Bệnh Còi Xương Trên Heo Con
Mô sẹo (mũi tên) do gãy xương sườn trong trường hợp thiếu vitamin D. Ảnh pig333 |
1. Giới thiệu
Còi xương là bệnh không lây (bệnh nội khoa) thường xảy ra ở heo con và heo choai với đặc trưng các biến đổi ở xương dưới hai dạng: còi xương và co giật do thiếu canxi.
2. Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh
Bệnh còi xương do mất cân bằng trao đổi chất giữa Canxi (Ca) - Photpho (P) và thiếu vitamin D.
Nguyên nhân chính là do thức ăn nghèo Ca, P, vitamin D cũng như heo con sinh ra từ những heo mẹ thiếu vận động (chuồng nuôi không có khoảng trống), thiếu ánh sáng trực tiếp của mặt trời, độ ẩm chuồng nuôi cao, thường xuyên có sự thay đổi thức ăn, nhất là thức ăn có hàm lượng mỡ cao xuống hàm lượng mỡ và chất béo thấp (phytoterol, ergosterol, cholesterol) vì chúng là các chất tiền vitamin D. Thành phần công thức khẩu phần ăn mất cân đối (tỷ lệ Ca/P hợp lý là 2/1,4 – 1,5). Vì lý do nào đó mà trong thức ăn chứa canxi (Ca) với khối lượng lớn sẽ dẫn đến giảm khối lượng phôtpho (P) và hậu quả là số canxi thừa sẽ tạo thành các ion canxi (Ca++) và HCO3- tăng độ kiềm (pH>7) là nguyên nhân giảm phôtpho (P) trong cơ thể.
Trường hợp thừa photpho, cơ thể phải huy động canxi để loại bỏ HPO4- tức là loại bỏ phôtpho. Trong các quá trình này, vitamin D trở nên rất cần thiết để điều chỉnh mối tương tác giữa Ca và P. Mặt khác, để giảm phôtpho thừa, cần một khối lượng đáng kể phytin, phytin được hệ vi khuẩn có lợi của đường ruột tạo ra sau các quá trình lên men phân huỷ các loại thức ăn xanh.
Bình thường xương chứa 74,6% Canxiphotphat – CaPO4, 10,4% Canxicacbonat CaCO3. Trong cơ thể heo nói riêng và động vật có xương sống nói chung thì có tới 90 – 95% Canxi và 80 – 85% Photpho nằm ở hệ thống xương. Do đó có thể nói xương là nơi dự trữ canxi, phôtpho của cơ thể sống. Sự thiếu hụt hàm lượng của hai nguyên tố này sẽ dẫn đến hàng loạt các rối loạn khác xuất hiện trong cơ thể.
Bệnh còi xương ở heo con và heo choai sẽ phá huỷ quá trình tích tụ canxi và Photpho trong xương làm cho quá trình hình thành và phát triển hệ xương không bình thường, trở nên biến dạng, mềm quá hoặc cứng quá, ngắn quá hoặc dài quá, không những thế các mô tổ chức liền xương cũng bị thoái hoá theo.
3. Triệu chứng
Các biểu hiện đầu tiên của bệnh còi xương bao gồm: ăn kém, chán ăn và ăn đỏng đảnh - ăn lung tung (gặm tường, uống lại nước tiểu, ăn lại phân, nhai lẫn chất độn, các vật dụng bằng gỗ,…). Chúng cắn đuôi, cắn tai nhau. Những biểu hiện này còn thấy ở một số nguyên nhân khác như thiếu đạm, mất cân đối các loại axít amin nhất là các axít amin không thay thế, thiếu NaCl, thiếu một số chất khoáng và các vitamin khác,…
Thêm vào các biểu hiện bệnh là heo bồn chồn, hay kêu la vô cớ, rõ nhất là mỗi lúc đứng lên, nằm xuống hoặc bị xua đuổi hoặc lúc bắt đầu cho ăn,…
Về sau thấy xuất hiện các cơn co giật của một số cơ thường thấy nhất ở cơ chân. Heo bệnh có dáng đứng độc đáo: “dáng con lừa đái”. Thân nhiệt tụt dưới mức bình thường (dưới 390). Heo ngã xuống đất, tứ chi cứng đét, hai chân trước duỗi thẳng phía trước, hai chân sau duỗi thẳng ra sau. Cơ thể heo rung lên do các cơ co giật, kéo dài từ 20 – 30 phút và lặp lại sau khoảng 1- 4 giờ phụ thuộc vào các yếu tố kích thích. Nếu cơn co giật kéo dài và bao gồm cả co giật cơ hầu, cơ thực quản, cơ khí quản thì heo rất dễ bị chết do ngạt thở.
Các biểu hiện trên gắn liền với dáng đi không vững, liệt và bán liệt chân. Heo đứng bằng mũi móng chân. Chân có thể bị biến dạng, các khớp bắt đầu sưng, heo cảm thấy đau khi ta sờ nắn mạnh hoặc bị xua đuổi.
Xét nghiệm huyết thanh thấy hàm lượng canxi, photpho huyết giảm đáng kể. Nếu heo không được điều trị kịp thời thì các sụn xương sườn cũng bị biến dạng, các khớp nối giữa xương sườn và xương sống cũng không ngoại lệ và làm cho khung lồng ngực bị méo. Các lỗ xương chậu, xương mặt, xương đầu bị hẹp lại, thấy rõ nhất khi lỗ mũi heo bị bé lại. Khi ấn mạnh vào các chỗ biến dạng trên, heo luôn cảm thấy đau. Cùng với sự biến đổi của hệ xương là da heo mất đi sự đàn hồi, sự bóng bẩy và xuất hiện các vầy ghi đen.
4. Chẩn đoán
Các biểu hiện của bệnh còi xương rất điển hình. Xét nghiệm máu thấy hàm lượng photpho huyết giảm từ 6,5 – 9mg% xuống còn 1,5 – 3,5mg%, hàm lương canxi huyết giảm từ 11 – 13,5mg% xuống còn 5 – 8mg%. Hoạt tính của men kiềm phôtphat tăng (photphataza).
5. Chẩn đoán phân biệt
Giai đoạn đầu của bệnh cần phân biệt với các bệnh do thiếu vitamin A, B1, B6.
Giai đoạn sau cần lưu ý đến bệnh giả dại (Aujeszki) và co giật do thiếu đường huyết. Cả hai bệnh này được phân biệt với bệnh còi xương thông qua bệnh tích mổ khám (các biến đổi của đầu xương chi, khớp xương sườn, xương đầu, xương sống,…chỉ có ở bệnh còi xương).
6. Điều trị
Điều trị bệnh còi xương cấp tính rất dễ bằng việc tiêm bắp các loại thuốc bổ xung AD3E có bán trên thị trường.
Hoặc cũng hàm lượng các thuốc nêu trên sử dụng dạng trộn thức ăn cho ăn hoặc pha vào sữa cho uống với thời gian 8 – 10 ngày hoặc có thể kéo dài tới 15 ngày.
Điều chỉnh khẩu phần ăn và chú ý chấp hành tỷ lệ Ca/P là 2:1,45 – 1,5 dưới dạng bổ sung muối khoáng. Nếu thiếu phopho thì thêm Photphat natri hoặc Phophat dicanxi. Trong cả hai trường hợp cần phải thêm vitamin D. Tỷ lệ Canxi trong thức ăn phải đảm bảo 1200 – 1500mg% và photpho là 700 -900mg%.
Cụ thể:
- Heo 2 – 4 tháng tuổi cần 22 – 25g Canxi, 15 – 16g Photpho/ngày.
- Heo 4 – 6 tháng tuổi cần 25- 32g Canxi, 16- 20g Photpho/ngày.
- Heo nái chửa cần 12 - 15g Canxi, 8 – 12g Photpho/ngày
- Heo cho con bú cần 24 – 30g Canxi, 15 – 20g Photpho/ngày
Dùng thuốc tăng cường trương lực cơ và bổ thần kinh: Strychninsunfat 0,1% kết hợp với vitamin B1, vitamin B12. Tiêm bắp ngày 1 lần. Liều lượng và cách dùng theo chỉ dẫn trên bao bì sản phẩm.
Chú ý:
Tiêm chậm tĩnh mạch hai ngày một lần
Nguồn nguyên liệu nhiều Ca và P là vỏ sò, vỏ nghêu, tôm, cua, bột xương thịt trâu bò, dầu cá,…
Chú ý:
- Không dùng Strychninsulfat 0,1% liên tục quá 10 ngày.
- Nơi có điều kiện nên tiến hành chiếu tia tử ngoại cho con vật.
- Tăng cường khả năng hấp thu canxi cho con cơ thể (Dầu cá: với liều 5 – 10 ml/con. Cho uống ngày 1 lần, Vitamin D: với liều 5000 – 10.000 UI/con. Tiêm bắp ngày 1 lần).
- Trợ sức và làm giảm đau các khớp xương
Thuốc | Liều lượng |
Dung dịch Glucoza 20% | 150 – 300 ml |
Urotropin 10% | 15 – 20 ml |
Salycylat natri | 0,5g |
Tiêm chậm tĩnh mạch hai ngày một lần
Nguồn nguyên liệu nhiều Ca và P là vỏ sò, vỏ nghêu, tôm, cua, bột xương thịt trâu bò, dầu cá,…
PGS. TS Lê Văn Năm
Receive articles via Email!