Gia Cầm: Cơ Sở Khoa Học Của Hiện Tượng Thay Lông | Vetshop VN


Gia Cầm: Cơ Sở Khoa Học Của Hiện Tượng Thay Lông

Post by: | date: 11.11.14 Bình luận cho bài viết! | Print
Hiện tượng thay lông trên gia cầm.
Hiện tượng thay lông trên gia cầm.
Ở các loài có lông vũ, hiện tượng rụng bộ lông vũ cũ, thay vào đó là một bộ lông vũ mới được gọi là sự thay lông. Hiện tượng này là một quá trình sinh lý bình thường xảy ra ở cả hai giới tính trống và mái.

Sinh lý của sự thay lông

Tuy nhiên, cơ chế sinh lý của hiện tượng này chưa thực sự được hiểu biết tường tận (Rose, 1997).

Sự thay lông thường diễn ra theo chu kỳ hàng năm và ở thời điểm thời tiết chuẩn bị bước sang mùa đông hoặc mùa chim di cư để chúng có bộ lông mới giữ ấm cơ thể trong mùa đông giá lạnh. Lông gia cầm thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời nhưng thay từ từ, từng ít một. Chỉ khi điều kiện ánh sáng không ổn định vào cuối thu thì sự thay lông xảy ra mạnh hơn nên ta gọi là mùa thay lông. Như vậy, bình thường chu kỳ thay lông là mỗi năm một lần, đôi khi hai lần trong một năm nhưng rất hiếm khi hai năm một lần(Ensminger, 1992).

Thứ tự lông rụng thường bắt đầu từ phần đầu, cổ, mình (ngực lưng đùi bụng), cánh và cuối cùng là đuôi. Tuy nhiên, một số con có lông đuôi rụng trước lông cánh (Jull, 1943). Sau đó, thường mất khoảng 6 tuần để chúng phát triển một bộ lông mới sáng đẹp, mềm, mịn và mướt hơn. Đồng thời lông cánh đợt hai thì to, dài hơn (Winter và Funk, 1956).

Ở gia cầm cao sản, chúng được biến đổi gen theo hướng sản xuất cao và được nuôi trong điều kiện ánh sáng và nhiệt độ ổn định nên chúng đã mất đi bản năng thay lông theo mùa trong năm. Khi đó, sự thay lông tự nhiên thường xảy ra khi chúng đã đạt được thời gian sản xuất là 8-12 tháng (Ensminger, 1992).

Về mặt vi thể, mỗi nang lông trải qua những biến đổi có tính chu kỳ trong quá trình phát triển, đơn giản gọi là anagen. Những giai đoạn nghỉ gọi là telogen, đây là thuật ngữ có được từ những nghiên cứu sự phát triển của tóc (Montagna, 1962). Pha phát triển của nang xảy ra trước sự thay lông hàng năm, một khi điều này đã xảy ra, chiếc lông đã hoàn thành vẫn còn gắn với phần cơ bản của nang bằng ống lông (quill hoặc calamus) của nó. Vào cuối giai đoạn telogen, tế bào mầm nang một lần nữa đi vào một giai đoạn ngắn anagen. Khi chiếc lông mới mọc lên, ống lông của lông cũ bị đẩy ra khỏi kênh nang nhưng vẫn dính chặt với bao sừng của chiếc mới đang phát triển (Voitkevich, 1967). Khi bao sừng này mở ra cho chiếc lông mới chui ra, chiếc cũ mới rơi ra. Vậy sự thay lông là một quá trình có cơ chế phụ thuộc vào sự phát triển của lớp lông mới (Watson, 1963 a,b; Rose, 1997). Bộ lông đã hoàn chỉnh (Completed plumage) luôn ở trong pha telogen. Mầm lông có thể bị ép đi vào pha anagen bằng cách nhổ chiếc lông đó. Lông có chiều dài khác nhau có xu hướng phát triển với tốc độ khác nhau vì vậy chúng được hình thành trong cùng một thời điểm.

Mỗi nang lông đều có chu kỳ phát triển và nghỉ riêng biệt. Sự phát triển có lẽ được kích thích bởi một hormon định vị sản xuất bởi những nang kế cận đang ở thời kỳ anagen (Voitkevich, 1966). Một trung tâm mà tại đó sự phát triển lông xảy ra được tìm thấy trong mỗi vùng lông ở chim trời. Ở gia cầm, một ảnh hưởng như thế ít rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ở cánh những chiếc lông ống thay trước nhất (Himeno và Tanabe, 1957).

Ở gà, thay lông bắt đầu ở trống trước mái, thường vào tháng 5-6. Đối với gà đẻ chuyên trứng, hiếm khi chúng đẻ và thay lông đồng thời. Đôi khi một số cá thể có khả năng sản xuất cao thì điều đó có thể xảy ra nhưng chúng cũng giảm đẻ khi thay lông bắt đầu (Ensminger, 1992). Như vậy, thời gian nghỉ đẻ thay lông sẽ ảnh hưởng đến sản lượng trứng của năm đó. Có thể dựa vào lông cổ để xác định gà ngừng đẻ hay chưa. Khi những lông cổ bù xù, hướng về phía thân và cánh thì gà thường ngưng đẻ và thay lông mạnh (Winter và Funk, 1956). Thời gian thay lông ngắn thì gà sẽ đẻ lại sớm, số trứng sẽ tăng. Bằng biện pháp thúc thay lông nhân tạo, ta có thể rút ngắn thời gian thay lông tự nhiên từ 8 - 9 tuần xuống còn 3 - 6 tuần (NRC, 1994; Lâm Minh Thuận, 1999).

Sự thay lông được điều khiển bởi các tuyến sinh dục và giáp trạng. Nó có liên quan đến sự giảm lượng Estrogen và giảm tỷ lệ đẻ. Progesterone giảm tối đa khi thay lông (Bell và Freeman, 1971; Rose, 1997) dường như là yếu tố kích thích sự phát triển của nang lông (Rose, 1997). Sản lượng trứng không bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình thay lông nhưng việc thay lông sẽ kéo dài khi gia cầm vẫn tiếp tục đẻ trong lúc thay lông. Những gà đẻ nhiều có xu hướng thay lông trễ nhưng một khi ngừng sản xuất thì thay lông diễn ra nhanh. Thay lông có thể toàn phần hoặc có thể thay từng phần nhất định của cơ thể. Trong thời gian thay lông, trong cơ thể gia cầm xảy ra những biến đổi sinh lý như tăng cường hoạt động của các cơ quan thần kinh, nội tiết, tăng cường trao đổi chất, đặc biệt là trao đổi protein và khoáng chất. Trong thời gian này, cơ thể ở trong trạng thái sinh lý mẫn cảm, giảm sức đề kháng, giảm hoặc ngừng đẻ.

Việc áp dụng những qui trình nhân tạo gây thay lông bắt buộc xét về bản chất chính là gây stress ở các mức độ khác nhau tùy tính chất của mỗi qui trình dẫn đến các biến đổi sinh lý sinh hóa khiến cho quá trình biến dưỡng và trao đổi chất mất cân bằng nhằm đưa gà vào tình trạng ngưng sản xuất và rụng lông. Vì vậy những biến động sinh lý của cơ thể trong giai đoạn thay lông tập trung tuân theo cơ chế đáp ứng của cơ thể đối với các tác nhân stress nói chung và cụ thể hơn là các stress toàn thân trong khuôn khổ thí nghiệm này.

Các đáp ứng của cơ thể được thực hiện thông qua hai hệ thống chính đó là nội tiết và thần kinh. Tín hiệu báo động thông qua vỏ não truyền đến tuyến yên đồng thời thông qua vô số các nhánh của hệ thống thần kinh tác động đến các khí quan, đến hệ thống nội tiết.



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y