Điều Khiển Động Dục Bằng Hocmon Sinh Dục | Vetshop VN


Điều Khiển Động Dục Bằng Hocmon Sinh Dục

Post by: | date: 18.9.13 Bình luận cho bài viết! | Print
I. Một số hóc-môn và chế phẩm chủ yếu trong điều khiển sinh sản
Sơ đồ: sự phân tiết các kích thích tố lên các cơ quan sinh dụch
Sơ đồ: sự phân tiết các kích thích tố lên các cơ quan sinh dụch

1. Các loại hóc-môn sinh sản chính

a. Gonadotropin releasing hormone (GnRH)

GnRH là hocmon được tiết ra từ các neuron của vùng dưới đồi (Hypothalamus) có tác dụng kích thích tuyến yên tăng cường tiết các hóc-môn gonadotropin (FSH và LH) để kích hoạt và tăng cường sự phát triển của tế bào trứng, sự rụng trứng và sự hình thành thể vàng. Ngoài cơ chế tác dụng thuận chiều, GnRH còn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mối tác động ngược dương tính của estrogen để tăng cường tiết LH và kiểm soát mối tác động ngược âm tính của progesteron để bảo đảm sự tồn tại của thể vàng.

b. Các hóc-môn gonadotropin

  • FSH (Follicle Stimulating Hormone) là hóc-môn của thuỳ trước tuyến yên có tác dụng chủ yếu là kích thích tế bào trứng phát sinh và phát triển.
  • LH (Luteinising Hormone) là hóc-môn của thuỳ trước tuyến yên có tác dụng tăng cường quá trình phát dục của trứng, làm cho trứng chín và rụng, đồng thời bảo đảm cho sự hình thành thể vàng.
  • Huyết thanh ngựa chửa - PMSG (Pregnant Mare Serum Gonadotropin)- là kích tố của nhai thai ngựa có chức năng sinh lý tương tự như FSH và LH của thuỳ trước tuyến yên. Tuy nhiên hoạt tính của nó giống FSH nhiều hơn.
  • Kích tố của nhau thai người - HCG (Human Chorionic Gonadotropin) - là kích tố của phụ nữ có chửa. Chức năng sinh lý của HCG gần giống với LH.

c. Estrogen

Estrogen là hóc-môn của nang trứng, gồm có 3 chất là: estradiol, estron và estrion, trong đó estradiol có hoạt lực sinh lý mạnh nhất. Tác dụng sinh lý chủ yếu của estrogen là:
  • Duy trì đặc điểm sinh dục thứ cấp ở con cái.
  • Gây ra hành vi động dục.
  • Gây tác động ngược lên vùng dưới đồi và tuyến yên để tăng cường tiết LH, góp phần gây ra rụng trứng.
  • Kích thích sự phát triển của tuyến vú.

d. Progesteron

Progesteron là hóc-môn của thể vàng có tác dụng chủ yếu sau:
  • Ức chế phân FSH, LH và GnRH.
  • An thai, bảo vệ thai phát triển trong tử cung.
  • Kích thích sự phát triển của tuyến vú.

e. Prostaglandin

Prostaglandin (PG) là một nhóm lipoid được tiết ra từ tuyến tiền liệt ở con đực hay từ nội mạc của ống sinh dục (tử cung, âm đạo) của con cái.
Prostaglandin có nhiều loại, nhưng loại có hoạt tính mạnh nhất là PGF2a. Tác dụng chủ yếu của nó là:
  • Phá vỡ màng noãn bao để gây rụng trứng.
  • Phá huỷ thể vàng, nang nước trên buồng trứng, gây động dục.
  • Gây hưng phấn ống sinh dục, tăng cường nhu động tử cung, kích thích mở cổ tử cung. Do đó, prostaglandin được còn ứng dụng trong gây đẻ nhân tạo và trợ sản ở những ca đẻ khó, rặn đẻ yếu.

2. Những chế phẩm hóc-môn thông dụng

a. Các chế phẩm có hoạt tính GnRH:

  • Receptalõ (Busereline của Hoechst) dùng tiêm bắp, tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Fertagylõ (Gonadoreline của Intervet dùng tiêm bắp.
  • Ovalyseõ (Acetate de fetireline của Upjohn) dùng tiêm bắp.

b. Các chế phẩm có hoạt tính gonadotropin

  • FSH và LH tự nhiên: Có tác dụng tốt nhưng do chúng quá đắt nên trong thực tế thường sử dụng các chất thay thế là PMSG và HCG. Tuy nhiên, cả hai loại hócmôn thay thế này không có hoạt tính hoàn toàn như FSH hoặc LH.
  • PMSG: được chiết suất từ máu ngựa chửa ở ngày thứ 60-150, dùng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da. Loại hóc-môn protein này được hệ thống miễn dịch của bò cái nhận biết như là một vật lạ và các kháng thể được hình thành. Có thể có sốc phản vệ sau khi tiêm nhiều lần. Do có sự hình thành kháng thể chống lại hócmôn này nên đáp ứng của các buồng trứng bị giảm sút sau nhiều lần xử lý.
  • HCG: được chiết suất từ nước tiểu phụ nữ có thai từ ngày 8-12, dùng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp, tuỳ theo trường hợp muốn có phản ứng nhanh hay chậm.
  • Folligonõ (của Intervet), có hoạt tính FSH và LH, dùng tiêm bắp.
  • Stimufolõ (của Rhone Merieux) có hoạt tính FSH và LH, được đặc biệt được chỉ dẫn sử dụng trong gây siêu bài noãn.
  • Chorulonõ (của Intervet).

c. Các chế phẩm có hoạt tính progesteron

Trong thực tiễn sản xuất người ta thường dùng các sản phẩm hoá học tổng hợp có tác dụng tương tự như progesteron, gọi chung là progestogen (tiếng Anh) hay progestatif (tiếng Pháp).

Các chất thường dùng cho ăn là:
  • Melengestrol acetate (MGA)
  • 6-methyl-17acetoxy-progesteron (MAP)
  • 6-chloro-6-dihydro-17acetoxy-progesteron (CAP)
  • Flurogesterone acetate (FGA)
  • Dihydroxy progesteron acetophenide (DHPA)
Các chế phẩm đặt âm đạo:
  • PRID (Progesteron Releasing Intra-vaginal Device của Sanofi) chứa 1 cuộn thép không rỉ được bọc bởi một lớp silicon có tẩm 1,55g progesteron tự nhiên.
  • CIDR (Controlled Internal Drug Releasing device) chứa một lõi nilon được phủ một lớp silicon tẩm 1,9 g progesteron tự nhiên.
Các chế phẩm cấy dưới da:
  • Synchro-MateB (SMB) chứa 6 mg Norgestomet (17alpha-acetoxy-11beta-methyl-19-nor-pre-4-ene, 20-dione) là một progestagen.
  • CRESTA chứa 3 mg Norgestomet.

d. Các chế phẩm có hoạt tính estrogen

Trong thực tiễn sản xuất, người ta không dùng estrogen tự nhiên mà thường dùng các chế phẩm hoá học tổng hợp có tác dụng tương tự estrogen như: stinbestron, hexestron, dietinstylbestron, dienston, estradiol valerat, estradiol benzoat.

e. Các chế phẩm có hoạt tính prostaglandin

  • Reprodineõ (chế phẩm tổng hợp của Bayer).
  • Prosolvinõ (chế phẩm tổng hợp của Intervet).
  • Dinolyticõ (chế phẩm tự nhiên của Upjohn).
  • Estrumateõ (chế phẩm tổng hợp của Pitman-Moore).
  • Ilirenõ (chế phẩm tổng hợp của hãng Hoechst).

3. Chế phẩm phối hợp progesteron và HCG

Nymfalonõ (của hãng Intervet) chứa 3000 IU HCG và 125 mg progesteron.

II. Gây động dục đồng loạt

Gây động dục đồng loạt là làm cho nhiều bò cái động dục và rụng trứng trong cùng một thời gian. Kỹ thuật này cho phép tổ chức phối giống đồng loạt trên đàn bò cái và cóthể điều khiển gia súc đẻ tập trung vào một thời điểm đặc thù trong năm để thuận lợi choviệc chăm sóc nuôi dưỡng bê.

Một số phương pháp sau đây có thể dùng để gây động dục và rụng trứng đồng loạt ở bò có hoạt động chu kỳ tính bình thường.

1. Sử dụng prostaglandin (PG)

Prostaglandin F2-alpha (PGF2a) và các chất tổng hợp có hoạt tính tương tự nói chung được coi là những hoạt chất có hiệu lực nhất trong việc gây động dục hàng loạt ở gia súc nhai lại. Những chất này làm thoái hoá thể vàng và do đó mà làm giảm nhanh chóng hàm lượng progesteron trong máu và làm cho noãn bao phát triển nhanh chóng, gây ra hiện tượng động dục và rụng trứng. Prostaglandin không có hiệu lực khi dùng cho gia súc không có thể vàng và do đó mà ít được dùng cho gia súc nuôi con vì có một tỷ lệ khá cao những gia súc này vẫn không động dục cho đến 50 ngày sau khi đẻ.

Các chế phẩm PG được dùng để gây động dục đồng loạt theo một số chế độ như sau.

1. 1. Phương pháp tiêm 1 lần

Prostaglandin hay các hoạt chất tương tự có thể được tiêm cho một nhóm gia súc dể gây động dục đồng loạt, sau đó được dẫn tinh kép vào lúc 48 và 72 hay 72 và 96 giờ kể từ sau khi tiêm. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng thụ thai sau khi dẫn tinh kép vào các thời điểm cố định tương tự như ở gia súc được dẫn tinh dựa theo phát hiện động hớn.

Giai đoạn của chu kỳ tính tại thời điểm xử lý PG có ảnh hưởng đến phản ứng của gia súc. Nhìn chung các chế phẩm PG không có hiệu lực gây thoái hoá thể vàng ở giai đoạn đầu của chu kỳ (5-6 ngày đầu). Giai đoạn của chu kỳ khi tiêm PG không những ảnh hưởng đển mức độ động dục đồng đều mà còn ảnh hưởng dến thời gian bắt đầu xuất hiện động dục. Ngày càng có bằng chứng cho thấy rằng trạng thái chức năng của thể vàng trước khi gây rụng trứng có thể có ảnh hưởng đến thời điểm xuất hiện động hớn. Điều này cũng một phần do noãn bao trội nào có mặt lúc thể vàng tiêu biến để trở thành noãn bao cho trứng rụng. Trứng rụng từ noãn bao trội của đợt sóng 1 ở bò tơ được tiêm PG vào ngày 5 và 8 và rụng từ noãn bao trội của đợt sóng 2 khi tiêm PG vào ngày 12. Do vậy, thời điểm xuất hiện động dục có liên quan đến trạng thái phát triển của noãn bao vào lúc tiêm PG.

Để giảm bớt sự biến động về phản ứng đối với việc tiêm PG một lần, người ta đã áp dụng một số biện pháp như sau:
  1. Theo dõi động hớn trong vòng 5-7 ngày kể từ sau khi tiêm PG và dẫn tinh khi phát hiện thấy động hớn. Bằng cách này có thể làm tăng tỷ lệ thụ thai và có chửa lên so với việc dẫn tinh tại các thời điểm cố định.
  2. Phát hiện động hớn và cho dẫn tinh trong vòng 4-7 ngày, sau đó tất cả những con nào không được dẫn tinh (động hớn) thì tiêm 1 liều PG và dẫn tinh 1 hoặc 2 lần vào các thời điểm cố định hay dựa theo phát hiện động hớn trong 5-6 ngày tiếp theo. Phương pháp này có thể làm tăng tỷ lệ có thai lên, nhưng đòi hởi nhiều công phát hiện động hớn và dẫn tinh.
  3. Những con có thể vàng đang hoạt động (phát hiện được qua khám trực tràng hay định lượng progesteron trong sữa hay máu) có thể tiêm 1 liều PG và dẫn tinh sau khi pháthiện thấy động hớn. Hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc vào khả năng phát hiện chính xác thể vàng và đây là một phương pháp tốn nhiều thời gian và chi phí.
  4. Các mẫu sữa được lấy trước khi định dẫn tinh. Nếu hàm lượng progesteron lớn hơn 2 ng/ml thì không dẫn tinh để tránh khả năng dẫn tinh cho những con chưa rụng trứng vào thời gian dự định. Tỷ lệ thụ thai của những bò này cao hơn so với bò thụ thai mà không quan tâm đến hàm lượng progesteron.
  5. Kết hợp xử lý PG với cho đực nhảy trực tiếp có thể có lợi hơn. Tuy nhiên, tiêm PG cho bò sau khi cho bò đực vào đàn 96 giờ thì không gây động hớn đồng đều được.
  6. Các phương pháp khác cũng đã được thử nghiệm nhằm tăng hiệu quả sử dụng PG để gây động dục đồng loạt, trong đó có việc dùng PG theo chế độ 2 liều (kép) hay dùng PG cùng với các hoc môn khác.

1. 2. Phương pháp tiêm 2 lần

Tiêm PG hay một hoạt chất tương tự theo chế độ 2 lần cách nhau 10-12 ngày cho bò ở bất cứ giai đoạn nào của chu kỳ. Tất cá những con được tiêm đều được dẫn tinh 1 lần (80 giờ) hay 2 lần (72 và 96 giờ) sau lần tiêm PG thứ hai hoặc là dẫn tinh vào khoảng 12 giờ sau khi bắt đầu xuất hiện động hớn. Theo lý thuyết thì sau lần tiêm thứ nhất khoảng 70% những con có hoạt động chu kỳ sẽ xuất hiện động hớn. Những con này và những con còn lại sẽ ở vào một giai đoạn thích hợp của chu kỳ (ngày 8-15) để có phản ứng tốt với lần tiêm thứ 2 .

Tuy nhiên vẫn còn khả năng không có được sự ổn định và chính xác về thời gian động hớn và có thể có di chứng sau khi xử lý. Sau khi xử lý PG theo chế độ này thì chu kỳ tính thưòng bị kéo dài trên 21 ngày. Hơn nữa, có sự giảm tỷ lệ thụ thai rõ rệt ở bò tơ sau khi gây đông dục lặp lại bằng cloprostenol (một chất có hoạt tính PG).

Để giảm tốn kém PG và để hạn chế sự thiếu chính xác về thời gian động hớn, người ta cũng đã dẫn tinh ngay sau lần tiêm PG thứ nhất hay áp dụng các biện pháp khám thể vàng và phát hiện động hớn. Những con nào được phát hiện động hớn sau lần tiêm PG thứ nhất sẽ được dẫn tinh, còn những con nào không được dẫn tinh sẽ được tiêm một liều thư 2 vào khoảng 11-12 ngày sau đó. Việc dẫn tinh tiếp theo có thể vào một thời gian cố định hay dựa theo phát hiện động hớn. Phương pháp này thường cho kết quả tốt hơn, tuy nhiên nó đòi hỏi tốn nhiều công sức phát hiện động hớn.

2. Kết hợp prostaglandin với các hóc-môn khác

Các hóc-môn GnRH, estrogen, testosteron, HCG, PMSG, FSH đều đã được dùng kết hợp với PG để gây động dục và rụng trứng chính xác hơn nhờ việc đồng loạt hoá được sóng LH sau khi xử lý PG.

3. Sử dụng progesteron

Các phương pháp dùng PG khác nhau nói trên được dùng để gây động dục đồng loạt trên cơ sở rút ngắn thời gian tồn tại của thể vàng. Tuy vậy, chưa có phương pháp nào tỏ ra thoả mãn được cả về mặt kỹ thuật và kinh tế. Theo một hướng khác, người ta đã tiến hành gây động dục và rụng trứng đồng loạt nhờ dùng progesteron/progetogen ngoại sinh nhằm kéo dài hiệu lực của pha thể vàng (luteal phase) của chu kỳ.

Sử dụng progesteron hay các dẫn suất tổng hợp (progestogen) để ức chế động dục và rụng trứng trêm một nhóm gia súc trong một thời gian đủ dài để cho thể vàng tự nhiên của toàn nhóm đã thoái hoá; sau khi loại bỏ progesteron ngoại sinh về lý thuyết động dục và rụng trứng sẽ xảy ra đồng loạt ở những gia súc này. Để đảm bảo rằng toàn bộ gia súc được xử lý đều nằm ở giai đoạn pha noãn bao ở cuối thời gian xử lý thì cần thiết phải xử lý progesteron trong một khoảng thời gian dài tương đương với pha thể vàng của chu kỳ tự nhiên, tức là ít nhất cũng phải 16 ngày. Đó là vì progesteron ngoại sinh có ít ảnh hưởng lên thời gian tồn tại của thể vàng và trong một số trường hợp thể vàng tự nhiên có thể vẫn còn tồn tại nếu xử lý progesteron trong một thời gian tương đối ngắn, nên sẽ dẫn đến động dục không đồng đều.

Có một số phương pháp xử lý progesteron khác nhau: cho ăn, tiêm và cấy dưới da trong 14-21 ngày. Các chất dùng cho ăn thường là MGA, MAP, CAP, FGA và DHPA. Khi cho ăn hoặc cho uống các chất này sẽ gặp khó khăn trong việc khống chế liều lượng và có nguy cơ để lại tồn dư trong mô bào hay sản phẩm. Progesteron có thể dùng để tiêm, nhưng lại có bất lợi ở chỗ cần phải tiêm lặp lại và khó khống chế chính xác thời gian ngừng progesteron ngoại sinh. Do vậy mà kỹ thuật đặtdụng cụ âm đạo vàcấy dưới da đã được áp dụng. Các phương pháp sau cho phép định chính xác thời gian cắt progesteron ngoại sinh. Dụng cụ đặt âm đạo thường dùng hiện nay có PRID, CIDR, v.v. Chất cấy dưới da thường dùng là Norgestomet.

4. Kết hợp progestogen và prostaglandin

Vì xử lý progesteron dài ngày có thể gây động dục đồng đều, nhưng tỷ lệ thụ thai thường thấp nên người ta thường dùng kết hợp với PG hay estrogen để phá thể vàng sớm, giúp rút ngắn được thời gian xử lý progesteron. Có thể tiêm PG 2 ngày trước khi kết thúc xử lý progesteron hay 16-18 ngày sau khi thôi xử lý progesteron.

5. Kết hợp progesteron với estrogen

Xử lý kết hợp progesteron và estrogen có tác dụng tạo ra sự phát triển sóng noãn bao đồng đều vì việc kết hợp này có hiệu quả hơn trong việc ức chế noãn bao so với việc xử riêng mỗi loại hocmôn. Estrogen ngoại sinh gây thoái hoá noãn bao trội (do progesteron duy trì) thông qua việc làm thay đổi LH trong máu và sau đó noãn bao trội của đợt sóng sau sẽ rụng đều hơn và cho tỷ lệ thụ thai cao hơn. Xử lý estradiol cũng làm cho thể vàng tiêu sớm thông qua tác dụng làm tăng tiết PG và tăng sự mẫn cảm của mô baò thể vàng với hocmôn này.



Một số chế độ xử lý kết hợp progesteron-estrogen đang được dùng rộng rãi gồm có chế độ dùng PRID hay CIDR và chế độ dùng Synchro-MateB hay CRESTA.

Chế độ dùng PRID hay CIDR:
Trong chế độ xử lý kết hợp này người ta gắn thêm một viên bọc gelain chứa 10mg estradiol benzoat (OB) vào mặt trong của PRID hay CIDR. Dụng cụ PRID hay CIDR này được đưa vào trong âm đạo của bò và giữ ở đó 12 ngày. OB sẽ nhanh chóng gây tác dụng như một yếu tố làm tiêu thể vàng sau khi được hấp thu qua vách âm đạo vào máu, còn progesteron được từ từ giải phóng ra và thấm dần vào máu gây ức chế động dục và rụng trứng cho đến khi được tháo bỏ. Bò thường xuất hiện động dục 48-72 giờ sau khi rút bỏ dụng cụ âm đạo này.

Chế độ dùng Synchro-MateB hay CRESTA:
Cấy Synchro-MateB hay CRESTA (chứa 6 hoặc 3 mg Norgestomet) dưới da tai trong 9 ngày và 2 ml tiêm bắp chứa 3mg Norgestomet và 5mg estradiol valerat (OV) vào thời gian cấy dưới da.

6. Những cách sử dụng khác

Có thể kết hợp dùng GnRH hay các hocmôn gonadotropin cùng với các chế độ xử lý progesteron hay progesteron-hocmôn tiêu thể vàng. Sử dụng PMSG cho làm tăng hiệu quả của các chế độ xử lý này.

III. Kích thích động dục

Đối với gia súc không động dục hay chậm động dục trở lại sau khi đẻ có thể kích thích động dục và rụng trứng thông qua sử dụng một số hocmôn như sau.

1. Sử dụng Gonadotropin/GnRH

Có thể kích thích sự tăng trưởng của các noãn bao (để gây động dục) nhờ sử dụng FSH (có kết hợp hoặc không kết hợp với LH) hay PMSG (cùng hoặc không cùng với HCG). Bên cạnh đó, có thể kích thích tạo ra sóng LH (để gây rụng trứng) bằng cách tiêm GnRH hay gây sóng LH nhân tạo bằng HCG. Thông thường một liều cao GnRH có thể làm cho noãn bao chín cho trứng rụng nhờ kích thích sóng tăng tiết LH nội sinh. Tuy nhiên, bò thường không động dục nếu chỉ tiêm các hóc-môn gonadotropin. Do vậy, người ta đã xử lý gây động dục bằng progesteron hay kết hợp progesteron-gonadotropin vì động dục thường chỉ xuất hiện sau một thời gian chịu ảnh hưởng của progesteron tự nhiên hay tổng hợp ở nồng độ cao.

2. Sử dụng các hóc-môn steroid

Progesteron ức chế phân tiết các hóc-môn gonadotropin (FSH và LH) từ tuyên yên. Khi loại bỏ sự ức chế này thì một đợt sóng tăng tiết gonadotropin sẽ xảy ra sau khoảng 48 giờ. Tiếp theo progesteron và LH tăng lên trong một thời gian ngắn. Động dục thường không xuất hiện trước khi có hiên tượng tăng progesteron tạm thời này. Khi progesteron giảm thì động dục và rụng trứng có thể xảy ra trong vòng vài ngày. Tuy nhiên tỷ lệ thụ thai sau khi xử lý progesteron thường thấp.

Estrogen ngoại sinh cũng có thể dùng để gây động dục vì nó có thể gây ra được sóng LH, tuy nhiên rụng trứng và chu kỳ tính không nhất thiết xảy ra sau đó. Do vậy nếu chỉ dùng estradiol để kích thích rụng trứng thường ít thành công vì hay xảy ra động dục giả.

Kết hợp progesteron với estrogen đã được dùng để gây động dục và rụng trứng ở bò vô sinh. Estrogen có thể dùng vào đầu hoặc cuối một thời gian xử lý ngắn bằng progesteron dưới dạng cấy dưới da hay đặt âm đạo. Estrogen sẽ làm tăng tiết gonadotropin đã được tích luỹ trong tuyến yên trong suốt thời gian xử lý progesteron.

3. Kết hợp steroid-gonadotropin

Nếu sau khi xử lý bằng steroid cho tiêm thêm một loại gonadotropin (PMSG, HCG, GnRH) thì hiệu quả xử lý sẽ tăng lên. Phương pháp dùng tương tự như dùng để gây động dục đồng loạt.

4. Sử dụng prostaglandin

Prostaglandin tham gia vào quá trình hồi phục của tử cung. Tiêm PG ngoaị sinh có thể rút ngắn thời gian hồi phục của tử cung ở bò sau khi đẻ và có tác dụng chống viêm tử cung. Tiêm PG vào bắp thịt làm tăng phân tiết LH thông qua GnRH. Do vậy, tiêm PG cho bò sau khi đẻ có khả năng cải thiện chức năng sinh sản. Các nghiên cứu gần đây có xu hướng ủng hộ giả thiết này, tuy nhiên kết quả nghiên cứu còn biến động.

Prostaglandin cũng có thể được tiêm kết hợp với xử lý progestogen trong một thời gian ngắn. Tiêm 1 liều PG vào cuối thời gian ngắn cho ăn MGA sẽ làm cho bò vốn không có hoạt động chu kỳ có động dục trở lại. Cấy dưới tai bò sữa không động dục chế phẩm SMB trong một thời gian 10 ngày, tiêm Prosolvin (chứa một chất tương tự PG) vào ngày thứ 8 và tiêm PMSG vào lúc rút chế phẩm cấy tai. Kết quả cho thấy phương pháp này có hiệu lực gây động dục và rụng trứng ở bò sữa sau khi đẻ.

Những con có thể vàng trên buồng trứng tiêm PGF2a với liều 2ml/con cho kết quả tốt.

5. Thay đổi chế độ bú sữa

Kích thích do mút bú của bê con gây ức chế phân tiết gonadotropin, do đó bằng việc cai sữa sớm, cho bú sữa hạn chế hay kết hợp giữa cai sữa sớm hay tách bê với xử lý hocmôn sẽ làm cho con mẹ sớm động dục trở lại sau khi đẻ.

Nguồn: vcn.vnn.vn



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y