Bệnh Hồng Lỵ Do Xoắn Khuẩn Brachyspira Trên Heo | Vetshop.VN


Bệnh Hồng Lỵ Do Xoắn Khuẩn Brachyspira Trên Heo

Đăng bởi: | ngày: 29.9.15 Bình luận cho bài viết! | In bài này

1. Lịch sử và phân loại bệnh

Xoắn khuẩn B. hyodysenteriae dưới kính hiển vi nền đen
Hình 1: Xoắn khuẩn B. hyodysenteriae
dưới kính hiển vi nền đen
Xoắn khuẩn Brachyspira đầu tiên được phân lập từ heo bị bệnh hồng lỵ (swine dysentery – SD) bởi Taylor và Alexander (1971). Những loài này ban đầu được đặt tên là Treponema hyodysenteriae, dựa trên những yêu cầu về hình thái học, môi trường sống và điều kiện phát triển yếm khí. Tiếp đó, một xoắn khuẩn tương tự về hình thái và đặc điểm sinh hóa nhưng không gây bệnh đã được phân lập từ heo, và được gọi tên là Treponema innocens.


2. Căn bệnh học

Hình thái của Brachyspira có dạng xoắn nên được gọi là xoắn khuẩn. Brachyspira thường có khoảng 6-14 vòng xoắn đều đặn dao động khoảng 1 mm (vòng xoắn Brachyspira cuộn không chặt bằng vòng xoắn của Leptospira ). Xoắn khuẩn dạng đơn bào, kích thướt nhỏ với chiều dài 5-20 mm và chiều rộng 0,1- 0,5 mm nên chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi nền đen. 

Bảng 1: Những loài Brachyspira (Stanton, 2006)

Xoắn khuẩn có các cấu trúc tương tự như tiên mao gọi là sợi trục (lông roi), chứa ở khoang nằm giữa màng trong và màng ngoài của lớp vỏ xoắn khuẩn. Khi lông roi xoay chuyển trong khoang này, xoắn khuẩn di động theo kiểu xoắn ốc. Hình thức di chuyển này cộng thêm kích thước hẹp về bề ngang, hình dạng đặc biệt mềm dẻo sẽ giúp cho xoắn khuẩn thích ứng với các môi trường nhầy, chất cặn lắng, mô nhầy, ống tiêu hoá động vật.Chính vì vậy, xoắn khuẩn dễ tạp nhiễm các chất khác, khi nuôi cấy phân lập cần phải thanh trùng bằng phương pháp lọc.

3. Dịch tễ học

Viêm ruột do Brachyspira chủ yếu gây bệnh hồng lỵ trên heo (Swine Dysentery – SD) do Brachyspira hyodysenteriae. SD phân bố trên toàn thế giới.Tỷ lệ mắc bệnh thay đổi khác nhau trong các quốc gia và vùng lãnh thổ, và thay đổi theo thời gian. SD vẫn còn là một vấn đề tương đối phổ biến và dịch nội vùng quan trọng ở nhiều nước châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á. Trong 20 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh SD giảm ở Mỹ khi kiểm soát tình trạng sức khỏe của đàn mới ở những tiểu bang nuôi công nghiệp với số lượng đàn lớn, sản xuất nhiều và hệ thống heo cai sữa sớm. Việc sử dụng thuốc thường xuyên với carbadox cũng có thể làm giảm áp lực bệnh, tuy nhiên tỷ lệ bệnh một lần nữa lại tăng ở các tiểu bang nơi mà carbadox đã được thu hồi sử dụng.

B. hyodysenteriae lây nhiễm tự nhiên trên heo (bao gồm cả heo rừng) và đôi khi ở một số loài chim (gà, vịt, ngỗng). Ở những trang trại nhiễm bệnh, người ta cũng phân lập được từ chuột, chó, chim hoang dã, bao gồm cả mòng biển.

Heo nhiễm bài thải xoắn khuẩn qua phân có thể lây lan cho cả đàn do ăn phải. B. hyodysenteriae có thể lây lan trong phân bởi những người chăm sóc heo mà không thay quần áo hay giày dép. Sự truyền lây giữa các dãy chuồng có thể xảy ra trong những hệ thống kênh nước chảy giữa các dãy chuồng. Những động vật hoang dã trong trại là nguồn lưu trữ tiềm năng mà có thể truyền bệnh. Dịch xảy ra trong những đàn heo sau khi tiếp xúc với thức ăn bị nhiễm hoặc xe tải, người đã có tiếp xúc với heo bệnh.

4. Cơ chế sinh bệnh

Brachyspirasau khi xâm nhập vào cơ thể heo theo đường tiêu hóa, nó đi vào các tế bào hình chén của niêm mạc kết tràng và nhân lên trong hốc của tuyến Lieberkuhn. Xoắn khuẩn và nội độc tố của nó tấn công vào niêm mạc, màng dưới niêm mạc gây viêm, bào mòn và hoại tử niêm mạc tế bào ruột. Bệnh do xoắn khuẩn làm cho phần lớn ruột già bị hư hại, trong đó nghiêm trọng nhất là ở kết tràng, vì thế heo hấp thu thức ăn kém dẫn đến giảm tăng trọng hàng ngày, đồng thời tăng cơ hội phụ nhiễm các loại vi khuẩn khác như Campylobacter coli, Bacteroide vulgatus, B. faragilis hoặc Fusobacterium necrophorum làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi heo.

5. Triệu chứng

Viêm ruột do Brachyspira xảy ra chủ yếu trên heo từ 6 – 12 tuần tuổi, từ heo cai sữa cho đến xuất chuồng. Tuy nhiên cũng thấy ở nái thời kỳ mang thai hay cho sữa, điều này ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh. Sự bùng phát của SD, những heo cai sữa mắc bệnh có thể lên đến 90% và tỷ lệ tử vong có thể 30% nếu hiệu quả điều trị chậm trễ. Trong những đàn bị ảnh hưởng mạn tính, đặc biệt nếu chúng được điều trị, bệnh có thể không có dấu hiệu lâm sàng rõ ràng.

Thời kì ủ bệnh đối với SD thì thay đổi từ 2 ngày đến 3 tháng, nhưng bệnh thường xảy ra trong vòng 10 – 14 ngày đối với những heo tiếp xúc tự nhiên. Bệnh thường lây lan dần dần, với những heo mới tiếp xúc thì bị ảnh hưởng mỗi ngày.

Tiêu chảy là dấu hiệu thường thấy nhất của SD, nhưng mức độ nghiêm trọng có thể khá biến động. Thỉnh thoảng những heo bị nhiễm quá cấp tính và chết chỉ sau vài giờ với triệu chứng tiêu chảy hoặc không. Bằng chứng đầu tiên của bệnh là tiêu chảy phân lỏng, có màu vàng đến màu xám (lúc mới tiêu chảy có màu vàng, về sau mãn tính thì có phân xám). Bỏ ăn và nhiệt độ trực tràng gia tăng 40 – 40,50C. Sau một vài giờ đến một vài ngày nhiễm bệnh, có một số lượng lớn chất nhầy và thường lốm đốm máu trong phân và những mảnh dịch rỉ viêm trắng. Kéo dài tiêu chảy dẫn đến mất nước với chứng khát gia tăng, và heo bị nhiễm bệnh gầy, yếu, hốc hác.

Hầu hết heo có cùng trình tự dấu hiệu lâm sàng, nhưng thời gian liên quan có thể khác nhau từ vài giờ đến vài tuần, và tùy thuộc vào cấp tính, bán cấp tính và mạn tính. Phân trong trường hợp mạn tính thường có màu tối sẫm nên được gọi là tiêu chảy đen.

Nguyên nhân cuối cùng của cái chết trong hầu hết ở heo có liên quan là bị mất nước, nhiễm acid, tăng kali máu.

Hình 2: Phân có máu đỏ tươi do xuất huyết ruột già.
Hình 2: Phân có máu đỏ tươi do xuất huyết ruột già.
Hình 3: Phân tiêu chảy có máu và chất nhầy.
Hình 3: Phân tiêu chảy có máu và chất nhầy.

6. Bệnh tích

6.1. Bệnh tích đại thể

Dấu hiệu đầu tiên quan sát được ở heo mà bị chết vì SD là hốc hác, lông khô và dính phân. Mất nước thường là hiển nhiên. Một đặc điểm đặc trưng của bệnh là bệnh tích ở ruột già nhưng không có ở ruột non.

Những thay đổi điển hình trong giai đoạn cấp tính bao gồm sung huyết, phù nề thành và màng treo ruột già. Viêm cũng gây sưng hạch bạch huyết màng treo ruột và hình thành một lượng nhỏ dịch báng rõ ràng. Có hiện tượng niêm mạc sưng lên, thường bị bao phủ bởi chất nhầy và sợi huyết với lốm đốm máu. Chất chứa trực tràng lỏng và có dịch rỉ. Khi bệnh tiến triển, lượng phù nề trong thành ruột già giảm. 

Những tổn thương niêm mạc có thể trở nên nghiêm trọng với sự gia tăng tiết dịch sợi huyết, niêm mạc dày, màng giả chất nhầy có sợi huyết. Khi bệnh tích mạn tính, bề mặt niêm mạc thường được bao phủ bởi dịch rỉ sợi huyết mỏng, dày đặc, thường xuất hiện dấu hiệu hoại tử, nhưng khá hời hợt. Bệnh tích có thể được tìm thấy ở những heo khỏe, thường được bao phủ với một ít chất nhầy, nhưng với chất chứa trực tràng bình thường.

Hình 4: Manh tràng có máu (trái) và có màng giả (phải)
Hình 4: Manh tràng có máu (trái) và có màng giả (phải)
Hình 5: Manh tràng có sợi huyết và nốt hoại tử sau 20 ngày nhiễm bệnh
Hình 5: Manh tràng có sợi huyết và nốt hoại tử sau 20 ngày nhiễm bệnh

6.2. Bệnh tích vi thể

Bệnh tích vi thể đặc trưng được tìm thấy trong manh tràng, kết tràng và trực tràng. Bệnh tích điển hình cấp tính bao gồm niêm mạc và lớp dưới niêm dày lên do xung huyết mạch máu, sự thoát dịch và bạch cầu. Có chứng tăng sinh tế bào đài và tế bào biểu mô ở các khe có thể được kéo dài ra và tăng sắc tố. 

Xoắn khuẩn có thể có trong tế bào đài ở các khe ruột; bề mặt xoang ruột và phá hủy tế bào biểu mô; một vài xoắn khuẩn có thể được tìm thấy trong lamina propria, đặc biệt xung quanh các mạch máu. Mất sự gắn kết giữa các tế bào ruột già, với hoại tử và rụng của biểu mô. Tăng số lượng bạch cầu trong lamina propria, với sự tích lũy bạch cầu trung tính trong và xung quanh mao mạch gần xoang ruột. Chảy máu có thể xuất hiện từ những mạch máu nhỏ bên dưới các vùng của biểu mô bị xói mòn, và điều này có thể bị xâm chiếm bởi các vi sinh vật có trong trực tràng.

Hình 2.9: Xoắn khuẩn B. hyodysenteriae trong các khe ruột già
Hình 2.9: Xoắn khuẩn B. hyodysenteriae trong các khe ruột già

7. Chẩn đoán

7.1. Chẩn đoán lâm sàng

Một số bệnh đường ruột có thể bị nhầm lẫn với SD, và nó thường xảy ra đồng thời với những nhiễm trùng đường ruột khác.

Bệnh viêm hồi tràng gây ra bởi Lawsonia intracellularis có triệu chứng lâm sàng tương tự SD, nhưng SD không ảnh hưởng trên ruột non.

Bệnh do Salmonella có cùng dấu hiệu lâm sàng và bệnh tích; tuy nhiên, với Salmonella có thể có xuất huyết hoặc hoại tử trong các cơ quan mô mềm và hạch lympho, và bệnh tích niêm mạc trong ruột non. Những bệnh tích loét sâu đường ruột cũng có nhiều điển hình của Salmonella.

Bệnh do giun tóc có thể phân biệt được với SD dựa trên cơ sở của sự hiện diện số lượng lớn Trichuris suis ở ruột già. Loét dạ dày và những tình trạng xuất huyết khác có thể dẫn đến có máu trong phân, nhưng điều này có xu hướng là hắc ín do tiêu hóa của máu.

7.2. Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Chẩn đoán phòng thí nhiệm có thể dùng mẫu bệnh phẩm phân heo tiêu chảy lấy từ trực tràng heo còn sống hoặc niêm mạc ruột già (đặt biệt đoạn manh kết tràng) của heo chết. Hai mẫu này có thể soi tươi dưới kính hiển vi nền đen tìm xoắn khuẩn. Bên cạnh đó, người ta còn dùng kỹ thuật nhuộm mẫu bệnh phẩm bằng một trong một số chất như dilute carbol fuchsin (DCF), victoria blue 4-R và kỹ thuật nhuộm bạc để dễ dàng quan sát xoắn khuẩn hơn dưới kính hiển vi.

Ngoài ra, người ta có thể cắt ruột kết ngâm 10% formalim để làm mô bệnh học và mẫu phân hoặc mẫu chất cạo sâu niêm mạc ruột kết thực hiện kỹ thuật kháng thể huỳnh quang phát hiện sự hiện diện của xoắn khuẩn.

Sau khi nuôi cấy và phân lập được Brachyspirathì sử dụng kỹ thuật PCR có thể chuẩn đoán phân biệt giữa các loài Brachyspira một cách nhanh chóng và chính xác.

8. Điều trị

Heo bị nhiễm nghiêm trọng có thể chích kháng sinh liệu trình ít nhất 3 ngày; tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp là pha nước uống từ 5 – 7 ngày thì thích hợp hơn, hoặc trộn kháng sinh vào thức ăn cho ăn từ 7-10 ngày. Cung cấp nước thường xuyên cho heo, cung cấp dung dịch điện giải cho những heo bị tiêu chảy trầm trọng, nếu tiêu chảy có máu thì có thể chích thêm vitamin K.

Thuốc hiện nay được sử dụng thông dụng nhất trong việc điều trị SD là tiamulin, valnemulin, tylosin và lincomycin. Những kháng sinh khác như bacitracin, spiramycin, gentamicin, dimetridazole, ronidazole, virginiamycin, olaquindox, và carbadox có thể sử dụng để phòng và trị viêm ruột do Brachyspira).

Xem thêm: Sử dụng kháng sinh trong Chăn nuôi - Thú y

9. Phòng bệnh

9.1. Vệ sinh phòng bệnh

Vệ sinh chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khi heo mới mua về phải cách ly và kiểm tra theo dõi 15 ngày trước khi nhập trại. Quản lý cùng vào cùng ra, kiểm soát sự ra vào trại của công nhân,định kỳ khử trùng chuồng trại.

Sự bùng phát của SD thường gắn liền với tình trạng stress như mật độ đông đúc, thời tiết khắc nghiệt, thay đổi chế độ ăn uống. Do đó, giảm thiểu những điều này sẽ giảm được bệnh do xoắn khuẩn gây ra.

Kiểm soát hiệu quả động vật gậm nhấm, các loài chim hoang dã vì những loài này là nơi lưu trữ và truyền lây mầm bệnh.

9.2. Phòng bệnh bằng thuốc

Sử dụng kháng sinh để phòng bệnh viêm ruột do Brachyspira trên heo.

Bảng 2: Một số kháng sinh điều trị bệnh viêm ruột do Brachyspira

Nguồn: Vetshop VN



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y