Ruồi – Tác Nhân Trung Gian Gây Bệnh Trong Trại Heo
Chu kỳ sinh học của ruồi |
Ruồi đóng vai trò vận chuyển mầm bệnh trong trại heo, gây phiền toái tới người và vật nuôi trong trại. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có các biện pháp phòng chống và giảm tác hại của ruồi thật hiệu quả. Các nhà nghiên cứu Hà Lan đã chỉ ra những bệnh mà ruồi có thể là tác nhân trung gian truyền bệnh trong cũng như ngoài trại heo.
1. Những bệnh mà ruồi là tác nhân trung gian truyền bệnh
Để quản lý sức khỏe bầy heo, ta cần nắm rõ những bệnh mà ruồi có thể là tác nhân trung gian truyền bệnh, tiêu biểu như bệnh lỵ trên heo, tiêu chảy do E. coli... Ngoài ra, theo báo cáo của các nhà khoa học Đức thì còn có thêm một số bệnh khác đó là: bệnh giả dại, bệnh giun đũa, bệnh sẩy thai truyền nhiễm trên heo, bệnh dịch tả heo châu Phi, E. coli, đóng dấu son, lở mồm long móng...
Đồng thời, còn có một số bệnh do Isospora suis, Leptospira bacteria, Mycobacteria, Pasteurella multocida, Salmonella. Bệnh liên quan tới da do Staphylococcus hyicus ruồi cũng có thể làm vật trung gian truyền bệnh.
Rất nhiều tài liệu đã cho thấy, ruồi ở trại đẻ có thể khiến tình trạng viêm vú trên nái trở nên trầm trọng thêm và do đó, khiến heo con bị ảnh hưởng nặng.
2. Phương pháp diệt ruồi hiệu quả
Diệt ruồi không chỉ là phương pháp giúp ngăn chặn dịch bệnh mà nó còn giúp cải thiện môi trường làm việc của người và môi trường sống của heo. Việc giảm số lượng ruồi trong trại là quan trọng nhưng việc ngăn cản chúng sinh sản còn quan trọng hơn.
Nếu trong trại đẻ có nhiều ruồi thì thời gian cho heo con ăn cám tập ăn bị giảm xuống, heo tăng trọng giảm làm tăng ngày tuổi xuất chuồng. Mặt khác, ruồi cũng là nguyên nhân giảm chất lượng thức ăn trong trại mang thai và làm giảm độ sáng của chuồng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi ruồi xuất hiện trong nông trại thì lúc đó ta phải tiến hành ngay các biện pháp diệt ruồi. Để phòng chống các nguyên nhân thu hút ruồi trong trại ta không nên để thức ăn quá dơ, sửa chữa các chỗ bị rỉ nước, nền chuồng phải khô và sạch sẽ.
Sử dụng các thuốc diệt ruồi bằng phương pháp hóa học - các thuốc diệt côn trùng. Không nên sử dụng với liều lượng quá nhiều, phun xịt mỗi tháng sẽ mang lại hiệu quả.
Sử dụng các loại động vật ăn thịt ruồi như chim bắt ruồi ở một số khu vực để giảm số lượng ruồi.
Các bãi rác, chất thải là nơi cung cấp chất dinh dưỡng cho ruồi, vì vậy để giảm thiểu số lượng ruồi thì định kỳ cần phát quang dọn dẹp các chất thải xung quanh trại.
Sinh lý và sinh sản trên ruồi:
Một con ruồi cái có thể đẻ được 120 trứng trong một lần, trứng đó khi nở ra, sau hai tuần chúng có thể sinh sản được, vì vậy số lượng ruồi gia tăng rất nhanh. Nếu chuồng trại ấm áp và độ ẩm thích hợp thì trong vòng một năm có tới 20 thế hệ ruồi được sinh ra. Chính vì chúng sinh sản với tốc độ nhanh như vậy nên dù phun xịt thuốc hóa học cũng không giúp giảm nhanh số lượng ruồi.
Thông thường, từ khi nở ra đến 4 tuần sau ruồi có thể hoạt động trên một quãng đường rất xa. Chỉ trong vòng 24 tiếng chúng có thể bay được khoảng 10km. Ruồi thường sống trong phạm vi bán kính khoảng 3km. Do vậy, chúng có khả năng lây bệnh trong trại và các trại gần xung quanh.
Nguồn: heo.com.vn (Theo Pignpork)
Receive articles via Email!