Những Nguyên Nhân Làm Thay Đổi Thức Ăn Hỗn Hợp | Vetshop.VN


Những Nguyên Nhân Làm Thay Đổi Thức Ăn Hỗn Hợp

Đăng bởi: | ngày: 27.2.14 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Các nguyên liệu sử dụng trong thức ăn gia súc.
Các nguyên liệu sử dụng
trong thức ăn gia súc.

1. NHỮNG NGUYÊN NHÂN LÀM THAY ĐỔI CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN HỖN HỢP

Nhìn chung thức ăn hỗn hợp cho gia súc và thuỷ sản có chất lượng khá ổn định sau khi sản xuất. Tuy nhiên cũng có một vài tác nhân tác động đến chất lượng của sản phẩm.

Nguyên liệu: Chất lượng của nguyên liệu phụ thuộc vào nguồn cung cấp (trong và ngoài nước), mùa vụ, điều kiện và thời gian bảo quản (sử dụng khô dầu dừa bị ôi có thể làm cho thức ăn có mùi sả, thức ăn có mùi mốc nếu sử dụng nguyên liệu để lâu ngày, thức ăn bột có thể có nhiều mọt do trong nguyên liệu thức ăn có nhiều mọt chưa được xử lý…), nguồn gốc (bắp trồng ở miền Đông khác với bắp trồng ở Tây Nguyên). Vì mục đích lợi nhuận cho nên nhiều khi trong nguyên liệu có pha lẫn tạp chất (pha trấu lẫn vào cám, trong bột cá có pha urê và bột lông vũ vào…). Chất lượng của nguyên liệu ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thức ăn thành phẩm.

Quá trình sản xuất: Nhiệt độ ép đùn, nhiệt độ ép viên, nhiệt độ sấy không phù hợp ảnh hưởng đến độ ẩm của sản phẩm. Lượng hơi nước quá nhiều khi ép viên thức ăn heo có thể làm cho viên thức ăn bị vón lại. Đối với thức ăn thuỷ sản, thường có hiện tượng viên đóng cục nhiều đối với thức ăn dạng viên cỡ ly nhỏ, sở dĩ có hiện tượng này là do dao cắt bị cùn hay lượng nước cho vào trong quá trình ép đùn quá nhiều. Thức ăn viên không có mùi nhiều do phun ít dầu (dầu cá, dầu mực) cũng ảnh hưởng đến khả năng tạo mùi và tính dẫn dụ của thức ăn cho cá. Máy móc không được vệ sinh kỹ càng thì thức ăn sau khi sản xuất có thể có mùi mốc.

Quá trình bảo quản và vận chuyển: Trong quá trình tồn trữ thức ăn tại nhà máy, vận chuyển từ nhà máy đến đại lý, trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản thì độ ẩm của sản phẩm dễ bị biến đổi theo chiều hướng tăng lên, đặc biệt là vào mùa mưa. Sự tăng lên của độ ẩm có thể làm thức ăn bị vón lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển.

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như ở Việt Nam thì có nhiều các nhân tố gây nên tình trạng oxy hoá trong nguyên liệu, thức ăn thành phẩm như hàm lượng dầu thêm vào trong thức ăn, trong bột cá, đồng, protein, acid béo, khoáng, vitamin ... Đặc biệt thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam với các thành phần cao như protein đối với thức ăn gia súc, chất béo trong thức ăn thuỷ sản qua quá trình tồn trữ và vận chuyển tiếp xúc với oxy trong không khí, hoặc oxy hoá do nhân tố vật lý hoá học làm cho các thành phần trong thức ăn bị biến đổi gây tổn thất các thành phần dinh dưỡng và làm giảm chất lượng sản phẩm và ảnh hưởng đến tính ngon miệng của vật nuôi.

2. QUÁ TRÌNH ÔI CỦA THỨC ĂN CHĂN NUÔI VÀ THỨC ĂN THUỶ SẢN

Hiện nay các nhà sản xuất có xu hướng sử dụng nhiều nguyên liệu từ thực vật để dần thay thế nguyên liệu từ động vật trong sản xuất thức ăn hỗn hợp cho gia súc và thủy sản. Nguyên nhân là do trong nguyên liệu động vật có nhiều yếu tố bất lợi trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho vật nuôi như sự nhiễm vi khuẩn Salmonella, E.coli hoặc nồng độ muối cao trong bột cá mặn có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thú, nhất là thú non. Đối với bột thịt và bột thịt xương thì trước đây mầm bệnh được quan tâm nhiều là Salmonella, nhưng ngày nay vi khuẩn gây thương hàn đã trở thành mối quan tâm thứ hai sau bệnh bò điên (Mad Cow) vốn rất dễ lây lan qua các sản phẩm động vật...Và để tạo mùi thơm cho sản phẩm, người ta thường phun dầu cá, dầu mực cho thức ăn cá trong giai đoạn sau sấy, đối với thức ăn heo thì phun trong giai đoạn nghiền.

Những nguyên liệu thực vật thường được sử dụng là bắp, cám gạo, khô dầu dừa, khô dầu đậu nành, cám gạo chiết ly, cám mì, khoai mì... Một số loại dầu được sử dụng trong thức ăn là dầu dừa, dầu cọ, dầu đậu phộng, dầu đậu nành, dầu cá, dầu gan mực. Tuy nhiên trong thành phần của các loại dầu lại thường có chứa acid béo không no (trừ dầu cọ và dầu dừa), đây là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng oxy hoá.

Vì vậy trong thức ăn chăn nuôi chế biến sẵn rất dễ xảy ra hiện tượng oxy hoá. Quá trình tự oxy hoá xảy ra ngay sau khi quá trình chế biến thức ăn bắt đầu. Thường thì vỏ bọc bên ngoài của hạt dầu có tác dụng bảo vệ hạt và chống sự oxy hoá tự nhiên. Quá trình nghiền thức ăn sẽ làm vỡ màng bọc, lipid tiếp xúc với oxy không khí và quá trình oxy hoá xảy ra rất nhanh, dễ gây ôi. Đây là kết quả của sự tác động của những tác nhân oxy hóa vào nối đôi trong acid béo chưa no và tạo ra các peroxide và những gốc tự do có hoạt tính hóa học rất mạnh như aldehyd, ceton, và sản phẩm cuối cùng được tạo thành là acid. Gia súc có thể nhận biết mùi ôi này khi chỉ có 1 ppb aldehyde hiện hữu (Frankel, 1984). Khi thức ăn bị oxy hoá sẽ phá huỷ xanthophyl và các vitamin tan trong chất béo và giảm độ ngon miệng của thức ăn, mất năng lượng và protein, hình thành các độc tố có tác động xấu đến sức khoẻ vật nuôi.

2.1. Cơ chế của sự ôi hoá

Dưới tác dụng của bức xạ tử ngoại, các ion kim loại có hoá trị thay đổi như Cu++, Fe++ … một số phân tử tự do biến thành gốc tự do (đây là những phân tử có mang điện tử độc thân) (phản ứng 1). Gốc tự do được tạo thành sẽ tác kích lên phân tử cơ chất ở vị trí carbon kề với carbon mang nối đôi, lấy đi một nguyên tử hydro để được ổn định ở dạng ban đầu (RH), phân tử cơ chất bị mất một nguyên tử hydro hình thành gốc tự do mới (phản ứng 2). Đến đây một phân tử oxy sẽ tác kích vào gốc tự do vừa được tạo thành để cho ra một peroxide-là các hợp chất rất không ổn định và mang hoạt tính cao (phản ứng 3), các peroxide được tích luỹ trong lúc đầu, nhưng sau đó số lượng của chúng giảm đi. Như vậy chỉ số peroxide chỉ thích hợp để đánh giá mức độ oxy hoá các lipid trong giai đoạn đầu mà thôi. Nếu nguồn oxy cho phản ứng không bị hạn chế, toàn bộ các acid béo không bão hoà có thể bị oxy hoá. Trung bình tính từ phản ứng khởi đầu cho đến phản ứng kết thúc, một gốc tự do có thể sinh ra từ 10-100 phân tử peroxide (trong trường hợp lipid tinh chất).

Peroxide mới được hình thành tự ổn định bằng cách lấy một nguyên tử hydro của một phân tử hữu cơ khác để cho ra hydro peroxide (phản ứng 4). Đồng thời một gốc tự do mới được tái tạo, gốc tự do này tiếp tục tác kích vào cơ chất để lấy một nguyên tử hydro (quá trình này quay trở lại phản ứng ban đầu, phản ứng 1). Các hydro peroxide được tạo thành (phản ứng 4) về mặt cơ cấu phân tử thì không bền vững nên có khuynh hướng tự sắp xếp lại các nhóm nguyên tử của nó để đạt được cơ cấu bền hơn vì thế aldehyd và alcol được tạo thành (phản ứng 5). Các alcol sau đó cũng bị oxy hoá để tạo thành các aldehyd (phản ứng 6). Các aldehyd sẽ tiếp tục bị oxy hoá để tạo thành acid (phản ứng 7).

2.2. Các yếu tố gây ảnh hưởng đến sự oxy hoá

  • Ẩm độ: là điều kiện cần thiết để các enzyme, trong đó có những enzyme xúc tác các phản ứng oxy hoá hoạt động. Nhiều enzyme trong số này (chẳng hạn lypoperoxydase) chỉ hoạt động khi có ẩm độ ít nhất 80% (Schaich, 1980) nên thực tế ảnh hưởng của ẩm độ lên thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản là không lớn lắm.
  • Ánh sáng: các bức xạ tử ngoại của ánh sáng mặt trời với năng lượng cao (bước sóng ngắn) là tác nhân có khả năng bẻ gãy các liên kết C-C hoặc C-H trong các phân tử hữu cơ để tạo ra các gốc tự do R, chất khơi mào cho chuỗi phản ứng oxy hoá và do đó nó có ảnh hưởng đến quá trình ôi hoá thức ăn hỗn hợp chế biến sẵn. Vì vậy để hạn chế cần dự trữ thức ăn hỗn hợp ở kho tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.
  • Nhiệt độ: ảnh hưởng lớn đến vận tốc phản ứng hoá học (ngoại trừ những phản ứng được xúc tác bởi enzyme đặc hiệu cần có nhiệt độ tối hảo). Khi nhiệt độ môi trường tăng thêm 100 C thì vận tốc phản ứng tăng gấp đôi. Nhiệt độ tăng, lượng peroxide tạo thành tăng. Ở nhiệt độ 40-50 độ C và cao hơn, sự phân giải hydro peroxide sẽ tăng.
  • Oxy không khí: mặc dù gốc tự do là chất khơi mào cho phản ứng oxy hoá, nhưng oxy phân tử là một nhân tố quan trọng trong phản ứng này. Vì nồng độ oxy, hay đúng hơn là áp lực riêng phần của oxy trong môi trường, có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phản ứng oxy hoá. Do đó, lượng oxy tiêu thụ thường được coi là thước đo quá trình oxy hóa.
  • Các ion kim loại có hoá trị thay đổi: nhiều công trình nghiên cứu cho thấy các ion kim loại có hoá trị thay đổi, có tác dụng xúc tác đối với sự oxy hoá chất béo như Fe, Ni, Co, Cu, Mn. Trong đó ion Fe++, Cu++ có năng lực đặc biệt xúc tác phản ứng tạo ra các gốc tự do. Thực nghiệm cho thấy khi có mặt sắt ở trong dầu với lượng 0,2-1 mg/kg thì sắt sẽ làm giảm độ bền của dầu đối với oxy hoá 20-50%. Với Cu chỉ cần 0,05-0,2 mg/kg sẽ làm giảm độ bền của dầu đối với oxy hoá 20-50%.
  • Acid béo tự do: có tác dụng xúc tác quá trình oxy hoá, làm tăng nhanh sự phân giải hydro peroxide thành các gốc.

2.3. Các tác nhân dẫn tới sự oxy hóa

Sự oxy hoá được khơi mào bằng việc hình thành nên các gốc tự do và khi gốc tự do được tạo thành thì nó liên tục được tái tạo. Như vậy, để bảo vệ sản phẩm (thức ăn chăn nuôi) chống lại sự oxy hoá, không gì tốt hơn là tìm cách loại bỏ những nguyên nhân đưa tới sự tạo ra các gốc tự do này, hoặc lái hoạt động của gốc tự do theo một hướng khác nhằm vô hiệu hoá chúng. Theo Wate, 1997 và Schaich, 1980 có ba nguyên nhân chính dẫn tới sự hình thành gốc tự do là ánh sáng, enzyme và ion kim loại.

Tuy nhiên đối với thức ăn chăn nuôi thì ảnh hưởng của hai yếu tố ánh sáng và enzyme không nhiều, vì thường thức ăn chăn nuôi có độ ẩm tương đối thấp (nhỏ hơn hoặc bằng 14%) nên đã hạn chế rất nhiều hoạt động của các enzyme, do thức ăn chăn nuôi được đựng trong các bao bì kín nên cũng tránh được tác động của ánh sáng. Duy chỉ có các ion kim loại mới là vấn đề khiến các nhà sản xuất phải quan tâm vì lẽ các ion kim loại là thành phần tự nhiên vốn có trong các nguyên liệu thức ăn và sự loại trừ nó là một điều không thể.

2.4. Tác hại của chất béo bị oxy hóa

Sự ôxy hóa làm giảm tính ngon miệng của thức ăn do nó gây ra sự thay đổi mùi vị rất khó chịu. Thức ăn bị oxy hóa có các gốc aldehyd có mùi ôi khê rất nồng và các gốc acid có mùi chua nồng. Hai thành phần này tích luỹ trong thức ăn làm cho thức ăn bị ôi khê không hấp dẫn thú.

Thức ăn bị oxy hóa làm giảm năng suất vật nuôi, giảm sự sinh trưởng, giảm sự đẻ trứng và cho sữa, tăng chỉ số biến chuyển thức ăn và do đó làm giảm hiệu quả kinh tế. Theo tài liệu của Voreck và Kirch Gessner, 1981 việc đưa chất béo biến chất vào khẩu phần thí nghiệm gà đẻ làm giảm tỷ lệ gà đẻ từ 90% ở lô đối chứng xuống còn 18% ở lô thí nghiệm.

Sản phẩm trung gian như peroxyde giải phóng ra Oxy nguyên tử nên nó oxy hoá rất mau lẹ các vitamin nhạy cảm với oxy làm hư hỏng các vitamin E, A, D, B2, C và caroten trong thức ăn. Vị trí oxy hóa trong phân tử vitamin là ở những chỗ nối đôi, phá huỷ các acid béo thiết yếu.

Khi ăn chất béo bị oxy hóa có thể gây ra ngộ độc thực phẩm: dầu mỡ bị chua hóa thành các peroxide, aldehyd, ceton, và acid… vừa có mùi vừa gây ngộ độc: nôn mửa, tiêu chảy, dị ứng, nổi ban và có thể gây thiếu máu.

Chất béo bị peroxide còn là tác nhân làm hư hỏng các ADN trong tế bào gây ung thư: chất béo bị oxy hóa sinh gốc tự do, gốc tự do tấn công phá hủy thành tế bào, tạo điều kiện cho các chất độc khác xâm nhập vào ADN gây nên ung thư.

Peroxide dễ phản ứng với nhóm –NH2 tự do của Lysine, làm cho Lysine mất tác dụng, đây là một acid amine thường giới hạn trong thức ăn. Peroxide hấp thu vào cơ thể sẽ tấn công oxy hóa thành tế bào gây ra hư hỏng các mao mạch làm cho huyết tương có thể thẩm lậu ra ngoài mô, tích tụ trong xoang bụng, trong bao tim gây ra chứng tích nước ngoài mô. Bệnh này thường thấy trên gia cầm.

2.5. Các phương pháp ngăn chặn sự oxy hoá chất béo

Trong công nghiệp sản xuất thức ăn hỗn hợp, một vấn đề hết sức quan trọng là làm thế nào để bảo quản nguyên liệu thức ăn và thức ăn hỗn hợp không bị oxy hóa, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng thức ăn và tính ngon miệng của vật nuôi. Trong thực tế sản xuất có rất nhiều phương pháp hạn chế sự oxy hoá chất béo của thức ăn như:
  • Bảo vệ bằng các phương pháp vật lý như dùng bao bì kín, đuổi oxy ra khỏi môi trường thức ăn; giữ nguyên hạt khi bảo quản, khi sử dụng mới đem xay nghiền.
  • Bảo quản thức ăn bằng hoá chất chống oxy hoá. Chất chống oxy hoá trong tự nhiên thường gặp như vitamin E, vitamin C, caroten. Chất chống oxy hoá nhân tạo như EMQ (Etoxy-Methyl-Quinolin), BHA (Butyl-Hydroxy-Anizol), BHT (Butyl-Hydroxy-Toluen), PG (Propil-Gallat).
Cần lưu ý chất chống oxy hoá tinh khiết không tan được trong nước, vì vậy muốn phân tán chúng đều trong môi trường thức ăn cần phải hoà tan vào trong dầu farafin lỏng hoặc dầu ăn rồi phun đều lên chất đệm để tạo nên premix, sau đó mới trộn đều vào thức ăn.

Các chất chất chống oxy hố tổng hợp cũng hiệu lực chống oxy hóa cao hơn và rẻ tiền hơn các chất chống oxy hóa tự nhiên, vì thế chúng được sử dụng phổ biến trong công nghiệp chế biến thức ăn gia sc, thức ăn thuỷ sản. Trong dầu mỡ, thức ăn hỗn hợp, bột cá, bột thịt, bột cỏ, premix vitamin đều trộn chất chống oxy hóa để tránh hư hỏng. Với điều kiện nóng ẩm của nước ta, việc sử dụng các chất chống oxy hóa là điều có lợi. Tuy nhiên một trong những khó khăn thường gặp phải là sự phối trộn không đều của các chất chống oxy hóa trong các loại nguyên liệu, thức ăn hỗn hợp.

Bên cạnh việc bảo quản, cần cho thêm ăn đầy đủ vitamin E và Se vì hai chất này khi vào cơ thể sẽ giúp cho cơ thể chống lại sự oxy hóa chất béo rất tốt. Vitamin E ức chế sự hình thành các peroxide trong cơ thể, Se tham gia cấu trúc men peroxidase để phá huỷ các peroxide sinh ra trong cơ thể.

3. MỘT SỐ BIỆN PHÁP BẢO QUẢN THỨC ĂN

Mục đích của việc bảo quản thức ăn là để dự trữ thức ăn trong thời gian dài, vừa chủ động giải quyết nguồn nguyên liệu thức ăn, làm giảm sự tổn thất các chất dinh dưỡng chứa trong đó, vừa góp phần ổn định giá cả thức ăn chăn nuôi. Sau đây là một số biện pháp bảo quản thường được áp dụng:
  • Nguyên liệu thức ăn khi đưa vào kho dự trữ phải được kiểm tra ẩm độ trước. Ở công ty X đã có bảng chi tiết yêu cầu về độ ẩm của nguyên liệu chính và tiêu chuẩn nghiệm thu hàng.
  • Kho bảo quản được xây dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, chống dột. Trong kho có hệ thống làm lạnh, hút ẩm. Nếu kho cao 50-80 cm, tường khô tráng ximăng chống thấm, không nên xây nhà kho gần nơi ao, hồ… quanh kho phải có hệ thống rãnh thoát nước nhanh.
  • Trước khi nhập nguyên liệu, kho cần được dọn vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng như foocmon 2%, dipterex 0,65%, sunfat đồng 0,5% để diệt vi sinh vật nấm mốc gây hại thức ăn. Nếu kho có thức ăn dự trữ cần phải định kỳ diệt côn trùng, nấm mốc.
  • Bảo quản thức ăn trong các xylô hoặc quây bằng cót là tốt nhất, nếu dùng bao tải thì bao phải lành, sạch và được sát trùng.
  • Sắp xếp thức ăn trong kho chứa thành các lô và sử dụng theo thứ tự nhập kho. Mỗi lô thức ăn có thẻ kho riêng, đề tên nguyên liệu, ngày nhập, nơi sản xuất, người nhập. Không để lẫn các nguyên liệu khác nhau trong cùng 1 lô. Nên đặt những nguyên liệu ngũ cốc riêng, thức ăn động vật riêng, phế phụ phẩm công nghệ ép dầu riêng, các loại thức ăn bổ sung khác (bột xương, bột đá) riêng. Premix vitamin, hoặc thuốc bổ sung nên ưu tiên bảo quản trong kho lạnh (vì là hàng quý đắt tiền lại dùng với liều lượng ít).
  • Định kỳ đảo nguyên liệu thức ăn từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
  • Theo dõi tình trạng thức ăn hàng ngày để kịp thời có biện pháp xử lý các hiện tượng như mốc, mọt… Nếu thấy mốc phải phơi, sấy lại. Nếu thấy nguyên liệu và thức ăn thành phẩm bị mọt thì phải xông thuốc diệt mọt. Chú ý nếu sử dụng thuốc diệt mọt thì ít nhất 7 ngày sau mới được dùng thức ăn đó.
  • Phải có sẵn dụng cụ phòng hoả, bình phun thuốc sát trùng. Cần có bể dự trữ nước cách kho 5-10 m để đề phòng hoả hoạn.
  • Lối vào khu vực kho và chế biến phải có hố sát trùng, trong đó có đựng thuốc sát trùng như crezine 3%, nước vôi tôi (nếu không có crezine).
  • Cần phun thuốc chống nấm như acid acetic vào nguyên liệu thức ăn trước khi đưa vào kho dự trữ, không nhập thức ăn được phát hiện kém phẩm chất (mốc, mọt…) không đạt tiêu chuẩn, mất vệ sinh. Đặc biệt cấm nhập các thức ăn từ địa phương có dịch bệnh đã công bố.
  • Các xe và dụng cụ chuyên dùng để vận chuyển bảo quản thức ăn phải được dọn vệ sinh sạch sẽ.

ĐỘ ẨM CỦA THỨC ĂN HỖN HỢP

Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong việc giữ tính ổn định chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có ẩm độ phù hợp thì bảo quản được lâu. Nếu ẩm độ quá cao thì sản phẩm dễ bị mốc trong quá trình bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và năng suất của vật nuôi. Nếu ẩm độ quá thấp, sản phẩm nhẹ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà sản xuất. Thông thường thức ăn hỗn hợp và thức ăn nguyên liệu cất giữ ở trạng thái khô yêu cầu độ ẩm tối đa khoảng 13-14%. Tiêu chuẩn quốc tế quy định độ ẩm yêu cầu là 13%.

Theo tiêu chuẩn của phòng KCS công ty X thì độ ẩm của thức ăn viên cho cá nằm trong khoảng 10-11%, của thức ăn cho heo là 13-14%...
Nguồn: Vetshop VN



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y