Bệnh Ung Khí Thán Trên Trâu, Bò (Bệnh Cẳng Đen - Blackleg Disease) | Vetshop.VN


Bệnh Ung Khí Thán Trên Trâu, Bò (Bệnh Cẳng Đen - Blackleg Disease)

Đăng bởi: | ngày: 23.11.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Là một bệnh gây hoại tử cơ do hoạt tính của loài vi khuẩn Cl. chauvoei ở dạng bào tử gây bệnh (Jubb và ctv, 1983). Các tác giả này cũng có đề cập đến bệnh tương tự do do một số loài Clostridium như Cl. septicum, Cl. novyi hầu như liên kết với nhiễm trùng từ vết thương gọi là phù thũng ác tính. Thông thường khó hoặc không thể phân biệt 2 bệnh trên về lâm sàng hoặc mổ khám bệnh tích (Williams, 1977).

1. Căn bệnh:

Ảnh vi khuẩn Clostridium dưới kính hiển vi.
Ảnh vi khuẩn Clostridium dưới kính hiển vi.
Cl. chauvoei là vi khuẩn Gr+, trực khuẩn kỵ khí có khả năng sinh bào tử. Bào tử vi khuẩn trên có sức đề kháng rất cao với ngoại cảnh và tồn tại nhiều năm. Nó được coi như một vi khuẩn thổ nhưỡng. Sau khi được trâu bò, cừu và các thú khác ăn phải, các bào tử sẽ vào khu trú trong lách, gan và cơ (Kerry, 1964). Dạng dinh dưỡng của vi khuẩn sản xuất ra một số độc tố, có thể gây hoại tử cơ và nhiễm độc huyết. Cơ chế chủ yếu làm hoạt động bào tử đang nằm im để gây ra bệnh còn chưa được hiểu rõ, nhưng giả thiết cho là tình trạng giảm áp lực Oxy và một mức độ tổn thương cơ là cần thiết. Sau khi hoạt hóa, vi khuẩn nhân lên rất nhanh và sinh độc tố làm cơ bị hoại tử và nhiễm độc huyết.

Các trường hợp bệnh xảy ra trên thú giữa tuổi 4 tháng - 2 năm, thường là ở ngoài đồng cỏ, mặc dù có thể bệnh xảy ra ở bò nuôi nhốt.

2. Triệu chứng:

Trên những đàn ít được kiểm tra thường xuyên, có thể gặp các trường hợp chết mà không có dấu hiệu bệnh. Các triệu chứng lâm sàng ở thú bệnh có liên quan đến nơi có bệnh tích. Tình trạng bệnh ở chân biểu lộ không đi lại được vì sưng lên ở phần trên, ban đầu nóng và đau, sau đó trở nên lạnh và phù thũng. Một loại bệnh tích ở lưỡi do lưỡi và cuống họng sưng, lưỡi thè ra khỏi miệng gây khó thở. Đi khó khăn và ngại di chuyển trở nên rõ ràng khi các cơ vùng thắt lưng bị tác động. Ngoài các triệu chứng trên, con vật thể hiện rất mệt, biếng ăn, tim đập nhanh và thân nhiệt tăng hơn 40 độ C (104 độ F). Ở thể quá cấp, thú có thể chết trong vòng 8 - 24 giờ.

3. Bệnh tích:

Bệnh thường diễn biến cấp tính nên khó (ít) có khả năng lấy mẫu bệnh phẩm trước khi thú chết. Sau khi chết, quày thịt thường sình lên và quá trình thối rữa diễn ra nhanh. Có sủi bọt ở các lỗ tự nhiên. Nếu bệnh tích ở các cơ cạn, có thể sờ các bệnh tích nhưng thường là khó vì sự thối rữa diễn ra rất nhanh.

Thú chết vì bệnh ung khí thán thường có thể trạng tốt. Các xoang cơ thể chứa dịch có máu. Các phủ tạng mềm cho thấy các bằng chứng của sự thoái hóa và tự hoại sau khi chết.

Các cơ bị đen lại, khô và có vẻ sủi bọt
Các cơ bị đen lại, khô và có vẻ sủi bọt
Các cơ bị đen lại, khô và có vẻ sủi bọt
Toàn bộ cơ vân phải được kiểm tra kỹ nhờ phương pháp sờ nắn và cắt vào vùng sưng. Các bệnh tích do Cl. chauvoei có một sắc thái đặc biệt (Williams, 1977). Các cơ bị đen lại, khô và có vẻ sủi bọt và có mùi bơ ôi. Chung quanh vùng cơ đó có dịch xuất màu vàng nhạt nhưng sẽ trở nên nhuốm máu nếu quá trình thoái hóa sau chết diễn ra.

4. Chẩn đoán:

Chẩn đoán bệnh dựa trên cơ sở các triệu chứng lâm sàng và mổ khám sau chết (post mortem examination). Nhưng nếu không thấy triệu chứng, cần chú ý loại trừ khả năng bệnh nhiệt thán trước khi mổ khám. Có thể xác định Cl. chauvoei qua nhuộm vết phết bệnh phẩm với kháng thể huỳnh quang chuyên biệt. Nuôi cấy phân lập không hiệu quả trừ phi các mô còn tươi tốt vì các Clostridium khác trong đường tiêu hóa thường xâm nhập vào mô bào rất nhanh sau khi thú chết. Ngoài ra có thể tiêm canh khuẩn (0,1 ml) gây bệnh cho chuột lang, chuột lang chết trong vòng 48 giờ, khi chết vùng tiêm (đùi) bị thâm đen, phù thủng. Thỏ có đề kháng.

Bệnh ung khí thán có thể nhầm với các bệnh khác nhất là khi xảy ra chết đột ngột. Các tình trạng nhiễm độc chì và các hóa chất khác cần có xét nghiệm thêm ở phòng thí nghiệm nhưng không có bệnh tích ở cơ. Bệnh đen (Black disease) và bệnh đái ra huyết sắc tố do vi khuẩn (Bacillary haemglobinuria) cũng cần chẩn đoán phân biệt, nhưng các hoại tử thiếu máu trên gan là các đặc điểm chẩn đoán cho 2 bệnh này.

5. Điều trị và phòng bệnh:

Kháng sinh chỉ có hiệu quả nếu điều trị sớm. Dùng Penicilline (10 000 IU/kg thể trọng) nên tiêm vào tĩnh mạch, tiếp theo là loại thuốc có hiệu lực kéo dài, một số trường hợp có thể tiêm vào vùng mô bị bệnh (Blood và ctv, 1983). Tuy nhiên, vì nhiều mô bị tác động nên các mô cơ của thú khỏi bệnh cũng không còn giá trị kinh tế. Không nên điều trị cho thú có bệnh tích ở lưỡi vì nếu ngay cả khi thành công thì toàn bộ lưỡi hoặc phần lớn lưỡi cũng hỏng và như thế nên giết mổ sớm.
Vị trí tiêm cơ và dưới da trên thú nhai lại
Vị trí tiêm cơ và dưới da trên thú nhai lại
Bệnh ung khí thán có thể phòng bệnh hữu hiệu bằng vaccin. Các thú trên 6 tháng tuổi nên được tiêm phòng trước khi chăn thả vào mùa xuân. Tuy nhiên, có thể ích lợi hơn nếu dùng vaccin đa giá chứa kháng nguyên Cl. chauvoei, Cl. novyi Cl. septicum để chống 3 bệnh cẳng đen, phù thũng ác tính và bệnh đen ở trâu bò.

Nguồn: Vetshop VN



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y