm thực hiện ở Trung tâm nuôi lợn trên bãi chăn (Hoa kỳ) cho thấy: với khẩu phần có nồng độ năng lượng tiêu hoá (DE) tăng dần từ 3090 lên 3340 và 3570 Kcal/kg TA  thì FCR đã giảm từ 2,76 xuống còn 2,59 và 2,37. Tất nhiên khi tăng nồng độ năng lượng khẩu phần thì chi phí tiền thức ăn cũng tăng lên (tương ứng với các nồng độ DE trên, tiền thức ăn/tấn lần lượt là 163,07; 208,07 và 247,26 USD/Tấn).

Về tỷ lệ lysine/năng lượng, tỷ lệ này thường tính theo g lysine/MJ DE hay g lysine/MJ ME (ME là năng lượng trao đổi). Tỷ lệ lysine/năng lượng  khác nhau theo giai đoạn nuôi và theo giới tính. Trong một giai đoạn nuôi và trên một giới (đực hoặc cái), tỷ lệ lysine/năng lượng  đáp ứng đúng với nhu cầu của con vật thì sẽ cho FCR thấp.

Những nghiên cứu của Moore et al., 2011 cho biết: Giai đoạn lợn từ 22 – 53kg, FCR thấp nhất khi tỷ lệ lysine/MJ DE là 1,0g và 0,8g, lần lượt đối với con đực nguyên (không thiến) và con cái. Còn ở giai đoạn lợn từ 50 – 103 kg thì FCR thấp nhất khi tỷ lệ lysine/MJ DE là 0,7g và 0,65g lần lượt đối với con đực nguyên (không thiến) và con cái (sơ đồ 1 và 2).

Để tăng được hiệu quả sử dụng thức ăn (tức là giảm FCR), ngoài việc đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng thì thức ăn cũng cần được chế biến tốt để các chất dinh dưỡng được tiêu hoá, hấp thu nhiều nhất. Lợn cai sữa sớm, hoạt tính enzyme tiêu hoá tinh bột (amylase, maltase) con thấp, lúc này các hạt giầu tinh bột cần được làm chín thì lợn con mới tiêu hoá hấp thu được. Ngay việc nghiền nhỏ thức ăn cũng ảnh hưởng đến sự tiêu hoá, hấp thu, nghiền nhỏ thức ăn có tác dụng phá vỡ vách tế bào thực vật, tăng bề mặt tiếp xúc của các chất dinh dưỡng với enzyme tiêu hoá. Tuy nhiên, nghiền nhỏ quá thì lại dễ gây loét niêm mạc dạ dày, tăng độ nhớt dịch ruột, từ đó làm giảm lượng thức ăn thu nhận và giảm tỷ lệ tiêu hoá các chất dinh dưỡng.


\
Một nghiên cứu của Murphy và cs., (2009) trên lợn giai đoạn sinh trưởng cho ăn hạt mì nghiền, đã thấy khi kích cỡ hạt mì từ 640 micromet xưống còn 550 micromet thì FCR đã giảm được 5% (2,00 so với 1,89 lần lượt). Tuy nhiên, ảnh hưởng này đối với hạt cao lương thì lại không thấy (kích cỡ hạt cao lượng từ 650m/m giảm xuống còn 600m/m thì không làm giảm được FCR ).

3. Về tình trạng stress nhiệt

Chúng ta biết rằng thân nhiệt của lợn trong điều kiện sinh lý bình thường luôn giữ ổn định ở mức 39oC. Khi bị stress nhiệt, con vật phải toả nhiệt để duy trì thân nhiệt ở mức này. Để toả nhiệt con vật không thể toát mồ hôi vì trên da của chúng không có tuyến mồ hôi (trừ phần da quanh mõm). Phương thức toả nhiệt của lợn là tăng nhịp thở  (nhịp thở có thể tăng từ 20 lần/phút lên 160 lần/phút), tăng sự tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể như nằm ép bụng xuống sàn chuồng hay đằm tắm trong nước, thậm chí trong phân và nước tiểu do chúng thải ra. Mặt khác, con vật cũng phải tìm cách giảm sản sinh nhiệt trong cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào. Và hậu quả của stress nhiệt đối với lợn thịt là:
  • Giảm tăng trưởng
  • Giảm hiệu quả sử dụng TA (tăng FCR)
  • Giảm sức đề kháng
  • Dễ nhiễm bệnh
Một nghiên cứu của Christon (1988) trên lợn thịt giai đoạn tăng trưởng (20-50kg) và giai đoạn vỗ béo (50-80kg) với hai nghiệm thức là đối chứng và thí nghiệm. Ở nghiệm thức đối chứng, lợn được nuôi ở nhiệt độ 20oC trong giai đoạn tăng trưởng và 17oC trong giai đoạn vỗ béo, độ ẩm ở cả hai giai đoạn là 73-79%. Ở nghiệm thức thí nghiệm, lợn được nuôi ở nhiệt độ 22-29oC và độ ẩm 69-91% trong cả hai giai đoạn. Kết quả thí nghiệm kéo dài 1300 giờ cho biết:  so với lợn đối chứng, nhịp thở của lợn thí nghiệm đã tăng 4-5 lần, lượng thức ăn tiêu thụ giảm 4% (giai đoạn tăng trưởng) và 17% (giai đoạn vỗ béo), FCR tăng 26% (giai đoạn tăng trưởng) và 42% (giai đoạn vỗ béo). Trong tình trạng stress nhiệt, lợn có thể trọng càng cao thì năng suất sản xuất giảm càng lớn.

Kết luận

Chi phí thức ăn chiếm 65-70% giá thành sản phẩm, vì vậy giảm được FCR, tăng được hiệu quả sử dụng thức ăn, thì giảm được giá thành. Trong bối cảnh giá nguyên liệu thức ăn ngày càng tăng cao thì việc giảm FCR càng có nghĩa. Trên cơ sở con giống tốt, những biện pháp dinh dưỡng-thức ăn tốt và biện pháp chuồng trại tốt để hạn chế stress nhiệt có nghĩa quyết dịnh đối với FCR. Các biện pháp này cần phải được nhà chăn nuôi quan tâm đặc biệt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
Christon, R. 1988: The effect of tropical ambient temperature on growth and metabolism in pig. J. Anim. Sci. 66: 3112-3123
Danish Pig Production, Annual Report 2007. Research and Development. 1st Ed., October 2007
Duane E. Reese, Dennis O. Liptrap, Gary R. Parker, Gary L. Cromwell and Tim S. Stahly (1985): Factors affecting  feed conversion in growing-finishing swine


Mullan B.P., K.L. Moore, H.G. Payne, M. Trezona-Murray, J.R. Pluske and J.C. Kim (2011): Feed efficiency in growing pigs – what’s possible? Engormix.com (http://en.engormix.com/MA-pig-industry/genetic/articles/feed-efficiency-of-pigs-t1736/103-p0.htm)

Murphy A, Collins C, Phillpotts A, Bunyan A, Henman D (2009): Influence of hammermill screen size and grain source (wheat or sorghum) on the growth performance of male grower pigs. Report prepared for the Co-operative Research Centre for an Internationally Competitive Pork Industry. Project IB-107. Pork CRC, Willaston, SA, Australia
.

                                               GS Vũ Duy Giảng



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y