Bệnh Ký Sinh Trùng Leucocytozoon Trên Gia Cầm, Thủy Cầm | Vetshop.VN


Bệnh Ký Sinh Trùng Leucocytozoon Trên Gia Cầm, Thủy Cầm

Đăng bởi: | ngày: 20.7.13 Bình luận cho bài viết! | In bài này
Lê Văn Năm

I. Giới thiệu bệnh:

Đây là bệnh ký sinh trùng của rất nhiều loài gia cầm, thủy cầm và hoang cầm do một loại đơn bào có tên Leucocytozoon gây ra (Leucocytozoonosis). Căn nguyên ký sinh trong các tế bào máu (Hồng cầu, bạch cầu và đại thực bào) và trong các tế bào nội mô thuộc các cơ quan gan, lách, thận, phổi, tim, ruột, dạ dày cơ, dạ dày tuyến, buồng trứng, ống dẫn trứng và não bộ….(1,2,3).
Hình Leucocytozoon smithi trong tiêu bản máu.
Hình Leucocytozoon smithi trong tiêu bản máu.

Bệnh được Ziemam phát hiện từ năm 1898, căn nguyên gây bệnh đã được Berestneff phân lập, phân loại và xếp hạng vào năm 1904, đến năm 1908 được Sambon khẳng định lại.

II. Căn nguyên gây bệnh:

Leucocytozoon thuộc lớp nguyên sinh động vật đơn bào ( Protozoa) , ký sinh chủ yếu trong các tế bào máu ( Haemospororina) thuộc typ trùng roi – Apicomplexa, họ Plasmodidae (1).Đến nay người ta đã phát hiện ra 67 chủng và 34 đồng chủng Leucocytozoon, có khả năng gây bệnh cho trên 100 loài gia cầm, thủy cầm và hoang cầm "Flallis et al (4)". Trong đó phổ biến nhất là Leucocytozoon simondi, L. smithi, L. caulleryi, L. sabrezi, L. shoutedeni, L. andrewsi….
Ở gia cầm và hoang cầm thường bị nhiễm L. caulleryi, L.sabreri, L.andrewsi, L.shoutedeni…

Ở thủy cầm và hoang cầm sống dưới nước, hoặc vừa sống dưới nước vừa sống trên cạn thường hay bị nhiễm L. simondii, L.smithi, L.anatis, L.anseris…Có một số thông tin bệnh Leucocytozoon hoàn toàn có thể lây sang người và gây chết người.

2.1 Hình thái, cấu trúc của Leucocytozoon.

2.1.1 Kích thước:

Trong suốt quá trình phát triển đến hết giai đoạn sinh sản vô tình tự nhân đôi, Leucocytozoon có kích thước 12-14µm, đây là những ký sinh trùng có kích thước vào loại vừa phải. Sau khi chuyển sang giai đoạn sinh sản hữu tính tức là khi trở thành giao tử đực, cái, và hợp tử ký sinh trong các tế bào máu thì chúng có kích thước trung bình 20μm - 45 μm. Trong các tế bào nội mô, tế bào lưới và trong đại thực bào khi chúng ở thể phân lập thế hệ cuối (thế hệ 3) nhất là sau khi chúng hình thành các hợp bào (Megaloschizont) thì kích thước có độ dài đến 400 μm.

2.1.2 Hình thái và cấu trúc:

Về cấu trúc: Leucocytozoon là đơn bào nguyên sinh động vật có cấu trúc phức tạp nhưng không có gì đặc biệt so với các loại đơn bào khác.Về hình thái: chúng thay đổi phụ thuộc vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển.

Khi ở thể phân lập schizont chúng thường có hình tròn hoặc hình trứng, nhưng khi biến thành các giao tử thì hầu hết chúng có hình tròn hoặc elip, giao tử đực (Microgametocyte) nhỏ hơn giao tử cái (Macrogametocyte).

Giao tử đực có nhân bắt màu hồng nhạt, giao tử cái bắt màu đỏ thẫm. Dưới kính hiển vi giao bào và hợp bào luôn nằm 1 bên sát vỏ tế bào, lệch một bên nhân tế bào của ký chủ. Trong nhiều trường hợp người ta thấy có 2 chủng cùng ký sinh trong 1 tế bào ký chủ, lúc đó ta phải hiểu rằng gia cầm thụ cảm đã nhiễm 2 chủng Leucocytozoon cùng 1 lúc – Đây cũng là đặc điểm nổi bật của Leucocytozoon.

2.2 Chu trình phát triển sinh học của Leucocytozoon

Chu trình phát triển sinh học của chúng gồm 2 giai đoạn chính là:

Vòng đời của Leucocytozoon smithi.
Vòng đời của Leucocytozoon smithi.

2.2.1 Giai đoạn phát triển trong cơ thể vật chủ trung gian truyền bệnh .

Vật chủ trung gian truyền bệnh được các nhà khoa học xác định gồm các con dĩn, mạt gà, muỗi, ruồi đầu đen…chúng là những loại côn trùng hút máu sống trong chuồng, xung quanh chuồng gia cầm hoặc ký sinh ngay trên da của gia cầm và được gọi là vectơ truyền bệnh.

Quá trình phát triển của Leucocytozoon ở giai đoạn này xảy ra ngay trong cơ thể của vectơ truyền bệnh. Đây là giai đoạn hình thành bào tử nang (Sporogony) và giai đoạn này kết thúc trong vòng 3-4 ngày . Vì trong máu của gia cầm bệnh đã có sẵn các giao tử đực và cái, hoặc hợp tử của Leucocytozoon, nên ngay sau khi hút máu bệnh các tế bào máu chứa mầm bệnh đã bị dịch tiêu hóa của côn trùng làm tan vỏ và giải phóng ra các giao tử và các hợp tử. Chúng nhanh chóng bám vào thành dạ dày và chui vào các tế bào niêm mạc dạ dày ruột, ở đó chúng bắt đầu phát triển thành bào tử nang (oocyst). Toàn bộ quá trình này chỉ xảy ra trong vòng 12h kể từ thời điểm côn trùng hút máu bệnh lần cuối.

Trong mỗi bào tử nang bắt đầu sinh trưởng và phát triển thành 4 thoi trùng (Sporozoite). Các thoi trùng này nhanh chóng lớn lên và di hành đến cư trú trong tuyến nước bọt của vectơ truyền bệnh. Chỉ có các thoi trùng này mới có khả năng truyền bệnh. Côn trùng truyền bệnh cho gia cầm thụ cảm thông qua việc hút máu của gia cầm bệnh và đào thải nước bọt kèm theo thoi trùng gây bệnh vào cơ thể gia cầm khác. Như vậy kể từ khi côn trùng hút máu bệnh lần cuối đến lúc có khả năng truyền bệnh cho gia cầm phải mất 18 ngày. Đây là khoảng thời gian cần phải làm sạch côn trùng truyền bệnh mới có khả năng chống tái nhiễm bệnh.

2.2.2 Giai đoạn phát triển của Leucocytozoon trong cơ thể gia cầm thụ cảm.

Quá trình hình thành thể phân lập ( Schizogony): Ngay sau khi thoi trùng theo nước bọt của vectơ truyền bệnh xâm nhập vào cơ thể gia cầm, chúng lột xác để thành các thể phân lập trung gian (Merozoit), các thể phân lập trung gian này bám ngay vào các tế bào máu (Hồng cầu, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu đa nhân) đại thực bào và tế bào lưới để theo máu di hành khắp nơi trong cơ thể. Từ đây chúng phát triển theo 2 hướng:

Hướng thứ nhất: Chúng chui vào và ký sinh trong các tế bào máu để sinh trưởng và phát triển theo phương thức tự nhân đôi để tạo ra thể phân lập thế hệ 1 (Schizont 1). Các schizont thể hệ 1 này lớn lên nhanh chóng và tiết ra một chất làm tan hồng, bạch cầu – chất đó gọi là chất kháng hồng cầu (anti-erythrocyte). Dưới tác động cơ học do nhiều thể phân lập đã sinh ra trong mỗi hồng cầu, bạch cầu và dưới tác động của chất kháng hông cầu , một số lượng lớn hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng ra nhiều thể phân lập thế hệ 1, đây là nguyên nhân dẫn đến thiếu máu, tăng haemobilirubin, máu trở nên loãng và nhớt hơn, khó đông hơn. Các thể phân lập thế hệ 1 (Schizont -1) lập tức tấn công và ký sinh tiếp vào các tế bào máu mới, chúng lớn lên và lại tự nhân đôi để hình thành thể phân lập thế hệ 2 (Schizont -2) và tiếp tục như vậy chúng hình thành thể phân lập (Schizont -3) thì dừng lại và bắt đầu hình thành các giao tử ( Gametocyte). Giao tử đực có kích thước nhỏ gọi là microgametocyte và giao tử cái có kích thước lớn hơn gọi là macrogametocyte. Kết thúc giai đoạn sinh sản vô tính và bắt đầu giai đoạn phát triển mới sinh sản hữu tính (Gametogony).

Giai đoạn sinh sản hữu tính xảy ra trong các tế bào hồng cầu và bạch cầu. Giao tử đực chui vào giao tử cái để thụ tinh và hình thành ra hợp tử. Hợp tử được bọc bởi cùng một màng và được gọi là bào tử, có kích thước trung bình 14.5 x 5.5 μm. Sau đó chúng phát triển thành các bào tử hình thoi, có kích thước lên đến 45 μm.Chỉ có các bào tử trùng này mới có khả năng lây truyền bệnh thông qua côn trùng hút máu gia cầm bệnh và truyền thoi trùng gây bệnh cho gia cầm chưa bị bệnh.

Hướng thứ hai: Sau khi các thoi bào được các tế bào máu di hành khắp các nơi trong cơ thể, một phần của chúng cư trú tại các cơ quan gan, lách, thận, dạ dày tuyến, dạ dày cơ, ruột non, phổi buồng trứng, ống dẫn trứng và não bộ. Tại đây chúng lột xác và chui vào ký sinh trong các tế bào nội mô, tế bào lưới và đại thực bào của các cơ quan kể trên của gia cầm thụ cảm. Trong các tế bào đó chúng bắt đầu sinh trưởng, lớn lên và sinh sản theo phương thức tự nhân đôi ( Schizogony) làm vỡ nát các tế bào của các cơ quan nội tạng của ký chủ. Để bù lại các tế bào bị phá hủy, cơ thể huy động khả năng phục hồi bằng sự kích thích quá trình tăng sinh, làm cho hầu hết các cơ quan nội tạng của gia cầm đều trở nên phì đại (sưng to), dòn xốp và dễ dập vỡ, đặc biệt dễ nhận thấy ở gan, lách, thận, phổi…Trong quá trình bù đắp sự tăng sinh đó chúng ta quan sát được một hiện tượng rất phổ biến của bệnh do Leucocytozoon là sự hình thành các hợp bào (Syncytium) tức là tế bào cực đại chứa nhiều nhân, trong đó có chứa thể phân lập của 1-2 chủng Leucocytozoon có kích thước lớn lên đến 45μm và người ta gọi chúng là thể phân lập gan (Hepatic schizont). Các hợp bào đó ngay lập tức bị các đại thực bào của cơ thể gia cầm tấn công và tiêu diệt nhằm loại thải chúng ra khỏi cơ thể. Tiếc rằng kết quả lại ngược lại, các hợp bào đã biến đại thực bào chứa thể phân lập gan thành các thể phân lập cực đại được gọi là megaloschizont với kích thước lên đến 400μm làm tắc nghẽn các mao mạch của nhiều cơ quan nội tạng nhất là ở phổi, buồng trứng, ống dẫn trứng, sau đó là gan, lách, thận, ruột non, dạ dày tuyến, dạ dày cơ và bằng cách này chúng tạo ra các nốt sần trắng hoặc các điểm hoại tử làm cho cấu trúc và chức năng của các cơ quan kể trên bị phá hủy.

Để tiếp tục phát triển trong mỗi Megaloschizont hình thành ra 2 thể phân lập trung gian Merozoit, chúng lớn lên và rời khỏi Megaloschizont, rời khỏi tế bào cơ quan của ký chủ và chui vào các tế bào máu để ký sinh trong các tế bào máu và quá trình phát triển được tiếp tục lặp lại như đã mô tả ở hướng 1- kết thúc giai đoạn sinh sản vô tính trong các tế bào nội mô thuộc các cơ quan nội tạng của gia cầm thụ cảm.

III. Đặc điểm dịch tễ:

Số lượng chủng loại gia cầm thụ cảm Leucocytozoon lên đến trên 100 loài. Bệnh rất phổ biển trên toàn thế giới không chỉ ở gia cầm mà còn quan sát được bệnh có thể lây cho 1 số động vật xương sống khác kể cả con người. Vì thế bệnh được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu.

Ở Việt Nam bệnh đã được C.K.Sự và cộng sự (6) phát hiện và mô tả năm 1973 ở miền Nam, nhưng từ đó cho đến nay bệnh chưa một lần nào được ai nhắc tới.

Tuy nhiên trong 3 năm qua (2009-2010-2011) Lê Văn Năm đã thấy bệnh đã xuất hiện trở lại và hiện nay đang rất phổ biến ở các địa phương có chăn nuôi gà thả vườn như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Tây cũ (Hà NộI). Tại một số địa phương này bệnh được quan sát thấy ở hầu hết các đàn gà nuôi thả vườn với tỷ lệ chết dao động 40-70% (những đàn không được điều trị) gây thiệt hại vô cùng to lớn cho người chăn nuôi.

Trên thế giới bệnh thường xảy ra theo chu kỳ 1,2,3 hoặc 4 năm 1 lần vào các tháng 2-7. Ở miền Bắc Việt Nam, Lê Văn Năm đã ghi nhận trong suốt 3 năm qua bệnh thường xuất hiện ngay sau tết Nguyên đán, bệnh nặng dần lên các tháng 3,4,5 dương lịch, rồi giảm dần vào các tháng tiếp theo 6,7,8 và hầu như rất ít xảy ra vào các tháng 9,10,11,12,1 trong năm.

Tóm lại bệnh mang tính chu kỳ rõ rệt phụ thuộc vào mùa sinh sản và phát triển của côn trùng hút máu truyền bệnh. Ở miền Bắc nước ta bệnh xuất hiện hàng năm vào mùa xuân hè.

Mọi lứa tuổi gia cầm và thủy cầm đều có thể bị nhiễm căn nguyên, tuổi gia cầm càng cao thì bệnh xảy ra càng nặng, nhưng mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào chủng căn nguyên, số lượng căn nguyên xâm nhập vào cơ thể ký chủ và ẩm độ của thời tiết hoặc của chuồng nuôi.

Trong mỗi cơ thể gia cầm có thể bị nhiễm 1 hoặc nhiều chủng Leucocytozoon khác nhau, chủng nhiễm trước không ngăn cản chủng nhiễm sau.

Đến nay chưa có thông báo nào nói về sự khác nhau nhiễm và bị bệnh giữa gia cầm trống và mái.

Gia cầm khỏi bệnh vẫn mang mầm bệnh trong cơ thể của nó hơn 1 năm nữa và trở thành nguồn dịch nguy hiểm nhất. Các loại chim hoang, chim ăn thịt có thể mang trùng đến vài năm mà không bị bệnh cũng là nguồn bệnh tiềm tàng.

Tại thời điểm này (3/2011 đến 5/2011) Lê Văn Năm đã quan sát được 7 đàn vịt ở Bắc Giang, 5 đàn vịt ở Phú Bình (Thái Nguyên) cũng bị nhiễm bệnh do Leucocytozoon. Nhưng theo tác giả này thì bệnh gây ra ở vịt nói riêng và ở thủy cầm nuôi nói chung không nặng nề và chưa phổ biến bằng bệnh này ở gà.

IV Triệu chứng lâm sàng:

Do phạm vi bệnh rất rộng trên nhiều loại gia cầm, thủy cầm và hoang cầm với nhiều biểu hiện phong phú, cho nên chúng tôi chỉ giới thiệu những biểu hiện lâm sang mang tính đặc trưng nhất.

Thời kỳ ủ bệnh rất khác nhau phụ thuộc vào thể bệnh kéo dài từ 7-11 ngày ở thể quá cấp và cấp tính, nhưng có thể kéo dài đến 19 ngày hoặc dài hơn nữa ở thể dưới cấp và thể mãn tính…

Bệnh có 4 thể biểu hiện phụ thuộc vào :
  • Độ độc lực và số lượng chủng căn nguyên xâm nhập vào cơ thể gia cầm thụ cảm.
  • Tuổi gia cầm thụ cảm, tuổi càng cao bệnh càng nặng, Năng suất giống càng cao thì gia cầm càng dễ phát bệnh
  • Phương thức chăn nuôi, chăn nuôi tập trung dễ bị bệnh hơn chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi thả vườn dễ bệnh hơn chăn nuôi trong chuồng khép kín kiểm soát được tiểu khí hậu và côn trùng.
  • Điều kiện vệ sinh chăn nuôi thú y, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, công tác tiêu độc, khử trùng, côn trùng ruồi muỗi, mạt, dĩn… có tác động lớn đến đặc điểm dịch tễ và biểu hiện lâm sàng.
  • Bệnh sẽ nặng thêm nếu độ ẩm không khí chuồng nuôi cao, nhiệt độ giảm thấp, mưa kéo dài dầm dề.

4.1 Thể quá cấp:

Trong suốt thời gian ủ bệnh gia cầm bị sốt cao nhưng vẫn ăn uống bình thường, nên người chăn nuôi hầu như không để ý hoặc quan sát thấy điều bất thường.

Bệnh bỗng dưng bùng phát lẻ tẻ khi gặp các yếu tố stress bất lợi với các triệu chứng điển hình: đột nhiên ho hoặc hắt hơi tái nhợt mào, tích, rồi ộc máu ra miệng, mũi đôi khi ra cả hậu môn rồi chết, có 1 số khác lại lừ đừ buồn ngủ hoặc bị sốc thần kinh: nhảy xốc lên, rơi xuống nền dãy dụa trong khoảnh khắc rồi cũng lăn ra chết. Cả 2 trường hợp nêu trên đều do dập vỡ gan hoặc xuất huyết não bởi sự phát triển quá mạnh các hợp bào (Megaloschizont) trong các cơ quan đó. Khi mổ khám những gà chết này chúng ta thấy ngay mào tích trắng bệch hoặc loang lổ, chỗ tái nhợt, chỗ tím bầm. Gan, lách, thận to phì đại, gan bị dập vỡ và trong ổ bụng có nhiều máu loãng chưa đông hoặc chậm đông. Một số khác não bị phù nề và xung huyết hoặc xuất huyết.

Số gà chết như mô tả trên không xảy ra ồ ạt, nhưng cứ tăng dần qua mỗi ngày. Nếu không được chuẩn đoán đúng và điều trị kịp thời tỷ lệ chết sẽ rất cao.

4.2 Thể cấp tính:

Đây là thể bệnh phổ biến nhất và gắn liền với khí hậu mưa phùn dầm dề tạo điều kiện tốt cho sự sinh sôi nảy nở của ruồi, muỗi, dĩn và những côn trùng hút máu khác.

Ở miền Bắc nước ta bệnh được Lê Văn Năm quan sát thấy ở gà từ 3 tuần tuổi trở lên. Những gà càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh (đến một năm tuổi).
  • Lúc đầu chỉ thấy một tỷ lệ nhỏ gà có thể biểu hiện sốt cao, mào thâm tái sau vài ngày trở nên trắng bệch, khi cắt tiết gia cầm bệnh để khám xét ta thấy ngay máu rất loãng, chậm và khó đông.
  • Gà ốm giảm ăn, ngại đi lại, hoặc đi không vững, gà bị tiêu chảy với màu sắc phân lung tung, lúc xanh lẹt, lúc xanh vàng, lúc vàng nâu, lúc xanh trắng.
  • Gia cầm ốm gầy sút nhanh, yếu dần và rất khó thở, chúng thở khò khè, đôi khi phải ngáp dài để hít khí. Nếu độ ẩm của thời tiết và của chuồng nuôi quá cao thì gà ốm càng khó thở và rất dễ chết, tuy nhiên gà chết không ồ ạt, mà chết lác đác, lẻ tẻ, nhưng tăng dần qua mỗi ngày. Lúc đấu chúng chỉ chết vào ban đêm, về sau chết vào bất cứ lúc nào trong ngày, tỷ lệ chết lên đến 70%. Triệu chứng hen thở sẽ phức tạp hơn nếu gà bệnh bị bội nhiễm CRD, CCRD, CI…
  • Ở gà đẻ trứng: triệu chứng thường thấy là: giảm không những sản lượng mà trọng lượng riêng của mỗi quả trứng cũng giảm rõ rệt – trứng đẻ ra nhỏ bé hơn bình thường rất nhiều, có cả trứng vỏ mềm dễ vỡ hoặc ngược lại vỏ rất dầy.
Khi đưa trứng của những đàn bệnh này vào ấp ta thấy giảm mạnh tỷ lệ phôi, giảm tỷ lệ nở và số gia cầm mới nở bị chết yểu trong 3-5 ngày đầu chiếm tỷ lệ rất cao.

4.3. Thể dưới cấp:

Đây là thể bệnh được chuyển sang từ thế cấp tính ở những gà có sức chịu đựng tốt hoặc ở gia cầm trên một năm tuổi. Bệnh thường thấy ở gia cầm đang đẻ tốt nhất – tức tỷ lệ đẻ cao nhất. Và người ta thường thấy thể dưới cấp xảy ra ở thủy cầm, hoang cẩm hơn là ở gia cầm nuôi trên cạn.

Gia cầm bệnh sốt cao, giảm ăn, tiêu chảy loãng phân vàng xanh, xanh lẹt hoặc xanh trắng. Các triệu chứng ho hen nổi lên rất rõ và ngày càng nặng khi điều kiện thời tiết và chuồng trại bị ẩm thấp gia cầm bệnh gầy dần rồi chết, chúng chết rải rác và kéo dài, tỷ lệ chết ngày càng tăng qua mỗi ngày là nét đặc trưng của bệnh. Tổng số gia cầm chết dao động khoảng 30-40%.

4.4 Thể mãn tính hay còn gọi là thể mang trùng.

Đây là thể bệnh thường gặp ở chim hoang hoặc ở gia cầm sống sót đã khỏi bệnh, hoặc ở những gia cầm, thủy cầm được chăn nuôi quảng canh và bị nhiễm Leucocytozoon với số lượng ít, độc lực không cao…

Bệnh có những biểu hiện không rõ ràng, gia cầm vẫn ăn uống bình thường, đôi khi giảm ăn tức thời rồi lại ăn uống bình thường, kèm theo là sự rối loạn tạm thời về tiêu hóa và bài tiết, các biểu hiện ủ rũ hoặc động kinh hoặc đi lại không vững đều mang tính chất ngắt quãng, gia cầm bệnh thiếu máu, không lanh lợi…tỷ lệ chết không đáng kể, nhưng chúng mang mầm bệnh trong nhiều năm là nguồn bệnh tiềm tàng và nguy hiểm nhất.

V. Bệnh tích

5.1 Biến đổi đại thể

Bệnh tích đại thể rất điển hình và được quan sát thấy trong nhiều cơ quan nội tạng.
  1. Gan sưng to phì đại, mềm nhũn và dễ vỡ, trên bề mặt gan thấy nhiều điểm trắng đây là kết quả của các thể phân lập gan tạo nên các hợp bào làm gan to, dòn, xốp và làm tắc nghẽn các mao mạch dẫn đến xuất huyết tràn lan thậm chí bục vỡ mao mạch gây vỡ gan, chảy máu vào xoang bụng.
  2. Lách : sưng rất to, dòn và dễ vỡ giống như ở gan. Trên bề mặt lách có nhiều điểm xuất huyết hoặc hoại tử.
  3. Thận : sưng to lồi rõ lên, rìa thận bị xuất huyết, trên bề mặt cũng thấy nhiều điểm trắng, đây là các điểm tăng sình chứa nhiều hợp bào cực đại (Megaloschizont).
  4. Buồng trứng và ống dẫn trứng: buồng trứng bị viêm, thoái hóa, ống dẫn trứng sưng dầy lên và có nhiều điểm xuất huyết hoặc các nốt sần trắng do tăng sình chứa nhiều hợp bào cực đại tạo nên.
  5. Tim: tim to, cơ tim bị dầy lên nhưng lại bị giảm trương lực, nên trở nên mềm nhão, đôi khi ta thấy có nhiều nốt sần trắng trên bề mặt.
  6. Phổi : Phổi bị xung huyết nặng và có nhiều điểm vàng trắng do hợp bào cực đại gây tắc nghẽn các mao mạch.
  7. Ruột non, dạ dày tuyến, dạ dày cơ đều viêm tăng sình và dầy lên, đôi khi thấy các điểm hoại tử hoặc ổ loét.
  8. Não: cũng bị các đại hợp bào gây tắc nghẽn các mao mạch, nên bị phù nề hoặc và bị xung, tụ xuất huyết, tuy nhiên trong thực tế sản xuất bệnh tích ở não ít được các nhà chuyên môn mổ khám.
Tóm lại: Các biến đổi đại thể bệnh do Leucocytozoon gây ra là rất điển hình. Tuy nhiên không phải trong 1 gia cầm bệnh ta thấy đầy đủ các biến đổi nêu trên, thông thường ta thấy các biến đổi phổ biến ở gan, lách, thận hoặc gan, lách và buồng trứng hoặc gan, lách, phổi, thận. Vì thế cần phải mổ khám nhiều gia cầm bệnh để có đầy đủ một bức tranh về bệnh.

5.2 Biến đổi vi thể:

Dưới kính hiển vi cấu trúc của các tế bào máu bị phá vỡ bởi sụ chèn ép của các giao tử và hợp tử. Trong các nội mô thuộc các cơ quan nội tạng kể cả não bị thoái hóa và hình thàh nhiều hợp bào.

VI. Chẩn đoán:

6.1 Chẩn đoán thông qua các đặc điểm dịch tễ, lâm sang và bệnh tích đại thể

Bệnh do Leucocytozoon dễ dàng được chẩn đoán thông qua các đặc điểm dịch tễ, lâm sang và bệnh tích đại thể. Riêng thể ẩn bệnh mang trùng hoặc dưới cấp tính cần tiến hành phết máu trên phiến kính rồi nhuộm theo phương pháp của Romanovski để soi dưới kính hiển vi, ta sẽ thấy các giao tử đực, giao tử cái, các hợp tử có trong các tế bào máu, nếu có thể thì làm tiêu bản vi thể gan, lách, não xem biến đổi đặc trưng và các hợp bào chứa nhiều nhân .

6.2 Chẩn đoán phân biệt:

  • Bệnh Marek: Các biến đổi gan, lách, thận, phổi, …. thể u tăng sình của bệnh Marek rất giống với các biến đổi của bệnh do Leucocytozoon, tuy nhiên bệnh Marek không có các biển đổi này ở gà dưới 45 ngày tuổi và trên một năm tuổi. Bệnh Marek không có ở thủy cầm, ít khi gặp ở hoang cầm
  • Bệnh Leucoz: Thể u tăng sình của bệnh Leucoz cô trong gan, lách, buồng trứng và ống dẫn trứng cũng rất giống thể tăng sình ở bệnh do Leucocytozoon. Tuy nhiên ở gà dưới 6 tháng tuổi bệnh Leucoz rất ít gặp, khi xét nghiệm cấu trúc vi thể ta thấy 2 bức tranh biến đổi của 2 bệnh hoàn toàn khác nhau. Các tế bào u của bệnh Leucoz gồm các tế bào đơn nhân, đơn hình thái.
  • Bệnh sốt rét gà: Các biểu hiện về dịch tễ và lâm sàng như sốt cao, run rẩy, tiêu chảy phân xanh, giảm ăn, gầy rộc, chết rải rác và ngày càng tăng, của bệnh sốt rét rất giống các biểu hiện này của bệnh do Leucocytozoon. Nhưng khi mổ khám gà bệnh hoặc gà chết do sốt rét ta không thấy các biến đổi đặc trung của bệnh do Leucocytozoon, gan của bệnh sốt rét có màu xanh đen hoặc đen, kích thước nhỏ hơn bình thường, túi mật căng chứa đầy mật.
  • Bệnh cũng cần phân biệt với các bệnh ký sinh trùng khác do Haemoproteus, Trypanosoma, Sarcocystes, Toxoplasma…

VII. Điều trị và kiểm soát bệnh:

7.1 Điều trị:

Bệnh dễ dàng điều trị khỏi theo 1 trong 2 cách sau:
Cách 1: Cho 100 kg P gà ăn và uống:
- T.Cúm gia súc 20g
- T.Coryzin 15g ngày dùng 4-5 ngày là khỏi
- Supervitamin 15g
Cách 2 : Cho 100kg P ăn và uống:
- Anti-gum 20g
- Cầu ký-100 (Anti-Protozon) 15 - 20g
- Doxyvit thái 20g

Cả 3 loại thuốc trên trộn thức ăn và pha nước uống trong 1 ngày, dùng liên tục 4-5 ngày bệnh sẽ khỏi.

Trong thực tế hiện nay bệnh ký trùng máu thường bị bội nhiễm và ghép với bệnh viêm gan-ruột thừa truyền nhiễm (bệnh đầu đen), và nhiều trường hợp không thể phân biệt được về mặt biểu hiện lâm sàng và bệnh tích mổ khám. Do đó chúng ta phải tiến hành phác đồ điều trị tổng hợp cả 2 bệnh cùng một lúc như sau:
          - T. cúm gia súc 20g
          - T. Coryzin 15g
          - T. Flox.C 15g
Cả 3 loại thuốc trên trộn cả trong thức ăn và pha nước uống cho 100kg gia cầm/1ngày dùng liên tục 4,5 ngày là khỏi.

7.2 Phòng bệnh và kiểm soát bệnh:

Nếu đàn gia cầm bị bệnh ta phải phun thuốc muỗi để diệt côn trùng hút máu trước và ngay sau đợt điều trị. Sau đó nên dùng 2% Temephos để tiêu diệt ấu trùng của vectơ truyền bệnh.

Sau khi bệnh được chữa khỏi phải tiếp tục dùng Anti-Protozol với liều 0.015% - 0.025% trong thức ăn để phòng bệnh. Thuốc dùng liên tục 1 tuần nghỉ 1 tuần rồi tiếp tục lặp lại cho đến khi gà được 3 tháng tuổi thì mỗi tháng dùng 3-5 ngày thuốc.

Hàng tuần phải duy trì phun thuốc chống ruồi, muỗi, dĩn, mạt gà và các côn trùng hút máu khác. Phải phát quang cây cỏ, thông cống rãnh để thoát nước nhanh, chuồng trại dùng chăn nuôi luôn phải giữ khô ráo. Sân chơi phải cuốc xới và rắc vôi bột thường xuyên, chất thải phải được xử lý bằng cách ủ và trát bùn….

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Dick J.1978 Leucocytozoon smithi: Persistence of gametocytes in peripheral Turkey blood. Avian Dis. 22: 82-85.
2. Levine N.D.1973. Protozoan parasites of domestic animal and of man. 2nd ed.Burgess: Mineapolis. MN.
3. Lee, J.J.etal 1985 A III unstated guide to the protozoa, Society of protozoologis. Alen press, ine; lowrence. KS
4. Fallds et al. 1974. On species of Leucocytozoon. Adv. Parasitol 12: 1-67
5. Lund E.E. 1972 Orther protozoon disease… Disease of Poultry, 6th ed.Lowa sate University press Ames IA, 990-1046.
6. HSU. C.K. GR. Campbeil and N.D.Levine 1973. A.checklist of the species of the genus Leueocytozoon. J. Protozool 20. 195-203.
7. Jones. J.E; B.D. Barnett and Solis. 1972 The effect of Leucocytozoon smithi infection on production, Fertility, and Hatchability of broad breasted white turkey . Poultry Sci. 52: 543-545



Đăng ký nhận bài viết qua Email!

In bài nàyIn bài này Tải xuống dạng PDFTải định dạng PDF


Bản tin mới nhất

Download Tài Liệu CN-TY

 
Trang chủ | Về đầu trang ↑
Vetshop.VN® được thành lập năm 2013
Bản tin chăn nuôi | Chăm sóc chó mèo | Chẩn đoán bệnh | Bệnh trên heo | Bệnh chó mèo | Bệnh gà | Bệnh trâu bò
Thuốc thú y | Dụng cụ chăn nuôi | Thiết bị thú y | Tài liệu chăn nuôi thú y |
Quy trình chăn nuôi | Kỹ thuật thú y | Nuôi thú cưng | Thiết bị chuồng trại | Dụng cụ thú y | Kỹ thuật chăn nuôi | Sách chăn nuôi thú y