Bệnh Ngộ Độc Thịt (Vi khuẩn Clostridium botulinum) | Vetshop VN


Bệnh Ngộ Độc Thịt (Vi khuẩn Clostridium botulinum)

Post by: | date: 21.10.13 Bình luận cho bài viết! | Print
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Clostridium botulinum (C. botulinum) là vi khuẩn kỵ khí tuyệt đối, có khả năng di động và sinh nha bào. Trên tiêu bản nhuộm gram, vi khuẩn bắt màu gram dương, có hình dạng thẳng hoặc hơi cong, kích thước chiều rộng 0,5-2 µm, chiều dài 1,6-22 µm, có nha bào ở gần tận cùng. C. botulinum có khả năng sinh nhiều loại độc tố nhưng quan trọng nhất là độc tố thần kinh. Có 7 loại độc tố thần kinh kí hiệu từ A đến G, trong đó những độc tố loại A, B, E, F gây bệnh ở người còn những độc tố loại C, D chỉ gây bệnh trên động vật. Độc tố G tuy phát hiện từ năm 1970 nhưng chưa xác định chắc chắn có gây bệnh cho người hay động vật không. Bệnh ngộ độc thịt do độc tố của C. botulinum gây liệt nghiêm trọng.
C. botulinum được E.van Ermengem mô tả lần đầu tiên năm 1897 trong một vụ dịch lây truyền qua thực phẩm tại Ellezelles, Bỉ. “Botulism” - bệnh ngộ độc thịt bắt nguồn từ tiếng La tinh “botulus” có nghĩa là xúc xích. Khi bệnh ngộ độc thịt phát hiện đầu tiên ở châu Âu, nhiều trường hợp có nguyên nhân do xúc xích sản xuất tại nhà. Tuy tên “botulism” là ngộ độc thịt có tầm quan trọng về mặt lịch sử nhưng không phản ánh hết nguồn gốc sinh bệnh vì nhiều sản phẩm gây bệnh có nguồn gốc thực vật chứ không phải động vật.

Có 4 loại bệnh ngộ độc thịt khác nhau:
  1. Bệnh ngộ độc thịt lây truyền qua thực phẩm do ăn phải thức ăn có chứa độc tố của C. botulinum.
  2. Bệnh ngộ độc thịt vết thương gây ra do vi khuẩn C. botulinum tăng sinh và sản xuất độc tố trong vết thương bị nhiễm trùng.
  3. Bệnh ngộ độc thịt ở trẻ em do nha bào C. botulinum ở trong ruột trẻ em có khả năng sinh độc tố. Mật ong có thể chứa nha bào C. botulinum gây ngộ độc thịt ở trẻ em vì vậy không nên cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong. Tuy nhiên nhiều trường hợp ngộ độc thịt ở trẻ em không liên quan tới ăn mật ong, nên yếu tố nguy cơ và nguồn truyền bệnh ở những ca bệnh này vẫn chưa rõ ràng.
  4. Bệnh ngộ độc thịt ở người lớn hoặc trẻ em xảy ra ở những người từ 1 tuổi trở lên. Những ca bệnh thuộc loại này không ăn thức ăn bị nhiễm độc tố cũng như không có bằng chứng ngộ độc thịt vết thương. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn C. botulinum cư trú trong ruột.
Vi khuẩn C. botulinum có thể tìm thấy trong đất cát. Những sản phẩm đóng hộp không đảm bảo vệ sinh từ thịt, cá và rau quả, có thể nhiễm nha bào C.botulinum sinh độc tố gây bệnh ngộ độc thịt.

Những xét nghiệm dùng chẩn đoán bệnh ngộ độc thịt:
  1. Thử nghiệm độc tố C. botulinum từ mẫu huyết thanh.
  2. Nuôi cấy phân lập vi khuẩn C. botulinum từ bệnh phẩm ở vết thương.
  3. Nuôi cấy phân lập vi khuẩn C. botulinum từ phân kết hợp thử nghiệm độc tố.
  4. Nuôi cấy phân lập vi khuẩn C. botulinum từ phân kết hợp điều tra nguồn gốc thực phẩm.
Phương pháp chuẩn thức để chẩn đoán bệnh ngộ độc thịt là thử nghiệm trung hòa độc tố trên chuột. Tuy nhiên phương pháp này mất nhiều thời gian, giá thành đắt đỏ và đặc biệt liên quan tới vấn đề y đức về sử dụng động vật thí nghiệm. Vì vậy hiện nay, nhiều nước đã sử dụng kỹ thuật PCR, Real time PCR để phát hiện độc tố của C. botulinum trong chẩn đoán bệnh ngộ độc thịt.

Bệnh ngộ độc thịt do thực phẩm ít xảy ra nhưng có thể gây tử vong nhanh và có thể gây thành dịch. Vì vậy bệnh ngộ độc thịt do thực phẩm vẫn là vấn đề y tế và sức khỏe nghiêm trọng đáng được quan tâm.
Tăng Thị Nga
Dịch từ nguồn CDC, Hoa Kỳ



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y