Stress Nhiệt Và Hiệu Quả Sử Dụng Thức Ăn Trong Chăn Nuôi Heo | Vetshop VN


Stress Nhiệt Và Hiệu Quả Sử Dụng Thức Ăn Trong Chăn Nuôi Heo

Post by: | date: 18.4.13 Bình luận cho bài viết! | Print
Stress nhiệt là những kích thích bất thường của khí hậu (nóng quá, lạnh quá và ẩm quá)  đối với cơ thể. Ở các nước nhiệt đới như nước ta, nóng ẩm là nhân tố chủ yếu gây stress nhiệt.
 
Stress nhiệt làm giảm năng suất cho thịt, năng suất sinh sản, làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, từ đó gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Ảnh hưởng của stress nhiệt lên heo. Ảnh minh họa.
Ảnh hưởng của stress nhiệt lên heo. Ảnh minh họa.

Hiệu quả sử dụng thức ăn và FCR

Hiệu quả sử dụng thức ăn (HQSDTA) là một chỉ tiêu quan trọng phản ánh năng suất con giống, phẩm chất thức ăn và khẩu phần ăn cũng như hiệu quả chăn nuôi. HQSDTA được xác định theo chỉ tiêu tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (tiếng Anh gọi là FCR: Feed Conversion Rate) và được tính bằng số  kilo thức ăn/đơn vị sản phẩm. Nếu FCR thấp thì có nghĩa rằng HQSDTA cao và ngược lại.
 
Một con giống tốt, ngoài việc có năng suất sản phẩm cao thì cũng phải có FCR thấp. Lấy năng suất chăn nuôi heo thịt của Đan mạch làm ví dụ sẽ cho ta thấy rõ điều này (dẫn theo Danish Pig Production, Annual Report 2007):
  • Heo thịt xuất chuồng cân nặng 81,5 kg
  • Tăng trọng bình quân:  873 g/ngày
  • Tỷ lệ nạc thân thịt:  60,3 %
  • Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR): 2,87 kg thức ăn/kg tăng trọng 
  • Chi phí thức ăn để sản xuất 1 kg thịt xẻ chỉ có 1,39 USD (tương đương 29 ngàn VNĐ), chi phí này thấp hơn so với của Pháp, Thuỵ điển, Irland, Đức, Áo, Anh và Ý, trong đó chi phí cho thức ăn chỉ chiếm 49,5% (trong khi ở nước ta con số này là 65 - 70%)
  • Trong công tác giống, các tiến bộ di truyền của ngành chăn nuôi heo Đan mạch cũng rất ấn tượng, các con lai từ các giống Duroc, Landrace và Large White được đánh giá trong 4 năm (2004 đến 2007) cho thấy: tăng trọng bình quân của heo nuôi thịt từ 30-100 kg tăng 13,9g/ngày, tỷ lệ nạc tăng 0,10 %/năm, đặc biệt FCR giảm được 0,02 đơn vị thức ăn/năm. 
Nếu giảm được FCR thì tiết kiệm được thức ăn và tăng lợi nhuận cho chăn nuôi rất rõ rệt.

Theo British Pig Executive’s Yearbook 2012 (dẫn theo Latest Global Pig, Hog, Swine Industry News) thì FCR trong chăn nuôi heo của Anh bình quân là 2,82 và chỉ các trang trại heo trong top 10% mới có FCR là 2,28; tức là giảm được 0,54 kg thức ăn/kg tăng trọng. Theo Mathew Curtis, Giám đốc Quản lý Công ty Giống heo Yorkshire của Anh thì nếu FCR giảm được 0,54 kg thức ăn, mỗi con heo thịt sẽ tiết kiệm được 9£ (1£: bảng Anh, có giá trị bằng 32.900 VNĐ theo tỷ giá hiện nay). Curtis tính rằng nếu 500 heo nái mỗi năm sản xuất 22 heo thì các trại ở top 10% có thể tiết kiệm đuợc 99.000£ (tương đương 3,25 tỷ VNĐ) và mỗi một heo nái có thể tiết kiệm chi phí thức ăn mỗi năm là 6,5 triệu VNĐ.

Những nhân tố chi phối FCR là con giống, chất lượng thức ăn, cân đối dinh dưỡng và đặc biệt là stress nhiệt.

Những giống heo ngoại hay lai ngoại x ngoại thường có FCR thấp hơn các giống heo nội hay lai ngoại x nội. Ví dụ: heo lai ngoại x ngoại có FCR là 2,384 thì heo lai ½ máu ngoại x ½ máu nội có FCR tới 3,2 – 3,5 (cả hai giống lai nuôi đến 80 kg).

Trên cùng một con giống, chất lượng thức ăn và khẩu phần cân đối dinh dưỡng làm giảm FCR. Chất lượng thức ăn được đánh giá theo độ tươi ngon và khả năng tiêu hoá hấp thu, khẩu phần cân đối dinh dưỡng là cân đối về năng lượng/protein, cân đối axit amin, đầy đủ chất khoáng và vitamin.

Stress nhiệt và FCR

Chúng ta biết rằng thân nhiệt của heo trong điều kiện sinh lý bình thường luôn giữ ổn định ở mức 39oC. Khi bị stress nhiệt, con vật phải toả nhiệt để duy trì thân nhiệt ở mức này. Để toả nhiệt con vật không thể toát mồ hôi vì trên da của chúng không có tuyến mồ hôi (trừ phần da quanh mõm). Phương thức toả nhiệt của heo là tăng nhịp thở  (nhịp thở có thể tăng từ 20 lần/phút lên 160 lần/phút), tăng sự tiếp xúc với các bề mặt có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể như nằm ép bụng xuống sàn chuồng hay đằm tắm trong nước, thậm chí trong phân và nước tiểu do chúng thải ra. Mặt khác, con vật cũng phải tìm cách giảm sản sinh nhiệt trong cơ thể bằng cách giảm lượng thức ăn ăn vào. Và hậu quả của stress nhiệt đối với heo thịt là:
  
   + Giảm tăng trưởng
   + Giảm HQSDTA, tăng FCR
   + Giảm sức đề kháng,
   + Dễ nhiễm bệnh
 
Một nghiên cứu của Christon (1988) trên heo thịt giai đoạn tăng trưởng (20-50kg) và giai đoạn vỗ béo (50-80kg) với hai nghiệm thức là đối chứng và thí nghiệm. Ở nghiệm thức đối chứng, heo được nuôi ở nhiệt độ 20oC trong giai đoạn tăng trưởng và 17oC trong giai đoạn vỗ béo, độ ẩm ở cả hai giai đoạn là 73-79%. Ở nghiệm thức thí nghiệm, heo được nuôi ở nhiệt độ 22-29oC và độ ẩm 69-91% trong cả hai giai đoạn. Kết quả thí nghiệm kéo dài 1300 giờ cho biết (bảng 1):  so với heo đối chứng, nhịp thở của heo thí nghiệm đã tăng 4-5 lần, lượng thức ăn tiêu thụ giảm 4% (giai đoạn tăng trưởng) và 17% (giai đoạn vỗ béo), FCR tăng 26% (giai đoạn tăng trưởng) và 42% (giai đoạn vỗ béo).
 
Các nghiên cứu về stress nhiệt cho thấy điểm stress nhiệt ((là nhiệt độ mà ở đó heo bắt đầu biểu hiện phản ứng toả nhiệt như tăng nhịp thở, giảm ăn, tăng thoát hơi nước tổng số…) xuất hiện rất sớm, heo càng lớn điểm stress nhiệt càng nhỏ. Ví dụ heo con có cân nặng 5-20kg có điểm stress nhiệt là 27oC thì heo vỗ béo trên 60 kg có điểm  stress nhiệt là 18oC (bảng 2).
 
Bắt đầu từ điểm stress nhiệt heo có những hành vi khác nhau. Theo dõi ở heo 60 kg, tác giả
Huyền TTT (2005) cho biết: ở 16oC heo đã đằm tắm để toả nhiệt, ở 18oC heo thải phân ngay trên chỗ nằm của chúng (cần chú ý rằng heo có thói quen chỉ thải phân ở một chỗ nhất định trong chuồng ngoài nơi nằm nghỉ của chúng), ở 22oC heo mới tăng nhịp thở, ở 25oC heo giảm ăn và ở 26oC tăng thân nhiệt đo ở hậu môn (sơ đồ 1).
 
Bảng 1: Ảnh hưởng của stress nhiệt đến năng suất chăn nuôi của heo thịt
 
 
Heo tăng trưởng 20-50kg
Heo vỗ béo 55-80kg
Đối chứng
T/nghiệm
Đối chứng
T/nghiệm
Thu nhận TA   kg/ngày
Tăng trọng kg/ngày
FCR   kgTA/kgTT
Nhiệt độ trực tràng oC
Nhịp thở lần/phút
 
1,56
0,56e
2,56e
38,4e
22e
 
1,50
0,42f
3,23f
40,6f
102f
 
2,55e
0,93e
2,50e
39,0e
33e
 
2,12f
0,57f
3,57f
40,3f
120f
 
                 e ≠ f với p < 0,05                                                        (Nguồn: Christon, 1988)
                
Bảng 2: Nhiệt độ tối ưu cho heo nuôi nhốt
 
Loại heo
Nhiệt độ tối ưu
(oC)
Giới hạn mong muốn (oC)
Heo mới sinh
Heo con (2-5kg)
Heo con (5-20kg)
Heo sinh trưởng
Heo vỗ béo
Nái mang thai
Nái tiết sữa
Heo đực
35
30
27
21
18
18
18
18
32-38
27-32
24-30
16-27
10-24
10-27
13-27
10-27
                                                                   (Nguồn: R. Mayer & Ray Bucklin 2009)
 
Đối với heo nái sinh sản, biểu hiện của stress nhiệt là:
  • Tăng nhịp thở, tăng thân nhiệt. Theo dõi ở heo chửa cuối kỳ nuôi ở 32oC đã thấy thân nhiệt của heo là 39,6oC, nhịp thở 97 lần/phút còn nếu nuôi ở 21oC thì thân nhiệt chỉ là 39,0oC, nhịp thở 36 lần/phút
  • Giảm lượng thức ăn ăn vào: trong tình trạng stress nhiệt cứ tăng 1oC, tiêu thụ thức ăn của heo mẹ giảm 462- 584g/ngày (Silva và cs, 2009).
Stress nhiệt gây tác hại rất lớn cho heo nái sinh sản, đó là:
  • Mất động dục và kéo dài thời gian chờ phối: Ở 18oC có tới 76,5% số heo nái động dục trở lại sau cai sữa 10 ngày, trong khi ở 27oC chỉ có 38,9% số heo nái động dục trở lại sau cai sữa 10 ngày.
  • Tăng thời gian chờ phối: Stress nhiệt làm tăng thời gian chờ phối sau khi cai sữa con, heo càng gầy khi bị stress nhiệt, thời gian chờ phối càng kéo dài.
  • Tỷ lệ chết phôi tăng: Heo mang thai từ ngày 2 đến 13 nuôi ở nhiệt độ 40,2oC có tỷ lệ phôi chết là  68%,  số thai/mẹ là 4,9 còn ở nhiệt độ 24oC tỷ lệ phôi chết là 35%, số thai/mẹ là  8,8 . Tuy nhiên stress nhiệt không ảnh hưởng đến tỷ lệ chết phôi và số thai/mẹ trong giai đoạn mang thai từ ngày 14 đến ngày 25. Chết phôi tăng làm giảm số con sinh ra/ổ. Trong 4 tuần chửa đầu, ở tình trạng stress nhiệt,  cứ tăng 1oC thì số con giảm 0,7 con/ổ.
  • Stress nhiệt ở giai đoạn chửa cuối cũng làm tăng tỷ lệ đẻ non (5,2 con đẻ non so với 0,4 con đẻ non trong tình trạng không bị stress nhiệt) và giảm số con sinh ra còn sống (6/10,4 con sinh ra còn sống).
  • Giảm khối lượng phôi: Trong điều kiện stress nhiệt, khối lượng phôi là 233mg còn khi không bị stress nhiệt (21oC), khối lượng phôi là 366mg. Khối lượng phôi thấp thì phôi yếu và khối lượng sơ sinh nhỏ.
  • Trong tình trạng stress nhiệt, heo mẹ giảm trọng dẫn đến giảm sản lượng sữa và làm giảm tăng trưởng cũng như sức đề kháng của heo con sau khi sinh.

Biện pháp khắc phục

Để hạn chế stress nhiệt có hai biện pháp chủ yếu sau:

Về chuồng nuôi

Cần đảm bảo chuồng thông thoáng và cách nhiệt tốt. Để thông thoáng, khoảng cách chuồng nọ với chuồng kia không dưới 10-12m, chuồng cần có cửa đón gió mát tránh gió bấc; nếu là chuồng kín thì phải có hệ thống thông gió đúng yêu cầu kỹ thuật. Bằng mọi cách chuồng phải cách nhiệt tốt bằng cây xanh, bằng rèm che, trần cách nhiệt v.v. Trong chuồng cần làm mát bằng hệ thống phun sương, fan pad, cooling pad, bể hay rãnh tắm…Và trong mọi thời tiết phải giữ chuồng và khu vực xung quanh chuồng vệ sinh, sạch sẽ.

Về dinh dưỡng thức ăn

  • Cho uống thỏa mãn nước sạch và mát.
  • Cố gắng tăng thu nhận thức ăn bằng cách cho ăn thức ăn dạng bột trộn với nước mát (tỷ lệ 1 bột : 3 nước).
  • Tăng mật độ chất dinh dưỡng của khẩu phần (mật độ năng lượng, protein, chất béo, axit amin, vitamin và chất khoáng).
  • Sử dụng khẩu phần thấp protein và bổ sung thêm dầu mỡ. Ở heo thịt (25-100kg) hay heo nái nuôi con, trong tình trạng stress nhiệt cần nuôi heo với khẩu phần thấp protein (giảm 1-2% protein nhưng đảm bảo đủ nhu cầu lysine tính trên 1000 kcal ME cũng như đảm bảo cân đối protein theo protein lý tưởng) và bổ sung thêm dầu hay mỡ (bổ sung 4%).
Kết quả nghiên cứu của Lebellego (dẫn theo Renaudeau và cs. 2009) trên heo nuôi thịt cho biết: với khẩu phần thấp protein và bổ sung dầu mỡ, lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày giảm ít hơn 30%, tăng trọng hàng ngày giảm ít hơn 25% so với khẩu phần bình thường. Trên heo nái nuôi con, kết quả nghiên cứu của Renaudeau và cs., (2001) cho biết: lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày giảm ít hơn 7%, thể trọng heo mẹ giảm ít hơn 44% so với khẩu phần bình thường (khẩu phần không giảm protein và bổ sung dầu mỡ). Thể trọng heo mẹ trong giai đoạn tiết sữa nuôi con giảm ít thì không bị kéo dài thời gian lên giống sau khi cai sữa con.

Cung cấp đầy đủ vitamin ADE, nhóm B và vi khoáng (Fe, Cu, Zn, Se), bổ sung chất điện giải (Na bicarbonate) vào thức ăn hoặc cho uống nước muối loãng (5g muối/lít nước).

Kết luận

Stress gây tác hại lớn và là một thách thức lớn trong chăn nuôi nước ta. Trong các biện pháp nâng cao HQSDTA, ngoài biện pháp giống và dinh dưỡng - thức ăn thì biện pháp hạn chế stress nhiệt cũng là một biện pháp quan trọng. Trong điều kiện cùng một con giống, biện pháp hạn chế stress nhiệt thậm chí còn quan trọng hơn cả biện pháp dinh dưỡng - thức ăn.
 
                                     TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
 
Christon, R. 1988: The effect of tropical ambient temperature on growth and metabolism in pig. J. Anim. Sci. 66: 3112-3123
Danish Pig Production, Annual Report 2007. Research and Development. 1st Ed., October 2007
Huỳnh Thị Thanh Thuỷ, 2005: Heat stress in growing pig. PhD. Thesis, Wageninngen Institute of Animal Science, Wageninngen University, Wageninngen Netherlands. ISBN 90-8504-156-2
Latest Global Pig, Hog, Swine Industry News: Pig Producer can improve feed conversion to cut cost (www.thepigsite.com/swinenews/vars/country/g)
Mayer Robert and Ray Bucklin, 2009: Influence of Hot-Humid Environment on Growth Performance and Reproduction of Swine. AN 107. IFAS Extension, University of Florida
Renaudeau D., J.L Gourdine, BAN Silva & J. Noblet, 2009: Nutrtional routes to attenuate heat stress in pig. INRA, France
Silva, B.A., J. Noblet, R.F Oliveira, J.L Donzele, Y. Primot and D. Renaudeau, 2009: Effects of dietary protein level and amino acids supplementation on feeding behavior of multiparuos lactating sows in tropical humid climate. J. Anim. Sci. 87: 2109-2112

                                                                                         GS Vũ Duy Giảng
ĐHNN – Hà Nội



Receive articles via Email!

In bài nàyPrint Download post as *.pdfDownload post as *.pdf


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y