Các Bệnh Viêm Não Nguy Hiểm Trên Heo | Vetshop.VN


Các Bệnh Viêm Não Nguy Hiểm Trên Heo

Đăng bởi: | ngày: 1.9.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
PGS-TS Lê Văn Năm
Viêm não nhật bản. Ảnh minh họa
Viêm não nhật bản. Ảnh minh họa

I. Bệnh viêm não nhật bản B ở lợn (Swine Japanese B encephalomyelitis)

1. Giới thiệu bệnh

Bệnh viêm não Nhật Bản B được Fujia phát hiện lần đầu tiên năm 1993 tại Nhật với các hội chứng viêm não ở người và ở lợn. Sau đó bệnh phát hiện ở vùng Viễn Đông, Triều Tiên, Trung Quốc , Malaysia, Hồng Kông, Lào, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma…..

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh gây ra do virus viêm não Nhật Bản B. Virus được xếp vào giống Flavivirus, họ Flavivudae được tách ra từ Togaviridae. Trong giống Flavivirus có 60 thành viên, trong đó có 3 thành viên liên quan đến viêm não Nhật Bản B cho người và động vật gồm:
  • Virus gây bệnh viêm não Nhật Bản B (JEV).
  • Virus gây bệnh “Louping ill”.
  • Virus gây bệnh “Weselbron disease”.
Các kết quả nghiên cứu sinh học cho biết: virus viêm não Nhật Bản B là sợ đơn ARN. Kháng nguyên của virus cũng là protein gồm 3 loại: Envelope- glycol- protein, Non glycosylate protein M8KD và capsid protein C.

Khi sử dụng kháng thể đơn dòng dùng trong các phản ứng ngưng kết hồng cầu, phản ứng trung hòa, phản ứng miễn dịch enzyme, người ta còn thấy các cấu trúc kháng nguyên của virus viêm não Nhật Bản B có liên quan mật thiết với virus gây viêm não ở thung lũng Murray- được gọi là virus Murray Valley, virus viêm não West Nile và virus viêm não Saint Louis. Do đó, cả 3 virus này đều xếp vào nhóm virus viêm não Nhật Bản B.

Ở Malaysia từ tháng 2- tháng 4 /1999 đã xảy ra dịch viêm não cấp làm hàng trăm người chết và hàng triệu lợn mắc bệnh. Các nhà khoa học đã phân lập, giám định được virus gây viêm não Nipah – vùng Malaysia khác với virus viêm não Nhật Bản B về cấu trúc nhưng giống về tính chất gây bệnh.

Với tính chất gây bệnh nguy hiểm của virus viêm não Nhật Bản B ở người và lợn, các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết quả cho thấy :
  • Virus viêm não Nhật Bản B phát triển tốt trong nguyên sinh chất của tế bào các loại động vật có vú, đặc biệt là trong dòng tế bào Vero- tế bào thận khỉ BMR-21, tế bào sợi của não chuột nhắt (L- M). Các dòng tế bào khác nhau trong cơ thể muỗi cũng là môi trường thích hợp cho virus viêm não Nhật Bản B như tế bào C6/36. Gần đây, Katarnath đã thông báo về việc nuôi cấy được virus viêm não Nhật Bản B ở tế bào bạch cầu của nhiều loài động vật có vú.
  • Virus có sức sống trung bình, dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ dưới 60 độ C trong vòng 10 phút, các chất tẩy rửa sát trùng như nước vôi tôi 20%, Formol 1,5- 2%, Pacoma 1/200. Virkon.S, B.K.Vet, 2% của PVP.Iodine 10% đều có khả năng tiêu diệt virus viêm não Nhật Bản B.

3. Đặc điểm dịch tễ

Người và lợn mẫn cảm nhất với virus gây bệnh. Các động vật khác như ngựa, bò, chó, bồ câu, gà, vịt , các loại chim trời thuộc bộ diệp- cò , chuột nhắt, thằn lằn đều có khả năng nhiễm bệnh và mang mầm bệnh, nhưng không phát bệnh.

Bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc trực tiếp, qua thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh, qua tinh dịch và qua côn trùng (muỗi) hút máu..,

Bệnh phát ra ở mọi lứa tuổi, không phụ thuộc vào mùa vụ khí hậu. Nhưng ở đâu có nhiều muỗi Culex thì ở đó có nguy cơ phát bệnh cao.

4. Cơ chế sinh bệnh

Các thực nghiệm gây nhiễm virus viêm não B cho lợn đã chứng minh:
  • Sau khi thâm nhập vào cơ thế lợn, virus nhanh chóng vào máu đến các phủ tạng, chúng phát triển rất mạnh và tăng nhanh về số lượng trong khoảng 12h đến vài ngày. Tại đây, chúng gây ra các tổn thương ở gan, thận, lách, cơ bắp và cuối cùng là các tế bào thuộc hệ thần kinh trung ương bao gồm não bộ, tủy sổng, tế bào thần kinh lưới, đại thực bào, hệ thống hạch lâm ba.
  • Chính vì thế, lợn bị nhiễm virus viêm não B thường bị suy giảm hệ miễn dịch rất nặng. Lợn nái bị nhiễm virus trong thời kỳ mang thai sẽ bị sảy thai hoặc thai nhi mất khả năng tạo miễn dịch, do đó dễ bị chết lưu thai, sảy thai…

5. Triệu chứng lâm sàng

a. Bệnh viêm não Nhật Bản ở lợn con 1- 3 tháng tuổi

  • Thời kỳ ủ bệnh từ 12 giờ đến vài ngày.
  • Lợn bị sốt li bì 41- 41,5 độ C, ít khi lên 42 độ C.
  • Các triệu chứng đặc trưng là rối loạn chức năng của hệ thần kinh. Lợn bệnh hoặc tăng sự hưng phấn kích thích, hoặc rơi vào trạng thái đình trệ.
  • Giảm hoặc bỏ ăn hoàn toàn, nhưng luôn có biểu hiện nôn hoặc phản xạ nôn.
  • Một trong các triệu chứng đặc trưng ở lợn là hiện tượng tích nước, phù nề dưới da rất rõ.

b. Bệnh viêm não Nhật Bản B ở lợn nái và lợn đực giống

  • Lợn nái bị viêm não B luôn có những hội chứng viêm âm đạo, viêm tử cung. Từ âm đạo chảy ra chất dịch nhầy mủ, mùi khó chịu.
  • Ở nái mang thai thì thai nhi bị chết lưu hoạc sảy thai. Nhiều nái chửa chết. Ở Nhật Bản, người ta quan sát thấy có vùng bệnh viêm não B đã gây sảy thai và nái bị chết tới 50- 70%.
  • Lợn con đẻ ra từ những nái này cũng thường bị chết với các biểu hiện điển hình: phù thũng (phù nề) dưới ra, viêm não tủy tích nước.
  • Ở lợn đực giống thường quan sát thấy viêm tinh hoàn cấp, khi kiểm tra tinh dịch thấy có nhiều virus viêm não B.

6. Mổ khám

Ở lơn con 1-3 tháng tuổi:
  • Xoang ngực, xoang bụng chứa nhiều dịch thẩm xuất.
  • Các cơ quan phủ tạng bị viêm thoái hóa. Tích nước, phù nề dưới da.
  • Viêm tích nước ở não tủy.
  • Có vô số xuất huyết điểm trên màng bao các cư quan, phủ tạng.
  • Ở thai nhi, lợn con do sảy thai hoặc đẻ ra thấy phù nề dưới da, viêm tích nước não tủy,, thai chết lưu ở các giai đoạn chửa khác nhau.
Ở lợn nái, nái chửa và lợn đực giống:
  • Viêm âm đạo, tử cung.
  • Thai chết lưu.
  • Viêm tinh hoàn ở lợn đực.

7. Chẩn đoán

Các triệu chứng lâm sàng đặc trưng ở bệnh viêm não Nhật Bản B như lợn bị thần kinh, sảy thai, viêm phần phụ, viêm não ở lợn con không đủ để chúng ta khẳng định bệnh.

Do tính nguy hiểm của bệnh, người ta khuyến cáo nên dùng các biện pháp trong phòng thí nghiệm để khẳng định bệnh như:
  • Phương pháp ức chế ngưng kết hồng cầu.
  • Miễn dịch men
  • Trung hòa virus.
  • Kỹ thuật kháng thể huỳnh quang.
  • Đặc biệt là phương pháp phân lập, giám định virus viêm não Nhật Bản B sẽ cho chẩn đoán chắc chắn.

8. Điều trị

Ở người bị viêm não Nhật Bản B, dùng kháng nhiễm tố alpha A để can thiệp mang lại hiệu quả điều trị tốt. Song alpha A lại không có kết quả trong điều trị viêm não Nhật Bản B ở lợn.

Do tính nguy hiểm của bệnh, nên nếu viêm não B xuất hiện ở lợn thì phải nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch một cách triệt để nhất. Tất cả lợn trong vùng dịch đều phải đem đi tiêu hủy, tiến hành khử trùng tiêu độc nhằm tránh phát tán virus ra khỏi vùng dịch.

9. Phòng bệnh

  • Phải phòng bệnh từ xa: bảo vệ Tổ quốc không có mầm bệnh bằng việc kiểm soát, kiểm dịch tận gốc lợn ngoại nhập ngay từ nơi xuất xứ.
  • Bảo vệ các trang trại chăn nuôi lợn bằng các giải pháp an toàn sinh học, thường xuyên chủ động gửi mẫu đi xét nghiệm virus viêm não Nhật Bản B.
  • Chấp hành tốt các quy định Nhà nước về kiểm dịch, kiểm soát chăn nuôi, giết mổ và chế biến thịt lợn.

II. Bệnh viêm não do virus Nipah ở lợn ( Nipah encephalitis in pig- PRES)

1. Giới thiệu bệnh

Sự lây nhiễm bệnh trên các loài
Sự lây nhiễm bệnh trên các loài
Cuối năm 1998 và đầu năm 1999 tại Malaysia có một bệnh cực kỳ nguy hiểm xuất hiện ở lợn và người với các biểu hiện thần kinh và hô hấp hoặc chết đột tử ở lợn.

Từ tháng 8/1998 đến tháng 5/1999 có 265 người chăn nuôi lợn bị viêm não trong đó có 105 người chết, gây hoang mang cho không những người chăn nuôi Malaysia mà gây sốc cho cả thế giới.

Các kết quả nghiên cứu nhanh chóng cho biết căn nguyên gây bệnh giữa người và lợn là cùng một loại virus thuộc họ Paramyxoviridae và người ta đặt tên là virus Nipah. Nipah là tên địa phương, làng Nipah thuộc bang Negeri Sembilan của Malaysia.

Dựa vào các đặc điểm lâm sang, các nhà khoa học đã đặt tên cho bệnh là “ Hội chứng thần kinh và hô hấp” hoặc “ Hội chứng hô hấp và viêm não lợn Sundron” viết tắt là PRES.

2. Nguyên nhân gây bệnh

  • Như trên đã nêu: virus Nipah gây nên viêm não ở người cũng là virus gây hội chứng thần kinh và hô hấp ở lợn. Đây là một loại virus ARN có vỏ bọc, thuộc họ Paramyxoviridae, tức là liên quan đến tổ tiên virus gây bệnh cúm lợn, cúm gia cầm.
  • Virus phát triển tốt trong các môi trường tế bào đơn dòng như: tế bào thận khỉ xanh châu Phi ( tế bào Vero), tế bào thận chuột (BHK), thế bào lách lợn (PS)…
  • Virus có sức chịu đựng kém trong điều kiện bất lợi của môi trường thiên nhiên. Nhiệt độ cao cà các chất sát trùng thông thường tiêu diệt chúng dễ dàng như Formol 2%, Virkon. S, 2% của Iodine, B.K.Vet, Derosan….

3. Đặc điểm dịch tễ

  • Bệnh do virus Nipah gây ra ở lợn và người tại Malaysia đã thành dịch lớn trải rộng từ bang Perak phía Bắc xuống Negeri Sembilan và Selangor phía Nam của nước này trong thời gian ngắn, chứng tỏ virus có độc lực rất mạnh, khả năng phát tán và gây bệnh cao.
  • Người ta đã phân lập được virus Nipah ở lợn, ở người, chó, mèo, ngựa trong các ổ dịch ở Malaysia. Như vậy người, lợn, chó , mèo, ngựa đều là ký chủ đích của virus.
  • Qua công tác kiểm tra ổ dịch, người ta đã chứng minh được bệnh phát tán nhanh do vận chuyển, buôn bán lớn, nhập lợn mới vào đàn, hoặc dùng tinh của lợn đực nhiễm virus.
  • Các động vật mang virus như chó, mèo, ngựa, các chất thải của lợn bệnh, người chăn nuôi, dụng cụ thiết bị nhiễm bệnh đề là các yếu tố truyền lây. Bệnh lây lan qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường ăn, uống và hô hấp- truyền ngang, hay do tinh trùng lợn đực hoặc náo bị bệnh, virus qua nhau thai lây sang đàn con- truyền dọc.

4. Biểu hiện lâm sàng

Đợt dịch “ Hội chứng thần kinh và hô hấp” (PRES) xảy ra tại Malaysia đã được các chuyên gia thú y quan sát kỹ ngay từ đầu và mô tả như sau:

Các biểu hiện bệnh rất đa dạng tùy thuộc vào lứa tuổi lợn. Song các biểu hiện vẫn tập trung ở hai hệ thần kinh và hô hấp.

a. Ở lợn nái chửa và lợn đực giống

  • Lợn bệnh (nhất là lợn nái chửa) bồn chồn, đầu gục xuống.
  • Co giật hoặc lên cơn cơ giật giống như uốn ván.
  • Nhãn cầu căng, mắt lồi ra.
  • Lợn bệnh (nhất là lợn đực) hay chép miệng hoặc nghiến răng.
  • Liệt cơ hầu, cứng họng, chảy nước bọt dãi, lưỡi thè lè ra ngoài giống như bệnh nhiệt than hoặc phù thũng do E.coli.
  • Nhiều lợn (nhất là lợn đực) chảy nhiều nước dãi thành sợi hoặc thành bọt giống như bệnh LMLM.
  • Mũi chảy nhiều nước, nước mũi lúc đầu trong, sau đỏ lẫn máu hoặc có mủ.
  • Lợn bệnh rất khó thở, thở thể bụng giống như bệnh suyễn.

b. Ở lợn con theo mẹ

Do lợn mẹ ốm nên việc nuôi con không bình thường, lợn sơ sinh bị đói vì không được bú hoặc lợn mẹ bị thiếu sữa nên để đàn con bị đói. Lợn con mắc bệnh có những biểu hiện chủ yếu sau:
  • Sốt cao 41- 41,5 độ C, bồn chồn khó chịu hay chạy lung tung.
  • Sau đó lợn rất yếu chân- bại chân, đi lại không vững.
  • Co giật cơ.
  • Co giật thần kinh- động kinh hoặc nằm li bì.
  • Lợn con rất khó thở do viêm phổi nặng, thở thể bụng giống hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS).
  • Tỷ lệ chết cao lên đến 40%.

c. Ở lợn con sau cai sữa và lợn vỗ béo nuôi thịt hoặc nuôi làm giống

Bệnh xảy ra với các triệu chứng đầu tiên thuộc về viêm phổi. Lợn bệnh rất khó thở, thở nhanh bất thường kèm theo ho khan. Tiếng ho khan giống như chó sủa từng tiếng, ho kèm theo khạc ra máu.

Sau đó không lâu các triệu chứng thần kinh xuất hiện:
  • Lợn run rẩy cà co giật cơ hoặc rung cơ.
  • Chân sau yếu với mức độ khác nhau làm cho lợn bị bán liệt hoặc liệt, què, khi xua đuổi ta thấy rất rõ sự mất phối hợp bước đi hay bước chạy.
  • Khi sờ nắn lợn bị đau toàn thân, nhất là phần sau của cơ thể.
  • Tỷ lệ mắc bệnh rất cao đến 100%. Tuy nhiên tỷ lệ chết lại rất thấp.

5. Bệnh tích mổ khám

Tất cả các lợn chết đều có biến đổi ở phổi và não từ nhẹ đến nặng

Biến đổi đại thể
  • Mức độ đặc chắc ở phổi khác nhau tùy vào từng ca bệnh.
  • Xuất huyết điểm tới xuất huyết tràn lan.
  • Khí quản và phế quản chứa đầy bọt, đôi khi lẫn máu.
  • Mô phổi bị phù nề, sưng ở vách thùy giữa.
  • Não bị xung huyết, phù thũng.
  • Thận cũng thấy xung huyết bề mặt.
  • Các cơ quan nội tạng khác bình thường nếu như không bị bệnh thứ phát.
Biến đổi vi thể: Bệnh tích chính ở phổi là viêm phổi kẽ kèm theo xuất huyết từ nhẹ đến rất nặng
  • Có sự thâm nhiễm tế bào khổng lồ trong nội mô mạch máu phổi.
  • Toàn bộ mạch máu phổi bị viêm xuất huyết, hoại tử tạo fibrin cùng với sự xuất hiện và thâm nhiễm vô số bạch cầu đơn nhân dẫn đên hiện tượng tắc mạch. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tích nước ở ổ phổi, thiếu sự lưu thông và tạo nhiều bọt, để lâu tạo ra ổ áp xe mủ.
  • Màng não và dây thần kinh bị viêm không gây mủ là bệnh tích đặc trưng của bệnh PRES.

6. Chẩn đoán

Bệnh dễ dàng chẩn đoán qua các số liệu dịch tế, biểu hiện lâm sàng và bệnh lý học.

Tuy nhiên, cần phải dùng các phương pháp phòng thí nghiệm để xác định chắc chắn bệnh PRES, các phương pháp đó là:
  • Phân lập virus Nipah.
  • PCR- phản ứng chuỗi polymeraza.
  • Trung hòa virus (SNT)
  • ELISA cho kết quả tốt.

7. Điều trị

Đây là bệnh lây lan sang người gây viêm não rất nặng, do đó không chỉ định điều trị mà phải áp dụng phương pháp tiêu hủy triệt để, khử trùng tiêu độc khẩn cấp.
  • Các chất dùng trong tiêu độc tốt nhất là Formol 2%, 2% của Iodine 10%...
  • Cấm tuyệt đối lưu thông lợn và sản phẩm lợn bệnh ra vùng bên ngoài.



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y