Bệnh Chướng Hơi Dạ Cỏ Trên Trâu / Bò (Tympany, Rumen bloat)
Thăm khám dạ cỏ trên bò. Ảnh minh họa |
I. Nguyên nhân gây bệnh
Là sự lên men, sinh khí và tích khí quá nhiều trong dạ cỏ, không thoát (ợ) ra được và gây chương dãn, chèn ép hô hấp, tim, nhiều trường hợp cấp tính làm bò chết.
Có 2 dạng chướng hơi là chướng hơi thể hơi (khí tự do) và chướng thể bọt khí.
- Chướng khí tự do (gassy bloat) do thức ăn lên men sinh khí nhanh, nhiều (nguyên cấp), do liệt dạ cỏ, tắc thực quản không thoát khí ra được (thứ cấp).
- Chướng bọt khí (frothy bloat): cỏ non, lên men, độ nhớt cao, bọt bền, khó thoát và tích tụ gây chướng.
Do bò ăn quá nhiều cỏ họp đậu, cỏ non đầu mùa mưa hoặc ăn các loại thức ăn lên men nhanh, quá chua, thức ăn bị mốc, thối hoặc thay đổi thức ăn đột ngột, làm rối loạn hệ vi sinh vật dạ cỏ và gây ra các phản ứng lên men sinh hơi quá mức.
Một số cây họ đậu thường gặp gây chướng hơi dạ cỏ |
Ngoài ra, cũng có thể bò sữa mắc một số bệnh truyền nhiễm hoặc nội khoa như: Bệnh giả ung khí thán, bệnh tụ huyết trùng, bệnh viêm dạ tổ ong do ngoại vật…
II. Triệu chứng bệnh
Do lượng hơi sinh ra quá mức, bụng bò to dần, rõ nhất là vùng hõm hông phía trái, gõ kêu, ấn tay vào thấy như quả bóng đầy hơi (âm trống) và có tiếng bọt khí.
Bò bệnh bỏ ăn, không nhai lại, đứng lên nằm xuống bứt rứt, khó chịu và thở khó khăn bằng miệng, lưỡi thè ra, đầu duỗi thẳng... Trường hợp nặng, bò không đứng được, nằm nghiêng, bốn chân bơi bơi, bí đái, bí ỉa, nếu không điều trị kịp thời con vật có thể bị ngạt và chết.
Xem thêm:
Xem thêm:
III. Chữa bệnh
Nguyên tắc điều trị, trước tiên phải giải phóng, giảm bớt hơi, bọt trong dạ cỏ, sau đó hạn chế sự lên men sinh hơi. Tuỳ theo nguyên nhân và mức độ bệnh nặng hay nhẹ mà dùng một trong các biện pháp sau:
- Luồn ống thông vào dạ cỏ qua đường miệng - thực quản để hơi tự do thoát ra.
Ống thông hơi và cách luồn ống vào dạ cỏ nhằm thoát hơi |
- Nếu thể bọt khí: Uống 300-450 g dầu, qua ống thông dạ dày.
- Để chống tạo bọt: Uống 100-250 ml dầu ăn.
- Dùng Magnesi sulphat 100g + muối ăn 50g + thuốc tím 2 g, pha trong 2 lít nước, cho uống 2 lần/ngày, liên tục 2-3 ngày.
- Uống 50 g muối Nabica (NaHCO3, muối tiêu) pha 2-3 lít nước ấm.
- Tiêm Pilocarpine 1% ~10 ml, liên tục 2-3 ngày.
- Trường hợp cấp, nặng, nguy kịch thì phải cấp cứu bằng một trong các biện pháp sau:
Chọc troca vào chỗ cao nhất của lõm hông trái (chỗ căng nhất) để thoát hơi ra (lưu ý: chọc troca dạ cỏ phải rút lõi từ từ, để tránh hơi ra quá nhanh, giảm áp suất xoang bụng đột ngột, máu dồn từ não xuống gây choáng, chết đột ngột). Khi hơi ra hết vẫn để nguyên troca và lõi hoặc kim chọc ở đó để hơi sinh ra tới đâu sẽ thoát ra tới đó, sau 1-2 ngày thì rút ra.
Troca và vị trí chọc troca nhằm thoát hơi cho dạ cỏ |
Một số mẹo dân gian:
- Biện pháp cơ học: Dắt bò đi ngược chỗ dốc, kéo thẳng đầu lên cao, kéo lưỡi ra ngoài khóe miệng.
- Dùng rơm khô và muối rang bọc giẻ chà xát mạnh lên hông trái và hai bên sườn. Lấy tay kéo lưỡi bò ra và sát gừng vào lưỡi để bò ợ hơi. Dùng tay moi phân ở hậu môn để thông hơi, hạ áp lực xoang bụng.
- Tỏi 50-100 g, lá trầu 200 g, gừng 100 g, phèn chua 10 g, dọc khoai nước 500 g, muối 30-50 g. Giã nhỏ, hoà 1-2 lít nước, vắt kiệt, bỏ bã, cho uống để chống lên men sinh hơi.
- Gừng 30g, tỏi 50g, muối ăn 100g, giã nhỏ, pha 2 lít nước cho uống ngày 2 lần, liên tục 2-3 ngày.
- Cho bò uống nước dưa chua hoặc 3-5 lít bia.
Để bò nơi thoáng mát, ăn các loại thức ăn dễ tiêu, uống nước pha một ít muối ăn. Tuyệt đối, không sử dụng nhiều thức ăn tinh như cháo, cám ngô…ép bò ăn khi con vật chưa có phản xạ nhai lại.
IV. Phòng bệnh
- Loại bỏ vật lạ làm tắc thực quản.
- Bảo quản tốt thức ăn cho bò sữa, tránh thối mốc.
- Cỏ họ đậu, cỏ non, đặc biệt là sau mưa, nên cắt, rửa sạch và phơi tái trước khi cho ăn.
- Không thay đổi thức ăn đột ngột.
Receive articles via Email!