Tập Đoàn C.P Không Né Tránh Trách Nhiệm Xử Lý Môi Trường
Sau khi Báo NTNN đăng tải loạt bài “Trại nuôi heo cho C.P hạ độc môi trường”, phía Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam (CPV) đã có những phản hồi đầu tiên. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa PV NTNN và ông Kiều Mạnh Lực- Phó Tổng Giám đốc CPV.
Tập đoàn C.P đầu tư vào chăn nuôi heo, gia cầm tại Việt Nam từ 22 năm nay và đến nay đã có khoảng 3.000 trang trại chăn nuôi gia công. Ông có thể cho biết, hình thức liên kết chăn nuôi này như thế nào và vấn đề xử lý môi trường trong chăn nuôi được CPV phối hợp với các hộ chăn nuôi thực hiện ra sao?
Suốt 22 năm qua, tập đoàn C.P luôn theo đuổi chính sách 3 lợi ích của tập đoàn, đó là: Lợi ích của nước sở tại, lợi ích của người dân và lợi ích của công ty. Đất nước và con người Việt Nam đã trở thành một phần hết sức quan trọng trong sự phát triển của C.P. Lợi ích của chúng tôi gắn liền với lợi ích của đất nước và con người Việt Nam. Tất cả mọi nhân viên C.P Việt Nam phải thấm nhuần điều này, không một cá nhân nào được phép làm thương tổn đến mối quan hệ 3 lợi ích này, chúng tôi cũng thường xuyên giáo dục nhân viên về nhận thức và hành động theo nguyên tắc này.
Một trang trại chăn nuôi gia công cho C.P tại Hòa Bình gây ô nhiễm môi trường. ảnh: V.T
|
Cụ thể, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của C.P Việt Nam gắn liền với việc hỗ trợ người chăn nuôi Việt Nam để phát triển chăn nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và sản xuất thực phẩm an toàn cho xã hội. Chúng tôi đến Việt Nam năm 1993, lúc bấy giờ chăn nuôi gần như theo phương thức truyền thống gia đình, xuất phát điểm của mô hình chăn nuôi heo lúc đó là 60 con heo nái, chủ yếu là chăn nuôi trong khu dân cư, kể cả trong khu đô thị còn có nhiều gia đình chăn nuôi. Lúc đó mà vận động người chăn nuôi đi xa hàng chục km để phát triển chăn nuôi trang trại là điều không tưởng.
Phải sớm sửa luật để không tạo kẽ hở
Trao đổi với NTNN, một chuyên gia nông nghiệp cho biết, đã có một thời chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư làm ăn tại nước ta, trong đó có Công ty C.P. Ban đầu, với quy mô nhỏ, họ chỉ liên kết với một vài hộ dân để nuôi gia công heo thương phẩm, còn các trại heo nái, phía C.P vẫn nuôi. Đến nay, họ đã phát triển tới 3.000 trang trại với số lượng lên tới cả vài triệu đầu heo thường trực. Rõ ràng, trong hợp đồng ghi rõ, heo đó là của C.P, thức ăn cũng của C.P, họ chỉ bàn giao để cho người chăn nuôi nuôi lấy công (tính theo con hoặc kg).
Heo, thức ăn chăn nuôi, vaccine là tài sản của C.P và đương nhiên khi con heo thải phân ra, thì đó cũng là chất thải của C.P, họ phải chịu trách nhiệm xử lý về môi trường.
Ở đây, chúng ta đã có một kẽ hở để C.P “lách”, đó là trong hợp đồng giữa C.P và người chăn nuôi không có sự chứng kiến của chính quyền sở tại, nên họ mới vin vào cớ đã “thống nhất với các hộ chăn nuôi”. Do đó, vấn đề tới đây là chúng ta phải sửa lại luật về môi trường, theo hướng buộc C.P, cũng như các công ty khác phải chịu trách nhiệm về xử lý môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo gia công.
Còn bây giờ, người dân đã nhận ra điều đó, họ đi xa hàng trăm km ở vùng sâu vùng xa để mở trang trại chăn nuôi rất hiện đại quy mô vài ngàn heo nái, hàng chục ngàn heo thịt. Tuy nhiên, cái khoảng cách từ vài ngàn nái đến vài chục nái hiện nay vẫn còn tồn tại từ khu dân cư đến vùng xa hẻo lánh sát với khu vực biên giới. Bài học của tôi trong quá trình phát triển này là chúng ta không thể có cái hiện đại hôm nay nếu không có cái công nghiệp sơ khai trước đây.
Chúng tôi không phủ nhận những gì mà C.P đã đóng góp trong việc hình thành nền chăn nuôi công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đi liền với sự phát triển đó, đã kéo theo hệ lụy là vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi tại các trại chăn nuôi gia công cho C.P. Cụ thể, theo các hợp đồng mà CPV ký kết với các hộ chăn nuôi, phần xử lý môi trường, công ty thường “đẩy” cho bên B (tức các hộ chăn nuôi). Nhiều ý kiến cho rằng, việc “đẩy” khâu xử lý môi trường cho các hộ chăn nuôi là không hợp lý, bởi thực tế tài sản (đàn heo, gia cầm) là của C.P. Vậy tại sao C.P không xử lý mà lại “đẩy” cho người nuôi gia công?
Tôi xin nói rõ thêm về vấn đề này, trong hợp tác làm ăn hai bên, thì một vấn đề cụ thể nào đó bên nào chịu trách nhiệm cũng được, chứ không riêng gì xử lý môi trường. Trong hoạt động hợp tác giữa chúng tôi và người dân, đất đai, chuồng trại là của người dân, do vậy đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, nước và hệ thống xử lý chất thải do người dân thực hiện là hợp lý và được hai bên thống nhất.
Trong bất kỳ lĩnh vực kinh tế nào, cũng phải hài hòa lợi ích giữa kinh tế- môi trường. Một số ý kiến nhận định, khâu xử lý môi trường thường tốn kém nhất, nên C.P thường né tránh vấn đề này. Vậy thời gian tới đây, C.P có chia sẻ gì với các hộ chăn nuôi trong vấn đề xử lý môi trường?
Như tôi đã nói trên, C.P hoàn toàn không né tránh việc xử lý môi trường trong chăn nuôi hợp đồng với người dân. C.P cũng hài hòa lợi ích khi hợp tác với người dân để cùng người dân phát triển, nếu không cân đối về lợi ích, chúng tôi không thể có 3.000 trang trại hợp đồng như ngày hôm nay. Các trang trại bây giờ được xây dựng ở vùng sâu vùng xa theo mô hình rất hiện đại. Tôi đã tham quan nhiều trang trại chăn nuôi heo ở Mỹ và châu Âu thì trạng trại chăn nuôi heo ở Việt Nam bây giờ có nhiều điểm tốt hơn hẳn, kể cả xử lý môi trường, ví dụ như ở châu Âu và Mỹ không sử dụng xử lý biogas.
Là một tập đoàn lớn, hoạt động lâu năm trên lãnh thổ Việt Nam, ông có bình luận gì về môi trường trong chăn nuôi của Việt Nam hiện nay và tới đây C.P sẽ có kiến nghị, đề xuất gì để cùng với nhà nước, các hộ chăn nuôi cùng chung tay xử lý vấn đề này?
Việt Nam là một nước nông nghiệp, chúng ta không thể dựa vào thịt nhập khẩu, vì chăn nuôi ngoài việc đảm bảo an ninh thực phẩm cho đất nước thì còn kéo theo cả chuỗi giá trị trong trồng trọt và nhiều vấn đề khác. Bộ NNPTNT đang tích cực thực hiện lộ trình chiến lược phát triển chăn nuôi, theo đó nhằm đảm bảo nguồn cung thực phẩm và ổn định về giá cả, nhưng cũng giải quyết hài hòa môi trường sống của người dân bằng cách chuyển dần trang trại chăn nuôi ra khu vực vùng sâu vùng xa. Chăn nuôi gắn với hệ thống cây trồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng phân bón hữu cơ, tăng khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam so với các nước khác./.
Xin cảm ơn ông!
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - nguyên đại biểu quốc hội:
Cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc
Sau khi báo NTNN phản ánh loạt bài “Trang trại nuôi heo cho C.P “hạ độc” môi trường”, tôi cũng đã gọi điện hỏi phía C.P và xem thực tế một vài trang trại. C.P họ có nói rằng, những trang trại gây ô nhiễm môi trường là những trang trại đã xây dựng từ 6 – 7 năm nay, nên đã xuống cấp. Tôi bảo, sao C.P vẫn hợp tác, cho tồn tại, thì họ bảo, rất khó có thể “xóa” các trại này, bởi họ đã gắn bó với C.P từ nhiều năm nay. C.P bảo trong thời gian tới họ sẽ phối hợp, kiểm soát tốt hơn vấn đề môi trường. Để “buộc” C.P có trách nhiệm, các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, thay đổi những điều khoản trong hợp tác và những quy định về việc bảo vệ môi trường.
Ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:
Nuôi 1.000 con heo, phải đầu tư 10 tỷ xử lý môi trường!
Xét về hợp đồng giữa hai bên, thì C.P họ không sai. Song về nhiều khía cạnh, thì C.P phải có trách nhiệm trong việc xử lý môi trường, chẳng hạn như hỗ trợ người dân một phần kinh phí để xử lý. Bởi theo tôi biết, công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi của các nước trên thế giới đang áp dụng như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan… rất đắt. Một chuồng nuôi khoảng 1.000 con heo, cần phải đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để xử lý môi trường.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, là bởi vì lượng heo chăn nuôi ngày càng lớn, trong khi đó, việc quản lý môi trường trong chăn nuôi của chúng ta còn rất lỏng lẻo. Nói chính xác là chúng ta chưa có một quy chuẩn nào cho việc xử lý môi trường trong chăn nuôi, ngay cả quy chuẩn về xây dựng hệ thống xử lý cũng không có, không có môi hình mẫu… nên khi phê duyệt cũng sơ sài. Như ở Trung Quốc- nước nuôi heo lớn nhất thế giới, giờ đây họ cũng giảm đàn đáng kể, kể từ khi Luật Môi trường của họ sửa đổi và được kiểm soát chặt chẽ.
Ở Việt Nam cũng đến lúc phải áp dụng như vậy rồi. Trước đây chúng ta phần vì xem nhẹ vấn đề môi trường, phần vì ưu tiên, khuyến khích người dân, nhưng bây giờ phải đặt lợi ích xã hội, lợi ích quốc gia lên hàng đầu, chứ không thể để lợi ích của một bộ phận người làm ảnh hưởng đến cả xã hội.
Nam Tùng Sơn (ghi)
Receive articles via Email!