Tại Sao Nên Đánh Răng Cho Cún Cưng Mỗi Ngày? | Vetshop VN


Tại Sao Nên Đánh Răng Cho Cún Cưng Mỗi Ngày?

Post by: | date: 12.5.14 Bình luận cho bài viết! | Print
Kiểm tra răng, miệng trên chó
Kiểm tra răng, miệng trên chó
Thực tế tại nhiều phòng khám chó mèo hiện nay cho thấy, một số lượng lớn những vật nuôi mang đến có dấu hiệu bệnh về răng miệng như hôi miệng, sâu răng, chảy nước dãi…Điều đó cho thấy việc chăm sóc răng miệng cho thú cưng vẫn chưa được nhiều người quan tâm để ý đến mặc dù nó rất quan trọng đối với sức khỏe của vật nuôi.

Theo như 1 khảo sát cho thấy, có rất nhiều chú chó bị bệnh nướu khi được 3 - 4 tuổi và lý do chủ yếu là do chúng không được chăm sóc răng miệng đúng cách.

Thậm chí trong nhiều trường hợp, các mầm bệnh trong răng miệng của vật nuôi di chuyển và lây lan đến các bộ phận khác trong cơ thể gây ra những biến đổi bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Ví dụ: mầm bệnh lây lan đến tim (viêm nội tâm mạc) – là một nguyên nhân gây tử vong rất nghiêm trọng.

Như vậy, răng miệng khỏe mạnh sẽ giúp cho cún cưng khỏe mạnh và thoải mái hơn nhiều, từ đó nó có thể sẽ sống với bạn được lâu hơn. Ngoài những biện pháp giúp răng miệng khỏe mạnh như chế độ dinh dưỡng, sử dụng đồ chơi…thì việc đánh răng mỗi ngày mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nó giúp cho răng miệng luôn sạch sẽ, hạn chế tối đa sự phát triển của mầm bệnh, từ đó hạn chế các vấn đề trên răng miệng như sâu răng, nướu.

1. Một số cách phát hiện răng miệng có vấn đề

  1. Kiểm tra hơi thở: nếu cún cưng nhà bạn có hơi thở nặng mùi, kết hợp các hiện tượng như chán ăn, uống quá nhiều nước hay đi tiểu quá nhiều lần trong ngày thì chứng tỏ răng miệng của nó không bình thường và bạn cần đưa cún đi khám bác sỹ thú y ngay.
  2. Kiểm tra miệng: Bạn nên kiểm tra miệng cho cún cưng vào mỗi tuần. Bạn có thể kéo vành môi để xem răng và nướu cho kĩ. Răng phải sạch và không ngả màu vàng nâu. Còn nướu răng phải có màu hồng nhạt (chú ý là không phải trắng hay đỏ), bạn cũng cần xem kỹ cho chắc là nướu không bị sưng chỗ nào, hàm có sưng tấy không, có cục u trên lưỡi không…
  3. Những dấu hiệu khi cún cưng bị bệnh nướu (nha chu): Hơi thở nặng mùi, chảy nước dãi nhiều, viêm nướu, chân răng bị sưng, u nang dưới lưỡi, răng bị lung lay, rụng răng, đau răng khi ăn – ăn uống miễn cưỡng.

2. Các bệnh về răng miệng

Bệnh trên răng miệng không những gây ra hơi thở hôi hám mà nó còn gây đau nhức và góp phần làm lây lan mầm bệnh sang những cơ quan khác như tim, thận, từ đó gây ra những tình trạng bệnh lý nguy hiểm hơn.

Theo 1 cuộc khảo sát cho thấy, 80% những chú chó trên 3 năm tuổi bị mắc vài loại bệnh về răng miệng khác nhau.

Như vậy, nắm được các bệnh thường gặp trên răng miệng đối với cún cưng sẽ giúp chúng ta dễ dàng nhận biết được bệnh đang ở mức độ nặng hay nhẹ, có cần đưa cún đi khám ở bác sỹ thú y hay không.

Kiểm tra răng, miệng trên chó. Ảnh minh họa (sưu tầm)
Kiểm tra răng, miệng trên chó. Ảnh minh họa (sưu tầm)
Sau đây là một số bệnh thường gặp trên cún cưng liên quan đến răng miệng
  1. Bệnh nha chu (bệnh nướu): cún của bạn sẽ bị đau ở phần giữa răng và nướu, bệnh phát triển nặng sẽ bị rụng răng và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể. Dấu hiệu nhận biết: răng lung lay, hơi thở hôi, đau răng, hắt hơi và chảy nước mũi.
  2. Viêm nướu: là tình trạng nướu răng bị viêm do các mảng bám thành cao răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển trên và dưới nướu. Dấu hiệu nhận biết: chảy máu, đỏ, sưng nướu và hôi miệng. Để làm giảm viêm nướu, rất đơn giản, bạn cần làm sạch răng cho cún thường xuyên hơn.
  3. Sưng nướu: cún cưng của bạn bị sưng nướu là do thức ăn mắc kẹt giữa kẽ răng và cao răng tích tụ lâu ngày. Ngoài việc thường xuyên đánh răng sạch sẽ cho cún, bạn cũng cần đưa cún đi khám định kì mỗi năm để làm sạch răng (cạo vôi răng) tại các trạm nha khoa thú y, như vậy sẽ phòng ngừa cao răng và viêm nướu.
  4. Bệnh nướu tăng trưởng đột biến là trường hợp nướu phát triển che mất phần răng, cần phải điều trị gấp để tránh nhiễm trùng nướu. Đây là bệnh phổ biến đối với giống chó săn, và thường được chữa trị bằng thuốc kháng sinh.
  5. Chứng hôi miệng (hơi thở bị hôi): là dấu hiệu nhận biết các bệnh về răng miệng. Nguyên nhân chủ yếu gây hôi miệng là do các vi khuẩn phát triển từ thức ăn thừa bám giữa các kẽ răng, hoặc nhiễm trùng nướu. Giải pháp tốt nhất ngăn ngừa hôi miệng cho cún là đánh răng thường xuyên để loại bỏ mảng bám và vi khuẩn trên răng.
  6. Khối u miệng: thường xuất hiện trông như cục u ở nướu răng. Một số trường hợp u ác tính cần được phẫu thuật để loại bỏ khối u.
  7. U nang tuyến nước bọt: bạn có thể phát hiện những mụn nhọt lớn, chứa đầy dịch phát triển dưới lưỡi hoặc bên trong hàm của cún cưng. Cần đưa cún cưng đi khám thú y để loại bỏ những u nang này.
  8. Đau răng nanh: khi cún cưng của bạn cảm thấy đau răng kinh khủng, có thể răng chúng đã bị mòn và bị sâu. Trong trường hợp bị sâu răng quá nặng thì bạn nên đưa cún cưng đến bác sĩ thú y để nhổ răng.

3. Các phương pháp chăm sóc răng miệng tổng thể cho cún cưng

  • Nhai xương hoặc đồ chơi: Bạn cần mua một vài món đồ chơi để nhai cho cún cưng thỏa mãn bản năng gặm, cắn và cũng giúp cho răng thêm chắc khỏe. Gặm một món đồ chơi cũng giúp massage lợi và loại bỏ những mảng bám, làm sạch răng hơn, cũng như giúp cún cưng giảm stress, tránh buồn chán.
Lưu ý: các món đồ chơi không được làm từ da sống, từ nylon hay cao su.
  • Chế độ ăn giúp răng khỏe mạnh: Thông thường, những thức ăn tự chế biến rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như rất đảm bảo dinh dưỡng tuy nhiên nhiều loại thức ăn “mềm” lại thường tạo nhiều mảng bám, là môi trường rất tốt cho mầm bệnh phát triển.
Bởi vậy, điều chỉnh chế độ ăn cân đối phù hợp sao cho vừa đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể, tốt cho hệ tiêu hóa lại vừa tốt cho răng miệng là việc làm hết sức cần thiết. Ví dụ như những loại thức ăn hạt khô giúp làm giảm các mảng bám và làm chậm quá trình hình thành cao răng.
  • Đánh răng thường xuyên mỗi ngày cho cún cưng cũng là 1 giải pháp hết sức hiệu quả. Sau đây là phương pháp chải răng cho cún mà các bạn có thể tham khảo.

Chải răng cho cún cưng

Chuẩn bị dụng cụ:
  • Bàn chải: 1 bàn chải dài và 1 bàn chải ngón tay. Tùy thuộc vào giống chó to hay nhỏ mà chọn bàn chải có kích thước cho phù hợp với miệng chó.
  • Kem đánh răng: chọn loại kem phù hợp với mỗi chú chó như đối với những chú chó nhỏ, dưới 6 tháng, không bao giờ dùng loại kem đánh răng có flo vì sẽ làm tổn thương sự hình thành và phát triển của men răng. Đặc biệt chú ý không được dùng loại kem đánh răng của người vì có thể gây kích ứng dạ dày của cún cưng.
  • Cuối cùng là nước súc miệng dành cho chó cũng được bán trên thị trường, bạn có thể tham khảo lời khuyên của bác sĩ thú y để chọn loại phù hợp với cún cưng của mình. Bạn cũng cần chuẩn bị cho cún 1 khúc xương giả để cún nghịch với nó trước khi tiến hành chải răng
Các bước chuẩn bị để quá trình đánh răng được dễ dàng hơn
  • Trước tiên, bạn cần nhắc nhở để cún cưng biết việc chăm sóc răng là cần thiết, và phải ngoan trong khi bạn giúp chúng đánh răng. Bạn cần chuẩn bị trước vài tuần với việc massage môi và xung quanh vùng miệng để cún cưng quen với việc tay bạn đụng vào mõm, sau đó chuyển qua răng và nướu. Trong thời gian đầu này, bạn chỉ cần dùng tay không để massage, chứ chưa dùng dụng cụ hỗ trợ nào cả.
  • Khi cún cưng quen dần với việc tay bạn đụng vào mõm, bạn có thể bôi một chút kem đánh răng dành cho chó hay hỗn hợp baking soda lên miệng, để chúng nếm thử mùi vị cho quen dần.
  • Tiếp theo, bạn giới thiệu bàn chải đánh răng cho cún cưng biết. Loại bàn chải dành cho chó thường nhỏ hơn loại của người dùng, và lông mềm hơn.
Ngoài ra, còn có loại nhỏ, để bạn đeo vào ngón tay, loại này cũng có thể dùng để massage nướu cho cún cưng.
  • Cuối cùng là bạn cho kem đánh răng lên bàn chải và đánh răng cho cún cưng.
  • Kiểm tra răng miệng thường xuyên sẽ giúp bạn có thể theo dõi xem cún nhà mình có bị viêm lợi hay không. Trong trường hợp bị viêm nướu nhẹ, bạn không nên đánh răng quá mạnh tay, vì sẽ làm đau cún cưng.

4. Phương pháp đánh răng

Đặt bàn chải đánh răng (hay miếng gạc đánh răng) một góc 45 độ và chải răng theo vòng tròn. Nâng môi cún lên khi cần thiết, và chỉ chải răng lần lượt từng bên. Phần răng bên trong (gần má) là nơi có nhiều cao răng nhất, cho nên bạn cần chú ý đánh kĩ khu vực này. Khi cún cưng không chịu để yên cho bạn đánh mặt trong của răng, bạn cũng không cần cố gắng nhiều, vì cao răng tích tụ ít ở phần trong. Bạn có thể thường xuyên đánh răng cho cún của mình, khoảng 2 hoặc 3 lần trong tuần.

Như vậy, 1 hàm răng trắng sạch sẽ góp phần cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe chung cho cún cưng nhà bạn. Nắm được tầm quan trọng cũng như những kỹ thuật của việc chải răng cho cún cưng sẽ giúp bạn chăm sóc cún được tốt hơn và giúp cún khỏe mạnh, vui tươi hơn.



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y