Phát Hiện, Ngăn Ngừa Và Chữa Trị Chứng Què Chân Trên Heo Nái
Heo bị què chân nên được giữ lại điều trị, thay vì bán đi. |
Việc phát hiện sớm để ngăn ngừa và chữa trị chứng què chân trên nái, sẽ giúp cho các trại heo không phải loại bỏ những con bị què và cũng không phải vất vả tìm nái mới để thay thế.
Theo: Channuoi.com.vn
Phát hiện sớm sẽ dễ điều trị hơn
Nếu bạn nhốt mỗi chuồng 1 con, thì sẽ khó phát hiện lợn bị què hơn là nuôi nhiều con 1 chuồng. Khi chuồng có nhiều lợn nái, bạn đổ thức ăn vào máng thì chúng sẽ chạy lại, con nào nằm im re hoặc đi cà nhắc, bạn biết ngay nó đang gặp rắc rối với cái chân. Ngoài ra thì việc nhận diện thông qua các vết thương, ổ mủ (áp-xe) cũng là cách dễ dàng và phổ biến để biết heo bị què chân.
Tuy vậy, để có thể điều trị cho heo khỏi què chân, bạn phải phát hiện sớm ngay khi chúng mới vừa gặp rắc rối ở chân. Những dấu hiệu đó, người chăn nuôi phải để ý thì mới thấy, bao gồm việc đi chậm bất thường, đi bước dài bước ngắn, những cử động bất thường của đầu và 2 chân sau, bước đi mà chân sau như bị kéo lê.
Để việc phát hiện heo có bị què hay không, và què nặng hay nhẹ, bạn nên quan sát khi chúng di chuyển trên bề mặt sàn/nền khô ráo và bằng phẳng. Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng, không nên đánh giá chứng bệnh này lúc heo nái mới cai sữa, vì heo nái mới cai sữa khá nhẹ cân, chúng có thể đang gặp vấn đề về chân nhưng vẫn đi lại bình thường.
Ngăn ngừa heo bị què chân
Nhìn chung, lý do khiến heo bị què chân đến từ nhiều yếu tố, như di truyền, quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể, và điều kiện chuồng trại. Heo nái thường bị tổn thương móng do nền của chuồng trại thiếu an toàn, đây là 1 nguyên nhân phổ biến khiến heo bị què. Vì thế, bạn nên chú ý đến bề mặt nền để đảm bảo heo có được sự an toàn và thoải mái.
Việc cắt tỉa móng cũng giúp ngăn ngừa chứng què chân |
Một yếu tố khác cũng góp phần làm giảm hiện tượng què chân nhưng chưa được nhiều người quan tâm, đó là cắt tỉa móng cho heo nái, đồng thời có chế độ ăn bổ sung khoáng vi lượng cho heo nái.
Xem thêm: Tổn thương vai trên heo nái.
Xem thêm: Tổn thương vai trên heo nái.
Kiểm tra móng thường xuyên
Đây được coi là bước đầu tiên trong việc đối phó với chứng què chân. Kiểm tra móng heo nái thường xuyên cũng giúp người chăn nuôi có kinh nghiệm trong việc nhận ra các dạng thương tổn ở móng heo. Và dĩ nhiên, đây là cách giúp phát hiện ra các thương tổn ở vùng móng khi chúng mới chớm xuất hiện, từ đó có sự can thiệp kịp thời trước khi heo bị què. Thời điểm thích hợp để kiểm tra móng heo nái là khi chúng nằm nghỉ sau khi ăn.
Phòng ngừa què chân từ chế độ dinh dưỡng
Một nghiên cứu ở Bắc Mỹ cho thấy, sau 7 lần sinh nở, thì heo nái cần được tăng cường các nguyên tố vi lượng để duy trì sức khỏe. Ở Việt Nam, do thời tiết khí hậu cũng như do nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn, chế độ dinh dưỡng có thể không được tốt như ở Bắc Mỹ, việc bổ sung khoáng vi lượng cần diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt là bổ sung mangan, kẽm, đồng, những chất giúp chân và móng heo được khỏe mạnh. Việc bổ sung này, chủ yếu thực hiện trong thức ăn.
Các chuyên gia ở Đại học Minnesota đã phát hiện ra rằng, heo nái có chế độ ăn uống tăng cường khoáng vi lượng dạng hữu cơ tổng hợp sẽ ít bị tổn thương móng hơn là heo có chế độ ăn uống tăng cường khoáng vi lượng ở dạng hợp chất vô cơ. Thêm vào đó, heo nái được cung cấp khoáng vi lượng hữu cơ sẽ đẻ ra heo con có tỉ lệ sống sót cao hơn heo nái được cung cấp khoáng vi lượng vô cơ.
Ngoài ra, bà con cần lưu ý rằng, việc bổ sung biotin là cần thiết, vì chất này là 1 phần thiết yếu đem lại sức khỏe cho heo. Tuy nhiên, nếu heo dư biotin, móng của chúng sẽ mọc dài quá khổ. Vì thế, điều chỉnh lượng biotin cho phù hợp với nhu cầu cũng là 1 vấn đề cần quan tâm.
Các chuyên gia thú y từ Hà Lan còn bật mí rằng, bạn nên chuẩn bị sẵn các khay đựng vôi khô và đặt quanh nơi heo nái đến ăn. Khi heo đến ăn và đứng trong các khay này, vôi sẽ làm sạch móng của chúng. Đây cũng là 1 biện pháp hữu hiệu để bảo vệ móng heo nái.
Khi heo đã què, có thể phục hồi được không?
Thông thường, các chủ trại sẽ bán đi những con heo nái bị què. Nhưng các chuyên gia cho rằng, việc cố gắng hồi phục 1 con nái heo bị què sẽ tốn ít chi phí hơn là tống khứ nó đi để thay bằng 1 con heo nái mới, đó là chưa kể hiệu suất sinh sản mà con heo nái mới có thể kém hơn con heo nái cũ đang bị què.
Khi heo bị tổn thương móng, hoặc thậm chí bị què chân, bạn nên nhốt riêng nó ra trong 1 nơi có sàn/nền cứngnhưng được phủ lót bằng tấm lót cao su. Khi ở 1 mình, heo nái què sẽ không phải giành giựt đồ ăn thức uống với những con heo khác.
Sau đó, sử dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh phổ rộng để giúp heo nái phục hồi cái chân tổn thương. Thuốc giảm đau cũng có thể sử dụng trong trường hợp này, để heo nái có thể bớt đau mà đi lại, ăn uống, điều này có lợi cho việc phục hồi. Tại vùng móng bị tổn thương, có thể xịt kháng sinh trực tiếp hoặc rắc bột kháng sinh lên đó.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp không có tiến triển sau 1 thời gian điều trị nhất định, hoặc con heo nái đó có quá nhiều vết thương ở móng, thì bạn nên bán heo đó đi để thu lại 1 phần vốn.
Tài liệu tham khảo
The pig site, 2013. Detection, Prevention and Treatment of Lameness in Sows.
Receive articles via Email!